Friday, June 19,
2015 7:18:39 PM
BỈ (NV) - Hôm Thứ Sáu, đại sứ Bỉ ở Moscow được
triệu đến Bộ Ngoại Giao Nga để nhận lời phản đối chính thức sau khi tòa án Bỉ
ra lệnh tịch thu tài sản của nhà nước Nga trong biện pháp liên quan đến vụ án về
công ty dầu khí Yukos hiện nay không còn hoạt động. Chính quyền Nga nói rằng vụ
tịch biên tài sản “là hành động thù địch” và “vi phạm thô bạo luật quốc tế.”
Trước đó Pháp cũng
đã có hành động tương tự. Hai nước Tây Âu này thi hành phán quyết Tháng Bảy năm
ngoái của tòa án trọng tài quốc tế The Hague, rằng Nga phải bồi thường cho các
cổ đông của công ty dầu khí Yukos, và các cổ đông ấy bây giờ đòi hỏi họ phải được
nhận khoản tiền $50 tỷ.
Năm ngoái Bộ Tài
Chính Nga tuyên bố phán quyết của tòa The Hague chỉ “một phía” và “thiên vị
chính trị,” Nga sẽ kháng cáo và “trông đợi có kết quả công bằng.” Tuy nhiên cho
tới nay mọi chuyện vẫn ở nguyên trạng, chưa có hướng phân xử nào khác. Giới luật
sư bình luận rằng nếu Nga không chấp nhận phán quyết, có thể xảy ra việc tịch
thu tài sản của Nga ở nước ngoài, và việc ấy bây giờ đang xảy ra.
Truyền thông Nga
cho biết 47 doanh nghiệp Bỉ và Nga đăng ký hoạt động tại khu Brussels đã được
thông báo hôm Thứ Tư rằng họ phải nộp một danh sách những tài sản của Nga mà họ
sở hữu, trong vòng 15 ngày.
Theo hãng tin Nga
Interfax, khoản địa ốc trị giá $1.9 tỷ của Nga trên lãnh thổ Bỉ sắp bị tịch
biên. Còn theo AFP, Pháp cũng đã tịch thu tài khoản của nhà nước Nga trong 40
ngân hàng cùng với các bất động sản, cả thảy từ 8 đến 9 tòa nhà, Chủ tịch một
chi nhánh ngân hàng Nga, VTB, ông Mikhail Zadornov, nói với đài Rossiya-24 rằng
toàn bộ tài khoản của các công ty Nga “đã bị đóng băng” hôm thứ Tư và chỉ có
tài khoản ngoại giao thoạt đầu cũng bị phong tỏa nhưng rồi được mở lại
Tỷ phú Mikhail
Khodorkovsky, chủ tịch Yukos, công ty dầu khí lớn nhất ở Nga, năm 2003 bị bắt
và bị truy tố các tội danh lừa đảo, trốn thuế, cùng nhiều vi phạm khác. Năm
2006 Yukos khai phá sản và năm 2007 bị giải tán. Một tập đoàn công ty quốc
doanh Nga thâu tóm Yukos, sáp nhập vào Rosneft, một công ty của giới thân cận với
Tổng Thống Vladimir Putin. Tòa trọng tài quốc tế ở Hòa Lan cho rằng các quan chức
Nga đã dùng thủ đoạn pháp lý đẩy Yukos vào tình trạng đó nhằm chiếm đoạt tài sản.
Một bản thông cáo
đăng trên trang mạng của Bộ Ngoại Giao Nga yêu cầu Bỉ “đảo ngược quá trình tịch
biên tài sản,” nếu không, chính quyền Nga sẽ có biện pháp “nhắm vào chính sứ
quán Bỉ hoặc các quan chức của họ ở Nga,” Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng
“Nga cùng những cơ quan đại diện Nga trong tiến trình này sẽ dùng mọi khả năng
luật pháp để biện hộ.”
Sau 10 năm trong
nhà tù Nga, ông Khodorkovsky, được Tổng Thống Putin ân xá tháng 12 năm 2013 và
hiện sống tại Thụy Sĩ, tuyên bố hoan nghênh các quyết định của tòa án Bỉ và
Pháp. Theo lời ông, “thật là tuyệt” khi các cổ đông “có cơ hội tìm lại tài sản”
và ông mong sẽ nhìn thấy số tiền từ các tài sản đó đi vào những “dự án có ích
cho xã hội Nga.”
Công ty GML, từng
là cổ đông lớn nhất của Yulkos, đứng đơn kiện xin thi hành án lệnh của tòa trọng
tài quốc tế. Luật sư bên nguyên nói ngoài việc làm cho Yukos phá sản, Nga còn
bán tài sản của Yukos cho các doanh nghiệp nhà nước vì mục đích chính trị. Ông
Tim Osborne, giám đốc của GML, một công ty cổ phần do năm cổ đông lớn của Yukos
thành lập, hôm Thứ Năm cho biết tiến trình thu giữ tài sản Nga cũng được tiến hành
ở Anh, Mỹ và sẽ tới nhiều quốc gia khác. Ông nói rằng việc làm này dễ dàng với
luật lệ tại Pháp và Bỉ trong khi chờ đợi kết quả tranh chấp về bồi thường của
Yukos. Biện pháp ở Bỉ khởi sự hôm Thứ Năm trong khi ở Pháp đã thi hành từ khoảng
hai tuần lễ trước.
Theo lời ông: “Nga
không trả lại tiền cho chúng tôi, do đó chúng tôi chỉ còn cách nhờ tới pháp luật.”
Ông giải thích thêm rằng đây mới chỉ là biện pháp phong tỏa tài sản: “Chúng tôi
chưa lấy của họ cái gì. Chúng tôi chỉ ngăn chặn họ sử dụng.”
Luật gia Florian
Otto của công ty tư vấn Maplecroft, không tin rằng Nga sẽ đồng ý trả tiền “vì
điều này có thể được xem như thừa nhận việc thu giữ tài sản của Yukos là phi
pháp - một quan điểm mà Ðiện Kremlin không bao giờ chấp nhận.”
Bộ Ngoại Giao Nga
yêu cầu Bỉ “có biện pháp tức thời khôi phục quyền sở hữu của Liên Bang Nga,” bảo
đảm hoạt động bình thường của các tổ chức Nga và những thực thể hợp pháp của
Nga tại Bỉ. Ông cảnh cáo Brussels có thể phải đối mặt với “những biện pháp trả
đũa thích đáng” đối với tài sản của Bỉ ở Nga, bao gồm tài sản thuộc về Ðại Sứ
Quán Bỉ ở Moscow.
Bộ trưởng Phát Triển
Kinh Tế Nga, Alexei Ulyukayev, cho biết số tiền của Nga bị phong tỏa tại Pháp
và Bỉ “không đáng kể,” nhưng chính phủ của ông coi những vụ tịch thu này là bất
hợp pháp và sẽ thách thức.
Thứ trưởng ngoại
giao Nga, Vasily Nebenzya, nói với hãng tin Interfax: “Nga đang xem xét vụ này.
Thời gian sẽ cho biết câu trả lời của chúng ta,” và nhấn mạnh thêm: “Nên hiểu rằng
những hành động như thế sẽ gặp phản ứng đáp trả.”
Bộ Ngoại Giao Bỉ giải
thích rằng việc thu giữ những tài sản là do thừa phát lại tòa án, không có sự
can dự của chính quyền, tuy nhiên Moscow bác bỏ lập luận này.
Vụ tranh tụng pháp
lý Yukos là thêm một căng thẳng trong sự đối đầu giữa Nga với Tây Phương về cuộc
khủng hoảng Ukraine với nhiều biện pháp trùng phạt và cấm vận còn đang tiếp diễn.
Ngoại Trưởng Sergei Lavrov nói rằng ông không là người tin chuyện gì cũng có âm
mưu, nhưng việc Tây Phương phong tỏa tài sản xảy ra đúng vào lúc Nga đang tổ chức
hội nghị Diễn Ðàn Kinh Tế Quốc Tế tại Saint Petersburg, bắt buộc phải hoài nghi
về ý đồ gây rắc rối trở ngại.
Tuy nhiên phát biểu
trước Diễn Ðàn hôm Thứ Sáu, Tổng Thống Vladimir Putin không đề cập tới chuyện ấy
và bày tỏ những lời lẽ hòa hoãn. Ông nói: “Nga luôn luôn mở cửa với thế giới và
sự hợp tác của chúng tôi với những trung tâm phát triển kinh tế toàn cầu mới
không có nghĩa rằng chúng tôi kém quan tâm đến sự đối thoại và cộng tác cùng
các đối tác Tây Phương truyền thống.”(HC)
No comments:
Post a Comment