Friday, 5 June 2015

RFI ĐIỂM BÁO NGÀY 5-6-2015 : Những khẩu đại bác của quyền lực Trung Quốc (Thụy My - RFI)





RFI ĐIỂM BÁO NGÀY 5-6-2015 :
Thụy My  - RFI
Đăng ngày 05-06-2015 

Bài phân tích trên nhật báo Le Monde mang tựa đề « Những khẩu đại bác của quyền lực Trung Quốc » nhận định, Trung Quốc chưa bao giờ trưng ra bộ mặt một cường quốc tự tin như thế.

Tác giả Alain Frachon cho rằng, dường như các nước đều đang gặp khó khăn. Hoa Kỳ tìm kiếm tăng trưởng vững chắc, Châu Âu thì chỉ cần có tăng trưởng, Trung Đông đang xâu xé, Châu Phi gượng dậy trong hỗn loạn và nỗi đau…Nhưng Trung Quốc, người khổng lồ oai vệ thì lại tiến bước, dửng dưng với những biến cố trong nội bộ, như không gì có thể ngăn nổi một sự cất cánh hiển nhiên.

Trong những ngày gần đây, Bắc Kinh đã thắng điểm được khá nhiều. Định chế đa phương mà Trung Quốc vừa thành lập dù Hoa Kỳ hoàn toàn không ủng hộ - Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á, mà các đồng minh Châu Âu của Mỹ vội vã muốn gia nhập – vừa họp hội nghị đầu tiên.

Cũng mới cách đây vài tuần, Tập Cận Bình đã tái khởi động « Con đường tơ lụa » với lời hứa tăng cường đầu tư. Trung Quốc vốn chưa bao giờ lệ thuộc vào thương mại quốc tế như thế, đã thiết lập những liên hệ đường biển và đường bộ, trong tương lai sẽ nối liền với Trung Á, Châu Âu và Trung Đông. Tác giả ví von, như vậy Trung Quốc sẽ đến với chúng ta cả bằng cách đi bộ, đi xe lửa lẫn đi tàu biển.

Đảo nhân tạo : Bắc Kinh khiêu khích người Mỹ

Hiếm khi Bắc Kinh trưng ra hình ảnh một cường quốc quá tự tin như thế. Tại Biển Hoa Đông, Bắc Kinh công khai thách thức Washington. Ở Biển Đông, Trung Quốc bồi đắp lấn biển, chuyển đổi các đảo đá ngầm và rạn san hô thành những hòn đảo thực sự ; bất chấp các nước láng giềng cũng đòi chủ quyền như Việt Nam, Philippines…Những cơ sở hạ tầng vững chắc được xây dựng, từ cảng nước sâu, phi đạo cho máy bay tiêm kích cho đến giàn radar…Bắc Kinh khẳng định thuộc chủ quyền của mình, láng giềng thì tố cáo dùng vũ lực để áp đặt chuyện đã rồi.

Le Monde nhắc lại, lần đầu tiên hôm 28/5 Mỹ loan báo phát hiện hai khẩu pháo trên một hòn đảo nhân tạo Trung Quốc. Một sự khiêu khích chăng ? Các nước láng giềng lên tiếng muốn được Mỹ bảo vệ. Hoa Kỳ với sự hiện diện của Đệ thất hạm đội, đòi tự do hàng hải tại Biển Đông, đáp trả bằng cách duy trì tuần tra bằng phi cơ và chiến hạm. Hồi giữa tháng Năm, suýt nữa thì đã xảy ra sự cố.

Bài xã luận của Financial Times hôm 1/6 viết, tại Thái Bình Dương « chậm chạp nhưng chắc chắn, Trung Quốc và Hoa Kỳ đang trên đường đối đầu nhau ». Chuyên gia về Trung Quốc François Godement của European Council on Foreign Relation cho rằng « Bắc Kinh khiêu khích Mỹ », khiến Mỹ phải « bước ra tuyến đầu » dù không muốn.

Trung Quốc đặt cược vào « chính sách kiềm chế chiến lược » của chính quyền Obama để tránh bị Hoa Kỳ trả đũa thực sự, muốn cho các nước trong khu vực thấy là nay Mỹ không còn đảm bảo an ninh tại Thái Bình Dương như trước nữa.

Bàn tay sắt của Tập Cận Bình

Hôm 26/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) « tăng điểm tín nhiệm » cho Bắc Kinh cho rằng dù không phải là ngoại tệ chuyển đổi được, đồng nhân dân tệ không còn bị đặt dưới giá trị thật. Điều này nằm trong chủ trương chuyển hướng mô hình tăng trưởng sang dựa trên tiêu thụ, chứ không chỉ từ đầu tư và xuất khẩu. Thật ra cũng không dễ dàng : tỉ lệ tăng trưởng năm nay không thể đạt 7% mà chỉ khoảng 6,4%. Ngân hàng Trung ương buộc các ngân hàng thương mại phải cho cả những công ty hoạt động không hiệu quả vay tiền, và hiện tượng vốn đầu tư chảy ra nước ngoài vẫn tiếp tục.

Từ hai năm qua, Tập Cận Bình đã chứng tỏ quyền uy cả trong nước lẫn ngoài nước. Trong một Trung Quốc toàn cầu hóa, ông ta cao giọng rao giảng những luận điệu vốn đã dân tộc chủ nghĩa đến cực độ. Mượn danh chống tham nhũng, Tập Cận Bình trừ khử tất cả các đối thủ thực sự hay tiềm năng. Lo sợ sự tương phản quá mức trong một nền kinh tế đang cải cách, vừa tạo ra của cải vừa gây thêm bất bình đẳng ; hay một « xã hội dân sự » háo hức trước những làn gió mới bên ngoài ? Tập Cận Bình bóp nghẹt tất cả phong trào đối lập, biện minh bằng « chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Quốc ».

Từ sau khi thời đạo Mao chấm dứt, Trung Quốc chưa bao giờ trong tình cảnh bị siết chặt đến thế về an ninh và ý thức hệ. Dự luật an ninh quốc gia vừa được công bố gồm cả chống lại « những giá trị phương Tây » và « ảnh hưởng nước ngoài ». Tập Cận Bình bị ám ảnh bởi sự sụp đổ của Liên Xô, cũng là cơn ác mộng của ông Gorbachev. Theo François Godement, ông Tập vừa muốn « hiện đại hóa Nhà nước độc đảng » hay chính xác hơn là « tái khẳng định quyền lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước ».

Cũng theo chuyên gia Godement, chủ trương của Tập Cận Bình: « Chấp nhận chủ nghĩa cá nhân, xã hội tiêu thụ và một số biện pháp tự do hóa nền kinh tế, miễn là không đụng chạm đến Nhà nước độc đảng ». Đó là những nghịch lý của « Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc ».

Nga toan viết lại lịch sử « Mùa xuân Praha »

Nhìn sang châu Âu, thông tín viên Le Monde tại Praha trong bài « Khi Matxcơva viết lại lịch sử ‘Mùa xuân Praha’ » mai mỉa, việc tuyên truyền đôi khi cũng nguy hiểm. Các công cụ của ông Putin vừa học được bài học đó, khi cho chiếu trên kênh truyền hình lớn nhất của Nga một phim tài liệu nhằm biện bạch cho việc Liên Xô cho xe tăng sang Tiệp Khắc càn quét phong trào dân chủ tại đây.

Theo phóng sự « Hiệp ước Vacxava, tàng thư được giải mật » chiếu trên kênh truyền hình công Rossiya 1 hôm 23/5, việc gởi Hồng quân đến thủ đô Tiệp Khắc thời đó là cần thiết « để ngăn trở NATO lật đổ chính phủ hợp pháp ở Praha ».

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cộng hòa Sec lập tức tuyên bố đây là « lời nói dối », tố cáo « mưu toan viết lại và giả mạo các sự kiện lịch sử đau thương ». Bộ Ngoại giao Sec và Slovakia đều cho triệu mời đại sứ Nga đến để « yêu cầu giải thích » và « bày tỏ sự phẫn nộ trước sự diễn dịch sai lầm » các sự kiện năm 1968. Cho dù có những bất đồng, hai nước đã đoàn kết lại để bảo vệ các di sản của Mùa xuân Praha.

Công luận ở Cộng hòa Sec và Slovakia, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của bộ máy tuyên truyền Nga với những chi nhánh hùng mạnh trong truyền thông và internet, đã phản ứng mạnh mẽ trước việc viết lại lịch sử của Matxcơva. Những người tương đối lớn tuổi nhớ lại thời đó, mùa hè năm 1968, người dân đã mong mỏi trong tuyệt vọng NATO sẽ can thiệp để cứu vãn phong trào dân chủ non trẻ.

Nên hay không nên duy trì tình trạng sống thực vật ?

Nhật báo công giáo La Croix chú ý đến « Những vấn đề đạo đức trong vụ Lambert », khi hôm nay Tòa án Nhân quyền Châu Âu ra phán quyết về số phận của Vincent Lambert. Bệnh nhân 32 tuổi này sống đời thực vật từ năm 2008 sau một tai nạn giao thông, mà một phe là người vợ và sáu anh chị em muốn kết thúc các biện pháp y tế duy trì sự sống, còn bên kia là cha mẹ Vincent Lambert và hai anh chị em khác nhất quyết phản đối.

Sau tai nạn, Vincent Lambert bị hôn mê sâu và sau đó hồi phục đôi chút, trong trạng thái « ý thức tối thiểu ». Hiện nay anh có thể tự thở mà không cần máy móc, được nuôi bằng các ống truyền chất dinh dưỡng, có thể cười, khóc, thức, ngủ và phản ứng với môi trường xung quanh, nhưng không thể tự chủ động biểu lộ ý muốn.

Trong bài xã luận « Từ một trường hợp riêng lẻ cho đến toàn cầu », cho rằng quyết định của Tòa án Nhân quyền Châu Âu về vụ Vincent Lambert vẫn chưa thể làm chấm dứt cuộc tranh luận về vấn đề này.

Trường hợp Vincent Lambert tượng trưng cho sự bất định thậm chí chia rẽ giữa các định chế, ngành y và ngành luật. Dù trong trạng thái thực vật, cần phân định rõ ranh giới giữa sự sống và cái chết, tính dễ tổn thương, chăm sóc y tế…Theo tờ báo, trường hợp cá nhân này đã nêu lên các vấn đề mang tính toàn cầu hiện đang không ngừng tranh cãi : cái chết không đau. Chỉ riêng ở Pháp, có 1.700 người đang trong tình trạng tương tự, và phán quyết của Tòa án Nhân quyền Châu Âu hôm nay sẽ trở thành án lệ.

Trang nhất báo Pháp

Trang nhất nhật báo Le Figaro hôm nay dành cho đề tài « Bầu cử tổng thống : Phe Xã hội muốn ông Valls ra ứng cử thay vì ông Hollande ». Trong lúc đảng Xã hội chuẩn bị mở đại hội, 76% những người ủng hộ đòi hỏi có bầu cử sơ bộ để chọn ra ứng cử viên.

Libération chạy tựa « Những chiến thắng thông qua Edward Snowden ». Hai năm sau khi tiết lộ chương trình giám sát quy mô của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA), cựu nhân viên Snowden hiện đang tị nạn tại Nga, đã thổ lộ tâm tư trên một diễn đàn của Amnesty International, mà tờ báo cánh tả Pháp là một trong những tờ được đặc quyền trích đăng.

Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde chạy tựa « Nguyên tử : Nhà nước giải thể Areva, EDF hưởng lợi ». Trước việc tập đoàn Areva bị lỗ nặng, điện Elysée hôm thứ Tư 3/6 đã loan báo nhượng lại cho tập đoàn điện lực Pháp một phần lớn hoạt động lò phản ứng hạt nhân và như vậy EDF sẽ trở thành đơn vị dẫn đầu lãnh vực nguyên tử Pháp. Les Echos quan ngại trước « Hàng loạt cú sốc trên thị trường tài chính », khi thị trường trái phiếu trải qua hai biến động lớn trong vòng một tháng qua.







No comments:

Post a Comment

View My Stats