Friday, 19 June 2015

Một cựu tù chính trị người sắc tộc Jarai bị công an bắt giữ (Gia Minh - RFA)





Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2015-06-19

Một cựu tù chính trị người sắc tộc Jarai ở Tây Nguyên bị cơ quan chức năng bắt giữ hơn một tuần qua. Lý do được những người cùng địa phương cho biết vì cách đây mấy tháng đã đi thăm một số cựu tù chính trị người Việt từng quen biết nhau trong tù ở dưới miền xuôi.

Lý do bị bắt

Người bị bắt có tên A Lư ở tại thôn Plei Rbai, xã Iapiar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Công an địa phương đang giam giữ ông theo như lời của một người sắc tộc Jarai khác cho biết vào ngày 18 tháng 6 như sau:

“Bị tạm giữ hơn chục ngày nay rồi, mười mấy ngày rồi. Gia đình vào gặp thì không gặp được. Bạn bè trong đó cho biết ông A Lư già rồi và bị cán bộ trong đó tra tấn nên đi đứng không được.
Ông bị bắt là do đi thăm bạn ở Hải Phòng, ở Hà Nội.”

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết việc ông A Lư biết tin, rồi liên lạc với nhà văn này sau khi ông mãn hạn tù vào năm ngoái. Chính nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa vì hiểu hoàn cảnh khó khăn, chật vật của gia đình cựu tù nhân chính trị A Lư nên đã mời ông này ra Hải Phòng để gặp gở và giúp dở. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa trình bày:

“Qua nghe thông tin trên đài báo thấy tôi trả lời phỏng vấn, ông A Lư đã liên lạc với tôi. Ông ấy thổ lộ tình trạng của gia đình ông ấy bị đói; từ khi ông ấy mãn hạn tù về thì không có công ăn việc làm, rồi mất mùa nên gia đình không có gạo ăn.
Tôi không thể chuyển tiền vào trong đó vì rất khó khăn. Người ta ngăn cấm họ nhận tiền, bưu phẩm và tất cả mọi thứ qua đường bưu điện nên tôi không thể gửi tiền cho ông ấy qua đường bưu điện được. Do đó vợ chồng tôi thống nhất mời ông ấy ra bắc để thăm anh em; và thứ hai nữa quyên góp để gửi cho vợ chồng ông ấy một khoản tiền để cứu đói.
Thực ra chúng tôi cũng giữ kín chuyện của ông ấy và dặn về thôn không nên thông báo với ai cả. Nhưng không hiểu sao công an huyện Phú Thiện họ biết và đã bắt giam ông ấy, đánh đập ông ấy tàn tệ trong mấy ngày vừa rồi.”

Sau khi vợ chồng ông A Lư thăm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng xong đã lên Hà Nội và tại đó gặp hai cựu tù nhân lương tâm khác là luật sư Nguyễn Văn Đài và Phạm Văn Trội để thăm nhau. Luật sư Nguyễn Văn Đài kể lại:

“Ông ta ở trại giam Nam Hà, ở đó có ba Khu A, B và C. Trong đó hai khu A và C giam tù chính trị. Tôi bị giam ở khu A, ông A Lư bị giam ở khu C cùng anh Phạm Văn Trội và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.
Sau này nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa có mời ông ra ngoài bắc để chơi, thăm anh em ngoài này. Sau khi thăm anh Trội và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa thì ông có lên Hà Nội thăm tôi tại Nhà thờ Tin Lành Hà Nội. Ở đó anh em cũng cầu nguyện với nhau và có giúp đở cho ông một chút để đi lại đở khó khăn; nhưng không hiểu vì sao khi trở về thì an ninh ở Gia Lai lại điều tra và bắt ông ta.”

Nhận định của bạn tù

Người dân tộc hiểu rõ tình cảnh của gia đình ông A Lư cho biết lại việc ông này bị kết án và đối xử của chính quyền địa phương các cấp đối với những thành phần cựu tù chính trị như ông này:

“Giấy ra trại nói ‘phá hoại sự đoàn kết’ nhưng ông theo đạo ( Tin Lành) và đòi tự trị Tây Nguyên. Ông bị đi cải tạo 7 năm. Giờ ông hết quản chế lâu rồi nhưng nói là hết quản chế vậy thôi chứ mang tội đó thì cả đời không thể hết được! Vì hết tỉnh rồi đến huyện, huyện đến xã, xã đến làng, đến thôn, bản đi đâu cũng không cho đi. Không thể đi đâu được nên mấy bữa ( trước) đi Hà Nội nên bị họ kêu bắt lại nữa.”

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cũng cho biết nhận xét của ông về ông A Lư trong thời gian bị giam chung ở Khu A, trại giam Nam Hà:

“Lúc ấy tôi bị giam chung với khoảng 80 người anh em dân tộc Tây Nguyên. Họ đòi đất đai, nhà cửa và lén lút thờ tự đạo Tin Lành. Sau đó họ bị bắt và qui vào nhiều tội rất vô lý. Trong tất cả những người anh em Tây Nguyên đó thì tôi bị giam chung với ông A Lư. Ông ấy làm tổ trưởng của tôi, tính tình rất hiền lành, rất chăm chỉ. Thực ra người Tây Nguyên rất lễ phép với cán bộ và ông A Lư là một trong những người như vậy. Lúc nào cũng thưa gửi, lúc nào cũng có những từ như ‘báo cáo’. Tôi cũng nói anh ta là không cần phải ‘trịnh trọng’ như vậy đâu, nhưng anh ấy nói đối với cán bộ, đối với tất cả mọi người tôi đều cung kính như nhau cả.”

Gia cảnh

Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết cuộc sống của những gia đình người sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên bị kết án tù vì có những hành vi phản kháng đối với hành xử của chính quyền từ những năm 2001 và sau đó là vô cùng khó khăn, cơ cực.

Những bà vợ tù phải gánh vác công việc nương rẫy nặng nhọc để nuôi các con, và có trường hợp phải nuôi cả cha mẹ chồng già yếu. Trong khi đó họ lại bị phân biệt đối xử.

Nếu có những người khác biết hoàn cảnh của họ mà rộng lòng giúp đở chút ít để phụ gia đình cũng như đi thăm nuôi người tù thì đều bị chính quyền, an ninh địa phương đàn áp.

Luật sư Nguyễn Văn Đài thuật lại:

“Năm 2012 sau khi ra tù, tôi có giúp đỡ cho một số gia đình tù nhân, thân nhân một số tiền để họ có tiền gửi vào tù vì khi ở trong tù tôi chứng kiến cuộc sống của những người tù Ê đê, Jarai rất khó khăn, gian khổ. Hầu như thân nhân không có thăm hỏi, hay gửi quà cho họ thường xuyên. Nếu chỉ ăn tiêu chuẩn cúa nhà tù không thôi thì họ không thể nào chịu đựng được cho đến hết án vì án của họ rất dài từ 7 năm cho đến 18 năm.

Sau đó an ninh ở Dak Lak phát hiện ra chuyện đó và đã tra tấn, sách nhiễu, đánh đập vợ của những người tù đó trong suốt một thời gian rất dài để ép buộc họ phải viết giấy tố cáo tôi cho họ tiền để chống lại chính quyền. Nhưng họ, những người vợ của tù nhân, không thừa nhận như vậy và nói người ta giúp đỡ tiền cho việc học hành, quần áo, thuốc men rồi còn một chút gửi vào trại cho chồng. Đây hoàn toàn vì mục đích nhân đạo, chứ không có mục đích chống phá nhà nước ở đây.”

Cũng theo nhiều tù nhân chính trị người Kinh như nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, luật sư Nguyễn Văn Đài, các thanh niên Công giáo Nghệ An… đã mãn án cho biết thì hầu hết những tù nhân chính trị người sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên hay Tây bắc là những tù mồ côi. Đó là những tù nhân không được gia đình thăm nuôi vì thân nhân của họ bên ngoài cũng quá khó khăn, cực khổ.








No comments:

Post a Comment

View My Stats