Friday, 5 June 2015

Góp ý với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên về Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (Lê Xuân Khoa)





Được đăng ngày Thứ sáu, 05 Tháng 6 2015 19:47

Hội thảo ra mắt Dự án ngày 30 tháng Năm, 2015

Tôi vì vấn đề sức khỏe không tham dự được buổi hội thảo quan trọng ngày hôm nay, nên xin gửi đến ban tổ chức một số ý kiến đóng góp vào cuộc thảo luận này. Tôi phát biểu với tư cách của một cá nhân độc lập, không thuộc một đảng phái chính trị hay một tổ chức cộng đồng nào. Ngay từ ngày đầu tiên trở thành công dân Mỹ gần 35 năm trước, tôi cũng vẫn chưa bao giờ ghi danh gia nhập đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ. Ngày nay, ở tuổi 87, tôi càng không có ý muốn hay khả năng đảm nhận một trách nhiệm chính trị nào.

Tôi cũng xin nói ngay rằng tôi không có ý định phát biểu quan điểm của tôi về nội dung triết lý của dự án chính trị “Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai” do Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN) cho ra mắt ngày hôm nay. Tôi hoàn toàn đồng ý là trong cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước, cần phải có sẵn một dự án chình trị làm cơ sở cho sứ mệnh vực dậy đất nước và con người từ tình trạng bị hủy hoại, tụt hậu về mọi mặt trở thành một quốc gia dân chủ và phát triển trong khu vực và cộng đồng thế giới. Tôi cũng cám ơn THDCĐN đã biên soạn một dự án chính trị tâm huyết và hoan nghênh thiện chí của Tập Hợp “muốn trao đổi “trong tinh thần tương kính” với những người quan tâm đến tương lai của Việt Nam về một dự án chình trị mà tổ chức đã dày công suy nghĩ trong nhiều năm qua và “cập nhật công phu nhất với nhiều sửa đổi quan trọng nhất.”

Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng trong một buổi sinh hoạt vài tiếng đồng hồ, tài liệu quan trọng này có thể được thảo luận một cách đầy đủ để có thể đạt được sự đồng thuận cần thiết (dù chỉ trong số người tham dự buổi hội thảo này) khả dĩ tiến đến một tổ chức xã hội với một kế hoạch hành động toàn diện cho thời gian sắp tới. Công việc này là cả một quá trình chuẩn bị cần được tham khảo với nhiều người, dù không cần phải thật nhiều. Vì vậy, tôi đề nghị anh Nguyễn Gia Kiểng chỉ nên trình bày tóm lược bản dự án chính trị này như một bản dự thảo cần được mọi người đọc kỹ, suy nghĩ và góp ý sau này. Cũng vì vậy, trừ trường hợp ban tổ chức có ý định và có khả năng thuyết phục các tham dự viên chấp thuận toàn bộ dự án vào cuối phiên họp này, ban tổ chức nên tập trung cuộc thảo luận vào nhu cầu thực tế là làm sao tiến đến một hình thức tổ chức thích hợp và hữu hiệu. Như vậy, buổi họp mới có hi vọng đem lại kết quả cụ thể.

Cho đến nay, vấn đề liên kết và hợp tác giữa những cá nhân hay đoàn thể trong cộng đồng người Việt hải ngoại đã nhiều lần được đặt ra và cũng đã có một số nỗ lực thực hiện nhưng không thành. THDCĐN, thành lập năm 1982, có lẽ là một tổ chức lâu năm nhất, nhiều suy tư và hoạt động bền bỉ nhất nhưng vẫn chưa trở thành một tổ chức có thực lực ở hải ngoại, có ảnh hưởng đến nhân dân trong nước và được quốc tế biết đến.  Bởi thế, cần phải khách quan tìm hiểu các nguyên nhân để có thể vượt qua các trở ngại một cách thích hợp. Tôi thành thật tin rằng nguyên do chính khiến cho mọi nỗ lực liên kết và hợp tác của những nhóm thiện chí bị thất bại là đầu óc nghi ngờ, đố kỵ lẫn nhau và khuynh hướng độc tôn về chủ trương và phương pháp làm việc.

Tôi không nghĩ rằng “chúng ta đã rất thiếu tư tưởng chình trị” nhưng tôi đồng ý với THDCĐN là chúng ta “đã không đầu tư đủ suy nghĩ để nhìn rõ những vấn đề trọng đại đặt ra cho mình và để tìm ra hướng giải quyết.” Tôi cũng đồng ý là “chúng ta cần khẩn cấp một bước nhảy vọt về tư tưởng chính trị để nhanh chóng đạt tới đồng thuận trên nhũng giá trị nền tảng mới cho tổ chức xã hội.” Trong bài viết hồi tháng Sáu 2014 (Việt Nam: cơ hội cuối cùng và những bước đột phá cần thiết), tôi cũng đã nhấn mạnh đến những bước đột phá (hay nhảy vọt) cần thiết của nhân dân trong nước và cộng đồng ở nước ngoài để thưc hiện hai nhiệm vụ cấp bách là bảo vệ tổ quốc và thực thi dân chủ. Tôi rất mừng khi thấy THDCĐN nhắc nhở “bài học dứt khoát là phải từ bỏ óc độc quyền lẽ phải, chế ngự lòng đam mê để đối thoại và thỏa hiệp với nhau trong tinh thần tương kính.” Một lần nữa, tôi muốn thêm: cần xóa bỏ lòng đố kỵ và  ngờ vực lẫn nhau.

Tóm lại, mọi người Việt Nam trong và ngoài nước cần vượt lên khỏi những khuyết tật tâm lý và đạo đức do quá khứ phong kiến, thực dân và cộng sản đã tạo thành một nếp sống trong xã hội Việt Nam. Chúng ta cần thực thi dân chủ, tôn trọng nhân quyền ngay giữa chúng ta đối với nhau thì mới có thể xây dựng sức mạnh dân tộc đánh bại Trung Quốc xâm lược và phá bỏ chế độ độc tài toàn trị. Đó là trách nhiệm lịch sử của toàn dân đối với hàng trăm thế hệ cha anh đã đổ bao núi xương song máu để gìn giữ quê cha đất tổ.

Trước nguy cơ mất nước và Hán hóa trầm trọng chưa từng thấy trong lịch sử, với thù trong giặc ngoài như hiện nay, dự án chính trị của THDCĐN, đúng như tên của tổ chức, đã chú trọng vào nền tảng tư tưởng và phương đấu tranh dân chủ hóa đất nước. Dự án có nói đến nhu cầu hội nhập với các nước dân chủ để được giúp bảo vệ độc lập và chủ quyền, nhưng tôi nghĩ rẳng không đủ. Dự án cần dành riêng một phần về sách lược đối ngoại, đặc biệt đối với Trung Quốc, không thể chỉ bàn đến một cách lẻ tẻ rời rạc trong các phần khác.  Ngay cả trong phần IV, dưới một tiểu đề về chính sách đối ngoại, dự án cũng chỉ có một trang để nói tổng quát về chính sách hòa bình và hợp tác với các nước trong đó chỉ có một đoạn về Trung Quốc, chủ trương “giải quyết trong tinh thần hữu nghị những tranh chấp về lãnh hải và hải đảo để mở đầu một giai đọan hợp tác thực sự lành mạnh” và “. . . chúng ta cần chứng tỏ một thái độ khiêm tốn, hòa nhã nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên lãnh thổ vùng biển và các hải đảo.”  Thật là quá vắn tắt và thiếu sót về hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ, ASEAN và các nước dân chủ để sinh tồn và phát triển, chiến thuật nhu đạo ngoại giao (dĩ nhu thắng cương) đối với những mưu toan đô hộ và đồng hóa của lãnh đạo Bắc Kinh.

Như đã nói ở trên, tôi không có ý định thảo luận về chi tiết của dự án chính trị của THDCĐN ngay trong buổi hội thảo này. Tôi thấy rằng mọi người cần có thì giờ suy nghĩ để góp ý và trao đổi hữu ích trong tiến trình tham khảo. Bởi vậy, để phiên họp đạt được kết quả cụ thể, tôi xin nhắc lại đề nghị của tôi gồm mấy điểm chình sau đây:

1.     Anh Nguyễn Gia Kiểng tóm lược nội dung bản dự án chính trị, nhấn mạnh vào những điểm then chốt cần được mọi người góp ý;

2.     Ban tổ chức tập trung cuộc thảo luận vào việc nhận diện những nguyên nhân đã gây nên chia rẽ, hận thù và độc quyền lẽ phải, để cùng nhau tìm cách vượt qua các trở ngại đó;

3.     Cùng nhau tìm kiếm một sự đồng thuận dân tộc được thể hiện dưới một hình thức phối hợp và hợp tác giữa các cá nhân và tổ chức trên cơ sở mẫu số chung về mục tiêu và phương pháp làm việc khoa học và dân chủ;

4.     Hoàn tất Dự án Chính trị toàn diện và Kế hoạch thực hiện cụ thể, dựa trên bản dự thảo của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, sẽ được đúc kết sau một thời gian tham khảo nhất định.

5.     Tổ chức một Đại hội Dân tộc trong một thời gian sớm nhất để chính thức ra mắt tổ chức liên minh dân tộc và dự án chính trị (điểm số 3 và 4 trên đây).

Để thực hiện những điểm 3, 4 và 5 trên đây, hội nghị cần thành lập một Ủy ban Đặc nhiệm (Task Force) và ấn định thời hạn hoàn tất nhiệm vụ của UBĐN này.

Tôi mong ước những ý kiến và đề nghị của tôi trong bản góp ý này sẽ được ban tổ chức và quí hội thảo viên xem xét và thảo luận.

Kính chúc buổi hội thảo thành công.
Lê Xuân Khoa


-------------------------------

TIN LIÊN QUAN :

Được đăng ngày Chủ nhật, 31 Tháng 5 2015 08:11







No comments:

Post a Comment

View My Stats