Friday, 12 June 2015

"Fast Track" thất bại và nhân quyền của Việt Nam (Lê Diễn Đức)





Sat, 06/13/2015 - 01:45 — ledienduc
Dân Mỹ biểu tình chống TPP trong ngày 12 tháng 6, 2015 - Ảnh: NYT

Sáng ngày 12 tháng 6 năm 2015, giờ Washington, diễn ra một cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Hạ viện Mỹ về việc có trao thẩm quyền đàm phán nhanh, gọi là "fast track", cho Tổng thống Barack Obama hay không?

Nếu đạo luật thông qua, Nhà Trắng sẽ có toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sau khi đàm phán xong, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, mà không có quyền điều chỉnh các điều khoản đã nhất trí.

Trong một cuộc bỏ phiếu đầy kịch tính, Hạ viện đã bác bỏ đạo luật này.

Mặc dầu Tổng thống Barack Obama đã mất nhiều thời gian và công sức vận động hành lang, "Fast Track" thất bại chủ yếu do không nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo và nhiều đảng viên đảng Dân Chủ vốn là đại diện của các nghiệp đoàn Mỹ.

Mặt khác, mặc dù đảng Cộng hòa có khuynh hướng ủng hộ các thỏa thuận thương mại tự do, nhưng nhiều người trong đảng này lưỡng lự, không muốn trao cho Barack Obama một thành quả lớn về chính trị, nhất là trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Do đó, Chính phủ của Barack Obama khó có thể ký thỏa thuận TPP, vốn đã chậm tiến độ nhiều năm so với dự tính.

Nhìn chung, nhà nuớc Việt Nam mong muốn hiệp ước TPP hoàn thành sớm và trong năm 2015 này và Việt Nam sẽ tham gia cùng với 11 quốc gia thành viên khác.

Trong ngày 27 tháng 5, 2015, khi tiếp Thượng nghị sĩ John McCain tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói rằng, Viêt Nam "mong muốn Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ và sớm phê chuẩn TPP với Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, an ninh, quốc phòng giữa hai nước; tăng cường trao đổi về những vấn đề khu vực và thế giới mà hai bên cùng quan tâm".

Sự mong muốn của Nguyễn Sinh Hùng cũng là nguyện vọng chung của đa số người Việt, bởi vì bất chấp những hạn chế, TPP sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Như vậy chẳng còn hy vọng TPP được ký kết vào lúc đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) chuẩn bị diễn ra đầu năm 2016.

Về nguyên tắc, Chính phủ Mỹ vẫn có thể tiếp tục đàm phán, nhưng nếu có thoả thuận thì sẽ lại phải trình lên Hạ viện, nơi mà các nhà lập pháp có thể căn vặn đòi điều chỉnh, bổ sung, thay đổi các điều khoản. Có nghĩa rằng tiến trình đưa đến chuẩn thuận sẽ kéo dài và có thể ít nhất đến hết nhiệm kỳ của Barack Obama.

Trong lúc tình hình kinh tế khó khăn, tăng trưởng kinh tế suy giảm, TPP sẽ là đòn bẩy giúp hàng xuất khẩu Việt Nam qua Hoa Kỳ tăng mạnh hơn. Hàng hoá của Việt Nam vào Mỹ có khả năng tăng lên mức trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 40 tỷ đốla năm nay. Với một số mặt hàng, ví dụ như da giày (năm 2014 đạt hơn 3 tỷ đôla), khi TPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu vào Mỹ ngay lập tức còn 0% so với mức 50% đang áp dụng cho nhiều sản phẩm.
Một số vấn đề khác là thách thức lớn đối với Việt Nam. Hàng xuất qua Hoa Kỳ và các nước TPP phải được sử dụng nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên TPP. Trong khi đó, mặt hàng may mặc của Việt Nam (dẫn đầu với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 ước đạt 8,85 tỷ USD) sử dụng nguyên liệu nhập từ nước ngoài, chủ yếu của Trung Quốc, tới 70%.

Nếu tham gia TPP chắc chắn Mỹ sẽ đặc cách triển hạn cho Việt Nam một khoảng thời gian có thể là 5 năm để thực hiện điều khoản này. Đây là khoảng thời gian đủ để Trung Quốc di chuyển toàn bộ giây chuyền sản xuất nguyên phụ liệu qua Việt Nam. Và người hưởng lợi của TPP trước hết là Trung Quốc với chính sách kinh tế phụ thuộc vào Bắc Kinh hiện nay của Hà Nội.

Ngoài nhiều thứ trong lĩnh vực môi trường, sở hữu trí tuệ mà Việt Nam phải cam kết đáp ứng cho phù hợp với hiệp ước TPP và luật pháp quốc tế, khó khăn nhất đối với nhà cầm quyền hiện nay là vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động, trong đó có việc thành lập công đoàn độc lập.

Với hơn 10 triệu công nhân trong cả nước, nếu có một công đoàn độc lập, ai có thể nói rằng, một "Công đoàn Đoàn kết" Việt Nam sẽ không ra đời và giai cấp công nhân đang bị bóc lột thậm tệ không làm một cuộc cách mạng? Điều này hiển nhiên đe doạ sự tồn vong của ĐCSVN. Và vì thế, không có TPP, giới bảo thủ trong ĐCSVN sẽ mừng nhiều hơn. Đại hội ĐCSVN lần thứ 12 sẽ nhẹ gánh trước một bài toán khó giải.

Trong bối cảnh này, sự đổi chác tù nhân lương tâm để nhận được TPP không còn cần thiết nữa. Và chắc sẽ không có "món quà" cho Mỹ trong chuyến công du Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự tính vào tháng 7 năm nay.

Những hy vọng TPP như là một sự kiện quan trọng mang lại nhiều đột biến, thúc đẩy tự do và nhân quyền tại Việt Nam trong thời gian này sẽ không còn thực tế nữa.

© Lê Diễn Đức


----------------------------------








No comments:

Post a Comment

View My Stats