Monday, 22 June 2015

Dự án Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân (Cát Linh-RFA | TS Lê Duy Cấn)





Cát Linh, phóng viên RFA
2015-06-22

Mô hình Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân.  Photo by Tiến sĩ Lê Duy Cấn

Dự án Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân được khởi xướng năm 2005 và lúc đầu dự tính sẽ hoàn tất vào năm 2015, tức bốn mươi năm sau khi những người vượt biển đầu tiên được Canada đưa tay cứu vớt. Tiến sĩ Lê Duy Cấn, nguyên tổng thư ký liên hội người Việt Canada và là trưởng dự án Viện bảo tàng thuyền nhân có mặt ở Đài Á châu tự do để cho cộng đồng người Việt khắp nơi biết về diễn biến của dự án cho đến thời điểm hiện tại. Cát Linh có cuộc phỏng vấn ông.
.
Cát linh: Thưa Tiến sĩ Lê Duy Cấn, từ khi dự án Viện bảo tàng thuyền nhân được  vận động cho đến nay là 8 năm, một thời gian không ngắn nhưng dự án của mình vẫn chưa được hoàn thành. Xin ông cho biết vì sao lại có một thời gian chuẩn bị dài như thế?

TS Lê Duy Cấn: Trước hết, mặc dù dự án được khởi xướng năm 2005 và cho đến 2009 mới tìm được đất, địa điểm và chúng tôi đã mua được miếng đất đó. Trong 4 năm ròng, sau khi khởi xướng, chúng tôi làm được rất ít vì chưa có địa điểm nên cũng khó gây quỹ. Thứ hai nữa là rất tiếc chúng tôi sức khoẻ không được tốt từ cuối 2013 đến giữa 2014, chúng tôi phải nằm bệnh viện 2 lần. Rất may đến giờ chúng tôi đã hồi phục hoàn toàn và chúng tôi tiếp tục sinh hoạt lại trong dự án này.
.
Cát linh: Xin ông cho biết có dự án Viện bảo tàng thuyền nhân này có bao nhiêu người?và vai trò của ông trong dự án này là gì?

TS Lê Duy Cấn: Dự án này là 1 dự án lớn cần rất nhiều tình nguyện viên ở khắp các nơi, không những Canada mà còn ở hoa Kỳ và các quốc gia khác nữa. Theo sơ đồ tổ chức mà chúng tôi đã trình bày lên chủ tịch đoàn liên hội Canada tức tổ chức chịu trách nhiệm tối hậu về dự án này. Chúng tôi có khoảng 30 người trong ban thực hiện trong nhiều tiểu bang khác nhau. Ngoài ra chúng tôi có 2 ban cố vấn khoảng 10 người tức là những người có uy tín trong cộng đồng người Việt tại Canada cũng như các quốc gia khác và khoảng 10 người có uy tín trong xã hội Canada, những người biết rõ và hỗ trợ mạnh mẽ dự án này. Tôi thì đứng vai trò điều hợp. Tôi điều hợp việc làm của các tiểu bang khác nhau và ngoài ra tôi còn liên lạc với các chính phủ các cấp để xin bảo trợ, tài trợ. Sau này thì liên lạc với kiến trúc sư và thuê nhà thầu xây cất.

Phóng viên Cát Linh phỏng vấn Tiến sĩ Lê Duy Cấn hôm 19/6/2015. RFA photo

Cát Linh: Xin được nhắc lại đôi nét về lịch sử ra đời của dự án Viện bảo tàng thuyền nhân. Vào năm 1979, bà Marion Dewar, cố đô trưởng của thủ đô Ottawa, Canada đã lập ra “chương trình 4000” với ý nghĩa là mang 4000 người tỵ nạn Đông Dương vào Canada, mà trong số đó, phần lớn là người Việt Nam. Sau khi chương trình này cũng như những chương trình tương tự khác được phát động thì chính phủ Canada đã tăng số người Việt tị nạn vào Cannada từ 8 ngàn lên 50 ngàn và nhiều hơn nữa về sau.
Đến năm 2005, với mong muốn giữ lại những hình ảnh, tư liệu về cuộc di tản tìm tự do vĩ đại nhất của lịch sử Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada đã khởi xướng dự án Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân, và được sự ủng hộ của cộng đồng người Việt khắp nơi, cũng như sự hỗ trợ của thành phố Ottawa, 10 tỉnh bang, 2 vùng lãnh thổ Canada và chính phủ liên bang Canada.
Trở lại với cuộc phỏng vấn, xin ông cho biết tình hình gây quỹ hiện tại của dự án như thế nào?

TS Lê Duy Cấn: Cho đến bây giờ thì chúng tôi đã gây quỹ đủ để mua miếng đất ở góc đường Ottawa, đối diện góc trước đây năm 1995 liên đoàn người Việt Canada đã xây tượng đài thuyền nhân có Mẹ bồng con. Đối diện góc tượng đài thuyền nhân đó là miếng đất chúng tôi đã mua với giá 600 ngàn đôla. Tiền đóng góp của đồng bào khắp nơi thì chúng tôi đã trả hoàn toàn cho miếng đất đó, không có nợ nhà băng đồng nào cả. ngoài ra chúng tôi có trong ngân quỹ khoảng 275 ngàn. Đó là chưa kể những tiền đồng bào khắp nơi hứa đóng góp chắc chắn. Nếu tính cả số tiền đó thì đến giờ chúng tôi gây quỹ được khoảng 1 triệu đồng.Nhưng đường còn dài lắm, tổng số chi phí dự tính cho dự án này là 5 triệu đôla.
.
Cát Linh: Thưa tiến sĩ, theo dự án ban đầu, Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân sẽ là một căn nhà có 3 tầng. Tầng thứ nhất sẽ dành để cho các cho các cơ sở thương mại thuê, để lấy tiền điều hành viện bảo tàng. Còn tầng thứ hai sẽ có một hội trường, sẽ có các phòng làm việc và sẽ có một thư viện. Tầng thứ ba hoàn toàn dành cho triển lãm, sẽ có 3 phòng triển lãm. Xin hỏi ông là kế hoạch về mô hình cấu trúc vẫn được giữ đúng cho đến hôm nay hay đã có sự thay đổi?

TS Lê Duy Cấn: Lúc ban đầu chúng tôi có muốn để hội trường là tầng thứ hai như mới trình bày. Nhưng về sau này khi nghiên cứu lại chúng tôi quyết định sửa lại chút xíu là để hội trường ở tầng 3, để tầng 2 cho phòng triển lãm để bà con có thể vào xem triển lãm ngay.
.
Cát Linh: Trên cơ sở pháp lý, sau khi dự án hoàn thành thì cá nhân hay tổ chức nào sẽ sở hữu và có quyền quyết định đối với những vấn đề của Viện bảo tàng thuyền nhân thưa tiến sĩ?

TS Lê Duy Cấn: Dự án này do liên hội người Việt Canada khởi xướng. Nhưng về phương diện pháp lý thì chúng tôi có 1 tổ chức song hành, tổ chức từ thiện gọi là trung tâm người Việt Canada, trên nguyên tắc là tổ chức chịu trách nhiệm cho dự án này. Ví dụ như có những vấn đề về tài chánh thì đều phải qua trung tâm này.
.
Cát Linh: Theo dự kiến thì dự án sẽ hoàn tất vào năm nào thưa ông?

TS Lê Duy Cấn: Lúc ban đầu chúng tôi có dự định hoàn tất năm 2015. Nhưng vì có những khó khăn như chúng tôi đã trình bày nên bây giờ chúng tôi ước lượng có thể sẽ hoàn tất vào năm 2017. Đây cũng là 1 thời điểm rất quan trọng đối với Canada vì năm 2017 sẽ là năm Canada kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Canada.
.
Cát Linh: Xin cám ơn Tiến sĩ Lê Duy Cấn cho buổi phỏng vấn này.







No comments:

Post a Comment

View My Stats