Thursday, 4 June 2015

Du lịch Việt Nam ảo tưởng hay lừa dối? (Thanh Trúc - RFA)





Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015-06-02

Ngay sau khi Tổng Cục Du Lịch công bố kết quả thăm dò cho thấy 94% khách quốc tế đánh giá cao ngành du lịch Việt Nam, báo chí và dư luận trong nước cho rằng ngành du lịch đang lạc quan một cách khôi hài nếu không muốn nói ảo tưởng hay là sự lừa dối.

Vì sao có những ý kiến ngờ vực và trái chiều như vậy là điều Thanh Trúc mời quí vị cùng tìm hiểu:

Con số ảo

94% khách quốc tế đánh giá cao ngành du lịch Việt Nam là kết quả điều tra khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam năm 2014, do Trung Tâm Thông Tin Du Lịch thuộc Tổng Cục Du Lịch Việt Nam thực hiện.

Ngay sau đó, một bài phỏng vấn trên báo Lao Động số ra thứ Tư 27 tháng Năm, đặt câu hỏi với ông Trần Trí Dũng, phó giám đốc Trung Tâm Thông Tin Du Lịch là đơn vị được giao thực hiện cuộc điều tra, là với kết quả như vậy thì phải chăng ngành du lịch đã “lạc quan tếu”, rằng có phải cuộc điều tra được tiến hành một cách sơ sài.

Đáp lại, ông Trần Trí Dũng nói đó là sự suy diễn, rằng cuộc điều tra được thực hiện một cách nghiêm túc và khoa học, tổng hợp qua 13.980 phiếu phỏng vấn trực tiếp bằng sáu ngôn ngữ với khách du lịch quốc tế sau khi họ kết thúc chuyến đi tại 7 cửa khẩu gồm đường hàng không, đường bộ, đường biển, trong lúc phiếu khảo sát được gởi tới 1000 công ty lữ hành quốc tế và 63 sở Văn Hoa, Thề Thao, Du Lịch trong nước.

Nêu một loạt các chỉ tiêu quốc gia do thủ tướng chính phủ quyết định, Tổng Cục Thống Kê thu thập và tổng hợp, ông Trần Trí Dũng khẳng định công tác này hoàn toàn tuân thủ khuyến nghị của Tổ Chức Du Lịch Thế Giới UNWTO.

Trước ý kiến 94% khách du lịch quốc tế hài lòng chưa phản ảnh đúng thực trạng hoạt động của du lịch Việt Nam, ông Trần Trí Dũng trả lời việc đánh gía mức hài lòng của khách du lịch nên hiểu đơn giản là xét trên cảm nhận của họ sau một chuyến đi.

Từ Hà Nội, tổng giám đốc Trần Long của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Du Lịch Việt, bày tỏ sự bất ngờ:

Bởi vì ngành du lịch Việt Nam trong những năm vừa qua còn gặp rất nhiều khó khăn, bởi vì hiển nhiên sự phát triển của chúng ta không tốt lắm mà khâu chuẩn bị của chúng ta cũng còn rất yếu kém,. Hãy nhìn thẳng vào vấn đề là bây giờ chúng ta phải làm từ đâu.
Theo cá nhân tôi thì tôi cũng cho cái này hơi ảo. Không biết họ thẩm định như thế nào, họ thẩm định ra sao? Tôi là người kinh doanh trực tiếp tôi hiểu khách như thế nào và tôi hiểu cái tình hình thực tế, cái nhu cầu cũng như cái mong muốn của khách ra làm sao. Tôi cho những vấn đề đó không được hữu hiệu lắm.

Theo một Việt kiều Mỹ, ông Hà Tôn Vinh, hiện là tổng giám đốc Tổ Hợp Đào Tạo Và Phát Triển Nhân Lực Stellar Management ở Sài Gòn và Hà Nội, kết quả 94% có thể đúng theo một khía cạnh nào đó:

Thứ nhất cái sample size, tức phỏng vấn bao nhiêu người, mười mấy ngàn người thì con số đó rất là tốt. Thứ hai là phương pháp điều tra, hỏi nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều loại người, nhiều thành phần. Thứ ba là phương pháp thống kê, thí dụ nói 94% hài lòng có thể đúng trong phương diện nào đó, chẳng hạn 94% nói là ăn ngon, 94% nói là phong cảnh Việt Nam đẹp, nhưng có những cái người đi du lịch không hài lòng , phong cách phục vụ hay những vấn đề khác có thể người ta không nói tới, không nêu lên, không phỏng vấn.
Câu hỏi về cảm nhận thì có thể là dễ, nhưng nếu đặt câu hỏi là ở Việt Nam ông gặp những khó khăn gì, vào Việt Nam làm visa hơi lâu rồi hướng dẫn viên không nói tiếng Anh rồi đường xá xa xôi… thì đó là vấn đề khác. Khi không đặt những câu hỏi như thế mà đặt theo kiểu cảm nhận thì 94% theo như vậy là đúng. Tại vì người làm thống kê, nếu mà họ khôn họ làm theo kiểu như vậy, thì cái xác suất, cái kết quả ra là có thể tin được dựa theo những cái đó. .

Trên căn bản đó, giáo sư Hà Tôn Vinh trình bày tiếp, chẳng có gì ngạc nhiên trước cách đặt vấn đề của dư luận hay báo giới rằng 94% hài lòng là con số ảo, là một sự lừa dối:

Phải biết rằng trong quá khứ có nhiều thống kê và có nhiều phàn nàn rằng là khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam một đi không trở lại. Nếu phương pháp nghiên cứu thị trường hay là nghiên cứu phản ứng của khách hàng mà không được làm một cách khoa học, không được thống kê một cách khoa học, thì chuyện 94% khách hài lòng bị báo chí nghi ngờ là đúng.
Chúng ta đã nghe rất nhiều khách du lịch đến Việt Nam phản ảnh là vào cửa khẩu rất khó, xin visa rất lâu rất tốn kém so với các nước khác. Mặc dù phong cảnh Việt Nam rất đẹp nhưng vấn đề tổ chức chuyên nghiệp không có, những chương trình tại địa phương không có. Một trong những tiêu chí để thấy du lịch thành công là khách du lịch đến ở hai ngày, ba ngày và chi tiêu nhiều hơn là chỉ sáng đi chiều về.

Tự lừa dối mình

Trả lời câu hỏi về chuyện thực hay ảo, lừa dối hay trung thực từ kết quả điều tra khách du lịch quốc tế năm 2014, ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Công Ty Du Lịch Lửa Việt, tác giả bài viết “Đừng Làm Du Lịch Trên Mây” đăng trên báo Người Lao Động nhằm phản biện luận cứ của ông Trần Trí Dũng. Phó giám đốc Trung Tâm Thông Tin Du Lịch, Tổng Cục Du Lịch Việt Nam:

Phải nói chính xác con số đó là 94,9% tốt và cực tốt, con số kém và rất kém là chỉ có 0,22% thôi. Tôi nghĩ con số này đẹp hơn cả mơ và những người mà tin là tự lừa đối mình, cái tự sướng của những người điếc không sợ súng.
Trong bài viết tôi phân tích nhiều cái phi lý, thứ nhất là không công bố thời gian thực hiện bao lâu, chỉ công bố gần 14.000 người mà 14.000 là nhiều lắm . Vấn đề không phải là hỏi bao nhiêu người, vấn đề là cách hỏi cách tính toán làm sao để có một cái đại diện tương đối, thì mình cũng không nghe nói.

Được hỏi ông nghĩ sao khi ông Tràn Trí Dũng trình bày với báo chí là khi thực hiện khảo sát thì gần 14.000 phiếu phỏng vấn được gởi tới 1.000 công ty lữ hành quốc tế và 63 Sở Văn Hóa, Thể Thao, Du Lịch trong nước, ông Nguyễn Văn Mỹ nói con số đó không có thật:

Bởi vì không bao giờ có con số tròn một ngàn cả, nói cho đẹp thôi. Thứ hai, tôi có hỏi một số bạn bè, cũng là những đồng nghiệp, thì họ không biết cái chương trình này, thậm chí sau đó họ mới được gởi. Như vậy , con số 63 tỉnh thành và 1.000 doang nghiệp, coi như cuộc điều tra xã hội phạm vi qui mô từ trước tới nay, nhưng mà số liệu thì hoàn toàn không thật. Không có cơ quan giám sát, không có ai phản biện nên họ muốn làm sao thì họ làm.
Tôi có hỏi một quan chức của hiệp hội, tôi xin không được nêu tên, họ né tránh họ không trả lời. Khi chất vấn quá thì họ cười bảo rằng số liệu nào của các cơ quan nhà nước đưa ra mà chẳng đẹp như thế. Tất cả những con số đều không được kiểm chứng, tôi cho rằng đó là thái độ coi thường người dân và doanh nghiệp cảm thấy mình bị xúc phạm. Số liệu như thế mà tổng cục trưởng du lịch rất phấn khởi, cho rằng đó là cơ sở để Tổng Cục tham khảo, xem xét, để hoạch định chiến lược du lịch sắp tới. Nếu mà dựa vào số liệu đó thì trong vài năm sắp tới du lịch Việt Nam sẽ dẫn đầu thế giới.

Dưới mắt chủ tịch Nguyễn Văn Mỹ của công ty Lửa Việt, muốn cầu tiến thì không phải những con số ảo mà là cái nhìn sâu sát vào thực trạng du lịch Việt so với ngành du lịch các nước bạn trong khu vực:

Cứ cách làm hiện nay thì vị trí của du lịch Việt Nam đang lung lay, đang đứng đầu top cuối của Đông Nam Á. Về hiệu quả, du lịch Việt Nam thua xa cả Lào và Kampuchia. Lào có 7 triệu dân thôi mà họ đón được 3 triệu rưỡi khách, Kampuchia 15 triệu dân thôi, họ đón được 4 triệu rưỡi khách. Còn Việt Nam mình 91 triệu dân, đón được có 7 triệu 900 ngàn khách thôi.
Nếu chúng ta không dám nhìn thẳng vào sự thật, không dám biết mình yếu kém chỗ nào, cứ tự ru ngủ nhau bằng những số liệu vớ vẩn như thế thì nguy cơ đội sổ là khả năng có thể xảy ra trong tương lai.
Tôi có viết trong bài viết của mình là du lịch Việt Nam có nhiều điểm mạnh . Chúng ta có thừa tài nguyên du lịch, số lượng di sản thế giới của Việt Nam, kể cả vật thể và phi vật thẻ, gấp đôi số lượng di sản thế giới của 3 nước dẫn đầu ASEAN là Malaysia, Thái Lan và Singapore. Nhưng mà du lịch Việt Nam cũng còn quá nhiều điểm yếu kém. Tôi phản đối việc có một số người bôi đen ngành du lịch Việt Nam một cách ác ý, nhưng mà tôi cũng không thể chấp nhận cái chuyện tùy tiện tô hồng như kiểu điều tra vừa rồi.

Ý kiến của ông Nguyễn Văn Mỹ dẫn người nghe tới câu trả lời của ông Trần Trí Dũng rằng khi khách nước ngoài cảm nhận về những cái tốt cái hay của du lịch Việt Nam thì cũng không thể kỳ vọng họ sẽ trở lại trong một tương lai gần. Điều quan trọng, ông nói, họ có thể quảng bá ngành du lịch Việt Nam đến những người khác.

Một mặt đánh giá du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, ông Trần Trí Dũng cũng thừa nhận du lịch Việt Nam còn nhiều điều cần phải được cải thiện.






No comments:

Post a Comment

View My Stats