Wednesday, 17 June 2015

Có gì để tự hào về bức ảnh “Em bé Napalm”? (Đức Hồng gửi BBC)





Đức Hồng
Gửi tới BBC từ Tp HCM
17 tháng 6 2015

Bức ảnh 'Em bé Napalm' được báo chí dùng nhiều trong Cuộc chiến Việt Nam.

Vài tháng trước, tôi có tình cờ biết được Phan Thị Kim Phúc – cô gái trong bức ảnh “Em bé Napalm” hiện đang sống tại Canada.

Một chút thắc mắc hiện ra trong đầu: tại sao một người là nạn nhân của “Chủ nghĩa tư bản” lại sống dưới vòm trời của một trong những trùm tư bản quốc tế, lại đi sang đất nước mà Quốc hội thông qua luật 30/4 – tức coi ngày 30 tháng 4 là ngày quốc lễ Canada để tưởng niệm những nạn nhân cộng sản Việt Nam đã liều chết vượt biên ra đi tìm tự do?

Không có lý gì như thế cả, cô ấy phải là một người yêu Chủ nghĩa Cộng sản, căm thù đế quốc Mỹ và những đồng lõa của nó vì đã gây ra vết thương không bao giờ có thể xóa mờ trên cơ thể và tâm trí mới phải.

Thế mà Kim Phúc không chỉ sống tại Canada một cách đơn thuần, cô đã phải bỏ trốn, xin tị nạn chính trị tại quốc gia láng giềng của “đế quốc Mỹ” này.

Nguồn gốc của bức ảnh

Youtube còn một đoạn video ghi lại gần như toàn bộ diễn biến sự việc từ lúc máy bay ném bom cho đến khi các em nhỏ trong đó có Kim Phúc chạy ra. Bức ảnh của Nick Út chỉ là một trong những khoảnh khắc ấy.

Cái lạ ở đây là các em nhỏ ấy lại chạy về phía lính Việt Nam Cộng hòa để kêu cứu mà không một chút sợ sệt, sao các em không chọn những người lính Cộng sản Bắc Việt cũng đang lẩn trốn ở ngay gần đó?

Ngay từ đầu người dân đã biết lính Việt Nam Cộng hòa đến không phải để giết hại họ. Nếu muốn thế, lính Mỹ đã bắn hết những ai chạy ra và chẳng sơ cứu rồi mang Kim Phúc đi chữa trị làm gì.

Tại sao Kim Phúc phải chạy trốn khỏi Việt Nam?

Năm 1982, một nhiếp ảnh gia người Đức đến Việt Nam muốn tìm lại cô bé trong bức hình và Kim Phúc trở thành công cụ hoàn hảo cho bộ máy tuyên truyền. Nếu những gì trong ảnh đúng theo những gì người ta tưởng tượng (về tội ác của đế quốc Mỹ) thì mọi việc chẳng có gì đáng nói và Kim Phúc chẳng bị nhà cầm quyền kiểm soát gắt gao như thế.

Cô bị bắt nói ra những điều chính quyền muốn. Sau đó, cô bỏ trốn, bị truy lùng, bắt lại, bị buộc thôi học, quản thúc tại gia nghiêm ngặt, giám sát 24/24h “chỉ trừ lúc đi vệ sinh”.
Và cuối cùng, khi có cơ hội Kim Phúc đã chạy trốn và xin tị nạn chính trị ở Canada.

Chiến tranh có phải thứ khủng khiếp nhất?

Chiến tranh luôn đại diện cho điều đáng sợ nhất. Đối với cá nhân Kim Phúc, đó là vết sẹo trên cơ thể và trong tâm trí cô, nhưng những nỗi đau ấy còn có thể xoa dịu bằng niềm tin ở Chúa (cô đã cải đạo sang Tin Lành), còn sự khủng bố tinh thần ngay trong thời bình mới chính là thứ làm cho cô không thể chịu đựng được.

Trong trường hợp này, chiến tranh liệu có còn là điều khủng khiếp nhất? Sẽ nhiều người phản đối, nhưng khoan đã, hãy nhớ lại có bao nhiêu người vô tội phải chết trong Cải cách ruộng đất khi chính quyền đã về tay nhân dân, đó chỉ là một trong rất nhiều tội ác của nhà cầm quyền mang danh nghĩa “do dân vì dân”.

Người ta không chết trong thời chiến mà lại chết trong thời bình, cái chết nào ít đáng sợ hơn, và tội ác nào đỡ ghê sợ hơn?

Nhưng một nhiếp ảnh gia như Nick Út không bao giờ có cơ hội ghi lại những khoảnh khắc ấy, vì chính quyền Cộng sản không bao giờ cho phép. Ông chỉ được hoạt động ở một nơi tôn trọng nhân quyền, tôn trọng báo chí mà thôi.

Ý nghĩa thực sự của “Em bé Napalm”?

Nhiếp ảnh gia Nick Út tại cuộc triễn lãm ảnh Chiến tranh Việt Nam ở Hà Nội vào tuần trước

Nhìn vào bức ảnh ấy, người ta không biết rằng lỗi một phần không nhỏ là do lính Bắc Việt đã chạy vào nơi có dân đang trú ngụ không phải để bảo vệ mà gián tiếp đe dọa tính mạng của họ. Người dân nơi Kim Phúc đang sống lúc đó không hề “rên xiết dưới gót giày quân xâm lược” nên chẳng cần ai đến để cứu giúp họ. Nếu không có sự xuất hiện của người lính Cộng sản ở một nơi không đúng chỗ như thế, sự việc đáng tiếc đã không xảy ra với Kim Phúc.

Còn ai nghi ngờ về điều trên có thể tìm hiểu về cuộc tháo chạy của những người miền Nam khỏi thứ “độc lập, tự do” mà chính quyền Cộng sản đã trao cho họ. Trong số đó có rất nhiều người phải bỏ quê cha đất tổ, bất chấp tính mạng để lênh đênh trên biển tìm nơi ở khác.

Khi nhìn vào một bức ảnh mà người ta chỉ thấy một phần rất nhỏ sự thật, bức ảnh ấy có thực sự còn nguyên giá trị?

Bức hình ấy khiến nhân dân Mỹ có một cái nhìn khác về Cuộc chiến Việt Nam, góp phần đẩy mạnh phong trào phản chiến tại Mỹ và đòi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Đến ngày hôm nay, có khi nào Nick Út nghĩ rằng việc tồn tại của Mỹ ở miền Nam hoặc thậm chí chiến thắng toàn diện ở Việt Nam lại là tốt cho người dân Việt?

Mỹ đã rời đi, nay được vời lại để chống lại người anh em Cộng sản lúc đó giúp cách mạng Việt Nam đánh Mỹ.

Jane Fonda – biểu tượng của phong trào phản chiến Mỹ, người từng đến miền Bắc Việt Nam năm 1972 (năm mà bức ảnh “Em bé Nepalm” ra đời) mới đây cũng đã phải thừa nhận sai lầm và xin lỗi các cựu chiến binh Mỹ.

Thử hình dung rằng tôi chớp được khoảnh khắc người cha phạt con mình. Thực tế ngoài đời đứa con đáng bị phạt nhưng bức ảnh lại trở thành biểu tượng của nạn bạo hành trẻ em, thì thà bức ảnh ấy đừng bao giờ xuất hiện. Bản thân bức ảnh ấy không có lỗi gì cả, khoảnh khắc ấy với người xem ảnh có thể đúng, nhưng bản chất của sự việc thì không.

Vậy bức ảnh “Em bé Napalm” có ý nghĩa gì? Nó làm người ta nghĩ đến sự độc ác của Mỹ trong khi họ không hoàn toàn có lỗi. Nó khiến Mỹ rút quân rồi giờ đây Việt Nam muốn Mỹ trở lại.

Nick Út được nhà cầm quyền phe “đế quốc” cho tác nghiệp, được đi cùng với lính Mỹ để chụp ảnh, nhưng sản phẩm của ông sau này chống lại chính những người tôn trọng, bảo vệ cho nghề nghiệp và tính mạng của ông.

Nhà cầm quyền Việt Nam - phía đáng lẽ ra được hưởng lợi nhiều nhất từ tấm ảnh này lại không hề chào đón nó. Người ta đã từng từ chối triển lãm ảnh của Nick Út năm 2007 và nếu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không chuẩn bị thăm Mỹ thì chắc cũng khó có chuyện bức hình “Em bé Napalm” được xuất hiện chính thức ở Hà Nội. Cũng dễ hiểu vì không lãnh đạo nào muốn nhắc đến cái tên Phan Thị Kim Phúc – người lẽ ra cũng nên có mặt tại buổi triển lãm với tư cách chứng nhân lịch sử.

Không biết lòng thành của Việt Nam được bao nhiêu, vì họ vẫn còn sợ sự thật lắm. Nhưng nếu tôi có bức ảnh hay một bài báo không được mọi người hiểu đúng ý hoặc không thể toát ra những cái mà tôi muốn truyền đạt để rồi làm công cụ cho một sự tuyên truyền lệch lạc, tôi không thể tự hào và thà đừng nhắc đến nó còn hơn.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.

 ------------------------

XEM THÊM :

Saturday, April 4, 2015
.
Sắp đến ngày 30/4 báo chí VN đang đi tìm những nhân vật lừng danh một thời. Báo Người đô thị có phóng sự ảnh về Phan Thị Kim Phúc, nhưng có một thông tin tôi thấy không đúng và có thể làm người đọc hiểu sai vấn đề. Trong ảnh, phóng viên chú thích rằng “Kim Phúc cùng con trai và chồng (phía sau). Năm 1992, trong chuyến nghỉ trăng mật ở Moscow, Nga sau khi kết hôn, vợ chồng Kim Phúc xin định cư tại Ajax, Ontario, Canada.” (1) Sự thật thì không phải như thế; sự thật là Kim Phúc và chồng xin tị nạn chính trị tại Canada.

Có lẽ tôi phải nói qua về cái “tị nạn” để các bạn hiểu chút. Thời thập niên 1980 trong các trại tị nạn ở Thái Lan, các nhân viên thiện nguyện và người đi trước lúc nào cũng dặn dò người đến sau là phải chứng minh tư cách tị nạn chính trị. Tiếng Anh là “political refugee“. Trong thực tế thì khi các viên chức phỏng vấn người xin đi tị nạn cũng xoáy vào những thông tin để đương sự khai cho hợp với tư cách đó. Đại đa số người Việt không có vấn đề gì, nhưng những người như người Việt gốc Tàu có khi có vấn đề. Vấn đề là khi họ đến trại tị nạn, họ vênh mặt lên và khai rằng họ là “Chinese” (người Hoa) chứ không phải người Việt. Có lẽ họ nghĩ người Hoa cao hơn người Việt? Mà, đối với các viên chức phương Tây thì nếu họ là người mang quốc tịch Tàu, họ không có tư cách tị nạn chính trị, và giao họ về cho … China! Nhiều người chết dở sống dở vì lời khai người Hoa đó, nhưng lời khai đó cũng nói lên phần nào bản chất của một số người Hoa là họ không trung thành gì với VN cả cho dù họ sinh ra và lớn lên và mang quốc tịch Việt Nam. Câu chuyện đó nói rằng rất quan trọng phải phân biệt “định cư” và “tị nạn”. Cho đến nay ở Úc sự phân biệt đó vẫn quan trọng, và theo đó nếu đương sự chứng minh được là tị nạn chính trị thì được phép cho vào Úc tị nạn, còn không thì bị gửi qua Kampuchea.

Quay lại câu chuyện của Kim Phúc, một thời nổi tiếng là “em bé Napalm” trong bức ảnh do phóng viên Nick Út chụp vào năm “mùa hè đỏ lửa” (1972). Bức ảnh nói lên sự dã man của chiến tranh và bom đạn, làm xúc động cả thế giới, và Mĩ bị phản đối dữ dội. Bức ảnh cũng đem đến cho Nick Út giải thưởng danh giá. Sau 1975, Kim Phúc được giới tuyên truyền VN sử dụng như là một vật thể cho tuyên truyền chống Mĩ. Chính Kim Phúc từng viết “The Communists had other plans, and used me as a propaganda tool” (người cộng sản có kế hoạch khác, và họ dùng tôi như là một công cụ tuyên truyền) (2).

Cô được Nhà nước ưu ái cho đi học ở Cuba vào năm 1986. Theo Kim Phúc kể lại (1), cô gặp người chồng tương lai ở Cuba, và sau khi thành hôn, họ được phép đi Moscow. Sau khi thành hôn họ được phép đi hưởng tuần trăng mật ở Moscow. Trên đường từ Moscow về lại Cuba, máy bay tạm đáp ở Newfoundland (Canada) để tiếp nhiên liệu, và nhân dịp này Kim Phúc và chồng xin tị nạn chính trị ở Canada. Trước đó, Kim Phúc đã có ý định xin tị nạn chính trị, nhưng cô chưa nói cho chồng biết. Hai vợ chồng được chấp nhận cho tị nạn và họ sống ở Ontario từ đó cho đến nay. Kim Phúc còn cho biết cô trở thành một tín đồ đạo Tin Lành từ đó.

Tôi nghĩ phóng viên báo Người đô thị thừa biết Kim Phúc xin tị nạn chính trị, chứ không đơn thuần “xin định cư”, nhưng phóng viên phải viết như thế để được đăng báo. Tôi có cảm giác cho đến nay, sau 40 năm ngày thống nhất đất nước, Nhà nước VN vẫn chưa chấp nhận hai chữ “tị nạn”, và do đó, họ không muốn nhắc đến hai chữ đó trên báo chí (?)

Nhưng “định cư” và “tị nạn” chính trị khác nhau xa. Sự kiện “thuyền nhân” tị nạn là một vết nhơ trong lịch sử VN (chưa bao giờ người Việt bỏ nước ra đi nhiều như thế), nó nói lên bản chất của chế độ thời đó, và do đó, nhiều người trong chính quyền cũng như nhiều người ngoài Bắc vẫn chưa thoải mái khi nói về người tị nạn. Cho đến ngày nay, không ít người miền Bắc vẫn cho làn sóng người Nam vượt biển đi tị nạn là những kẻ chạy theo bơ thừa sữa cặn của đế quốc. Dĩ nhiên, người biết chuyện chỉ thấy tội nghiệp cho những kẻ có suy nghĩ như thế. Đối với họ thì không thể nào nói gì thêm được do tế bào trí tuệ đã bị đột biến hư hỏng rồi. Và, chính những kẻ có suy nghĩ như thế này là lực cản để người trong và ngoài nước hoà giải, hoà hợp — tôi nghĩ thế.

Lí do Kim Phúc xin tị nạn thì có thể đọc trong bài qua chính chữ của cô ấy (2), nhưng thiết nghĩ các bạn không đọc cũng thừa thông minh hiểu tại sao Kim Phúc quyết định như thế.

Thời đó ở miền Nam có câu “cái cột điện mà biết đi, chúng cũng đi”. Tuy nhiên, sự việc nhỏ này có ý nghĩa lớn, bởi vì thế hệ sau vẫn cứ nghĩ là Kim Phúc xin định cư ở Canada, và đó là một sự nói dối làm cho sự thật lịch sử bị lệch lạc. Nhiều người đòi hỏi khi viết sử phải dựa vào thông tin chính thống và điều đó cũng chẳng có gì sai (có lẽ họ mới đọc một cuốn sách giáo khoa nào đó bên phương Tây dạy về sử học nên đòi hỏi như thế), nhưng ở VN cái gọi là “thông tin chính thống” thường bị xuyên tạc, làm cho lệch lạc, và đổi trắng thay đen. Câu chuyện của Kim Phúc trên báo chí VN chỉ là một nhắc nhở người đọc nên cảnh giác trước những thông tin gọi là “chính thống”.

====



Posted by Tuan Nguyen at 3:11 PM






No comments:

Post a Comment

View My Stats