Monday, 22 June 2015

"Bước tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông còn nguy hiểm hơn nhiều" (Trần Công Trục)





Trần Công Trục
Thứ Sáu, 19/06/2015 - 15:50

Tuyên bố của Trung Quốc về việc họ hoàn thành việc bồi đắp đảo ở Trường Sa của Việt Nam không nên được nhìn nhận như một sự đáp ứng lời kêu gọi của Mỹ và cộng đồng quốc tế về chấm dứt cải tạo bồi đắp...

... Mà nên được nhìn nhận như một chiến thuật của Trung Quốc nhằm tạo ra “ảo giác” cho cộng đồng quốc tế, rằng các đảo đó là “của họ”, họ cải tạo trên đảo “của họ”. Những nhận xét này được chuyển tới tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Ông nói:
- Đó là một nhận định chuẩn xác và rất có ý nghĩa. Có những người "thở phào” cho rằng, TQ đã xuống thang, đã hưởng ứng tích cực lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, đa số dư luận đã không bị TQ lừa gạt mà đã sớm nhận ra rằng đây chỉ là việc áp dụng chiến thuật cổ truyền của họ, vừa nhằm né tránh sự công kích của dư luận quốc tế, vừa để một lần nữa khẳng định trên phương diện pháp lý về “chủ quyền” của TQ đối với “Nam Sa”, hợp thức hóa mọi công trình mà họ đã đầu tư cải tạo, xây dựng trên các thực thể địa lý mà họ đã đánh chiếm của VN năm 1988, 1995...
.
Ông có thông tin cụ thể TQ chấm dứt xây dựng cải tạo ở những đảo nào không? Và thực sự họ có chấm dứt không?

- Theo tôi được biết, TQ đã vừa âm thầm vừa công khai cải tạo, bồi đắp, xây dựng ở hầu hết các thực thể địa lý mà họ đã đánh chiếm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa từ năm 1988. Tôi tin rằng TQ sẽ không chấm dứt công việc phi pháp này chừng nào họ chưa hoàn toàn khống chế được Biển Đông, chưa thực hiện xong chiến lược độc chiếm Biển Đông. Cho nên, tôi cho rằng bước tiếp theo sẽ còn nguy hiểm hơn nhiều. Bởi vì, TQ đã tính toán áp dụng các thủ thuật, thủ đoạn cần và đủ, và vì thế, có lẽ họ cho rằng đã đến lúc có thể triển khai giai đoạn tiến công mới nhằm hoàn thành cuộc chiến “không đánh mà thành”... trên Biển Đông.
.
Mỹ có những tuyên bố ngày càng gay gắt phản đối Trung Quốc xây đảo và đưa máy bay vào tuần tra ở gần các đảo nhân tạo này. Ông nhìn nhận vai trò của Mỹ trong cuộc xung đột này thế nào, và liệu chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình sắp tới, quan hệ tổng thể Mỹ - Trung có ngăn cản Mỹ có thái độ kiên quyết về Biển Đông hay không?

- Những gì đã và đang diễn ra trong quan hệ Mỹ - TQ có liên quan đến Biển Đông cho chúng ta thấy rất rõ, TQ không thể không tính đến những phản ứng của quốc tế, nhất là những phản ứng và hành xử của các cường quốc, trong đó có vai trò của Mỹ, khi TQ tính toán kế hoạch triển khai các mũi tiến công xuống Biển Đông để thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông của họ. Chiến thuật “sẽ hoàn thành việc cải tạo, xây dựng các bãi đá” ở Trường Sa mà TQ chính thức loan báo hôm 16.6.2015, cho thấy sự tính toán “một lùi hai tiến” đó của TQ. Mặc dù TQ đang tính toán “bài bản” với Mỹ, nhưng có lẽ trong thời điểm hiện tại, điều TQ muốn “dàn xếp” với Mỹ khó có thể thực hiện được dễ dàng như trước đây. Bởi vì “ngôi vị” của Mỹ trong khu vực Châu Á-TBD đang bị TQ làm lung lay, đứng trước nguy cơ sụp đổ...
.
Người dân Việt Nam đang mong chờ những tiếng nói trong nước mạnh mẽ hơn về việc Trung Quốc bồi đắp đảo, giống như chúng ta đã làm với vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm ngoái. Ông so sánh mức độ nguy hiểm của 2 vụ thế nào, và tiếng nói của chúng ta đã tương xứng chưa?

- Đã có nhiều tiếng nói phản ánh tâm tư nguyện vọng của người VN trước những hành động vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của VN trong Biển Đông do TQ đang gây ra, trong đó có những ý kiến rất được lòng dân của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là tiếng nói của các đại biểu Quốc hội trong thời gian gần đây. Chúng ta hy vọng và tin tưởng rằng Đảng và Nhà nước sẽ chính thức lên tiếng bày tỏ lập trường và quyết tâm sắt đá của toàn dân trước nạn xâm lăng của ngoại bang như đã từng được thể hiện trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
.
Ngoài các nước trong khu vực, Mỹ, Nhật, Australia đều đã lên tiếng. Theo ông, điều gì giờ đây có thể làm Trung Quốc chùn bước?

- Phản ứng mạnh mẽ và hành động trên thực tế của các nước trong khu vực và quốc tế trong thời gian qua là rất có giá trị. Tình hình này nếu vẫn tiếp tục được phát huy đúng như những gì chúng ta đã nghe qua các tuyên bố chính thức của các nước, ngay sau khi TQ giở chiêu trò mới nói trên, thì sẽ rất có ý nghĩa và rất giá trị, chí ít là về phương diện ngoại giao, chính trị... Tuy nhiên, liệu những phản ứng đó có thể đẩy lùi được những bước tiến của TQ hay không thì vẫn còn phụ thuộc vào sự tính toán lợi ích của họ trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện tại.

Ông dự đoán những căng thẳng trên Biển Đông hiện nay sẽ diễn tiến thế nào?

- Với những gì đã và đang diễn ra, không phải chỉ có liên quan đến khu vực Biển Đông mà còn đến tình hình các khu vực khác trên thế giới, theo tôi, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục căng thẳng, vẫn chứa chất nhiều nhân tố bất ổn, nếu không kiểm soát được, sẽ có thể dẫn đến xung đột vũ trang. Nhân tố quan trọng là cách hành xử của TQ . Nhưng TQ sẽ hành xử như thế nào, có thể nói còn phụ thuộc vào diễn biến của cán cân quyền lực quốc tế tại một số địa bàn chiến lược thế giới, và chủ yếu còn phải tính đến nhận thức, ý chí và sức mạnh đoàn kết và tiếng nói thống nhất của mỗi một quốc gia trong khu vực và quốc tế đang bị TQ tìm cách chia rẽ, lừa gạt, mua chuộc, đe dọa, bị uy hiếp...
.
Xin cảm ơn ông.

Mỹ Hằng thực hiện
Theo Lao Động






No comments:

Post a Comment

View My Stats