Saturday 25 October 2014

Sự suy yếu bị thổi phồng của Hoa Kỳ (Joseph S. Nye - Project Syndicate)





Joseph S. Nye   -   Project Syndicate
Biên dịch: Trương Thị Phương Thanh
Posted on 25/10/2014 by The Observer

Khi những cuộc bầu cử Quốc hội Hoa Kỳ càng gần kề, những câu hỏi về sự vững chắc của các thể chế chính trị và tương lai lãnh đạo toàn cầu của Mỹ càng trở nên nhiều hơn. Trong đó, một số câu hỏi đã lấy sự bế tắc giữa các đảng phái làm bằng chứng cho sự suy yếu của Mỹ. Nhưng tình hình có thật sự xấu như vậy hay không?

Theo nhà khoa học chính trị Sarah Binder, kể từ cuối thế kỷ 19, sự chia rẽ ý thức hệ giữa hai đảng chính trị chính của Mỹ chưa bao giờ lớn như bây giờ. Tuy nhiên, bất chấp sự bế tắc hiện tại, Quốc hội thứ 111 (nhiệm kỳ 3/1/2009 – 3/1/2011 – NBT) đã thông qua một gói kích thích tài khóa lớn, cải cách chăm sóc y tế, điều tiết tài chính, một hiệp ước kiểm soát vũ khí và sửa đổi chính sách của quân đội về tình dục đồng tính. Rõ ràng, hệ thống chính trị Mỹ không thể bị bác bỏ (ngay cả khi sự bế tắc giữa các đảng phái là mang tính chu kỳ).

Tuy vậy, Quốc hội hiện nay gặp phải nhiều cản trở do năng lực lập pháp yếu. Mặc dù trong hai thập niên qua, sự nhất quán về ý thức hệ đã tăng gấp hơn hai lần, từ 10% lên đến 21% dân chúng, hầu hết người Mỹ không có quan điểm đồng nhất theo hướng tự do hay bảo thủ, và muốn các đại biểu của họ ở khoảng trung gian. Tuy nhiên, những đảng chính trị đã trở nên nhất quán hơn về ý thức hệ kể từ thập niên 1970.

Đây không phải là vấn đề mới đối với Hoa Kỳ, đất nước có bản hiến pháp dựa trên quan điểm tự do của thế kỷ 18 cho rằng quyền lực được kiểm soát tốt nhất bởi sự phân lập cũng như cơ chế kiềm chế và đối trọng lẫn nhau, với tổng thống và Quốc hội bắt buộc phải cạnh tranh lẫn nhau để giành quyền kiểm soát trong các lĩnh vực như chính sách đối ngoại. Nói cách khác, chính phủ Mỹ được thiết kế có khuynh hướng kém hiệu quả nhưng nhằm đảm bảo rằng nó không thể dễ dàng đe dọa sự tự do của người dân.

Sự không hiệu quả này có thể đã góp phần vào sự sụt giảm lòng tin vào những thể chế của Mỹ. Ngày nay, chưa đến 1/5 dân chúng tin rằng chính phủ liên bang luôn hành động đúng đắn, so với con số 3/4 vào năm 1964. Đương nhiên, những con số này thỉnh thoảng cũng tăng đột biến trong giai đoạn đó, chẳng hạn như sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001; nhưng sự sụt giảm tổng thể là đáng kể.
Điều này không chỉ xảy ra với chính phủ liên bang. Trong những thập niên qua, lòng tin của công chúng vào nhiều tổ chức có tầm ảnh hưởng đã bị tụt dốc. Từ năm 1964 đến năm 1997, tỉ lệ người Mỹ tin vào các trường đại học giảm từ 61% xuống còn 30%, trong khi lòng tin vào những tập đoàn chủ chốt giảm từ 55% xuống còn 21%. Lòng tin vào những tổ chức y tế giảm từ 73% xuống còn 29%, và vào ngành báo chí từ 29% xuống còn 14%. Trong thập niên qua, lòng tin vào các tổ chức giáo dục và quân sự đã được phục hồi, nhưng lòng tin vào Phố Wall và những tập đoàn lớn vẫn tiếp tục giảm.
Nhưng những con số có vẻ đáng báo động này có thể gây hiểu nhầm. Trên thực tế, 82% người Mỹ vẫn tin rằng nước Mỹ là nơi tốt nhất trên thế giới để sinh sống, và 90% thích hình thức chính thể dân chủ của họ. Người Mỹ có thể không hoàn toàn hài lòng với những lãnh đạo của họ, nhưng nước Mỹ chắc chắn không ở trên bờ vực của một cuộc cách mạng mang phong cách Mùa xuân Ả Rập.

Hơn nữa, dù chính trị đảng phái đã trở nên phân cực hơn trong những thập niên gần đây, nhưng điều này lại diễn ra sau thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, khi việc thoát khỏi cuộc Đại suy thoái và chiến thắng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai kích thích sự tin tưởng cao bất thường vào các thể chế của Mỹ. Trên thực tế, sự sụt giảm lòng tin của quần chúng vào chính phủ xảy ra mạnh mẽ nhất vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970.

Không chỉ thế, sự sụt giảm lòng tin vào chính phủ lại không đi kèm với những thay đổi đáng kể trong hành vi của người dân. Ví dụ, Cục Thuế vụ Quốc gia là một trong những tổ chức chính phủ gây dựng được ít lòng tin quần chúng nhất nhưng lại không có sự gia tăng đột biến về hành vi trốn thuế. Về mặt kiểm soát tham nhũng, Mỹ vẫn nằm trong nhóm đạt 90%. Và dù tỷ lệ bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống giảm từ 62% xuống còn 50% trong nửa sau của thế kỷ 20, tỷ lệ này ổn định vào năm 2000, và tăng lên đến 58% vào năm 2012.

Sự mất lòng tin mà người Mỹ đã thể hiện có thể bắt nguồn từ một sự chuyển biến sâu hơn trong quan điểm của họ về chủ nghĩa cá nhân. Điều này đã dẫn đến sự giảm tôn trọng chính quyền. Thật vậy, những khuynh hướng tương tự là đặc trưng của đa số xã hội hậu hiện đại.

Do hệ thống liên bang của Mỹ mang tính phi tập trung nên sự chuyển biến xã hội này hầu như sẽ không ảnh hưởng đến tính hiệu quả của các thể chế Hoa Kỳ nhiều như người ta vẫn nghĩ. Thực tế, sự bế tắc ở thủ đô thường đi cùng với sự hợp tác chính trị và đổi mới ở cấp độ tiểu bang và thành phố, khiến người dân nhìn nhận chính quyền bang và địa phương cũng như nhiều cơ quan chính phủ khác một cách tốt đẹp hơn là họ nhìn nhận về chính phủ liên bang.

Phương pháp quản trị này đã tác động sâu sắc lên trạng thái tâm lý của người Mỹ. Một nghiên cứu vào năm 2002 chỉ ra rằng 3/4 người Mỹ cảm thấy được kết nối với cộng đồng của họ và đánh giá chất lượng cuộc sống của họ là tuyệt vời hoặc tốt, với gần một nửa số người trưởng thành tham gia vào các nhóm hay phong trào công dân.

Đó là tin tốt cho Mỹ. Nhưng nó không đồng nghĩa với việc các nhà lãnh đạo Mỹ có thể tiếp tục phớt lờ những nhược điểm của hệ thống chính trị, ví dụ như những “ghế an toàn” do gian lận (bằng cách phân chia lại khu vực bầu cử để giành ưu thế trong bầu cử – NBT) trong Hạ viện và những quá trình gây cản trở (việc thông qua các dự luật) ở Thượng viện. Liệu có thể vượt qua được những nguồn bế tắc như vậy hay không vẫn còn chưa chắc chắn. Và có những lý do chính đáng để nghi ngờ khả năng duy trì vị thế “siêu cường” của Mỹ không chỉ vì sự trỗi dậy của những nền kinh tế lớn mới nổi.

Thế nhưng, như tác giả theo quan điểm bảo thủ David Frum đã chỉ ra, trong hai thập niên qua, Mỹ đã trải qua một sự sụt giảm nhanh chóng về tội phạm, tai nạn ô tô, lượng tiêu thụ rượu và thuốc lá, lượng thải lưu huỳnh đi-ô-xít và nitơ đi-ô-xít, hai chất gây ra mưa a-xít, đồng thời dẫn đầu một cuộc cách mạng Internet. Do đó, những sự so sánh thẳng thừng như coi sự suy yếu của Mỹ giống với sự suy yếu của Đế chế La Mã là không có cơ sở./.

Joseph S. Nye là cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, và là giáo sư tại Đại học Harvard. Gần đây nhất, ông là tác giả của cuốn Presidential Leadership and the Creation of the American Era.

Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate




No comments:

Post a Comment

View My Stats