Sunday, 16 December 2012

VIỆT NAM LẠI LỠ TÀU MỘT LẦN NỮA ? (Việt Hoàng)




Chi tiết
Được đăng ngày Chủ nhật, 16 Tháng 12 2012 13:31

Lịch sử cận đại của Việt Nam, nhất là dưới thời cộng sản, luôn là những chuyến xe muộn màng và trễ hẹn với tương lai. Việt Nam đã bị “lỡ tàu” hết lần này đến lần khác. Phát súng đầu tiên của thực dân Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng năm 1858 đã chấm dứt đêm dài của hai nghìn năm chế độ phong kiến Việt Nam. Cả triều đình Huế lẫn nhân dân Việt Nam ngỡ ngàng, ngơ ngác trước những kẻ xâm lược đến từ Tây Phương “mắt xanh mũi lõ”. Thế nhưng, thay vì chợt tỉnh cơn mê để canh tân đất nước, nhà Nguyễn đã chọn giải pháp đầu hàng và đứng về phía thực dân, tiếp tục cuộc sống phù du và lay lắt trong cơn hấp hối. Các sĩ phu và các tầng lớp nhân dân Việt Nam yêu nước tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp theo lối truyền thống, bằng cách dùng vũ lực để chống lại thực dân Pháp.

Tất cả đều thất bại. Một người con ưu tú của Việt Nam là cụ Phan Chu Trinh đã sớm nhận ra sự thua kém của trí tuệ Việt Nam trước kẻ thù nên cụ đã đề nghị một phương pháp khác để dành độc lập tự do thật sự cho dân tộc bằng con đường ôn hòa nhưng triệt để và bền vững, qua chủ trương: “Khai dân trí, chấn dân trí, hậu dân sinh”. Tiếc thay tư tưởng của cụ đã đi trước thời đại quá xa. Việt Nam bỏ lỡ chuyến tàu đi vào tương lai vì đã không chọn cụ và con đường của cụ mà lại chọn chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường Hồ Chí Minh. Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, hầu hết các nước thuộc địa trên thế giới đều giành được độc lập sau đó, riêng Việt Nam phải trải qua 9 năm chiến tranh ác liệt với Pháp và sau đó là hơn 20 năm nữa, với cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” mới thống nhất đất nước và giành được độc lập.

Sau năm 1975, thay vì thực thi chính sách “hòa giải và hòa hợp dân tộc” thật sự để thống nhất lòng người và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, chính quyền cộng sản Việt Nam đã say men chiến thắng, tiếp tục phạm những sai lầm mới, làm cho lòng người ly tán và 20 năm sau mới thiết lập được quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ.
Năm 1986, trong Đại hội đảng lần thứ VI, chính quyền cộng sản Việt Nam lấy quyết định “đổi mới” nền kinh tế đất nước. Sau 20 năm, bộ mặt Việt Nam đã thật sự thay đổi. Để tiếp tục phát triển, Việt Nam cần một cuộc đổi mới lần thứ 2, lần này là thay đổi thể chế chính trị cho phù hợp với dòng chảy của thời đại. Lo sợ bị mất quyền lực của đảng trong một môi trường dân chủ và đa nguyên, đảng cộng sản mê muội tiếp tục chọn con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa với tư tưởng lỗi thời Mác-Lênin. Con tàu Việt Nam đã khựng lại.

Được sự cỗ vũ mạnh mẽ của các nước dân chủ, đặc biệt là Hoa Kỳ, và trước sự hội nhập bắt buộc với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã có những bước đi dè dặt với mong muốn mở ra cánh cửa với thế giới. Phần thưởng dành cho Việt Nam trước sự cởi mở lần này là Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Dòng tiền và đầu tư của tư bản đã ào ạt chảy vào Việt Nam, nhiều đến nỗi có người cảnh báo, sợ rằng Việt Nam không đủ sức hấp thụ nguồn đầu tư này. Mỉa mai thay, nguồn vốn và viện trợ của các nước dân chủ cho Việt Nam không những được hấp thụ và còn được tiêu hóa rất nhanh. Đương nhiên là không phải dành cho cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi hay dân sinh và là chảy vào túi tham của các quan chức lớn nhỏ khắp mọi miền trên đất nước Việt Nam. Những công trình hoành tráng và đầy tham vọng được khởi công trong sự hồ hởi sảng của chính quyền mà kết quả của nó là đắp chiếu và không khả thi. Nợ nước ngoài tăng lên nhanh chóng.

Để quản lý và điều hành tốt một nền kinh tế đang lên với dân số gần 90 triệu người thì việc cải tổ thể chế chính trị, làm cho nó phù hợp với tình hình mới là một đòi hỏi bắt buộc. Một chế độ dân chủ như ở các nước tư bản, với tam quyền phân lập, với tự do báo chí, với xã hội công dân và với sự cạnh tranh chính trị giữa các đảng phái… tuy còn nhiều khiếm khuyết nhưng đó là mô hình ưu việt nhất mà loài người có thể nghĩ ra, ít nhất là cho đến lúc này. Việt Nam đã không chọn con đường đó. Họ vẫn tự mò mẫm, loay hoay tìm con đường đi lên chủ nghĩa cộng sản, một thứ chủ nghĩa hoang tưởng như cái bánh vẽ mà không ai có thể hình dung ra nó như thế nào. Nền kinh tế Việt Nam được xây dựng trên một tiêu chí hoàn toàn mới và chưa từng có trên thế giới với tên gọi là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Sự khập khiểng đầu voi đuôi chuột đã không thể làm Việt Nam hóa rồng, hóa hổ như chính quyền và một bộ phận người Việt cả tin mong muốn. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy năm 2007 tại Mỹ ra và sau đó lan tới Việt Nam đã chấm hết thời kỳ hoàng kim của nền kinh tế Việt Nam. Đầu năm 2012, phát súng của người nông dân giữ đất Đoàn Văn Vươn đã khai hỏa, như là một điềm báo cho một khúc quanh quan trọng cho sự suy thoái và kiệt quệ của nền kinh tế Việt Nam. Đầu tiên là vỡ bong bóng chứng khoán, tiếp sau là bất động sản, sự phá sản của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và sắp tới sẽ là hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế đất nước.

Bên ngoài thì Trung Quốc ngày càng mạnh bạo và quyết tâm thôn tính Biển Đông, lạ lùng thay trước tình thế hiểm nghèo như vậy mà lãnh đạo Việt Nam vẫn bình chân như vại. Tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội vẫn không hề lên tiếng hay có động thái gì. Người dân, vì vậy không biết đường nào mà lần, xuống đường biểu tình thì bị bắt bớ, đàn áp, vu cáo, bôi nhọ là thế lực thù địch này nọ… Việt Nam thật sự đang thiếu lãnh đạo, hay nói đúng ra là những người lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam đã từ chối trách nhiệm của mình trước nhu cầu và đòi hỏi của tình thế và thực sự họ đã từ nhiệm vai trò của mình trước nhân dân và tổ quốc. Chính quyền ngày nay cũng giống hệt triều đình nhà Nguyễn cách đây 154 năm về trước. Tiếng súng của Đoàn Văn Vươn và những cái chết oan uổng của người ngư dân Việt Nam ngoài Biển Đông đã không thức tỉnh được họ, thay vì thay đổi và đứng về phía người dân họ đã chọn con đường quay lưng lại với nhân dân và thỏa hiệp với kẻ thù, lịch sử của một thời đen tối đang lặp lại…

Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của đế quốc Trung Hoa, một quốc gia độc tài cộng sản, Hoa Kỳ và các nước dân chủ và trong khu vực không thể không lo lắng trước sự hung hăng của chủ nghĩa sô vanh nước lớn và chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Điều này có thể đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như thế giới. Hoa Kỳ và các nước dân chủ đã làm tất cả để thuyết phục các nước trong khu vực và hàng xóm Trung Quốc đi theo quĩ đạo của mô hình dân chủ, nhằm ngăn ngừa và răn đe các tham vọng nguy hiểm từ phía Trung Quốc. Như đã nói ở trên Mỹ và các nước dân chủ đã dành cho Việt Nam tất cả thiện chí và sự ưu đãi với mong muốn Việt Nam trở thành một nước dân chủ, có thể tự lập tự cường để không bị phụ thuộc vào Trung Quốc để rồi trở thành một đồng minh của Trung Quốc như Bắc Triều Tiên. Báo chí Phương Tây hết lời ca ngợi và thuyết phục các nhà đầu tư mang tiền vào Việt Nam qua những bài viết với những lời lẽ có cánh như Việt Nam sẽ là con rồng, con hổ của Châu Á trong tương lai… Tuy nhiên chính quyền Việt Nam vì muốn bảo vệ quyền lợi của mình nên đã bỏ lỡ cơ hội, làm cho con tàu Việt Nam trễ hẹn một lần nữa. Và sau lần này, e rằng cơ hội cho Việt Nam không còn nữa. Việt Nam đã khước từ thiện chí này của Mỹ và các nước dân chủ để ngả hẳn vào vòng tay của Trung Quốc.

Sự kiên nhẫn của Mỹ và các nước dân chủ đã cạn kiệt, nhất là sau bản án nặng nề và thô bạo mà chính quyền Việt Nam dành cho ông Nguyễn Văn Hải, bà Tạ Phong Tần, anh Phan Thanh Hải và sau đó là hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình. Đặc biệt là trường hợp ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) người được đích thân tổng thống Mỹ Obama nhắc đến trong một thông điệp nhân ngày tự do báo chí đã phải chịu một bản án vô cùng kinh khủng, 12 năm tù vì tội viết blog. Tin mới nhất cho biết là cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm Việt-Mỹ (năm 2012) đã bị đình hoãn. Hoa Kỳ đã thật sự thất vọng với chính quyền cộng sản Việt Nam.

Trong khi đó quốc gia độc tài quân sự, hàng xóm của Việt Nam và Trung Quốc là Miến Điện (Mianma) đã có những thay đổi ngoạn mục về phía dân chủ. Mỹ, Nhật và Phương Tây đã hân hoan chào đón và dành cho quốc gia này những tình cảm đặc biệt. Ngay sau khi tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ hai, Obama đã dành cho Miến Điện một cuộc thăm viếng lịch sử, mở đầu cho quan hệ nồng ấm giữa hai quốc gia Mỹ-Miến Điện. Mọi cấm vận đã được bãi bỏ và viện trợ lẫn đầu tư tư bản đang chảy mạnh vào quốc gia này. Hàng hóa xuất phát từ Miến Điện đã xuất hiện trong các chuỗi siêu thị nổi tiếng toàn cầu như Metro…

Nhật Bản, một nhà đầu tư hàng đầu thế giới đang tính chuyện rời bỏ Trung Quốc sau những đợt biểu tình quá khích của người dân nước này xung quanh các tranh chấp về biển đảo. Việt Nam đã không là sự lựa chọn của các nhà đầu tư Nhật. (Xin đọc bài “Nhật rời Trung Quốc, nhưng không chọn Việt Nam? của tác giả Huỳnh Phan trên Tuần Việt Nam) Theo giáo sưYoshiharu Tsuboi, cố vấn cao cấp của JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Nhật Bản) thì những lo ngại của các doanh nghiệp Nhật khi quyết định đầu tư tại Việt nam là sự bất ổn của luật phát, sự điều hành kém cỏi của chính phủ Việt Nam cũng như sự nhũng nhiễu, nhiêu khê trong thủ tục hành chính và đương nhiên, đứng đầu là tệ nạn tham nhũng. Không chỉ có thế, nghiêm trọng hơn là sự báo động đang diễn ra trên diện rộng tại Việt Nam là dòng đầu tư tư bản đang thoái vốn ra khỏi Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài thật sự mệt mõi và thất vọng với nạn tham nhũng hoành hành tại Việt Nam. Địa chỉ tiếp theo của họ sẽ là Indonesia, Thái Lan, Philippines, thậm chí là Mianma. Ngay cả Hội nghị định kỳ hàng năm của nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 10/12 cũng đã cắt giảm khoản viện trợ cho Việt Nam gần một tỉ đô la so với năm ngoái. Đây là một thay đổi bất ngờ trong suốt 20 năm đồng hành của nhóm các nhà tài trợ đối với Việt Nam.
Như vậy, có thể đoán trước được một điều là nền kinh tế Việt Nam trong những ngày sắp tới sẽ gặp vô vàn khó khăn và thách thức. Những gì đang xảy ra chưa phải là những điều tồi tệ nhất, vì nó đang còn ở phía trước. Con thuyền Việt Nam vẫn mông lung và bất định như chính số phận của 90 triệu người Việt Nam cũng như những người đang nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Đảng cộng sản Việt Nam, trên thực tế, đã hoàn toàn từ nhiệm vai trò lãnh đạo và dẫn dắt đất nước vậy còn trí thức của Việt Nam? Họ đã sẵn sàng để nhận lãnh trách nhiệm này hay chưa? Và bao giờ?

Việt Hoàng





No comments:

Post a Comment

View My Stats