Thursday 6 December 2012

VIỆT NAM CÓ GIỮ ĐƯỢC BIỂN ĐÔNG HAY KHÔNG? (Việt Hoàng)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ năm, 06 Tháng 12 2012 17:17

Đại hội lần thứ 18 của Đảng cộng sản Trung Quốc kết thúc ngày 15/11/2012 với sự lên ngôi của tân hoàng đế Tập Cận Bình. Sự phát triển của Trung Quốc ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới trong đó có cả Mỹ và Châu Âu, vì thế, ban lãnh đạo mới do Tập Cận Bình đứng đầu đã thu hút khá nhiều sự quan tâm và chú ý của dư luận thế giới. Tất cả giới quan sát đều đồng ý với nhau rằng Trung Quốc đang đứng trước ngưỡng của sự thay đổi, kinh tế Trung Quốc đã xuất hiện dấu hiệu trì trệ do suy thoái kinh tế toàn cầu. Muốn tiếp tục phát triển Trung Quốc cần cải cách mạnh mẽ về thể chế chính trị theo hướng dân chủ để xây dựng một nhà nước pháp quyền nhằm ngăn chặn nạn tham nhũng và nâng cao đời sống người dân.

Sự lựa chọn hiển nhiên đó, có lẽ, đã không được Tập Cận Bình và 6 ủy viên Bộ chính trị mới lựa chọn. Trung Quốc tiếp tục đường lối cứng rắn như các vị tiền nhiệm của họ duy trì và thực thi suốt gần 40 năm qua.

Việt Nam vừa là hàng xóm, vừa là nước cộng sản, có tư tưởng và mong muốn xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa giống Trung Quốc, nhưng cũng chính Việt Nam là quốc gia bị nhiều ảnh hưởng nhất từ Trung Quốc. Ngoài việc Việt Nam bị thâm thủng mậu dịch rất lớn so với Trung Quốc và hầu hết (90%) các công trình trọng điểm quốc gia đều rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, rồi rừng đầu nguồn ở các tỉnh biên giới cũng bị Trung Quốc thuê dài hạn lên đến 50 năm, việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên đã và đang mang lại những hậu quả không lường cho phía Việt Nam. Nói tóm lại Việt Nam đã bị rơi hoàn toàn vào quĩ đạo của Trung Quốc.

Vấn đề mà bài viết này muốn đề cập đến hôm nay là: liệu Việt Nam có giữ nổi Biển Đông hay không? Nếu mất Biển Đông thì Việt Nam sẽ ra sao? Câu sau có thể trả lời ngay là nếu mất Biển Đông thì Việt Nam hết giá trị. Chúng ta sẽ là một quốc gia lục địa vì không có đường giao thương với thế giới. Khi đó việc sát nhập Việt Nam vào đế quốc Trung Hoa chỉ còn là vấn đề thời gian. Còn câu hỏi: Việt Nam có giữ được Biển Đông hay không? Thì chúng ta hãy cùng nhau phân tích.

“Đường lưỡi bò” mà phía Trung Quốc khăng khăng đòi chủ quyền bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa (đã bị Trung Quốc xâm chiếm hoàn toàn) và Trường Sa của Việt Nam. Đường lưỡi bò chiếm đến hơn 80% diện tích Biển Đông, tức là trên 2,8 triệu km vuông. Biển Đông có những nguồn lợi và vị trí quan trọng nên Trung Quốc khó lòng bỏ qua.

Đầu tiên, đó là những dự đoán cho rằng Biển Đông có nguồn trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn (Theo tác giả Robert D. Kaplan, Biển Đông có trữ lượng dầu thô đạt 7 tỷ thùng (so với 1.383 tỷ thùng trên đất liền toàn thế giới theo tính toán của tập đoàn BP năm 2010, chiếm 0,5% trữ lượng dầu của thế giới) và có trữ lượng khí đốt đạt 25.000 tỷ m3 khí (so với 187.100 tỷ m3 khí trên đất liền toàn thế giới, chiếm 13,4% trữ lượng khí đốt toàn cầu)). Trữ lượng hải sản đánh bắt ở Biển Đông có thể lên tới từ 3 đến 3,5 triệu tấn mỗi năm. Thứ ba, “Biển Đông là một ngã tư thông thương của các tuyến hàng hải thương mại quan trọng bởi đây là tuyến ngắn nhất nối giữa Bắc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trước tiên liên quan đến tuyến vận chuyển năng lượng, eo biển Malắcca vận chuyển nhiều dầu mỏ gấp 6 lần kênh đào Xuyê và nhiều hơn 17 lần kênh đào Panama. Biển Đông là nơi vận chuyển 2/3 nguồn năng lượng của Hàn Quốc, 60% nguồn năng lượng của Nhật Bản và Đài Loan, 80% nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc, tức hơn một nửa nhập khẩu năng lượng của khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, việc nắm quyền kiểm soát hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa sẽ giúp kiểm soát hầu như một phần lớn EEZ và tuyến thương mại quan trọng hàng đầu thế giới” (theo nghiencuubiendong.vn).

Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ lượng năng lượng lớn nhất thế giới và nhu cầu này ngày càng tăng lên trong tương lai, vì thế nguồn tài nguyên khổng lồ ở Biển Đông là sự cám dỗ quá lớn với Trung Quốc. Quốc gia có chủ quyền phần lớn tại Biển Đông là Việt Nam, một nước đàn em, vừa cùng ý thức hệ, vừa “tứ cố vô thân”. Khống chế Việt Nam thông qua ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam là việc dễ dàng hơn nhiều so với việc mạo hiểm tìm kiếm các nguồn tài nguyên ở châu lục đen đầy bất trắc và bất ổn.

Với 1,3 tỉ dân thì nhu cầu thực phẩm và hải sản rất cấp bách và cần thiết nên việc quyết chiếm bằng được Biển Đông rất có ý nghĩa trong việc cung cấp nguồn thực phẩm từ đại dương nhằm đảm bảo an ninh lương thực và thực phẩm cho Trung Quốc.

Trung Quốc đã trở thành cường quốc thứ hai về kinh tế vì vậy nhu cầu giao thương với thế giới vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là sống còn. Hơn nữa Trung Quốc còn muốn đi xa hơn là trở thành một cường quốc về quân sự và đương nhiên hải quân phải là một binh chủng chủ lực, là con ách chủ bài. Hải quân Trung Quốc sẽ vươn ra thế giới bằng một con đường duy nhất đó là qua ngã Biển Đông. Làm chủ được Biển Đông thì mới hoàn thành giấc mộng làm chủ thế giới của Trung Quốc.

Ngoài ba vấn đề trên thì còn một vấn đề nữa mà giới quan sát ít đề cập đến khi nói về tham vọng của Trung Quốc với Biển Đông đó là: chủ nghĩa dân tộc. Ai cũng biết là Trung Quốc đã phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian gần 40 năm qua, vị thế Trung Quốc trên trường quốc tế nay đã hoàn toàn khác xưa. Ngoài việc giữ một trong năm ghế Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc cũng là chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ và hoàn toàn có đủ tiềm lực kinh tế để gây sức ép lên bất cứ một quốc gia nào, thậm chí cả một châu lục, như Châu Phi. Tuy nhiên Trung Quốc là một quốc gia độc tài cộng sản nên không có dân chủ. Không có dân chủ nhưng lại muốn có chính danh để nắm giữ quyền lực lâu dài nên ban lãnh đạo Trung Quốc phải dùng đến con bài “chủ nghĩa dân tộc”. Việc tuyên truyền các tranh chấp về chủ quyền đất liền cũng như biển đảo giữa Trung Quốc với các nước láng giềng như Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Đài Loan, Philippines… luôn được chính quyền Trung Quốc đẩy mạnh và khai thác tối đa. Có những kênh truyền hình ở Trung Quốc suốt ngày chiếu đi chiếu lại cảnh ngày xưa bị Phương Tây và Nhật Bản xâm lược và làm nhục và may nhờ có đảng cộng sản và bác Mao mà Trung Quốc mới trở thành một cường quốc như thế ngày hôm nay .v.v.

Lối tuyên truyền một chiều và bất chấp sự thật (ví dụ cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc về Trung Quốc trước đây nhưng bị Việt Nam chiếm mất) làm cho người dân Trung Quốc ngày càng tức giận và trở nên cực đoan hơn với các quốc gia láng giềng. Việc người dân Trung Quốc tấn công và phá phách các cơ sở của người Nhật trong đợt biểu tình thời gian qua chứng minh cho điều đó. Bây giờ, giả sử chính quyền Trung Quốc có muốn hòa hoãn và hòa bình trên vấn đề Biển Đông thì cũng đã muộn. Giới tướng lĩnh diều hâu và chủ nghĩa dân tộc cực đoan của một bộ phận (không nhỏ) người dân Trung Quốc sẽ không để yên cho chính quyền và ban lãnh đạo mới của Trung Quốc. Tập Cận Bình chỉ còn mỗi cách là tiếp tục tiến lên phía trước, bất chấp hậu quả trong tương lai.

Ngay sau khi Tập Cận Bình đăng quang thì chính quyền Trung Quốc đã có những hành động quyết liệt và mạnh mẽ để khẳng định chủ quyền của mình lên hồ sơ Biển Đông bằng cách cho in hình lưỡi bò lên các cuốn hộ chiếu mới, Trung Quốc đồng thời tuyên bố sẽ khám xét và trục xuất tàu nước ngoài “xâm nhập trái phép” Biển Đông. Khi bị báo chí nước ngoài chất vấn thì Trung Quốc cho biết ngư dân Việt Nam là đối tượng chính của quyết định này. Chưa dừng lại ở đó, ngày 30/11/2012 mới đây tàu Trung Quốc lại tiếp tục cắt cáp tàu Bình Minh 02 trong vùng biển Cồn Cỏ, nằm sâu trong địa phận Việt Nam.

Như vậy có thể tạm đủ để đưa ra một kết luận là Trung Quốc sẽ cưỡng chiếm Biển Đông bằng bất cứ giá nào. Dù nhanh hay chậm, sớm hay muộn, bằng vũ lực hay kinh tế thì cuối cùng Trung Quốc cũng phải chiếm cho bằng được Biển Đông.

Trở lại với câu hỏi là Việt Nam có giữ được những gì đang có ở Biển Đông hay không? Thì có lẽ câu trả lời sẽ là: không. Sự phụ thuộc toàn diện vào Trung Quốc, nhất là về thể chế chính trị để duy trì quyền lợi của đảng cộng sản Việt Nam đã làm triệt tiêu đi mọi nỗ lực của người dân Việt Nam trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Ban lãnh đạo Việt Nam đã không có các phản ứng cần thiết trước dã tâm ngày càng lộ rõ từ phía Trung Quốc. Ngay cả những hành động yêu nước như việc xuống đường biểu tình chống Trung Quốc cũng bị chính quyền đàn áp thẳng tay. Ông Nguyễn Sinh Hùng vẫn cho là Việt Nam và Trung Quốc cần ổn định và hòa bình để cùng nhau đi lên xã hội chủ nghĩa, ông tướng Nguyễn Chí Vịnh thì lớn tiếng khẳng định (hộ Trung Quốc) rằng Trung Quốc không bao giờ lấy đất, lấy biển của Việt Nam...

Muốn giữ được Biển Đông và đối phó với các nguy cơ từ Trung Quốc thì Việt Nam phải có dân chủ (như Miến Điện chẳng hạn). Việt Nam phải tăng cường quan hệ với các nước dân chủ trên thế giới và khu vực, như Mỹ, Châu Âu, Úc, Nhật, Hàn, Ấn, ASEAN… Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn của chính quyền Việt Nam hiện nay và trong cả tương lai gần.

Điều gì sẽ xảy ra trên Biển Đông? Với Việt Nam và với Trung Quốc?

Trung Quốc sẽ cưỡng chiếm Biển Đông bằng mọi giá. Chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ hoàn toàn chịu khuất phục trước Trung Quốc. Thế nhưng, cho dù Trung Quốc có chiếm được Biển Đông thì đảng cộng sản Trung Quốc cũng phải sụp đổ. Trung Quốc quá lớn nên không thể thay đổi trong hòa bình như Đông Âu và Miến Điện. Trung Quốc sẽ sụp đổ giống Liên Xô cũ nhưng theo kịch bản khác. Trước sự mâu thuẫn ngày càng gay gắt trong nhân dân và do khủng hoảng kinh tế, Trung Quốc bắt buộc phải dùng đến con dao hai lưỡi, đó là chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Trung Quốc sẽ gây hấn với các nước trong khu vực ASEAN và cuộc chiến sẽ lan rộng, Mỹ và đồng minh (là các nước dân chủ) sẽ phải nhảy vào cuộc. Trận so găng sẽ diễn ra trên Biển Đông với phần thất bại thuộc về Trung Quốc. Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ rút lui vào hậu trường lịch sử. Một chế độ dân chủ tại Trung Quốc sẽ ra đời và làn sóng dân chủ thứ tư sẽ hoàn thành sứ mệnh của nó. Thế giới sẽ bước vào một chu kỳ hòa bình và ổn định lâu dài.
Khi đảng cộng sản Trung Quốc kết thúc sứ mệnh của mình thì tại Việt Nam cũng sẽ xảy ra y như vậy. Vấn đề cấp bách và quan trọng nhất đối với trí thức Việt Nam là nhanh chóng tập hợp đội ngũ, thống nhất với nhau về con đường đi và một tương lai chung cho toàn thể nhân dân Việt Nam. Thời gian không còn nhiều. Hãy sáng suốt để can đảm nhận lãnh trách nhiệm trước lịch sử và trước vận mệnh của dân tộc.

Lời khuyên dành cho ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, nếu có, thì đó là: đường nào Trung Quốc cũng sẽ cưỡng chiếm Biển Đông bằng mọi cách dù Việt Nam có chống đối hay không. Và vì đường nào cũng thua, cũng mất Biển Đông nên hãy chọn thái độ chống lại âm mưu xâm chiếm này và đứng về phía nhân dân Việt Nam để sau này không bị lịch sử lên án và phỉ nhổ.

Việt Hoàng




No comments:

Post a Comment

View My Stats