Trọng Thành – RFI
Thứ năm 13 Tháng Mười Hai 2012
Báo La Croix hôm nay quan tâm đến tình trạng khốn khổ của công nhân Trung Quốc qua một báo cáo về những vi phạm nghiêm trọng luật lao động tại các doanh nghiệp nhận thầu cho Mattel, hãng đồ chơi nổi tiếng của Hoa Kỳ, nơi sản xuất các búp bê Barbie.
Bài viết của La Croix có tựa :
" Tại Trung Quốc, công nhân làm búp bê Barbie bị áp đặt những điều kiện khắc nghiệt ".
Tổ chức phi chính phủ về lao động Trung Quốc – China Labor Watch – vừa công bố một báo cáo cho thấy nhiều vi phạm nghiêm trọng như : trả lương rẻ mạt, an toàn lao động không được tôn trọng, nhịp độ lao động quá căng thẳng, giờ làm việc bị kéo dài… Nghiên cứu kể trên được tiến hành tại bốn doanh nghiệp làm thuê cho Mattel tại tỉnh Quảng Đông, vào tháng 10 và 11/2012.
China Labor Watch tố cáo tình trạng « lao động khổ sai » của các công nhân làm cho Mattel. Nghiên cứu này đã chỉ ra tổng cộng 15 loại vi phạm khác nhau. Ví dụ như, số giờ làm thêm tăng gấp từ hai đến sáu lần so với quy định là 36 giờ. Vào những thời điểm cần nhân công, nhà máy Dong Yao đã buộc nhân công phải làm thêm từ 180 giờ đến 210
giờ/tháng. Nhịp độ lao động 14
giờ/ngày và 7/7 ngày là không hiếm. Thậm chí, các xí nghiệp còn không tính giờ lao động và trả lương cho công nhân thấp hơn rất nhiều so với luật định.
Bên cạnh đó, việc bảo vệ an toàn cho người lao động hoàn toàn không được chú ý. Công nhân sơn xịt đồ chơi làm việc mà không có mặt nạ bảo hiểm. Nhiều người không được quyền mang găng tay bảo hộ, vì bị coi là làm ảnh hưởng đến năng suất lao động.
Công nhân làm thuê cho Mattel
được trả lương khoảng 250 € đến 375 €/tháng. Số tiền này không đủ cho họ tìm được một chỗ ở tử tế. Đa số phải sống tại các khu nhà trọ với từ 8 đến hơn 10 người trong một phòng.
Báo cáo nhấn mạnh, tình trạng vi
phạm luật lao động nghiêm trọng kể trên diễn ra tại các doanh nghiệp nhận thầu của Mattel, là một công ty có lợi nhuận đến 589
triệu € vào năm ngoái. Với khoản lợi nhuận khổng lồ kể trên, China Labor Watch cho rằng, hãng nên đối xử với các công nhân một cách có đạo lý và trách nhiệm hơn.
La Croix cho biết, vào năm 1997, Mattel đã là một trong các tập đoàn đa quốc gia đầu tiên thảo ra và phê chuẩn một bộ quy tắc ứng xử đối với các doanh nghiệp nhận thầu, nhằm bảo vệ quyền của người lao động. Tuy nhiên, theo
China Labor Watch, các quy tắc này ngày càng bị cắt giảm.
Báo cáo tình báo Mỹ về viễn cảnh 2030 : Không siêu cường, thế giới có thể rơi vào hỗn loạn
Le Figaro hôm nay cung cấp các thông tin về viễn cảnh thế giới 2030, theo báo cáo của cơ quan tình báo quốc gia Mỹ (DNI). Theo đó, trong trung hạn, thống trị thế giới không phải là Hoa Kỳ, cũng không phải là Trung Quốc, có điều chắc chắn là, đây là một thế giới « hậu phương Tây » và vô cùng khác biệt so với thế giới hiện nay. Nỗi sợ lớn nhất là, trật tự do phương Tây lãnh đạo chấm dứt, nhưng không dẫn đến sự ra đời của một thế giới đa cực, mà là một thế giới "vô
cực, không có hình mẫu, không có các lực lượng bảo vệ trật tự chung". Một thế giới như vậy là thế giới « đại hỗn loạn ».
Tác giả chính của công trình nghiên cứu được thực hiện trong vòng 4 năm này là nhà phân tích Matthew Burrows. Trong một cuộc họp báo vào thứ Hai vừa rồi, ông nhấn mạnh đến thời điểm hiện nay của thế giới là một bước ngoặt lịch sử, tương đương với những thời điểm trong quá khứ, như 1789, 1848, 1919, 1945 và 1989.
Ông Matthew Burrows ghi nhận : « Một thế giới đơn cực, do Mỹ thống trị, sau khi Liên Xô sụp đổ đã chấm dứt. (…) Sự suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ là không thế tránh khỏi và đã diễn ra. Về sức mạnh tổng thể - GDP, cư dân, chi phí quân sự, đầu tư công nghệ, Châu Á đều vượt qua Bắc Mỹ và Châu Âu ». Le Figaro nhận xét, việc một thành viên của cơ quan tình báo quốc gia Mỹ đưa ra nhận định về « sự suy tàn » của Hoa Kỳ, dù chỉ là tương đối, là một điểm mới, tự nó đã là điều đáng chú ý.
Tuy nhiên, chuyên gia tình báo
Mỹ cũng khẳng định, không có nước nào khác, kể cả Trung Quốc có thể chiếm lĩnh vị trí của Hoa Kỳ. Trung Quốc tiếp tục mạnh lên, nhưng với một tốc độ chậm hơn, với sự bất trắc của những năng động nội tại.
Nhà phân tích chiến lược kêu gọi chính quyền Mỹ tạo điều kiện cho các hợp tác để giữ được vị trí lãnh đạo trong một thế giới ngày càng trở nên phân tán, bởi sự suy sụp hay việc Hoa Kỳ rút ra bất ngờ có thể gây ra « tình trạng vô chính phủ toàn cầu kéo dài » trong bối cảnh Châu Âu, Nga và Nhật Bản đều tiếp tục suy yếu.
Sự phân tán ngày càng lớn của các quốc gia là một trong
bốn « xu thế lớn » được báo cáo kể trên rút ra. Một xu thế lớn khác là « quyền lực ngày càng lớn của các cá nhân » trong một hệ thống quốc tế mới, nhờ ở « sự tăng trưởng kỳ diệu của giai cấp trung lưu », nhờ cuộc cách mạng công nghệ tin học. Về mặt nguyên tắc, tầng lớp này có khả năng mang lại những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, chuyên gia Mỹ cũng nhấn mạnh đến những nguy hiểm tiềm tàng, gắn liền với khả năng gây khó khăn cho các định chế Nhà nước, ví dụ qua các tấn công tin tặc. Tình trạng dân cư già đi ở nhiều nước phát triển và giới trẻ ít có khả năng tìm được việc làm đặc biệt tại vùng Cận Đông, là xu thế lớn thứ ba. Xu thế cuối cùng được báo cáo tổng kết là xung đột gia tăng xung quanh việc tranh chấp các tài nguyên như lương thực, thực phẩm, nước và năng lượng. Trong bức tranh đen tối này, việc Hoa Kỳ khẳng định được sự độc lập về năng lượng là « một điểm sáng ».
Bên cạnh các xu thế lớn, chuyên gia Mattew Burrows cũng làm nổi lên những bất định gây lo ngại, đặc biệt là « biến đổi khí hậu ». Bên cạnh đó, sự sụp đổ của khu vực đồng
euro, nếu xảy ra, sẽ có những hậu quả nghiêm trọng hơn là sự phá sản của ngân hàng Lehman Brothers. Ngược lại, việc Iran từ bỏ tham vọng hạt nhân có thể tạo ra thay đổi lớn tại Cận Đông. Chuyên gia tình báo Mỹ khuyến cáo chính quyền phải hành động, bởi vì trong quá khứ nhiều đế chế tự tin rằng bất khả chiến bại, đã bị sụp đổ, và Hoa Kỳ không thể hài lòng ở vị trí thứ 31/63
thế giới về giáo dục phổ thông và đứng hàng thứ 26 về khoa học.
Tranh luận về Liên bang Châu Âu bị đình lại
Về thời sự Châu Âu, Libération chạy trên trang nhất « Liên bang Châu Âu bị đóng băng ». Từ đóng băng không phải để nói về đợt lạnh giá đang tràn vào Châu Âu, mà là để mô tả dự án thành lập một Liên bang thật sự về kinh tế và tiền tệ của Châu Âu bất ngờ bị chặn đứng do lập trường của Đức và Pháp.
Xã luận Libération nhận định, tổng thống Pháp và thủ tướng Đức vừa giáng vào Liên Hiệp Châu Âu một đòn mạnh. Ngày hôm qua, tổng thống Hollande và thủ tướng Merkel « đã quyết định chôn vùi cuộc tranh luận mang tính chiến lược về tương lai của Châu Âu ». Thực tế là hai lãnh đạo Pháp
và Đức đã lùi thời hạn tranh luận về dự án Liên hiệp kinh
tế và tiền tệ Châu Âu mới đến sau
thời điểm tháng 6/2014.
Trước đó, nhóm 27 nước đã cam kết sẽ ra được một lộ trình, trước khi năm 2012 kết thúc, để hướng đến một Châu Âu hội nhập mật thiết hơn. Tuy nhiên, Libération khẳng định, vì những bất đồng xung quanh một dự án Liên bang châu Âu mới, Pháp và Đức đã chọn giải pháp « con đà điểu » để tránh đối mặt với thực tại. Về phần Đức, sở dĩ có quyết định này là vì đảng cầm quyền của thủ tướng Merkel đang bước vào giai đoạn tranh cử và không muốn mạo hiểm, trong khi đó, về phía Pháp, tổng thống Hollande không muốn tạo cơ hội cho những chia rẽ vốn có trong đa số cầm quyền có dịp sống dậy.
Cũng trong hồ sơ về Châu Âu, Libération có bài phỏng vấn bà Viviane Reding, phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu, ủy viên về pháp luật, nhân quyền và công dân. Lãnh đạo Châu Âu, người Luxembourg, đưa ra nhận định về tầm quan trọng của các cuộc bầu cử Châu Âu tháng 6/2014 tới. Theo bà, đây là lần đầu tiên có các cuộc bầu cử thực sự mang tính « toàn Châu Âu ». Ứng cử viên đảng thắng cử sẽ được 27 nguyên thủ quốc gia Châu Âu bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy ban Châu Âu. Quốc hội Châu Âu mùa hè 2014 có thể coi như là Quốc hội lập hiến của một Liên bang Châu Âu tương lai. Ủy ban Châu Âu sẽ thực sự trở thành chính phủ của liên minh và quyền lực của Quốc hội Châu Âu sẽ được tăng cường.
Bê bối tỷ giá liên ngân hàng Libor : Những vụ bắt giữ đầu tiên
Cũng về thời sự Châu Âu, Le Monde có bài đáng chú ý về các vụ bắt giữ đầu tiên, liên quan đến vụ bê bối xung
quanh việc thao
túng tỷ giá liên ngân hàng Libor (Anh quốc) của nhiều ngân hàng lớn.
Libor là hệ số tham chiếu rất quan trọng đối với các giao dịch tiền tệ liên ngân hàng, với tổng trị giá các sản phẩm tài chính được trao đổi lên tới 350.000 tỷ đô la hay 269.400 tỷ euro mỗi ngày trên thế giới. Cho đến nay, hệ số này được một « câu lạc bộ » các chủ ngân hàng xác định
Trong số những người bị bắt, có một cựu trader của ngân hàng UBS và Citygroup và hai cựu nhân viên phụ trách giao dịch của RP Martin. Ba người bị bắt, bị tình nghi là kiếm được tiền trong việc hạ thấp hệ số Libor.
Le Monde cũng nhắc lại báo cáo của cơ quan điều tra tài chính Anh Quốc và một ủy ban điều tra
Hoa Kỳ, công bố hồi tháng 6/2012, cáo buộc ngân hàng Anh Quốc
Barclays đã thao túng tỷ giá kể trên, cũng như Eurobor, tỷ giá liên ngân hàng của Châu Âu, với sự đồng lõa của nhiều tổ chức. Hiện tại, khoảng hơn 10 cơ sở, trong đó có Ngân hàng Société générale và Crédit agricole của Pháp, nằm trong
tầm ngắm của các cơ quan có thẩm quyền của Châu Âu.
Theo báo cáo điều tra của Wheatley, hệ số Libor vẫn được giữ lại, nhưng việc tính toán hệ số này sẽ được ủy thác cho một cơ quan độc lập. Về phần mình, Ủy ban Châu Âu đã bắt đầu tiến hành một điều tra
không chỉ về hai hệ số Libor và Eurobor, mà các hệ số có liên quan, như Tibor của Nhật Bản và Sibor của Singapore.
No comments:
Post a Comment