Đức Tâm – RFI
Thứ năm 06 Tháng
Mười Hai 2012
Tuần này là thời điểm trao các giải Nobel, và áp lực đòi Trung Quốc trả tự do cho Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba ngày càng gia tăng.
Hôm nay 06/12/2012, một nhóm trí thức Trung Quốc đã ký tên vào một thư ngỏ gửi ban lãnh đạo mới của đảng Cộng sản Trung Quốc kiến nghị trả tự do cho giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba cũng như tất cả các tù chính trị.
Trong số hơn 40 người ký tên vào bức thư ngỏ đăng trên website của Hội Văn bút Trung Quốc, có bà Đinh Tử Lâm (Ding Zilin), nguyên là giáo sư triết học, hiện là một trong
những người lãnh đạo phong trào « Các bà mẹ Thiên An Môn ». Bên cạnh đó, còn có nhà ly khai Trung Quốc Trần Tử Minh (Chen Ziming) và nhà tranh đấu Vương Lệ Hồng (Wang Lihong), hai nhân vật có tên tuổi đã từng tham gia phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh, cùng một số nhà tranh đấu cho nhân quyền như Phố Chí Cường (Pu
Zhiqiang) hay Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), Hồ Giai (Hu Jia).
Theo các trí thức Trung Quốc, có nhiều người ở Trung Quốc cũng như trên thế giới, đặt niềm tin vào Đại hội Đảng lần thứ 18 và vào ban lãnh đạo mới, là sẽ có cải cách chính trị. Bản án đối với Lưu Hiểu Ba là « sai trái » và việc trả tự do cho ông cũng như các tù chính trị là bước đầu tiên trong tiến trình cải cách chính trị tại Trung Quốc.
Ông Lưu Hiểu Ba, đồng tác giả Hiến chương 08 kêu gọi đa nguyên, đa đảng tại Trung Quốc, giải Nobel Hòa bình năm 2010, đã bị chính quyền Bắc Kinh vào cuối năm 2009 kết án tù 11 năm, với tội danh hoạt động lật đổ chính quyền. Vợ ông, bà Lưu Hà, trên thực tế, bị quản thúc tại gia.
Bức thư kêu gọi ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của tân Tổng bí thư Tập Cận Bình, « hãy đưa ra ngay lập tức những biện pháp tư pháp để sửa sai bản án đối với tiến sĩ Lưu Hiểu Ba và sớm trả tự do cho ông » và « hãy trả tự do ngay lập tức cho những người bị giam giữ hoặc kết án tù vì những lý do chính trị, bày tỏ chính kiến hoặc tín ngưỡng ». Bởi vì, theo các trí thức Trung Quốc, « việc có các tù nhân chính trị và tù nhân chính kiến không giúp cho Trung Quốc tạo dựng hình ảnh một cường quốc có trách nhiệm ».
Các trí thức Trung Quốc đã công bố kiến nghị nói trên, sau khi 134 nhân vật được giải Nobel trên toàn thế giới, vào ngày 04/12 vừa qua, đã ký tên vào một bức thư gửi ông Tập Cận Bình, yêu cầu trả tự do cho Lưu Hiểu Ba. Cũng như giới trí thức Trung
Quốc, các giải Nobel
bày tỏ hy vọng là ban lãnh đạo mới tại Bắc Kinh sẽ có « những quyết định cụ thể để tôn trọng các quyền cơ bản của công dân Trung Quốc ». Và « bước quan trọng đầu tiên là phải trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện cho ông Lưu Hiểu Ba và vợ ông, bà Lưu Hà ».
Chiến dịch vận động quốc tế đòi trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba do cựu Tổng giám mục Nam
Phi Desmond Tutu, giải Nobel Hòa bình 1984, khởi xướng, với sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ Mỹ Freedom Now. Trong số những người ký tên vào thư gửi lãnh đạo Trung Quốc có giải Nobel
Văn học 2010 Mario Vargas Llosa, Nobel Hòa bình 1996 José Ramos
- Horta hay Nobel Kinh tế 1972 Kenneth Arrow.
Hôm qua, Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ lời kêu gọi của các giải
Nobel, coi đây là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Ngay sau khi có thông báo được giải thưởng Nobel Văn học 2012,
nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn đã nói là ông hy vọng giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba được trả tự do càng sớm càng tốt. Nhưng đó chỉ là câu trả lời khi ông được một nhà báo phương Tây hỏi về việc này. Thứ Sáu, 07/12, nhà văn Mạc Ngôn có đề cập đến trường hợp Lưu Hiểu Ba trong diễn văn nhận giải Nobel hay không ?
Có nhiều khả năng là không, bởi vì theo nhà văn Ngụy Anh Kiệt (Wei Yingjie), « có thể Hiệp hội các nhà văn Trung Quốc cũng như các quan chức chính phủ nhắc nhở Mạc Ngôn không nên nêu các vấn đề nhậy cảm trong diễn văn của ông ». Nếu vậy, về mặt cá nhân, nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn sẽ phải hứng chịu những chỉ trích của các giải
Nobel. Còn trên phương diện quốc gia, chừng nào Trung Quốc còn giam giữ ông Lưu Hiểu Ba, thì quốc tế sẽ còn tiếp tục gây áp lực, đặc biệt là vào các dịp công bố và trao giải thưởng Nobel hàng năm.
No comments:
Post a Comment