Thursday, 6 December 2012

"TRẬT TỰ HẬU CHIẾN" ĐÃ LUNG LAY TẠI NHẬT BẢN ? (Hùng Tâm / Người Việt)




Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, December 05, 2012 7:53:37 PM

Sự hồi sinh của chủ nghĩa quốc gia Nhật

Mâu thuẫn Hoa-Nhật về các hòn đảo Ðiếu Ngư/Senkaku có thể đã che khuất nhiều chuyển động chậm rãi hơn trong lòng xã hội Nhật. Trước hết là sự thất thế chung của các chính đảng truyền thống đã từng lãnh đạo nước Nhật từ sau Thế Chiến II.

Thứ nhì là sự xuất hiện của nhiều đảng nhỏ từ các địa phương với một số chủ trương rất cục bộ và đôi khi cực đoan. Lồng trong đó là sự thắng thế của chủ nghĩa dân tộc nhuốm mùi cực hữu. Phải chăng, “Trật Tự Nhật” do Hoa Kỳ thiết lập sau Thế Chiến II đã bắt đầu lung lay? “Hồ Sơ Người Việt” sẽ tìm hiểu chuyện đó.

Luồng gió duy tân

Vì kích thước quá lớn và bản chất quá phức tạp của xã hội, dân chúng Hoa Kỳ thường ít để ý đến thời sự ngoài nước Mỹ. Thản hoặc như có thấy báo chí nhắc đến thì cũng một cách hời hợt. Họ biết rằng có gì đó xảy ra ở nơi nào đó trên thế giới mà đa số không hiểu vì sao, và hậu quả sẽ là những gì. Trong bốn năm qua, nước Mỹ lại gặp khủng hoảng lớn về kinh tế và chi thu ngân sách, một vụ khủng hoảng bùng nổ vì nhiều nguyên nhân sâu xa tích lũy từ nhiều thập niên, lồng trong đó là hai năm chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử 2012, cho nên người dân càng không chú ý đến nhiều biến động sẽ có hậu quả lâu dài cho cục diện thế giới.

Vì mối quan hệ với Việt Nam, người Việt chúng ta theo dõi những gì xảy ra tại Trung Quốc, nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng chung của nước Mỹ mà ít chú ý đến nhiều khu vực khác. Trong đó có trường hợp Nhật, một cường quốc Ðông Á, đã từng liên hệ đến Việt Nam trong lịch sử cận đại.

Ngày 17 tháng 11 vừa qua, một lãnh tụ cực hữu của Nhật, cựu đô trưởng Tokyo từ 1999 đến 2012, đã có một quyết định lịch sử. Ông Shintaro Ishihara này nổi tiếng về lập trường quốc gia dân tộc và lãnh đạo đảng Thái Dương Nhật (Tachiagare Nippon) được thành lập từ năm 2010 với chủ trương hồi phục sức mạnh của Nhật. Ông quyết định sát nhập đảng Thái Dương với đảng Duy Tân Nhật (Nippon Ishin no Kai) do thị trưởng Osaka là ông Toru Hashimoto sáng lập từ Hội Duy Tân Thành Phố Osaka, một thành phố đứng hạng thứ ba về dân số.

Thời sự Mỹ không coi tin này là đáng kể, nhưng một chính đảng lớn của Nhật vừa xuất hiện để ngày 16 tới đây sẽ tranh cử vào Hạ Viện (Diet) Nhật. Trong khi ấy, hai chính đảng lớn còn lại thì chỉ là vang bóng.

Lên cầm quyền từ năm 2010, đảng Dân Chủ Nhật của Thủ Tướng Yoshihiko Noda bị phân hóa và suy yếu nên ông mới quyết định tổ chức bầu cử sớm mà có ít hy vọng. Ðảng Tự Do Dân Chủ Nhật cũng chẳng khá hơn dù đã từng liên tục lãnh đạo nước Nhật từ sau Thế Chiến II cho đến năm 1993 và Thủ Tướng Junishiro Koizumi cố xoay chuyển từ năm 2001 mà không thành công.

Sự kiện hai đảng nhỏ, có tính chất địa phương, mà đã thống hợp thành một đảng có tầm vóc quốc gia và có thể chiếm đa số là biến cố đáng chú ý.

Nó phản ảnh sự bất mãn của người dân Nhật về tình trạng trì trệ của xã hội và đất nước và sự hấp dẫn của những chủ trương ái quốc nhuốm mùi “đại chúng,” mị dân. Sự bất mãn ấy có thể được thấy từ trước, từ sự xuất hiện của nhiều đảng phái ở địa phương với những đòi hỏi cải cách và tinh thần thách đố chính quyền trung ương tại thủ đô Tokyo.

Nhưng vì sao lại có sự trì trệ đó?

Ổn định và trì trệ

Sau Thế Chiến II (1945) và suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh (1948-1991), Nhật có nhiều thập niên ổn định và dồn sức cho công cuộc phát triển với sự yểm trợ và bảo vệ của Hoa Kỳ. Nước Mỹ yểm trợ nhờ chánh sách nâng đỡ kinh tế và giúp Nhật trở thành cường quốc xuất cảng của Châu Á và thế giới, và bảo vệ bằng sức mạnh quân sự trước sự bành trướng của Liên Bang Xô Viết và mối đe dọa từ Trung Quốc. Trong thời ổn định này, đảng Tự Do Dân Chủ Nhật (LDP) liên tục lãnh đạo từ năm 1955 đến 1993, với một bản Hiến Pháp do nước Mỹ soạn thảo với chủ đích giải giới nước Nhật. Nhật không có quân đội mà chỉ có một Lực Lượng Tự Vệ.

Thời kỳ ổn định kéo dài cũng dẫn đến sự trì trệ vì đảng cầm quyền không cải cách và thấy là khỏi cần cải cách. Sự kết hợp và thực tế là cấu kết tay ba giữa chính đảng cầm quyền, bộ máy hành chánh công quyền và các doanh nghiệp đã tạo ra phép lạ kinh tế Nhật mà cũng gây ra nhiều vấn đề, kể cả nạn tham nhũng. Tính chất thuần chủng và liên đới đùm bọc lẫn nhau nhờ sự nâng đỡ của nhà nước không ngăn ngừa được nhiều bài toán xã hội của một đất nước đã đổi thay rất mạnh. Khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc năm 1991 với sự sụp đổ của Liên Xô, thì các bài toán xã hội đó đã bung khỏi khuôn khổ cũ và nhu cầu cải cách được đặt ra.

Trào lưu cải cách xuất hiện ngay từ trong đảng Tự Do Dân Chủ và từ nhiều chính đảng khác. Trước sức ép của bảy đảng nhỏ, đảng Tự Do Dân Chủ mất đa số vào năm 1993 và phải thỏa hiệp với các xu hướng và chính khách đối lập. Nhưng sự thỏa hiệp không có định hướng khiến Thủ Tướng Morihiro Hosokawa chỉ cầm quyền được tám tháng mà không thể cải cách. Mâu thuẫn và dị biệt quá lớn trong nội bộ là lý do chính.

Sau đó, Nhật đã qua thập niên bất ổn với cả chục thủ tướng và sáu lần kinh tế suy trầm, cho đến khi ông Junichiro Koizumi của đảng Tự Do Dân Chủ lên lãnh đạo và cũng muốn cải cách từ trong đảng. Từ phe thiểu số và có tinh thần duy tân, Thủ Tướng Koizumi cầm quyền được lâu nhất, từ 2001 đến 2006, và thực tế là dám tấn công vào thành trì của đảng để tạo ra thay đổi mà cũng chẳng thành công vì sự cưỡng chống ngay từ bên trong.
Chính là nỗ lực cải cách ấy đã gây phân hóa nội bộ đảng và các xu hướng kêu đòi cải tổ quy tụ vào đảng Dân Chủ, giúp đảng này thắng lớn vào năm 2009.

Nhưng đảng Dân Chủ Nhật cũng bị sâu xé nội bộ làm Thủ Tướng Yoshihiko Noda bị tê liệt. Sau trận thiên tai Tohoku năm ngoái, hàng loạt tai họa như động đất, sóng thần, sự sụp đổ của nhiều lò nguyên tử và phản ứng tuyệt vọng của dân chúng, v.v... càng gây thêm vấn đề chính trị cho đảng cầm quyền.

Ðã vậy, trong khi các chính đảng lớn bị phân hóa nội bộ trước đòi hỏi cải cách của dân chúng thì sự lớn mạnh của Trung Quốc lại đặt ra bài toán mới, từ bên ngoài. Ðấy là bối cảnh xuất hiện của các đảng phái địa phương, và cực hữu. Mà vì sao lại có các đảng phái địa phương?

Ðịa dư Nhật là định mệnh

Nhật là một quốc gia quần đảo, bên trong bốn đảo lớn lại có từng khu vực biệt lập. Hình thể đó là một thứ định mệnh tiên thiên khiến xứ này thường gặp bài toán chính trị là mâu thuẫn giữa quyền lực của trung ương với các địa phương và cả sự xung đột giữa các địa phương với nhau khi trung ương bị suy yếu. Tình trạng tập quyền hay tản quyền và thậm chí phân hóa và cát cứ là một thực tế của chính trị Nhật. Sau mỗi giai đoạn chiến chinh và hỗn loạn lại là một thời kỳ ổn định dài... Ðấy là lẽ hợp tan trong lịch sử Nhật.

Một trường hợp tiêu biểu là hệ thống cai trị của dòng Tokugawa, từ đầu thế kỷ 17 đến thời Minh Trị Thiên Hoàng Meiji. Dưới chế độ chính trị của tướng quân dòng Tokugawa, các tướng lãnh nắm giữ quyền lực tối cao, nhưng việc cai trị về kinh tế và chính trị được dành cho các lãnh chúa địa phương. Chính quyền trung ương trực tiếp kiểm soát các lãnh vực ngoại giao và ngoại thương và thực tế thì giới hạn luồng giao dịch hàng hóa và thông tin với bên ngoài.

Hệ thống chính trị đó chấm dứt với công cuộc duy tân của Minh Trị (Meiji Restauration, theo Anh ngữ) vào năm 1868. Quyền lực được tập trung về Thiên Hoàng, với hậu thuẫn của các tướng lãnh địa phương đã quá thất vọng về sự trì trệ của dòng Tokugawa.

Ðấy cũng là lúc Nhật theo đuổi chính sách bành trướng ngoại giao. Giai đoạn trung ương tập quyền đó kéo dài nửa thể kỷ và còn gia tăng từ những năm 1920 trở về sau khi kinh tế suy sụp, ngoại thương xáo trộn vì chánh sách bảo hộ mậu dịch và khi chủ nghĩa cộng sản chiến thắng tại Nga.

Cùng chính sách tập quyền là sự thắng thế của tinh thần quân phiệt và chủ nghĩa đế quốc Nhật. Chỉ sau khi bị Hoa Kỳ khuất phục năm 1945, Nhật mới chuyển hướng, từ bành trướng quân sự sang bành trướng kinh tế và tạo ra một “Trật Tự Nhật” khác. Tình trạng ổn định có thể đã chấm dứt.

Trong nhiều thập niên, chính quyền trung ương tại Tokyo đã kiểm soát được tất cả mà không kịp cải cách và sự trì trệ của bộ máy công quyền đầy tính chất thư lại đã gây phản ứng trong quần chúng. Phản ứng đó dẫn đến hai chuyện:

-Thứ nhất, các chính đảng lớn đã theo nhau cầm quyền đều mất uy tín và hậu thuẫn. Hai đảng Tự Do Dân Chủ và Dân Chủ Nhật chỉ được chừng 20% dân chúng ủng hộ.

-Thứ hai, nhiều đảng địa phương đã vươn lên và sẽ trở thành đảng có kích thước quốc gia.

Cuối năm 2010, đảng Giảm Thuế Nhật (Genzei Nippon) thắng cử tại quận hạt Aichi và thành phố Nagona. Sau vụ thiên tai Tohoku năm ngoái, đảng này kết hợp với khuynh hướng chống nguyên tử và lớn mạnh thành đảng “Thoát Nguyên Nhật” (Zero Nuclear Party Datsu-Genpatsu). Ngày 28 tháng 11 vừa qua, đảng Thoát Nguyên chuẩn bị thống hợp với đảng Tương Lai Nhật (Nippon Mirai) để thành lực lượng thứ ba, ra tranh cử với hai đảng lớn kia là Tự Do Dân Chủ và Dân Chủ Nhật.

Nhưng đáng chú ý hơn vậy là sự thống nhất của hai đảng Thái Dương và Duy Tân, của (cựu) đô trưởng Tokyo là Shintaro Ishihara và thị trưởng Osaka là Toru Hashimoto.

Trong các cuộc thăm dò mới nhất, ông Hashimoto được hai phần ba dân chúng ủng hộ và trở thành chính khách sáng giá. Còn ông Ishihara là người đã từng viết cuốn “Nhật Dám Nói Không” với chủ tịch tổ hợp Sony là Akiro Morita từ năm 1989 để khẳng định rằng Nhật phải dám nói không với Hoa Kỳ. Ông chủ trương khôi phục lại sức mạnh cho Nhật chứ không mãi mãi lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Tháng 4 vừa qua, ngay tại Mỹ, ông Ishihara còn đề nghị là thủ đô Tokyo nên mua lại của một gia đình tư nhân ba hòn đảo nhỏ trong cụm đảo Senkaku mà Trung Quốc nhận là của mình và gọi là Ðiếu Ngư Ðài.
Chính là đề nghị ấy mới châm ngòi cho vụ khủng hoảng với Trung Quốc!

Lẽ hợp tan và chủ nghĩa quân phiệt

Trong khung cảnh đang chuyển dịch này, các đảng phái Nhật từ trung ương đến địa phương phải xoay trở thế nào và hậu quả sẽ ra sao?

Trước sự nổi dậy của các đảng nhỏ ở nhiều địa phương, hai chính đảng cấp quốc gia là Tự Do Dân Chủ và Dân Chủ Nhật đều lo ngại. Lâm vào thế yếu, họ tìm cách thỏa hiệp khi áp dụng nhiều đề nghị của các đảng nhỏ: cải cách quy chế bầu cử, cải tổ hành chánh, chấp nhận sự hình thành và hoạt động của các chính quyền địa phương. Nhưng người ta chưa rõ là các đảng nhỏ có khả năng thoát xác hay chăng. Từ những đòi hỏi cục bộ - như giảm thuế, giải trừ năng lượng nguyên tử và gia tăng quyền hạn địa phương - đến nhiều chủ trương ở cấp độ toàn quốc, các đảng nhỏ này cần được hậu thuẫn của cử tri để có đủ số phiếu trong Hạ Viện.

Liệu cử tri Nhật đã đồng ý với một cuộc cách mạng về hiến chế hay chưa? Chuyện cụ thể là tu chính lại bản Hiến Pháp và mở rộng phạm vi ngoại giao và quyền hạn quân sự của Nhật.

Nếu trào lưu cải cách thắng thế, kinh tế Nhật có thể bung khỏi 20 năm bại liệt với hậu quả sẽ đảo lộn Ðông Á. Với sự năng động kinh tế mới, và chủ trương bành trướng thế lực ngoại giao lẫn quân sự của cánh hữu, Nhật sẽ gây lo ngại cho các lân bang, trước nhất là Trung Quốc và Nam Hàn, hai quốc gia đã từng bị Nhật xâm chiếm trong thế kỷ 20. Thái độ hung hăng của Bắc Kinh càng dẫn đến phản ứng quốc gia dân tộc của người Nhật và giúp cho cánh hữu chiến thắng. Ðông Á sẽ đi vào một đổi thay lớn!

Ngược lại, nếu các chính đảng lớn vẫn giữ được quyền hành và duy trì tình trạng ổn định trong trì trệ, sự bất mãn của dân chúng tiếp tục gia tăng. Trong trường hợp đó, phe cực hữu và các tướng lãnh sẽ gặp hoàn cảnh cách nay 90 năm: phải đứng lên cứu nguy tổ quốc.

Kết luận ở đây là gì?

Từ nhiều thế hệ đã qua, đây là lần đầu tiên mà hai cường quốc Á Châu đều muốn khẳng định vai trò quốc tế của mình. Vì vậy, mâu thuẫn và nguy cơ xung đột sẽ chỉ tăng chứ không giảm. Các nước Ðông Á khác, kể cả Việt Nam, sẽ bị cục diện bất thường này chi phối.

Sau Thế Chiến II, Hoa Kỳ đã xây dựng được một “Trật Tự Nhật,” trật tự ấy có thể đã cáo chung với nhiều nguy cơ bất ổn vì Nhật không còn như xưa. Nhưng nước Mỹ mắc nợ đã ngó vào trong, và trong nhiều năm tới sẽ không còn khả năng can gián nước Nhật hoặc kiềm chế Trung Quốc.

Đọc thêm :





No comments:

Post a Comment

View My Stats