Wednesday, 12 December 2012

THỈNH NGUYỆN THƯ "TRIỆU CON TIM - MỘT TIẾNG NÓI" ĐẾN GENEVA (Tường An - RFA)




Tường An, thông tín viên RFA, Paris
2012-12-11

Đúng vào ngày Quốc Tế Nhân Quyền vừa qua, phái đoàn của Nhạc sĩ Trúc Hồ đã đến trụ sở của Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève để trao Thỉnh Nguyện Thư «Triệu Con Tim, Một Tiếng Nói ».

Nhạc sĩ Trúc Hồ, ông Marcelo Daher và bà Denise Ryan, thuộc ban bảo vệ quyền con người và tự do phát biểu của LHQ. Photo by Tường An/RFA

Thông tin đa chiều

Trong chiến dịch thỉnh nguyện thư ( TNT) «Triệu Con Tim, Một Tiếng Nói» bắt đầu từ ngày 15/10 và chấm dứt ngày 10/12. Phái đoàn của nhạc sĩ Trúc Hồ đã có mặt tại Hội Đồng Nhân quyền LHQ tại place de Nation, Genève ngày thứ hai 10/12/2012, đúng vào ngày Quốc tế Nhân quyền để trao Thỉnh Nguyện Thư «Triệu Con Tim, Một Tiếng Nói » với 125.000 chữ ký đến bà Laura Dupuy Lasserre, chủ tịch Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Đây cũng là chặng cuối của cuộc vận động Nhân quyền lần này, kết thúc chiến dịch « Triệu Con Tim, Một Tiếng Nói » khởi đầu cách đây gần hai tháng.

Phái đoàn gồm 6 người đến từ Hoa kỳ, Pháp, Thụy sĩ đã tiếp xúc với bà Laura Dupuy Lasserre để trao hồ sơ Nhân quyền Việt Nam trong đó có Thỉnh Nguyện Thư với 125.000 chữ ký. Trong dịp này, phái đoàn cũng đến palais Wilson để tiếp xúc với bà Denise Ryan, ông Marcelo Daher thuộc ban bảo vệ quyền con người và tự do phát biểu của LHQ.

Anh Trần Đức Tuấn Sơn, là người đã tiếp xúc với Bộ ngoai giao Pháp ngày 6/12 để trao TNT và cũng có mặt trong phái đoàn đến HDNQ LHQ hôm nay cho biết diễn tiến sự việc cũng như cảm tưởng của anh qua 2 cuộc tiếp xúc như sau :
 “Hôm nay chúng tôi đã được tiếp đón bởi bà Laura Dupuy Lasserre; chủ tịch của HĐNQ LHQ, bà đã tiếp đón chúng tôi trong văn phòng của bà ta trong Palais de Nation. Chúng tôi có dịp trao cho bà Lasserre 125.000 chữ ký của TNT «Triệu Con Tim, Một Tiếng Nói » Bà Lasserre đã rất cám ơn chúng ta đã nêu vấn đề Nhân quyền của Việt Nam đối với bà, và bà cũng đã hứa là sẽ quan tâm hơn nữa về vấn đề Nhân quyền tại Việt Nam.
Sai hai lần tiếp xúc với chính giới ngoại quốc, lần đầu tiên là Bộ Ngoại giao Pháp, và hôm nay là với LHQ, tôi thấy rằng họ cũng quan tâm rất nhiều đến tình trạng vi phạm Nhân quyền tại Việt Nam đang xảy ra. Và họ cũng cần chúng ta thông tin rất nhiều, vì nếu không thì họ chỉ nhận được thông tin 1 chiều thôi, có nghĩa là từ nhà cầm quyền CSVN là họ luôn luôn tôn trọng Nhân quyền. Chúng ta cũng cần phải thông tin cho họ rất là thường xuyên, đầy đủ về tình trạng đàn áp các bloggers, các nhạc sĩ, các vị lãnh đạo tinh thần”.

Chiến dịch « Triệu Con Tim, Một Tiếng Nói » do nhạc sĩ Trúc Hồ khởi xướng ngày 15/10, chấm dứt ngày 10/12 với mục đích thu thập chữ ký dưới hình thức Thỉnh Nguyện Thư để trao cho HĐNQLHQ, tiếp tục tố cáo các vi phạm Nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam đồng thời cảnh báo dư luận thế giới về tình trạng Nhân quyền tại Việt Nam . Cho đến hôm nay thì chiến dịch đã thu thập được trên125.000 chữ ký từ 59 quốc gia trên thế giới và 126 đoàn thể, cộng đồng, đảng phái, cơ quan truyền thông tham gia ủng hộ. Kết quả này không chỉ nói lên sự thành công về mặt số lượng chữ ký mà còn thể hiện được tinh thần đoàn kết của người Việt khắp nơi trên thế giới trong công cuộc đấu tranh cho Nhân quyền tại VN.

Nhạc sĩ Trúc Hồ nói :
“Khi mà Trúc Hồ chọn « Triệu Con Tim, Một Tiếng Nói » đó là mục đính đầu tiên là tạo sự đoàn kết của người Việt trên toàn thế giới cho dù chúng ta đang ở Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu và ngay cả Việt Nam . Đây là 1 chiến dịch mà chúng ta có thể liên kết được tất cả các Cộng đồng, hội đoàn, đảng phái trong và ngoài nước. Trước khi mà chúng ta thuộc về một đảng phái nào, một cộng đồng nào thì chúng ta là người Việt Nam , con dân Việt Nam nên chúng ta phải có trách nhiệm với đất nước Việt Nam. Chúng ta phải cùng nhau tiếng nói, cùng một tấm lòng để chúng ta tranh đấu cho người Việt Nam có được quyền căn bản làm người."

Mục tiêu của TNT là thu thập 100.000 chữ ký trong vòng hai tháng, nhưng cho tới ngày TNT này tới tay HĐNQ LHQ thì con số chữ ký đã lên đến trên 125000. Đặc biệt trong đó có trên 5000 chữ ký đến từ Việt Nam.

Sự kiện này mang một ý nghĩa đặc biệt theo như chia sẻ của nhạc sĩ Trúc Hồ :
« Điều đó nói lên được rằng người trong nước đã vượt qua được sự sợ hãi, kiềm kẹp của chế độ, mặc dù khi họ nói lên một sự thật gì đó, biểu lộ lòng yêu nước, biểu tình chống ngoại xâm, chống Trung cộng thì họ cũng bị bắt những họ đã không sợ nữa, thì đó là một điều rất tốt. Người Việt Nam chúng ta ở hải ngoại có trách nhiệm phải luôn luôn sát cánh với họ. Chúng ta ở hải ngoại phải có bổn phận lo lắng cho họ vể tinh thần, vật chất để cho người Việt Nam đang tranh đấu trong nước biết rằng người Việt Nam ở hải ngoại luôn luôn lúc nào cũng ở bên họ để họ không cảm thấy cô đơn»

Đoàn kết người Việt khắp nơi

NS Trúc Hồ trao TNT cho bà Laura Dupuy Lasserre, chủ tịch Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 10/12/2012. Phto by Tường An/RFA


Dưới sự vận động của đài SBTN, kết hợp với các tập thể người Việt tại hải ngoại, chiến dịch đã thu thập được 125.000 chữ ký trong 1 thời gian phải nói là kỷ lục. Điều đó cho thấy sự hiện diện của truyền thông là một sức mạnh không thể không có trong cuộc vận động cho Dân chủ Nhân quyền tại Việt Nam.

Ông Võ Thành Nhân, giám đốc đài SBTN , chi nhánh Washington DC nhận xét :
«Vấn đề Nhân quyền trong nước, lý do là do chúng ta thiếu truyền thông cho nên trong nước cũng ít biết đến 1 số những việc mà các nhà Dân chủ đấu tranh trong nước hoạt động. Ở hải ngoại chúng ta phải phổ biến tin tức và phải đóng vai trò truyền thông như thế nào đó mà đem được tin tức đến cho người ở hải ngoại trước. Nếu chúng ta làm truyền thông mà chúng ta đem được những thông tin hữu ích và vận động những công tác đấu tranh chính trị hữu ích thì chắc chắn chúng ta sẽ dành được thắng lợi trong tương lai.
Tại vì hiện nay truyền thông trong nước bị bưng bít, chỉ có cán bộ đảng mới được làm truyền thông thôi, chứ như anh Điếu Cày mà làm truyền thông thì phải 12 năm tù. Chúng ta rất là nghẹn ngào khi thấy những người làm truyền thông trong nước bị giam cầm do đó những người làm truyền thông ở hải ngoại phải làm sao cho tiếng nói mình được lớn lên. Ngày hôm nay chúng tôi nghĩ rằng truyền thông đã đi qua giai đọan đó, tức là chúng tôi đã đến được với những cơ quan công quyền, đến với những quốc gia mà người ta nghĩ rằng không ngờ truyền thông đã đến với họ. Và ngày hôm nay chúng tôi có mặt tại Geneva đã làm được cái sứ mệnh đó. »

Tiếp theo cuộc vận động chữ ký cho TNT we are the people với 150.000 ngàn chữ ký tháng 3 vừa qua, bây giờ là 125.000 chữ ký cho chiến dịch « Triệu Con Tim, Một Tiếng Nói » chắc chắn là cuộc đấu tranh cho Dân chủ Nhân quyền không dừng ở đây.

Nhạc sĩ Trúc Hồ cho biết dự định trong tương lai :
«Chiếc dịch chỉ là 1 viên gạch đầu tiên thôi. Đây là 1 thành công để người Việt Nam chúng ta đoàn kết để cùng tranh đấu cho 1 việc gì đó. Truyền thông có 1 lợi điểm là truyền thông không thuộc đảng phái nào hết, Trúc hồ không thuộc đảng phái nào hết, Trúc Hồ chọn vị trí ở giữa để chúng ta nói lên sự thật. Có thể là nhờ vị trí mình đứng nên các hội đoàn, các đảng phái, tất cả mọi người tin tưởng là mình không thuộc 1 phe phái nào hết.
Sau khi tiếp xúc với HĐNQ LHQ thì Trúc Hồ mới nhận ra được 1 điều là chúng ta cần phải có hồ sơ, càng nhiều hồ sơ càng tốt. Tất cả những người Việt Nam chúng ta trong nước và ở hải ngoại hãy cùng lập những hồ sơ vi phạm Nhân quyền để chúng ta mang tới những cơ quan có trách nhiệm về Nhân quyền như LHQ, Human Rights Watch, thì đó là chuyện chúng ta phải làm bây giờ.»

Báo cáo của Hội Ân xá quốc tế 2012 vẫn còn cho thấy tình trạng Nhân quyền tại Việt Nam vẫn còn bị vi phạm. Tổ chức phóng viên vẫn còn giữ Việt Nam trong danh sách 12 quốc gia là kẻ thù của internet. Theo phái đoàn TNT «Triệu con tim, một tiếng nói » thì cho tới khi nào mà quyền tự do ngôn luận còn bị bóp nghẹt ở Việt Nam, cho tới khi nào quyền biểu tình của những người dân yêu nước còn bị đàn áp như cuối tuần vừa qua tại Sài Gòn và Hà Nội thì tại hải ngoại, việc lên tiếng với thế giới về bức tranh Nhân quyền u ám tại Việt Nam vẫn còn là trách nhiệm của những người còn gọi nhau là đồng bào.



Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.






No comments:

Post a Comment

View My Stats