Wednesday 5 December 2012

TÂM TÌNH VỚI NHÀ THƠ LÂM HẢO KHÔI (Lương Thư Trung - Da Màu)




3.12.2012

Vài lời giới thiệu của người gợi chuyện: Nhà thơ Lâm Hảo Khôi, tác giả thi tập Người Như Lá Biếc, sanh năm 1947, tại Phnom Penh, Cam Bốt. Nguyên quán làng Bố Thảo (Sóc Trăng). Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Cần Thơ, Ban Khoa Học (SPCN). Hiện cư ngụ tại Sydney, NSW (Úc Đại Lợi). Có thơ văn đăng trên các báo, tạp chí ở Úc và một số ở Mỹ, Canada. Anh là em ruột của nhà thơ Lâm Hảo Dũng. Tháng 10 năm 2012 trong chuyến đi Canada và Hoa Kỳ, anh có ghé Houston thăm tôi. Dịp này chúng tôi có nhắc nhiều về vùng sông nước Hậu Giang trong đó phần lớn những địa danh mà anh đã đi qua các vùng trong địa hạt Cần Thơ, Sóc Trăng mà tôi hồi xưa có nhiều bận đã đến các nơi ấy.
Sau khi anh về lại Sydney, tôi đưa ý kiến là hai anh em sẽ nhắc lại cuộc trò chuyện vừa rồi và bổ túc nhiều chi tiết mà vì lúc gặp nhau ở Houston không có nhiều thời giờ để nói chuyện với nhau cho hết. Chính vì vậy mà hôm nay có cuộc tâm tình cùng với nhà thơ Lâm Hảo Khôi như dưới đây.
Ở đây vì là “tâm tình,” nên không mang tính chất phỏng vấn hoặc vặn hỏi một cách khô khan, ước lệ mà chỉ nhằm chia sẻ những nỗi niềm cùng những kỷ niệm về những nơi chốn mà mỗi người có thời đã ghé lại, thành ra có vài câu chuyện được kể lan man là do chủ đích của người gợi chuyện. Nếu có điều gì không phải, mong quý vị lượng tình bỏ qua cho.
Xin được trân trọng giới thiệu cùng quý vị buổi tâm tình này như một chút tình văn nghệ, tình đồng hương của những người cùng uống chung dòng nước mát Hậu Giang, hy vọng mang lại cho quý vị một chút vui vui trong cách nói chuyện vòng vo tam quốc này vậy!
Trân trọng,
Lương Thư Trung
Houston ngày 21 tháng 11 năm 2012
*

Lương Thư Trung (LTT):
Anh Lâm Hảo Khôi thân,
Cuối tháng 10 vừa rồi, dịp anh sang Canada và Hoa Kỳ, có ghé Houston, gặp anh lần đầu được biết quê anh làng Bố Thảo, Sóc Trăng , tôi nhớ quen quen tên gọi làng Bố Thảo ấy, vì hồi còn đi học, tôi hay xuống thăm ông anh tôi đóng quân ở Bố Thảo, Tiểu đoàn 402 Công Binh Chiến Đấu. Nghe tên thì quen vậy, nhưng tình thiệt là tôi không biết gì nhiều. Anh có thể phác họa sơ lược vài nét về làng quê Bố Thảo của anh ngày xưa ấy không? Và sao gọi là Bố Thảo, anh Khôi?

Từ phải, nhà thơ Lâm Hảo Khôi và LTT (Houston, ngày 21-10-2012)


Lâm Hảo Khôi (LHK):
Anh Trung,
Tới giờ cũng chưa có nghe gì về tên địa danh Bố Thảo (BT). Có người chắc dựa theo chiết tự nói:
-Bố là tên cây bố.
-Thảo là cây.
Nới có nhiều cây bố,lọai cây trồng lấy vỏ làm dây thắt võng, làm dây luộc xài cho miền quê. Nhưng tôi nghĩ lối giải thích này cũng chưa hợp lý mà cũng ít nghe ai nói tới nhiều.
Để tôi hỏi vài người Bố Thảo gần đây, có gì cho anh hay.
Người Miên thì gọi địa danh Bố Thảo là : “Tà núp.” Bởi đất này xưa là Thủy chân Lạp thuộc Miên nhưng vì đất trũng ngập nước, người Miên thích gò cao nên họ bỏ đi, người Minh Hương, người Việt tới ở. Xưa nghe bà ngoại tôi kể lâu lâu có “giặc Chòm” hay tới cướp phá,mỗi lần họ tới bà con phải gồng gánh chạy lánh nạn vô sâu trong rừng cho tới nghe êm đâu đó mới trở lại sinh sống. Theo đoán “giặc Chòm” là một số người Miên không tốt lâu lâu tụ tập cướp bốc rồi rút về nơi họ ở, thời đó chưa có chính quyền ở gần, những người dân đi lập nghiệp sống dựa nhau thành chòm xóm phải lo tìm cách tự bảo vệ cho nên ai cũng có phong trào học vỏ Tàu,bằng cớ là nhà Ngoại tôi còn một cây gõ tròn dài dùng làm cây gài cửa, nghe nói hồi đó mấy bác tôi học vỏ múa cây, để giữ nhà nhất là khi mùa lúa tới..
-Người Tàu gọi Bố Thảo là “Potháo” là đọc từ Bố Thảo mà ra.

LTT:
Anh Khôi,
Ngoài ra, làng Bố Thảo, ở đó nó có một dòng sông chảy ngang qua làng, một rặng tre làng, những gốc bần, những gốc gáo mọc dài theo mé sông và ruộng lúa thì rì rào trong gió chiều không?Thổ sản chính vùng quê Bố Thảo của anh là gì, anh Khôi? Chắc hồi nhỏ anh học nơi mái trường làng Bô Thảo? Khi lớn lên anh có theo học trường trung học công lập Hoàng Diệu không? Tỉnh lỵ Sóc Trăng của anh có lớn lắm không?
LHK:
Anh Trung,
Bố Thảo có dòng sông chảy qua, thực ra là dòng kinh xáng, do xáng múc từ thời Tây. Nếu anh đứng giữa Cầu Quay chợ Sóc Trăng (ST) nhìn thẳng theo kinh xáng sẽ thấy Bố Thảo (BT) tuốt đàng xa nhưng vì cây bần cây dừa mọc gie ra bờ nên không rõ.
Tôi không biết cây gáo, chỉ nghe tên. Dọc bờ kinh xáng có nhiều bần,thuở nhỏ tắm sông, hái bần bắt ổ chim dòng dọc có khi bị ong đánh phải nhảy xuống sông lặn muốn ngộp thở,uống nước no bụng.Dọc bờ có dừa nước thường những khoảng thưa thớt dân cư. Ô rô, cóc kèn, cây mái giầm,nhất là rau dệu (có người đọc là rau diệu) một loại rau mọc hoang ở bờ sông, không biết có phải nó giống như là “rau trai” thuộc họ cây “nghể, rau răm,” hay không?Thân rau dệu có nhựa nhớt, nhưng luộc ăn mềm ngon. Rau luộc chấm cá kho hay mắm kho là món ăn bắt miệng cho bà con ở miệt ruộng đồng. Ảnh hưởng cách ăn uống của người Miên, dân BT nấu canh thường nên mắm cho đậm đà hơn(thay vì muối hay nước mắm) ngoài ra còn thêm sả. Cho nên món đặc sản ở BT-ST là “bún nước lèo.” Nếu anh nói “bún mắm” thì tôi biết anh không phải là người BT -ST.

LTT:
Anh Khôi,
Vâng, nghe anh nhắc những cây bần mọc cặp mé sông, rồi ô rô, cóc kèn, mái giầm, dừa nước, rau dệu, rau trai làm tôi nhớ những ngày lang thang xuống vùng nước pha chè miệt Hỏa Lựu, Vị Thanh rồi ngụp lặn vào đời sống gian lao vô định ấy mà bồi hồi nhớ lại một khoảng đời lao nhọc để biết được hôm nay mình còn mạnh giỏi là một diễm phúc biết bao! Phần nhiều những loài cây cỏ vừa kể rất thích hợp với các vùng nước mặn pha chút nước ngọt, mà mình thì ở vùng nước ngọt mới tới nên việc thích nghi với môi trường mới vào những năm tháng ấy, quả là không dễ dàng chút nào! Cây gáo còn có tên là cây “huỳnh bá,” một loại cây lớn, gỗ màu vàng, chiều cao có khi tới 15 thước, lá hình trái tim hoặc hình tròn tròn, bông nở rất thơm. Có hai loại gáo, gáo trắng và gáo vàng. Gáo trắng trái như trái chôm chôm. Gáo vàng trái tròn da láng. Trái gáo hơi chua chua, ăn với muối ớt rất ngon, mọc vùng kinh rạch miền Tây của mình rất nhiều. Anh đi lên miệt Măc Cần Dưng rồi vô Cần Đăng, Hang Tra, Trà Kiết, Vĩnh Hanh, hoặc qua Ba Bần, Kinh Xáng Bốn Tổng, rồi vô Định Mỹ hoặc đổ qua miệt Phú Hòa, Vĩnh Chánh, Bờ Ao, Bắc Dục, Cái Sao, Rạch Gòi hoặc xuống miệt Thủ Ô, Tân Bình, Mương Kinh, Xẻo Tre, Xẻo Môn thuộc vùng Lấp Vò, đâu đâu cũng có trồng gáo. Loại cây này dễ trồng lắm, chỉ chặt nhánh cắm xuống cặp mé kinh là nó sống hoài hà, không phải lo săn sóc nhiều mà rất tiện dụng. Bộ rễ giữ đất không bị nước cuốn trôi sạt lở; nhánh làm củi, chất chà; gỗ làm vách, lót sàn nhà…
Còn thời học trò của anh thì sao?
LHK:
Anh Trung,anh nhắc nhiều về cây gáo,thực tình tôi cũng chưa từng thấy ở lòng vòng miệt Bố Thảo, bởi xung quanh đây chỉ là ruộng đồng trống trơn sau mùa gặt có thể ở miệt vườn Kế Sách, Đại Ngãi có thể có cây gáo mà anh nhắc.
Hồi nhỏ tôi học tiểu học ở Bố Thảo, trường gần nhà,thời đó đi học ngày hai buổi,trưa có giờ nghỉ chạy về nhà ăn cơm.Thầy cô giáo đa số ở ngoài tỉnh ST, Cần thơ tới dạy,nên thầy cô ở trọ ăn cơm tháng.Tôi nhớ thời 54 đồng bào miền Bắc vô tỵ nạn CS có một thời họ ở dọc theo hàng ba nhà tôi và hàng xóm sau đó mới được đưa về các khu định cư khác.Thời đó chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho lệnh xài tiền xé hai cho dễ dàng việc mua bán, trao đổi. Ba tôi đi dạy học xa má tôi cũng thường đi mua bán xa nhà đôi ba bữa mới về. Sáng bà ngoại tôi lấy một đồng bạc xếp đôi ngay ngắn rồi lấy kéo nhắp một cái, cho tôi và anh Dũng tôi mỗi đứa năm chục xu; mua được gói xôi, hoặc khoai mì khoai lang luộc.Trường học từ lớp năm tới lớp nhứt hết lớp nhứt thi vô lớp đệ thất trường công ở ST, lúc đầu là Trung học công lập Khánh Hưng, sau là Trung học Hoàng Diệu (Ba Xuyên).

LTT:
Anh Khôi,
Anh vừa nhắc thời kỳ xài tiền xé làm hai. Thời ấy tôi cũng học lớp Nhì, lới Nhất trường Tiểu Học Bổ Túc Bình Hòa (Long Xuyên) cũng mua xôi, bắp hầm, mua mía, cà rem cây hoặc cốc, ổi bằng cách xé làm hai tờ giấy một đồng trả cho bà bán hàng. Được biết nhà thơ Lâm Hảo Dũng là anh ruột của anh mà anh cũng vừa mới nhắc. Trong lần trao đổi với nhà thơ Trần Phù Thế cách nay gần hai năm, anh TPT có nhắc đến anh Lâm Hảo Dũng và anh:
Năm học Đệ Tam năm 1962 (học trò gọi là năm ăn chơi). Trần Phù Thế (Mặc Huyền Thương) cùng với Lâm Hảo Dũng (lúc đó bút hiệu Mây Viễn Xứ), Lưu Vân (Tăng Quang Duyên), Triệu Ngọc (Trần Hữu Hạnh) thành lập nhóm thơ “Cung Thương Miền Nam.” Thời gian sau có thêm Nguyễn Lệ Tuân (Nguyễn Minh Y) và Trần Biên Thùy (La Phước Hùng). Trước đó Thị xã Khánh Hưng đã có thi đoàn Hoa Hậu Giang của Lệ Trường Giang hoạt đông. Năm sau thi văn đoàn Hồn Trẻ 20 ra đời với Vũ Ngọc Đức, Phù Sa Lộc, Lâm Hảo Khôi (Trần Tử Lan) … Ngoài ra ở Sóc Trăng còn có nhà giáo, nhà thơ Trần Như Liên Phượng nổi tiếng từ năm 1960 (phục vụ SĐ21/BB) đã tử trận năm 1965 tại Chương Thiện. (Tạp chí Da Màu ngày 11 tháng Giêng năm 2011)
Dường như trường trung học Hoàng Diệu (Ba Xuyên) là cái nôi của các thi văn đoàn “Cung Thương Miền Nam”“Hồn Trẻ 20″ lúc bấy giờ. Xin anh vui lòng kể thêm một chút về những sinh hoạt văn học thời ấy ở Sóc Trăng và đặc biệt nhóm “Hồn Trẻ 20″ của anh.
LHK:
Anh Trung,
Ngoài phần anh TPT nói tôi còn biết có anh Lan Sơn Đài lớn tuổi hơn tôi và anh Triều Uyên Phượng (TUP). TUP cũng khoảng tuổi tôi học Hoàng Diệu nhưng chơi nhóm khác. Anh Lan Sơn Đài được nhiều người biết đến. TUP cũng có vài bài đăng trên VĂN, anh vừa mất một hai năm nay ở Sàigòn. Thư Quán Bản Thảo của anh Trần Hoài Thư có dành nhiều trang viết về nhà thơ này gần đây. Anh chết trong cảnh nghèo túng ở Saìgòn.
Nhóm “Hồn trẻ 20” do một số anh em Hoàng Diệu thành lập,tôi nhớ năm đó tôi học Đệ Tứ, Đệ Tam gì đó. Gồm Vũ Ngọc Đức (vừa định cư ỏ Hawaii), Phù Sa Lộc (hiện ở Cần Thơ), Đặng Phước Đức (Thương Tử Tâm-California), Lý Thừa Nghiệp (Trầm Mặc Nghệ Thế -Melbourne-Úc châu), Đỗ thị Minh Giang (Hồng Diễm -Mỹ,) Lệ Lệ (VN), Nguyên Nghĩa (Trương Thanh Thùy – Toronto), Lê Tiền Duyên (VN), Lâm Hảo Khôi (Trần Tử Lan-Sydney) và Trần Kiêu Bạt (Mỹ-đã qua đời). Trần Kiêu Bạt ở nhóm này khác với một Trần Kiêu Bạc (hiện ở Mỹ).
Thời đó chỉ là tập tễnh làm thơ gởi báo. Mỗi ngày ghé tiệm sách coi báo “cọp.” Thấy có bài đăng mới hùn mua tờ báo đọc chung. Có lần thi sĩ Kiên Giang xuống Sóc Trăng gặp anh em có thu giọng ngâm của một bạn với bài thơ trong nhóm cho chương trình “Thi văn Mây Tần.”
Chúng tôi ra được hai “tuyển tập”: Lá và Lưng Trần.
Nói là tuyển tập nhưng mỗi người chỉ được góp một bài thơ. Đó là tờ giấy in lớn xếp lại một trang nhỏ một bài. In xong chúng tôi tự xếp, chia nhau đi gởi các nhà sách ở Sóc Trăng, gởi tặng bạn bè. Có lần ra bưu điện Sóc Trăng thấy một cô gái gởi 2,3 tuyển tập thơ của nhóm cho người thân ở Đức tôi thấy vui làm sao. Gần đây ở Gió-o tôi thấy ai đó gởi đăng 2 bài trích từ 2 tuyển tập đó: một bài 6-8 của Vũ Ngọc Đức và một bài tự do của Trần Kiêu Bạt.
Thời gian cũng gần nửa thế kỷ rồi, anh em cũng viết lai rai tự xuất bản như:
-Nguyên Nghĩa, với tập truyện ngắn Chờ Chết.
-Phù Sa Lộc in vài tập thơ trong nước.
-Lý Thừa Nghiệp in mấy tập thơ ở Melbourne.
-Đỗ thị Minh Giang in một tập thơ ở Mỹ.
-Tôi in một tập thơ ở Sydney, Người Như Lá Biếc (2011).
Chúng tôi chưa có dịp để in chung một tập như mấy chục năm trước.
Tôi nghĩ SócTrăng còn rất nhiều người làm văn nghệ tên tuổi khác mà do sự hiểu biết quá hạn hẹp của mình tôi không được biết hết những người này, bởi mình chỉ quanh quẩn một nhúm anh em bạn bè cùng trường cùng lớp.

LTT:
Anh Khôi,
Anh vừa nhắc bút hiệu “Trần Tử Lan,” bút hiệu này anh ký từ lúc mới làm thơ hay là mãi sau khi có “Hồn Trẻ 20″ rồi mới có và anh mê thơ văn từ lúc nào anh Khôi? Sao anh lại thích “Trần Tử Lan,” chắc có chút gì bí mật đây?
LHK:
Anh Trung,
Tôi mê thơ có lẽ do máu văn nghệ của ba tôi truyền lại. Hồi bắt đầu lên trung học tôi hay đọc mấy tập thơ tiền chiến trong tủ sách của ba tôi. Mà thực ra người ảnh hưởng chuyện thơ thẩn của tôi nhiều nhất là anh Lâm Hảo Dũng (LHD).
Thời lớp Đệ Ngũ, Đệ Tứ anh LHD đã làm thơ, nhờ một anh cùng xóm làm thơ ký đánh máy ở Toà Hành Chánh Ba Xuyên đánh giùm.Tôi nhớ vài tuần anh đó mang về một xấp giấy “polure” mỏng tanh những bài thơ của anh Dũng. Bạn bè gặp nhau ngồi bên bình trà dưới ánh đèn dầu đọc thơ. Thời đó tôi chưa thấy ai uống rượu.
Cho nên tôi cũng tập tễnh thơ từ lớp Đệ Ngũ rồi tới Đệ Tứ, Đệ Tam thì chơi chung với anh em “HồnTrẻ 20.” Có lần tôi được đăng một bài thơ trên “Phụ Nữ Diễn Đàn” do Thanh Việt Thanh coi mục thơ. Anh Dũng đọc được,về nói với tôi: “Bữa nay tao thấy báo đăng một bài của thằng nào tên Trần Tử Lan ở Ba Xuyên, mầy biết nó không, tao thấy cái e nó làm giống tao quá!”
Tôi ngồi im re, hôm sau đạp xe đi học, tôi ghé tiệm sách mua tờ báo. Sau đó tôi cũng không nhớ là anh LHD biết tôi làm thơ lúc nào. Tên TTL rất là cải lương, tôi dùng nó khi chơi ở “Hồn Trẻ 20,” cho 2 tuyển tập của nhóm, cho những bài thơ gởi báo ở Sài gòn hay báo Xuân ở Trung Học Hoàng Diệu.
Sau đó khi lên Đại Học Cần Thơ năm 67 tôi lấy tên thật cho tới giờ.

Từ trái, ca sĩ Duy Trác, nhà thơ Lâm Hảo Khôi (Sydney), người bạn của anh LHK (Cựu học sinh Trung Học Tống phước Hiệp, Vĩnh Long) dự buổi ra mắt sách của nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp tại nhà hàng Calvas (Houston) chiều ngày 27-10-2012


LTT:
Anh Khôi,
Qua vài hàng tiểu sử, được biết anh chào đời ở Nam Vang. Sao lại lên Nam Vang anh Khôi?
Trong gia đình có hai anh em cùng làm thơ nên anh mê thơ và chịu ảnh hưởng của anh ấy cũng là điều dễ hiểu. Nhưng từ những ngày tháng xa xưa ấy và mãi tới sau này khi anh lớn lên và vào đời có khi nào anh hoặc anh Lâm Hảo Dũng làm xong một bài thơ rồi cùng trao cho nhau đọc và góp ý không? Nếu có, anh LHD nhận xét về thơ anh “ngoài cái e nó làm giống tao quá,” còn có ý kiến nào khác nữa không?
Ngoài ra, như anh cho biết, năm 1967 anh lên Cần Thơ học Đại Học, lúc bấy giờ anh học ngành gì anh Khôi? Văn Phòng Tổng Thư Ký Viện Dại Học Cần Thơ có còn ở đại lộ Hòa Bình không? Ngành học mà anh chọn có giúp gì cho những vần thơ của anh vào lúc ấy không?
LHK:
Anh Trung,
Thời đó ba má tôi lên Nam Vang làm ăn. Ba tôi làm cho hãng của Tây, má tôi thường qua lại VN để thăm gia đình. Má tôi kể trên một chuyến tàu thủy Sàigòn -Nam Vang,lúc đó bà đang mang thai tôi ,tàu bị cháy do người đun nồi súp de say rượu, cũng may tàu cấp cứu từ Nam Vang ra kịp. Tôi sanh ở Nam Vang, ba má tôi trở về lại VN khi tôi còn nhỏ nên tôi không biết gì về Nam Vang cả.
Chuyện làm thơ thì giữa tôi và anh Dũng chưa lần nào anh em tôi đọc thơ cho nhau nghe. Chuyện ai nấy làm. Tôi cũng ngại khi nói về thơ anh Dũng. Cho nên khi anh Trần Hoài Thư làm một chương về anh LHD trong Thư Quán Bản Thảo có kêu tôi góp bài, tôi từ chối, bởi tôi nghĩ nên để bạn bè viết thì hay hơn.
Hồi ở Cần Thơ tôi học Khoa Học (Sư Phạm Cần Thơ), lúc đó văn phòng Viện trưởng còn ở đại lộ Hoà Bình như anh biết đó. Khoa học, môn học này chắc không liên quan gì tới thơ thẩn.

LTT:
Vâng, tôi hiểu điều ấy vì mình có thể chia sẻ điều này điều khác với bạn bè nhưng với anh chị em trong nhà thì ít hoặc “chưa lần nào anh em tôi đọc thơ cho nhau nghe” như anh vừa kể. Nhơn nhắc về Cần Thơ nơi anh theo học, tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm. Mùa hè 1962, tôi về đó thi kỳ thi Tú Tài I, mùa Hè 1963 tôi lại về Cần Thơ thi Tú Tài II. Hồi những năm tháng đó cả miền Tây mình chỉ có Cần Thơ là hội đồng thi văn bằng Tú Tài duy nhất. Còn trước đó những năm 1950-1960, thi văn bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp cũng phải về Cần Thơ. Các nam thanh nữ tú từ Châu Đốc, Long Xuyên xuống, từ trong Rạch Giá ra, từ bên kia sông Tiền Giang như Cao Lãnh cũng đổ về Cần Thơ. Rồi Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh nằm giữa hai sông Tiền sông Hậu cùng theo đường xe qua bắc Cần Thơ về Tây Đô dự thí. Và miệt dưới như Sóc Trăng của anh, Bạc Liêu, Cà Mau cũng kéo nhau về Cần Thơ những mùa thi cử hằng năm như vậy. Mỗi kỳ thi thí sinh hội tụ lại có tới mấy ngàn người, và nhất là các chị nữ sinh, dưới mắt tôi thời ấy người nào cũng đẹp, cũng dễ thương hết biết. Rồi trước ngày thi nào là tìm nhà trọ có nấu cơm cho thí sinh, dò phòng thi, dò chỗ ngồi, ôn lại bài. Hồi đó từ nhà quê lên tỉnh lớn, tôi thấy cái gì ở Cần Thơ cũng lạ, cũng lớn, vui lắm. Hình ảnh Cần Thơ mà tôi nhớ hoài là các nhà trọ nấu cơm cho thí sinh khắp nơi về dự các kỳ thi như vừa kể là họ tử tế lắm, rất thương học trò và các món ăn họ nấu món nào cũng ngon. Mấy năm đó tôi thường ở trọ các nhà ngang trường Trung học Đoàn Thị Điểm trên đường Ngô Quyền.
Sau này có dịp về lại Cần Thơ tôi ở trọ vài nơi như Hẻm số 2 đường Nguyễn Trãi, hoặc gần chúa Cây Bàng chỗ chợ Cả Đài đi vô một đỗi nữa, hoăc có lúc tôi cũng ở gần cuối con đường Cống Quỳnh đi vô vườn sầu riêng Thầy Cầu ngang chùa Sư Nữ. Rồi những năm 1967, 1968, những địa danh mà trong thơ anh có nhắc như cầu Tham Tướng, lộ Hai Mươi, bến Ninh Kiều, đối với tôi hôm nay không chỉ là những điạ danh, mà còn là những kỷ niệm một thời!
Cần Thơ có cái vui là ngoài đường cái xe cộ ồn ào như vậy nhưng khi mình bắt đầu rảo bước trên những con hẻm tráng xi măng thì khung cảnh lại khác hoàn toàn. Dưới ánh nắng trưa nóng bức của vùng gió mùa vào mùa hè, những bóng cây mận, xoài, mít, ổi trong các con hẻm làm dịu lại cái nắng gay gắt đi nhiều. Mình đi dưới bóng mát của những vườn cây trĩu trái ấy, văng vẳng đây đó tiếng gà gáy trưa mà nghe như mình đang lạc vào một vùng quê êm đềm của thuở thanh bình!
Dĩ nhiên rồi, thế hệ của anh và của tôi vào thời ấy, mỗi chúng ta không ai có những chọn lựa ngành học thích hợp với sở nguyện của mình. Chẳng hạn như anh thì thích thơ văn nhưng khi đậu vào Đại Học Sư Phạm Cần Thơ lại lọt vào Ban Khoa Học. Còn tôi học toán rất dở vậy mà cũng buộc phải học cho bằng được các bằng Tú Tài ban B, vì tuổi trẻ của anh và tôi, chúng ta đang ở vào những năm chiến tranh nên học Toán như tôi hay Khoa Học như anh không vì mình thích mà vì để còn ứng dụng sau này khi mình không còn trẻ nữa. Như anh thấy, nói thì nói vậy, nhưng qua rồi gần một đời người sáu bảy chục năm, chúng ta chẳng áp dụng được gì nhiều về mấy môn toán mà hồi đó học gần chết!
Đó là chưa kể những ngành học chuyên môn phải thi tuyển lúc nào cũng khó đậu vì số thí sinh dự thi tới vài ba ngàn, mà số trúng tuyển chỉ vài trăm là nhiều lắm rồi. Nên theo chỗ tôi được biết ngành nào có mở thi tuyển là mình có nạp đơn dự thi, trúng đâu thì đi học ở đó, chứ có chọn lựa được gì đâu phải không anh Khôi?
Trở lại thi tập Người Như Lá Biếc của anh, mở đầu anh có vài lời “Cảm ơn Ngoại, cảm ơn Mᔓcảm ơn những cô gái một đời xuôi ngược trên dòng Kinh Xáng Bố Thảo; mà những vạt áo bà ba vẫn còn khua động trong tâm hồn tôi cho tới bây giờ…”. Và rồi anh còn ghi thêm: “Cảm ơn Nguyễn Thị K, Nguyễn Thị T.H, Ng. QN, những người đến rồi đi ….”
“Cảm ơn Ngoại, Cảm ơn Má” thì dễ nhận trong thơ anh qua những vần thơ nhớ Ngoại, nhớ Mẹ tha thiết vô cùng; nhưng “Nguyễn Thị K, Nguyễn Thị T.H, Ng. QN, những người đến rồi đi .…” Không biết có phải là những cô sinh viên ngành mô phạm một thời với anh không, người Cần Thơ, hay Sóc Trăng hoặc một vùng quê nào của xứ xở miền Tây mình, anh Khôi?
Ngoài ra, kể từ những ngày còn là học sinh lớp Đệ Ngũ, Đệ Tứ anh đã bắt đầu làm thơ, tính đến nay đã gần năm mươi năm rồi, anh mới cho chào đời tác phẩm đầu tay này. Lý do nào mà có sự chậm trễ này, anh Khôi?

Bìa thi tập “Người Như Lá Biếc” của
Lâm Hảo Khôi, Úc Đại Lợi, 2011

LHK:
Anh Trung,
Tên những người đến rồi đi là có thật và lai rai trong tập thơ có viết về họ.
Tôi có tính lơ tơ mơ viết không đều. Có nhiều năm học ở Cần Thơ chỉ viết vài bài gởi cho Khởi Hành (Viên Linh), rồi từ 71-75 ra dạy học cũng ít viết chỉ một số bài trong các giai phẩm Xuân của trường.
Sau 75 tôi im luôn cho tới giữa năm tám mươi mới viết lai rai cho Làng Văn, ít năm rồi cũng im. Bởi vậy quá lâu rồi mới có một tập cho mình. Anh nhắc chuyện lên Cần Thơ thi tú tài một, tú tài hai làm tôi nhớ thời đi thi.Thời đó tôi cũng từ SócTrăng lên Cần Thơ thi, ở trọ nhà anh Lê Tấn Nhứt ở lộ 19 gần hãng nước mắm Nam Kỳ. Tôi quen Nhứt là qua anh LHD, thời anh LHD học ở Nông Lâm Súc Cần thơ, ở trọ gần nhà Nhứt, rồi quen nhau. Nhứt cũng mê thơ nên dễ gần gũi anh LHD, từ đó bút hiệu Trần Kiêu Bạt ra đời.

LTT:
Anh Khôi,
Còn bài thơ “Người Như Lá Biếc,” gồm bốn đoạn, mở đầu với bốn câu:
Người như lá biếc trêu ngoài nội
Lòng dẫu vô tình cũng gió mưa
Người như chim biển theo muôn sóng
Đâu biết trường giang nước thở dài …,
và anh kết với bốn câu:
Sao chưa về lại cơn mưa nhỏ
Thấm mái hiên buồn thêm cuối năm
Có tôi độc ẩm đêm trừ tịch
Tắt ngọn đèn khuya lạnh chỗ nằm .…”
Chắc tác giả viết cho một giai nhân nào đã gặp nhau giữa dòng đời rồi lại chia tay mà cứ nhớ hoài. Sao anh chọn bài “NNLB” làm tựa sách mà không là một bài thơ nào khác anh Khôi?
LHK:
Anh Trung,
Đúng như anh nói lấy tựa bài “Người Như Lá Biếc” là nói về một người đẹp gặp thoáng qua nhưng để lại nhiều dư âm. Có lẽ đó là cái bịnh của nhiều anh em văn nghệ.

LTT:
Anh Khôi,
Sau gần 50 năm anh mới chọn lọc ra được 59 bài thơ cho tác phẩm đầu tay của mình, phải kể là anh bỏ công chọn lọc rất kỹ lưỡng. Theo tôi, chính vì sự gạn lọc kỹ như vậy nên những trang thơ của anh rất quý. Gặp anh hôm trước ở Houston, qua phong cách một nhà mô phạm như anh: chừng mực, khiêm tốn, cởi mở và cư xử rặt nét dân Sóc Trăng-Cần Thơ: thật tình, chơn chất, rộng rãi và hiếu khách, tôi lại càng mến mộ và kính trọng anh hơn. Ngoài ra, nhân nhắc về phong cách miền Tây ở anh, chẳng những ngoài đời là thế, mà nó được anh trải rộng ra trong từng chữ từng câu anh dùng, đúng là dân miền Tây thứ thiệt!
Chẳng hạn như bài “Ta về nhúm lửa cho nhau” diễn tả một mối tình quê rất giản dị mà lãng mạn, rất quê mùa mà cũng rất đượm tình qua những đặc ngữ miền Tây Nam Phần mà ai đã từng sống qua vùng sông nước Hậu Giang này phải công nhận tác giả rất khéo chọn chữ và khéo dùng cho những ý thơ bình dị mà tha thiết ấy.
Ví dụ ,“nhúm lửa,” “đợi cơm sôi,” ”khua chạm đáy nồi,” “lúa trổ,” “kêu bầy,” “lung nước trong,” “cây bình bát,” “củi cháy,” “chin bói,” “giàn bếp cũ,” “mái nhà xiêu”…, là những chữ bình dân được dùng hằng ngày nơi những những người dân quê, không cao sang gì, không có chất văn thơ gì, nhưng qua bàn tay tài hoa của anh, các nhóm chữ ấy trở nên đẹp đẽ và hấp dẫn những tâm hồn quê mùa như tôi biết bao!
Vì chữ nghĩa của tôi không nhiều, nên dù tôi có diễn giải gì đi nữa cũng không nói hết được cái cảm của mình, nên đành xin phép anh chép lại vài đoạn của bài thơ “Ta Về Nhúm Lửa Đời Nhau” mà tôi rất thích:
Đi tiếc đời nhau sông nước cũ
Ta về nhúm lửa đợi cơm sôi
Nhớ em đầy chén thơm trong khói
Tình nở xanh khua chạm đáy nồi.
Ngày em lúa trổ ta xuôi ngược
Chim chóc kêu bầy lung nước trong
Em thơm trái chin cây bình bát
Tình nở xanh mùa em biết không.
Về đây hơ ấm lòng chăn chiều
Củi cháy kêu than đỏ mắt chiều
Đâu nụ cười em môi chin bói
Bên giàn bếp cũ mái nhà xiêu.
So với các tỉnh miền Tây, từ Châu Đốc xuống Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau,có lẽ Sóc Trăng của anh nhiều văn tài nhất với những tên tuổi như Lâm Hảo Dũng, Trần Phù Thế, Phù Sa Lộc, Lâm Hảo Khôi và chắc còn nhiều vị nữa mà tôi chưa có cái duyên được biết. Là một người làm thơ lâu năm, quê làng Bố Thảo (Sóc Trăng), anh có cách nào giúp tôi nhận ra một tác giả là người gốc Sóc Trăng khi mình chưa biết gì về tiểu sử của tác giả ấy không, anh Khôi?
LHK:
Anh Trung,
Thật sự làm thơ lâu nay, chọn lựa cho tập thơ vậy mà đọc lại nhiều bài nhứt là những bài lục bát tôi không vừa ý chút nào,nếu không muốn nói là dở. Đọc thơ lục bát của anh Trần Phù Thế tôi thấy đã lắm:
bậu về mắt liếc đong đưa
gió xuân đầy mặt như vừa chín cây
Lục bát như vậy mới là “tới”. Cho nên tự hẹn là kỳ sau sẽ đỡ hơn.
Tôi vẫn bị cuốn hút bởi hình ảnh người con gái miền Tây áo bà ba, nó vừa giản dị, đơn sơ mà vừa lãng mạn một cách khêu gợi, rất là khêu gợi dù nó vẫn như dịu hiền kín đáo nết na đằm thắm. Tôi thích hình ảnh đó và dường như nó quyện lẫn vào trong đời sống nơi thôn dã mà một thời tuổi thơ tôi đã trải qua ở đó.Tiếng lục huyền văng vẳng trong đêm ở nhà anh Tư anh Sáu cuối xóm hay từ cái radio cũ kỹ nửa đêm về sáng chợt nghe tiếng đàn Văn Vĩ đong đua trên chiếc xuồng tam bản.
Bài “vọng cổ” là một điển hình, hình ảnh “tình anh bán chiếu,” khi bơi xuồng về một mình,”phải nốt ruồi thương phu trích lệ/chém quân ta gẫy một tay chèo/phơi giữa trường giang ma một bóng/mũi tên người xé gió bay theo.” Hình ảnh “gẫy một tay chèo,” “ma một bóng” là hình ảnh cô đơn của anh bán chiếu thất tình, bơi xuồng về như “thằng chết rồi!” Nhưng, bóng dáng kia vẫn còn đuổi theo chập chờn yêu mị, “mũi tên người xé gió bay theo.” Hai câu chót “vói theo hơi rượu tay người rót/là vỡ tan thây một chén ngà,” ở đây thấp thoáng hình ảnh Trương Chi -Mỵ Nương.
Bài “Ta Về Nhúm Lửa Chờ Nhau” là chuyện về một kẻ mải mê sông nước giang hồ. Tôi thấy những mối tình quê nói là mộc mạc nhưng cũng rất lãng mạn, sôi nổi cộng thêm cái hoang dã của đồng quê càng làm nó tăng tính quyến rũ mạnh bạo hơn cả thị thành.
Cám ơn anh Trung đã hiểu và thông cảm chia sẻ những cảm nghĩ của tôi, bởi tôi nghĩ anh cũng lớn lên từ đồng ruộng nên tần số rung động giống như tôi trước những dòng sông, chiếc xuồng, vạt áo bà ba, câu ca vọng cổ, cái nhịp song lang. Có lẽ anh cũng từng quen nghe những tiếng “khà” quanh chiếc đệm giữa sân thắp đèn dầu nhâm nhi rượu đế và mùi mẫn mấy câu dạ cổ hoài lang.
Sóc Trăng, ngoài những người anh kể còn có những: Lan Sơn Đài,Triều Uyên Phượng, Lệ Trường Giang như đã nhắc ở trên. Họ là những người có tiếng tăm nhiều. Ngoài ra, chắc còn nhiều người nữa mà tôi không biết hết bởi mình chỉ tập tành chơi với bè bạn cho vui vậy thôi.
Làm sao để biết một người làm thơ chắc chắn là dân SócTrăng, nói một cách dè dặt theo ý riêng tôi, có lẽ cũng hơi tức cười một chút là cứ coi họ dùng chữ “mình ên” có đúng không (nếu trong thơ họ có chữ này). Bởi “mình ên” là tiếng địa phương dân Sóc Trăng hay dùng hàng ngày. Thí dụ cô gái thay vì hỏi, “anh đi đâu một mình vậy?” thì ở Sóc Trăng sẽ là ” hia đi đâu mình ên vậy?” Hia là anh, tiếng Triều Châu. Nói vậy chớ không phải cô gái Sóc Trăng nào cũng xài chữ “hia,” nên thường cô ta sẽ hỏi là “anh đi đâu mình ên vậy?” Nếu muốn chắc ăn thì có dịp nào anh về Sóc Trăng mình ên để tìm hiểu thêm.

LTT:
Anh Khôi,
Vâng, tôi rất đồng ý với anh về cách dùng một vài chữ rất đặc biệt của mỗi miền mà mình có thể đoán biết được tác giả ấy ở vùng nào, miền nào như chữ “mình ên” mà anh vừa dẫn …. Thêm nữa, tôi nghĩ, một vài địa danh như Bố Thảo, Vàm Tấn, Kế Sách, Cù Lao Dung, Đại Ngãi … mà các tác giả ưa nhắc như những nơi cố quận khó quên của những ngày nào cũng là một trong những yếu tố để mình lần mò tìm biết thêm về tác giả.
Tôi hiểu được nỗi lòng của người bán chiếu cắm sào trên kinh Ngã Bảy năm xưa mà hồi thời tôi còn rất nhỏ trên những con đường làng tôi đã được nghe đi nghe lại nhiều lần qua những cái máy thu thanh cũ xài pin trong nhưng căn nhà vách lá, những mối tình tuy ít có ngoài đời nhưng đối với những chàng trai cô gái quê thời bấy giờ là những cuộc tình rất đẹp. Chẳng những tôi sanh ra và lớn lên từ đồng ruộng như anh nói, mà cho mãi tới ngoài tuổi năm mươi, tôi đã làm ruộng nhiều mùa, nên những gì anh ấp ủ trong thơ của anh, tôi rất dễ cảm thông và chia sẻ cùng anh qua những nỗi niềm mà anh muốn bày tỏ ấy!
May mắn được đọc thơ anh, được gặp anh, được tâm tình cùng anh qua chuyện quê quán Bố Thảo, chuyện sinh hoạt văn nghệ những năm anh còn học các lớp Đệ Ngũ, Đệ Tứ, chuyện vào đời với ngành Sư Phạm ở Cần Thơ và nhất là chuyện dùng chữ, dùng từ trong tác phẩm đầu tay sau gần năm mươi năm anh làm thơ .… Bao nhiêu điều đó đối với tôi là niềm vui được ôn lại những quãng đời với một người mà tôi ái mộ và kính trọng. Những nơi anh đi qua và ghi lại trong thơ, tôi có biết; những chữ bình dân thô sơ mà anh dùng trong thơ anh, tôi có nghe. Chính anh đã làm cho nó hay hơn, êm ái hơn và dĩ nhiên ý nghĩa của nó cũng đẹp hơn nhiều. Là một người nhà quê cùng có căn gốc ruộng đồng như anh, tôi xin chân thành cảm ơn anh rất nhiều về cách ứng xử của anh cùng những bài thơ anh góp nhặt mang tặng cho đời qua thi phẩm Người Như Lá Biếc, tuy gọn mà rất nặng này vậy!
Kết thúc buổi tâm tình này, tôi xin chân thành cầu chúc anh nhiều sức khoẻ, gia đình vạn an và anh vẫn còn nhiều cảm hứng trong việc trước tác …
Thân mến.
LHK:
Anh Trung,
Tôi làm chút thơ thẩn chơi là để cùng anh em bạn bè trao đổi đọc cho vui với nhau. Nhân biết anh qua anh Trần Phù Thế, anh đọc và có chút cảm tình với thơ tôi, thì đó cũng là một niềm vui cho tôi. Biết anh là người chơn chất rặt tính Nam kỳ có sao nói vậy người ơi như anh Lưu Nhơn Nghĩa ở Brisbane (Úc châu) mà tôi thường gặp trước khi ảnh qua đời. Nói tới đây chắc cũng nên dành một phút nhớ về anh Lưu Nhơn Nghĩa, một người đã đưa địa danh Xà Tón tới độc giả.
Anh Trung, cám ơn anh đã nhắc lại nhiều hình ảnh kỷ niệm ở Sóc Trăng – Cần Thơ. Những địa danh cầu Cả Đài, lộ 19, lộ 20, lộ Hoà Bình. Những kỳ thi tú tài mà cả ngàn thí sinh từ các tỉnh miền Tây dồn về Cần Thơ để rồi sau kỳ thi là những chuyện tình kéo dài theo sau thành những bài thơ, truyện ngắn,truyện dài ….
Anh cũng làm tôi nhớ những bến bờ của dòng Kinh Xáng Bố Thảo .…
Cám ơn anh đã cho tôi có một buổi nói chuyện tâm tình thân mật giống như mình đang ngồi café Nguyễn Ngọ ở Houston.
Hy vọng có dịp anh ngồi café ở Sydney, Brisbane để coi café miệt dưới có ngon không? Để vừa nhâm nhi vừa nhắc chuyện cây bần, cây gáo ….

LTT:
Cảm ơn anh Khôi. Hẹn gặp lại.

Sydney-Houston ngày 21-11-2012
_______________________________

Cước chú:
1/ Lúa trổ: Nghĩa bóng chỉ người đàn bà sanh nở. Nơi thôn quê, dân ruộng chia lúa ra nhiều thời kỳ. Khi lúa mới mọc tới gần tròn tháng người ta gọi là lúa trong tháng hoặc lúa non; khi lúa chiết ra để nhổ cấy giậm các chỗ lúa bị hao được, thì lúa mà người ta nhổ chiết ấy gọi là mạ; lúa tròn mình gọi là lúa con gái; lúa có đòng đòng gọi là lúa có chửa và lúa trổ là lúa bắt đầu trổ bông. Lúa trổ cũng qua nhiều giai đoạn như lúa vừa mới trổ, rồi tới lúa bắt đầu ngậm sữa, từ ngậm sữa chừng mười ngày tới nửa tháng sữa bắt đầu cứng thành gạo và gọi là lúa ngậm gạo hoặc lúa vô gạo; lúa ngậm gạo lần lần làm bông lúa nặng thêm đến khi bông lúa quằn xuống giống như trái me người ta gọi lúa cong trái me; và lúa chín thì chín từ trên xuống và bông cái chín trước rồi mới tới bông con, thời kỳ bông cái chín người ta gọi lúa đỏ đuôi bông cái.

2/ Bình bát: Là loại cây mọc hoang dọc theo bờ kinh, rạch, ao hồ hoặc mọc theo bìa các rừng tràm. Có trái giống trái mãng cầu ta, hột nhiều, khi chín rất thơm nhưng ăn đỡ đỡ chứ không ngon bằng mãng cầu. Ở các miệt Vị Thanh, Hỏa Lựu, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và các vùng nước pha chè, nước mặn rất nhiều loại bình bát này và chúng có đặc điểm là ngập nước không bị chết nên các vùng ngập nước người ta hay lấy da mãng cầu tháp vô cây bình bát để cây khỏi chết. Các loại mãng cầu tháp bình bát trái rất lớn và nhiều, nhưng ăn hổng ngon bằng mãng cầu rặt vì trái còn mùi bình bát. Có câu ca dao vui vui:
Lựu, lê, bình bát, mãng cầu,
Bốn cây tứ quý anh sầu một cây.
Thực ra, theo giáo sư Phạm Hoàng Hộ: “Bình bát có tên khoa học Annona Reticulata L, gọi là bình bát, coeur-de-boeuf. Thuộc loại tiểu mộc, cao đến 7m. Lá tròn-dài đến thon, có mũi. Hoa 2-10 trên một trục ngắn; hoa vàng, cánh hoa hẹp. Phì quả kép, to từ 5-12cm; mặt gần như trơn, nâu hay đỏ; hột màu nâu đen.” (Theo Cây Cỏ Miền Nam Việt Nam của giáo sư Phạm Hoàng Hộ, do Trung tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục in năm 1970).

3/ Chín bói: chín lác đác một vài quả trong thời kỳ đầu cây mới có quả hoặc trên dây như chuối chín bói, tiêu chín bói. Còn xoài chín bói thì gọi xoài chín cây. Loại trái cây chín bói thì rất ngon và các loài chim khôn lắm, chúng bay vòng vòng và gặp trái nào vừa đỏ ức và sắp chín là chúng đáp xuống mổ ăn liền mấy trái chín bói này. “Môi chín bói” nghĩa bóng chỉ môi đỏ ửng như trái chín bói trên cây vừa ngon ngọt vừa thơm.

4/ Khà: là hắt mạnh hơi trong cuốn họng ra sau khi nuốt một ngụm rượu.
Khà một cái cho ngon coi nà,
Thơ suông nước ốc còn ngâm váng
Rượu bự non chai vẫn chén khà.
(Theo Việt Nam Tự Điển của Lê văn Đức & Lê Ngọc Trụ, nxb Khai Trí: 1970)

*

Bài đã đăng của Lương Thư Trung :








No comments:

Post a Comment

View My Stats