5.12.2012
Nếu
không nhờ có Nguyễn Mộng Giác thì chắc tôi chẳng bao giờ viết xong tập Tìm Thơ Trong Tiếng Nói.
Đó là vào đầu thập niên 1980, tôi đang ở Montréal, với không khí sinh hoạt nghệ
thuật, trí thức khích động trong tinh thần cởi mở nhất, một thành phố đẹp và
đáng yêu nhất, theo kinh nghiệm tôi sống 37 năm ở Bắc Mỹ. Nhưng tôi sống và làm
việc, kết bạn phần lớn với những người không nói tiếng Việt Nam.
Hồi
đó, một trong những niềm vui là mỗi tháng nhận được tạp chí Văn Học do Nguyễn Mộng
Giác và một số anh em khác trông coi. Tôi được biết đến tờ báo sau khi nhà văn
Võ Phiến đã nghỉ, chỉ còn mình Giác gánh lấy công việc nặng nhọc này. Một công
việc vừa tốn thời giờ, công sức, vừa lo chạy tiền giấy, tiền in, tiền gửi, mà
số tiền thu được nhờ bán báo không bao giờ đủ trang trải chi phí. Lúc đó cũng
có tạp chí Văn do
nhà văn Mai Thảo và sau là Nguyễn Xuân Hoàng phụ trách, nhưng hai tờ báo văn
nghệ có phong cách và mầu sắc khác nhau. Ngoài ra còn một số tạp chí địa phương
khác.Tạp chí Hợp Lưu
của Khánh Trường, Thế Kỷ
21 của nhật báo Người Việt do Lê Đình Điểu, Phạm Xuân Đài chủ
trương, xuất hiện trễ hơn.
Anh
Mai Thảo cũng như anh Nguyễn Mộng Giác luôn luôn nhắc nhở các bạn văn đóng góp
cho Văn và Văn Học. Lối nhắc của hai người đều nhẹ nhàng, ngắn gọn. Anh Mai
Thảo đã quen tôi từ hồi ở Việt Nam trước 1975 nên có khi anh còn nói chuyện
riêng, gửi cho một đoạn thơ mới nhận được, của Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, có
khi chỉ có hai câu, lén chuyển từ nhà tù “cải tạo” ra ngoài, rồi được gửi ra
ngoại quốc. Những lá thư của Nguyễn Mộng Giác còn ngắn gọn hơn nữa, nhưng mỗi
lần nhận được một lời nhắn, mình lại cảm thấy phạm tội, vì không đóng góp được
gì cho một công việc chung.
Bởi
vậy, tôi đã có bữa phải đặt bút viết những ý nghĩ vụn vặt của mình ra thành một
bài, sau này là bài mở đầu tập Tìm
Thơ Trong Tiếng Nói. Những ý nghĩ đó đã bật ra khi tôi đọc thơ hay
đọc những bài, những sách viết về thơ. Đó là một nhu cầu riêng. Một thôi thúc
từ bên trong không thể nào cưỡng được, trong hoàn cảnh tôi đang sống.
Đầu
thập niên tôi làm việc tại trường McGill, vừa dậy các lớp cấp cử nhân vừa đóng
vai một sinh viên Ph.D. về quản trị kinh doanh. Công việc học các ngành trong
môn quản trị, đặc biệt là việc nghiên cứu về lý thuyết tài chánh rất thích thú,
bởi vì cái gì đối với tôi cũng mới. Nó mở rộng kiến thức của tôi về con người
sống trong tổ chức, về cơ cấu ngành kinh tế, được học thêm các môn toán mới
cũng như phương pháp khảo cứu khoa học; tất cả đều ảnh hưởng tới công việc viết
lách của tôi sau này. Nhưng bên cạnh những sách báo chuyên môn về quản trị và
kinh tế, tôi vẫn đọc thơ, làm thơ. Vì ở cái tuổi mới ngoài 40, cuộc đời đẹp quá
không thể nào không xúc động; không thể nào chỉ vùi đầu trong các trò chơi của
lý trí.
Có
lẽ đó cũng là một phản ứng muốn thoát ra ngoài thế giới công việc làm. Đó là
quãng thời gian sung sướng nhất tôi đã sống, cho tới bây giờ, trí óc được làm
việc trong không khí một đại học chú trọng đến nghiên cứu hơn là dậy học trò. Ở
thư viện chính của Đại học McGill, tôi tìm các tài liệu trong báo, sách chuyên
môn về hiện tượng ngẫu nhiên, từ đó lại thích thú tìm hiểu lý thuyết về thông
tin (Information Theory) trong vật lý học. Khi đọc các khám phá trong kinh tế
học nhờ “lý thuyết trò chơi” (Game Theory), thì lại được nghe người ta kể một
chuyện ngụ ngôn tiêu biểu kích thích mình suy nghĩ. Có tay “tổ sư” trong ngành
viết về lý thuyết Tài Chánh học với những ý tưởng lan man cả những suy nghĩ
triết lý siêu hình, lại đặt cái tựa “Clock and Cloud,” nghe như tựa một bài
thơ. Họ làm việc với mắt nhìn rộng như vậy, có lúc một tác giả nào đó lại dẫn
lời của một thi sĩ, một triết gia. Đọc chú thích về nguồn gốc tài liệu người ta
tham khảo, tôi lại tò mò phải tìm đọc cho được bản gốc, thường có ngay trong
thư viện. Cứ như thế, sau khi mệt cái đầu với những môn toán về tài chánh
học,tôi có cớ là đi lần mò tìm đọc các triết gia, những thi sĩ khắp thế giới
khi thấy một cuốn sách họ bàn về việc làm thơ, đọc thơ. Nhiều khi đọc các tác
giả này thì chợt thấy điều họ nói cũng là điều mình đã cảm thấy trước rồi, khi
đọc thơ của người Việt Nam. Có điều mình chưa bao giờ ghi lại trên giấy, vì
thấy đó là một cảm xúc hay ý nghĩ rất riêng tư, chắc không nên làm bận tai
người khác. Tôi vẫn nghĩ rằng nói chuyện thơ rất khó, thơ là một chuyện rất
riêng tư, người ta khó cảm thông cùng một cách. Thơ như một người đẹp không ký
kết ăn đời ở kiếp với mình bao giờ. Người ta đi tìm Thơ suốt đời, được nhìn vào
đôi mắt, được bắt tay một cái, là đủ. Không thể nào trao đổi ý kiến, bàn luận
với nhau một cách thuần lý như các bài toán.
Nếu
không có Nguyễn Mộng Giác hay Mai Thảo nhắc nhở thì chắc những giờ phút đọc,
nghĩ ngợi rồi lẩm nhẩm một mình như thế sẽ đi qua, không để lại dấu vết nào cả.
Không biết có một lần nào đó, nhận được báo Văn
Học mới và thư của Giác, tôi tự bảo mình phải đáp lại tấm lòng của
con người yêu văn chương này. Tiện nhất là viết một bài về thơ, đọc thơ, làm
thơ, rút kinh nghiệm bản thân ra, mời mọi người cùng suy ngẫm thêm về chuyện
này. Sau khi bài đầu tiên đăng trên Văn
Học, Nguyễn Mộng Giác khuyến khích tôi viết tiếp, bởi vì anh thấy
bài đã đăng có phong vị riêng, không giống những các tác giả khác đã viết về
thơ. Thực ra từ đầu tôi chỉ có ý định viết một bài, rồi thôi, nên lấy tựa là
Nói Chuyện Thơ. Coi như chỉ có bấy nhiêu điều để nói, nói cho hết. Nhưng những
lời khích lệ của Nguyễn Mộng Giác có hiệu quả. Lười đến mấy cũng phải cố gắng
viết thêm. Không gì kích thích người viết bằng phản ứng của người đọc, nhất là
một bạn văn. Đó là nguyên ủy việc tôi viết về thơ, và tiếp tục viết trên Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21 về
các kinh nghiệm riêng tư của mình. Cho tới khi chú Châu Văn Thọ, người chủ
trương nhà xuất bản Thanh Văn hỏi: “Sao anh không in đi?”
Câu
chuyện trên đây là mối chân tình khi tôi nghĩ đến Nguyễn Mộng Giác. Anh là một
tác giả viết không mệt mỏi, anh đã đóng góp những tác phẩm được độc giả trong
nước, ngoài nước yêu thích. Nhưng một công trìnhcủa anh tôi ngưỡng mộ nhất là
việc chủ trương một tờ tạp chí văn chương, học thuật trong bao nhiêu năm, trong
hoàn cảnh khó khăn của người Việt Nam tị nạn sống ở nước ngoài. Đó là một việc
chắc chắn tôi không làm được. Tôi không có đức kiên nhẫn, hiền hòa và nghĩ đến
người khác nhiều như anh.
Lúc
đó chúng ta có độ bao nhiêu người? Có đến nửa triệu hay một triệu? Lại sống rải
rác khắp bốn biển, năm châu. Và số người viết văn, làm thơ cũng không đông được
bao nhiêu. Làm sao có thể làm một tạp chí văn chương rồi giữ nó sống được? Bây
giờ nhìn cảnh các tiệm sách của người Việt Nam đóng cửa ở mọi thành phố khắp
nơi càng thông cảm với nỗi những khó khăn mà Nguyễn Mộng Giác, Mai Thảo, Khánh
Trường và Nguyễn Xuân Hoàng đã phải đương đầu.
Mà
việc xây dựng những diễn đàn cho văn chương của người Việt tị nạn là một nhu
cầu lớn. Sau năm 1975, quả thật chúng tôi không trông cậy gì vào các nhà văn
miền Bắc trong việc phát triển văn chương của người Việt Nam cũng như các nhà
văn còn ở lại Sài Gòn. Bởi vì các tác giả trong nước không được quyền tự do
sáng tác, họ không thể nói hết các suy nghĩ và tâm tư, cũng không thể sáng tạo
những phong cách mới theo tài năng của họ. Điều này chúng ta đã thấy rõ, khi
sau này những nhà thơ, nhà văn có tài như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Chế
Lan Viên từng nhìn lại các tác phẩm của họ và tiếc đã phí phạm chính năng lực
sáng tạo của họ. Phải đến khi giới văn nghệ Việt Nam được cởi trói lần đầu,
những người sống ở nước ngoài mới yên tâm là đã có cơ hội cho văn chương Việt
Nam phát triển đúng với tiềm năng của dân tộc.
Trong
hoàn cảnh mười năm sau 1975, chỉ còn những người làm văn học sống ở nước ngoài
được tự do tiếp tục công việc đẩy văn chương nước ta trên những bước đường mới.
Biết như vậy, chúng ta mới thấy công của những người như Nguyễn Mộng Giác,Mai
Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng và Khánh Trường, cùng Lê Đình Điểu, Phạm Xuân Đài trên
tờ Thế Kỷ 21
rất đáng quý.
Những
nhà văn trên làm việc theo cách khác nhau. Mai Thảo trông coi tạp chí Văn giống như một blog
bây giờ; đó là nơi anh sống cuộc đời nhà văn của anh, tiếp xúc với thế giới bên
ngoài cùng các bằng hữu. Nguyễn Xuân Hoàng tiếp tay Mai Thảo cũng theo tinh
thần đó. Khánh Trường, một blogger khác, dùng tạp chí Hợp Lưu múa kiếm, đánh
côn để thỏa chí tang bồng không chịu đi theo những bước mòn của đa số. Trên
Văn, chúng ta thấy Mai Thảo; trên Hợp Lưu, chúng ta thấy Khánh Trường; họ đóng
vai chính, vừa là đạo diễn vừa làm diễn viên đáng chú ý nhất. Lê Đình Điểu,
Phạm Xuân Đài góp công lập một diễn đàn chính trị cũng như văn hóa trên tờ Thế Kỷ 21, nhưng không
chú trọng về văn chương.
Nguyễn
Mộng Giác chủ tâm chỉ làm văn nghệ, nhưng anh đóng vai chủ trương tờ báo Văn
Học với vai trò một đạo diễn, một trọng tài, một người kéo màn hay một nhà nội
trợ nấu nướng, chứ không cốt làm báo để tự mình nhận vai diễn viên số một. Anh
đứng đằng sau tờ tạp chí, nhưng nhận một vai trò khiêm tốn. Đó là một điều đáng
quý vì cá tính của anh. Nhiều người làm báo vì sở thích hoặc nhu cầu cá nhân,
nếu không làm thì không chịu nổi. Nguyễn Mộng Giác xây dựng một tạp chí văn học
vì nhu cầu chung, bao nhiêu người đang muốn bảo vệ tiếng nói Việt Nam, văn
chương Việt Nam, tụ họp các tài năng sáng tạo của người Việt Nam. Chúng ta còn
thấy các tác giả sống trong nước cũng gửi sáng tác cho đăng trên những tạp chí
ở nước ngoài.
Quan
trọng nhất là các tạp chí Văn
Học, Văn đã kích thích bao nhiêu nhà văn, thi sĩ viết trở lại; bao
nhiêu người trẻ sáng tác hăng hái. Thời gian hơn 20 năm trước, nhờ đọc tờ Văn
Học chúng tôi mới được biết những bài thơ của Ngu Yên, Trần Mộng Tú,
Nguyễn Thị Thanh Bình, Chân Phương, Đặng Hiền, Trân Sa, Thường Quán, Đỗ
Quyên v.v.
Những
truyện ngắn của Miêng, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn
Thị Ngọc Nhung, Ngô Nguyên Dũng, Trần Vũ, v.v.
Chỉ
kể một vài thí dụ trong số nhiều nhà văn nhà thơ trẻ đã gây nên một không khí
sáng tác trong một cái làng văn nghệ trải rộng khắp thế giới.
Và
nhờ không khí văn chương đó vui vẻ náo động, những người ở một chốn hẻo lánh xa
xôi như chúng tôi tại thành phố Montréal mới có hứng ngồi xuống viết bằng tiếng
Việt Nam, sau một ngày phải sống bằng tiêng ngoại quốc. Nếu không có tạp chí
Văn Học thì chắc cũng không có tập sách tập nhỏ Tìm Thơ Trong Tiếng Nói. Nhờ cuốn sách viết
vội trong những giờ nhàn rỗi, gọi là tiệp ký, tôi không ngờ đã bắt được những
dây thông cảm với cả các thi sĩ và nhà văn sống trong nước. Thi sĩ Phùng Quán
đã viết thư chép cho bốn câu thơ của ông mà tôi trích dẫn nhưng không nhớ đúng.
Tôi ân hận không bao giờ còn cơ hội gặp ông, biết ơn lời bậc đàn anh gọi “qua
nhà làm chén rượu.” Nhà biên khảo Lê Ngọc Trà đã gửi tăng một tác phẩm của ông
về văn học, nhà thơ Hoàng Hưng đã gửi tặng tôi thơ của ông khi mới xuất bản. Cả
hai vị tôi chưa bao giờ được gặp nhưng sẽ nhớ ơn mãi.Tất cả những giao tình này
khiến lòng tôi ấm áp, biết rằng mình vẫn nối được với tiếng mẹ đẻ.
Nguyễn
Mộng Giác đã giúp tôi trở về với chuyện thơ và tiếng Việt. Sau khi tập sách in
rồi, tôi còn đăng mấy bài khác cũng Nói Chuyện Thơ trên tạp chí Văn Học; đó là
những bài tôi thích nhất, nhờ chúng mà tôi có dịp gặp lại, trò chuyện với Thanh
Tâm Tuyền để chia nhau những cảm xúc thi ca. Tôi sẽ còn nợ Nguyễn Mộng Giác và
Thanh Tâm Tuyền, sẽ phải san nhuận lại để in tập Tìm Thơ Trong Tiếng Nói để tưởng nhớ hai
anh lần nữa.
Đỗ
Quý Toàn
Tháng Tám 2012
Tháng Tám 2012
No comments:
Post a Comment