Wednesday, 19 December 2012

TẠI SAO BƯỚC TỚI BỜ VỰC TÀI CHÁNH ? (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
Tuesday, December 18, 2012 5:17:31 PM

Người ngoại cuộc nhìn tình trạng kinh tế Mỹ đứng trên bờ vực phải thấy rất khó hiểu. Chỉ vì các đại biểu Quốc Hội không thể đồng ý với nhau về ngân sách, ông tổng thống và đảng đối lập cũng không thỏa hiệp.

Tại sao họ chia rẽ mãi như vậy? Ðáng lẽ họ có thể đã giải quyết vấn đề này từ năm 2010, khi đến thời điểm phải bàn có nên triển hạn các đạo luật cắt thuế của Tổng Thống Bush năm 2001 hay không. Nếu năm đó mỗi bên nhường một tí, thì kết quả cũng không khác gì những điều mà họ có thể thỏa thuận trong năm 2012 hay 2013. Nếu có trì hoãn, họ vẫn có cơ hội thỏa hiệp trong năm 2011, khi bàn chuyện nâng mức trần nợ quốc gia. Ai cũng biết cuối cùng thì bên Dân Chủ phải nhường một chút, chịu cắt các khoản chi trong các chương trình y tế, hưu bổng; và bên Cộng Hòa cũng sẽ phải nhịn một chút, buộc các người giầu đóng thêm thuế. Vậy mà hai đảng cứ giằng co không ai nhịn ai một bước; suốt hai năm trời.

Nguyên nhân gây ra tình trạng trên là chính dân Mỹ cũng càng ngày càng “chia phe” gay gắt, không ai chịu nhường ai, ở trong Quốc Hội cũng như trong dân chúng, các cử tri bỏ phiếu. Người ta gọi là tình trạng “phân cực chính trị.”

Nhiều nhà chính trị cũng bực mình, bỏ đi. Ðầu năm 2010, Nghị Sĩ Evan Bayh tuyên bố ông sẽ không ra tranh cử nữa, sau hai nhiệm kỳ (12 năm) đại diện tiểu bang Indiana ở Thượng Viện. Ông nêu lý do: Chán không khí phe đảng trùm lên cả Quốc Hội. Ông Bayh thuộc đảng Dân Chủ, nhưng đại diện một tiểu bang rất bảo thủ, tất nhiên ông phải có những quan điểm rất trung dung. Nhưng trong Quốc Hội Mỹ, số người trung dung như ông ngày càng khan hiếm. Năm 2012, lại thêm một nghị sĩ tiểu bang Maine tuyên bố bà chán cảnh phe phái căng thẳng trong Thượng Viện nên thôi không ra ứng cử nữa.

Bây giờ còn rất ít nhà chính trị trung dung. Nếu có, họ khó được bầu vào trong Quốc Hội. Bước khó khăn đầu tiên là họ khó được cử tri trong đảng họ đưa ra tranh cử đại diện cho đảng. Nhiều nghị sĩ, dân biểu thâm niên đã bị cử tri đảng họ gạt ra lề, để chọn một người mới tranh cử thay. Có khi vì cử tri không chấp nhận thái độ ôn hòa của họ, trong một lần bỏ phiếu nào trước đó. Mà khi đã sống lâu năm trong Quốc Hội thì thế nào cũng phải có lúc tỏ ra ôn hòa, thỏa hiệp, để cho công việc chạy. Nếu không Quốc Hội sẽ lâm vào bế tắc, như khi tất cả cùng đứng trên bờ vực, thi gan xem anh nào chịu thua, nháy mắt trước.

Tình trạng chia rẽ hiện rõ trong cuộc bầu cử tổng thống và Quốc Hội tháng trước. Cuối cùng, Tổng Thống Barack Obama đắc cử trên nhiều tiểu bang hơn ứng cử viên Cộng Hòa Mitt Romney; nhưng khi tính tổng số phiếu bầu toàn quốc thì ông Obama chỉ hơn ông Romney chừng 4%. Tìm hiểu cách bỏ phiếu của các cử tri thuộc hai đảng, sẽ thấy ông Obama chỉ được phếu của 6% các cử tri Cộng Hòa, còn ông Romney được 7% các cử tri Dân Chủ ủng hộ. Hơn 90% cử tri mỗi đảng không muốn bước qua hàng rào để bỏ phiếu cho “phe bên kia.” Trước đây 30 năm dân Mỹ không chia rẽ, phân cực chính trị đến như vậy. Năm 1980, Tổng Thống Reagan đắc cử, với tỷ số cũng chỉ hơn đối thủ khoảng 4 hay 5% số phiếu. Nhưng ông Reagan, đảng Cộng Hòa, được tới 27% các cử tri Dân Chủ ủng hộ! Người đảng này có thể bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng khác, vì ủng hộ chương trình tranh cử, chứ không phải chỉ ủng hộ người cùng đảng. Có lẽ như vậy thì đời sống chính trị coi lành mạnh hơn. Tinh thần bè phái hiện đang làm ô nhiễm cả không khí chính trị. Không khí đó che lấp trí phán đoán, người bên này không chịu nhìn kỹ, tìm hiểu quan điểm của người bên kia. Giống như một người tự che mắt mình lại, vì không muốn nhìn cái gì trái ý mình.

Hai đảng lớn ở Mỹ không thể bắt buộc các đại biểu của họ phải bỏ phiếu theo một đường lối chung. Cá nhân mỗi đại biểu hoàn toàn tự do bỏ phiếu, họ chỉ lo trách nhiệm với các cử tri đơn vị đã bầu cho mình thôi.

Trong suốt hai năm các đại biểu cãi cọ, giằng co, đưa cả nước đến bên bờ vực, tất nhiên cả Quốc Hội mất uy tín. Từ năm ngoái, hơn ba phần tư dân Mỹ cho biết họ không còn tín nhiệm Quốc Hội. Nghe vậy thì tưởng đến năm nay, khi các đại biểu phải tái tranh cử, họ sẽ bị dân loại bỏ gần hết. Nhưng kết quả ngược lại! Sau cuộc bỏ phiếu vừa qua, phần lớn các đại biểu Quốc Hội vẫn tái đắc cử! Tại sao kết quả lại trái ngược với dư luận dân chúng như vậy? Nhìn kỹ thì hiểu: Khi người dân bày tỏ ý kiến chán ngán Quốc Hội, họ đang nghĩ đến các đại biểu thuộc đảng đối lập với mình; chứ chưa chán đại biểu của mình hay cùng phe với mình. Thế là đa số cử tri vẫn bỏ phiếu cho đại biểu cũ!

Tinh thần phe phái đó lộ rõ trong hầu hết các đơn vị bầu cử. Có 234 dân biểu Cộng Hòa đắc cử kỳ vừa qua. Trong 234 đơn vị đó, chỉ có 15 đơn vị là đa số dân ủng hộ ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ Obama. Phía bên kia cũng vậy. Có 201 đơn vị đã bầu đại biểu Dân Chủ lên, mà trong số đó chỉ có chín đơn vị ứng cử viên Cộng Hòa Romney chiếm được đa số. Nghĩa là số người dân bỏ phiếu cho ứng cử viên cả hai đảng xuống rất thấp. Họ được gọi là những cử tri “độc lập,” bỏ phiếu vì thích chương trình chính trị của mỗi ứng cử viên, chứ không phải vì cùng phe đảng.

Số cử tri “độc lập” này xuống thấp, cho nên số tiểu bang gọi là “ngang ngửa” (swing) giữa hai đảng cũng xuống thấp. Một tiểu bang gọi là ngang ngửa khi không biết trước chắc chắn đa số dân sẽ bầu cho ai; ứng cử viên tổng thống của hai đảng phải giành phiếu gay gắt. Kết quả thắng bại ở những tiểu bang đó thường chênh lệch với một tỷ lệ rất nhỏ, bên nào cũng thấy hy vọng, tìm cách giành từng lá phiếu một. Năm 1960, Tổng Thống Kennedy đắc cử tại 20 tiểu bang với tỷ lệ chênh lệch rất nhỏ. Ðó là những tiểu bang ngang ngửa, chênh lệch dưới 5% đã quyết định thắng bại. Ðến năm 2000, chỉ còn 12 tiểu bang với mức chênh lệch ngang ngửa như vậy.
Năm nay, mặt trận ngang ngửa chỉ diễn ra tại bốn tiểu bang. Ngày xưa, các tiểu bang như California, Illinois, Missouri, Tennessee đều được xếp vào loại ngang ngửa. Bây giờ đã khác hẳn, hai tiểu bang hoàn toàn Cộng Hòa, hai nơi khác chỉ bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống Dân Chủ. Hậu quả là các ứng cử viên tổng thống không cần bỏ quá nhiều thời giờ hay chi tiêu vận động vào những tiểu bang biết chắc mình sẽ thắng hay sẽ thua.

Tình trạng “Ðứng Trên Bờ Vực” là hậu quả của hiện tượng phân cực trong tâm lý chính trị dân Mỹ. Nhiều cử tri chọn đứng về phía Ðỏ (Cộng Hòa) hay Xanh (Dân Chủ) rồi, họ chỉ bỏ phiếu theo lựa chọn đó. Qua mấy kỳ bầu cử gần đây, các tiểu bang xanh càng xanh thêm, các tiểu bang đỏ thì càng đỏ hơn. Cuộc bầu cử Quốc Hội cũng vậy. Nhiều đơn vị xanh bây giờ xanh rờn, các đơn vị khác đã đỏ càng đỏ thẫm! Cho nên nhiều ứng cử viên thắng cử với tỷ lệ áp đảo, đè bẹp đối thủ. Cuộc bầu cử tháng trước, có 42 đại biểu Cộng Hòa và 83 đại biểu Dân Chủ thắng lớn, được trên 70% số phiếu! Cử tri trong 125 đơn vị này nghiêng hẳn về một đảng, gọi là các “đơn vị an toàn.” Những người đại diện cho các đơn vị an toàn sẽ thấy bổn phận đầu tiên của họ là phải trung thành với các cử tri đơn vị mình. Chuyện thỏa hiệp vì mục đích “quốc gia đại sự” là thứ yếu, có khi còn có hại cho sự nghiệp chính trị của họ.

Cho nên nhiều đại biểu Quốc Hội khó thỏa hiệp với phe đối lập, vì lúc nào cũng lo trách nhiệm với các cử tri đã bỏ phiếu cho mình; những người đã tin vào chương trình và khẩu hiệu tranh cử của mình. Nhượng bộ nhiều quá sẽ bị cử tri kết tội “hứa cuội!” Tệ hơn nữa, có thể sẽ bị một đối thủ cùng đảng tố cáo là mình “phản bội!” Họ lo hai năm nữa đến lúc bỏ phiếu lại, ngay trong đảng sẽ có nhiều người xuất hiện đòi thay mình ra ứng cử!

Tình trạng trên là hậu quả của hệ thống bỏ phiếu ở Mỹ, nếu hệ thống không thay đổi thì sẽ cứ tiếp tục như vậy. Có hai thủ tục và luật lệ đặc biệt gia tăng tình trạng phân cực này. Thứ nhất là thủ tục chọn người đại diện đảng ra tranh cử, gọi là những cuộc bầu cử sơ bộ. Trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ chỉ các người ghi danh vào một đảng mới được bỏ phiếu, thì một nhóm người năng động nhất, hăng hái nhất có thể khuynh loát những người khác, họ ủng hộ ai thì người đó chắc sẽ thắng. Mà những người hăng hái này thường cũng là những người quá khích nhất. Họ làm cho một đơn vị đã đỏ càng đỏ hơn, nếu xanh thì sẽ xanh hơn.

Thứ hai là luật lệ phân định đơn vị bầu cử ở các tiểu bang thường cho các nghị viện tiểu bang quyền ấn định ranh giới. Nếu một đảng kiểm soát nghị viện tiểu bang, thì họ có quyền vẽ ranh giới làm sao để trong mỗi đơn vị sẽ tập trung vừa đủ đa số cử tri ủng hộ đảng họ; nếu chưa đủ thì xén một khu phố của một đơn vị khác ghép vô cho phe mình được hơn 50%.

Thí dụ, ở một tiểu bang có 100 cử tri, và các cuộc bầu cử trước cho thấy khoảng 50 người thường bỏ phiếu cho đảng A, 50 cho đảng B. Tiểu bang chia ra 20 đơn vị bầu cử, mỗi đơn vị khoảng 5 người. Ðến kỳ hạn có thể phân chia lại các đơn vị, đảng A đang kiểm soát nghị viện. Họ có thể tìm cách phân chia địa giới mỗi đơn vị sao để trong 16 đơn vị thế nào cũng có 3 cử tri đảng A, 2 cử tri còn lại là đảng B. Kết quả là đảng A cầm chắc sẽ thắng trong 16 đơn vị bầu cử. Còn lại 4 đơn vị, đảng B sẽ thắng vì được gần 100% cử tri ủng hộ! Lối phân chia đơn vị bầu cử như thế khiến cho tấm bản đồ phân chia các đơn vị bầu cử thấy nó méo mó, xô xếch, không giống ai cả. Nhiều người muốn thay đổi luật lệ này, nhưng rất khó, vì chính các đại biểu cũng là những người có quyền thay đổi luật. Họ được lợi nhờ cách chia đơn vị đang sử dụng, lẽ nào họ muốn đổi.

Ở California, một đề án đã được đưa cho dân bỏ phiếu, quyết định từ nay nghị viện không nắm quyền phân chia các đơn vị bầu cử; trao cho một ủy ban độc lập quyết định, ủy ban này gồm các thẩm phán không thiên vị đảng nào. Ðây là một thí nghiệm mới mẻ, nhưng phải nhiều năm mới biết kết quả ra sao. Nếu kết quả tốt, chắc dân chúng các tiểu bang khác cũng đòi theo. Khi đó, mới hy vọng gỡ bỏ được cảnh nhiều đơn vị bầu cử quá “an toàn” cho một đảng, lúc nào họ cũng thắng. Mà đó là một trong những nguyên do lớn gây ra tình trạng dân Mỹ càng ngày càng phân cực chính trị.


Đọc thêm :





No comments:

Post a Comment

View My Stats