Wednesday, 19 December 2012

QUẢ TIM HEO ! (truyện ngắn xã hội chủ nghĩa của Minh Diện)




Minh Diện
Thứ tư, ngày 19 tháng mười hai năm 2012

Khi ông Đinh còn làm tổng biên tập, mỗi lần xét đề bạt cán bộ, có người giới thiệu Đào, liền bị ông gạt đi: “Thôi, gác quả tim heo ấy lại!”.

… Tết năm ấy cơ quan báo mua được ba con heo để chia nhau ăn Tết. Mua được heo là nhờ ông Tổng biên tập quen ông Phó chủ tịch tỉnh Thái Bình. Ông Phó chủ tịch chỉ thị cho một hợp tác xã chăn nuôi bán ngoài kế hoạch cho báo ba con heo - mỗi con một tạ. Đổi lại, báo sẽ viết bài, chụp ảnh đăng “người tốt việc tốt” cho hợp tác xã đó.

Hai mươi tám Tết, anh Khò, tài xế của cơ quan, lái chiếc U-oát về tận hợp tác xã chăn nuôi, mang theo giấy phép đặc biệt của ông Phó chủ tịch tỉnh cho ba “lão trư” qua các trạm kiểm soát. Cả cơ quan chỉ có mỗi chiếc U-oát cũ mèm (là tiêu chuẩn của tổng biên tập) phải nhường cho heo. Ông Khò chu đáo bỏ lên xe mấy bó rơm để ba “vị trư” tha hồ ấm…

Xe vượt hơn trăm cây số về đến tòa soạn lúc 12 giờ trưa. Mọi người vui mừng nháo nhác, túm tụm bình luận heo nạc heo mỡ. Mặt mũi ai cũng hơn hớn, vì sẽ có thêm vài ký thịt, gói bánh, làm giò, lại còn có tí xương để ninh sắn, tí lòng cúng, nhắm rượu chiều ba mươi… cho xôm Tết. Chứ chỉ nhòm vào tiêu chuẩn nhà nước, mỗi khẩu hai lạng rưỡi nửa mỡ, nửa nạc thì vứt…

Nghe tiếng lợn eng éc, hai con chó của ông bảo vệ âng âng sủa, lồng lộn cào chân vào bánh chiếc U-oát, mong liếm láp chút mỡ, vồ miếng xương thừa.

Trái lại, ở cơ quan bên kia, mấy bà mắt tròn, mắt dẹt thèm thuồng nhìn sang, ấm ức ra mặt: “Sướng chưa! Cậy làm báo, móc ngoặc hàng núi thịt về đắp vào miệng…”.

Thư ký công đoàn yêu cầu mỗi ban cử một người làm thịt lợn. Lão Đào ở ban tôi lập tức xung phong.

Lão Đào là một phóng viên chịu đi xa, lăn lộn với nghề, nhưng cuộc sống lận đận lắm. Năm ấy lão mới ba mươi tuổi nhưng đã có ba đứa con, toàn gái. Vợ lão là giáo viên cấp ba, dạy Văn, ốm đau, vật vờ như xác ve. Cả cái gia đình năm nhân khẩu ấy ở một căn phòng trên gác hai, ngang một mét rưỡi, dài sáu mét, nghĩa là chín mét vuông. Nói phòng cho sang, chứ thực ra chỉ là một ngăn thưng cót. Gia đình nhà Đào ở một ngăn, hai ngăn kia có hai gia đình khác. Con cái vợ chồng nằm tráo đầu đuôi nhau để thở, để đỡ ngượng… Nồi niêu, xoong chảo, bếp dầu đút gầm giường…

Vợ Đào phải thuốc thang quanh năm nên miếng ăn cho cả nhà phải bớt đi. Có lẽ khổ quá nên đứa con út của lão Đào bị suy dinh dưỡng nặng, dẫn đến suy tim. Đào là tay thương vợ thương con, được đồng lương hoặc chút nhuận bút nào, lão đưa hết cho vợ. Thành thử dần dần lão trở thành người bủn xỉn, hay ăn quỵt… Người ta mời lão ly trà, cái kẹo, lão cứ uống, cứ ăn, mà chả bao giờ thèm “mời lại”, vì thế nhiều người cạch mặt lão.

Được cái, việc bếp núc lão rất săng sái, dù cực, dù bẩn đến đâu lão cũng đâm đầu vào. Như việc làm thịt ba con heo này chẳng hạn.

Hai mươi tám Tết, ai chả muốn chạy đây chạy đó kiếm cành đào, cây quất, hoặc lau dọn nhà cửa, rọc lá gói bánh v.v… thế mà lão nhảy xổ ra, xung phong vào tổ giết heo. Ừ, lão thích thì cứ làm, chả ai muốn dành cái việc ấy…
Tiếng dao thớt lát chát, lốc cốc, tiếng cười nói sủng xoảng, quát tháo tưng bừng, đến bốn giờ chiều kết thúc việc giết heo. Thịt, xương, lòng, thủ… phanh phui đâu ra đấy.

Thư ký công đoàn bắt đầu kiểm kê từng thứ, để chia theo danh sách đã được duyệt. Bỗng ông ta kêu oai oái như cha chết:
- Còn một quả tim đâu? Ba con heo, sao có hai quả tim?

Mọi người xúm xít lại, đếm. Đúng là chỉ còn có hai quả tim.
Bới lộn tùng phèo đống ruột non, ruột già, kiếm cũng chẳng ra.
Hay là chó tha? Hay rơi xuống ao?
Ông bảo vệ tức mình lùng bắt bằng được hai con chó, rồi banh mồm, nắn bụng nó.
Xong, ông bảo vệ lấy tư cách một người đã có thâm niên mười năm, thề rằng hai con chó vô tội.
Mấy người khác nhảy xuống ao, mò như mò cá, rét run cầm cập, ao sủi tăm sủi bùn cũng chẳng thấy gì…

Cay vì hai con chó đệ tử của mình bị nghi oan, ông bảo vệ lùng sục từ hộc bàn đến sọt rác, chĩa cặp mắt ngờ vực vào từng người… Cuối cùng, ông ta kêu rống lên:
- Anh Đào, anh Đào, lại đây tôi bảo!
Lão Đào đang lúi húi đun nồi nước luộc trong bếp, giật nảy mình đứng dậy. Trời đất! Sao một bên ống quần lão lại đỏ lòm thế kia?
Ông bảo vệ liền chạy tới, thọc tay vào túi quần Đào, lôi tuột ra, một gói giấy báo thấm máu. Ông ta lột lớp báo ra, thì rành rành là một quả tim heo!

Mặt lão Đào ghệt ra! Lão mấp máy đôi môi chả biết nói gì! Nước mắt nhỏ từng giọt, từng giọt. Con lão Đào bị suy tim, lão nghe người ta bảo lấy tim heo hầm với thuốc bắc cho nó ăn thì may ra khỏi. Lão đã nhiều lần chầu chực ở các cửa hàng thương nghiệp, nhưng tim heo chỉ dành để bán cho cán bộ cao cấp, đời nào đến phần lão. Hôm nay cơ quan giết heo, lão thương con mà liều ăn cắp quả tim, nhục quá!

Sau vụ ấy, suốt ba năm ông Đinh còn làm Tổng biên tập, lão Đào không được lên bậc lương nào. Cứ nhắc đến tên lão Đào là y như là có tiếng cười chế nhạo. Và ông Đinh chỉ cần nói gọn lỏn “Gác quả tim heo đó lại!”.

Có người thông cảm với lão Đào, cho rằng Tổng biên tập Đinh thuộc lớp người bảo thủ, quá khắt khe. Vì vậy, đến khi ông Đinh về hưu, ông Dương lên làm tổng biên tập thì lão Đào mừng thầm…

Ông Dương vừa là nhà báo vừa là thi sĩ. Trên măng - sét báo, ông bắt xếp đủ hai cái tên: nhà báo, nhà thơ của ông. Ngay cả khi lên tivi ông cũng yêu cầu MC phải giới thiệu đầy đủ Tổng biên tập, nhà báo Dương…, nhà thơ Dương…

Vì là thi sĩ nên ông Dương rất thoáng. Bằng chứng là ông liên tục tổ chức thi hoa hậu, để vừa được ôm hôn người đẹp, vừa lấy tiền tài trợ. Ông từng nâng cấp cho một thí sinh mới học lớp 12 lên đại học để đậu hoa hậu. Ông lại rất thân với nhà thơ thiên giáng, từng nắm mộng thấy rắn thần độ bút,một đêm viết trăm bài thơ ứng cử giải Noben, vì vậy mà lòng ông mênh mông !

Về tổ chức cán bộ, ông Dương cũng áp dụng cơ chế mở. Ông mạnh dạn đưa cô em vợ chưa học hết lớp 11, chả biết báo chí là quái gì, vào cơ quan, rồi ký quyết định cái roạch, chức phó ban, đưa một tay tự nhận vơ là cháu họ Vũ Trọng Phụng mà chả viết được một cái tin cho ra hốn làm phóng viên văn nghệ.

Thế nhưng đối với loại người như lão Đào thì Tổng biên tập Dương vẫn không thể áp dụng cơ chế “mở”. Ông ta khinh bỉ cái quá khứ “quả tim heo”của lão Đào. Nên năm nào đến kỳ xét lương thưởng, đề bạt, cứ đến tên Đào, Tổng Dương lại nhắc lại điệp khúc của Tổng biên tập Đinh: “Gác quả tim heo ấy lại!”.

Trời có mắt. Năm kia ông Dương chết. Ôi, cái chết của ông lại liên quan đến heo. Có gì đâu! Ông vào Sài Gòn công tác, ở nhà khách cơ quan. Biết tính ông nghiện dồi trường, “các em” mua cho ông mấy ký để sẵn tủ lạnh. Ông ăn bữa trưa, bữa chiều, tối lại lôi ra ăn tiếp. Dồi trường là ruột heo nái, rất giàu đạm. Ăn vừa thì bổ chứ sực quá là nguy. Nhất là khi nó đã thiu thiu, lại chấm mắm tôm. Ăn nhiều bị bội thực, sình chướng bụng, thế là toi mạng… Ông Tổng Dương đã bị như vậy.

Ông Dương chết, Phó tổng biên tập Lương thế chỗ. Sếp mới mắt sâu, mũi lõ, cằm nhọn và cái miệng thì nhỏ xíu. Khi còn sống Dương rất ghét cái miệng nhỏ này. Bởi Dương đã khôn mà Lương còn cáo hơn. Lương làm đơn xin đất cho cơ quan, bảo mọi người ký tên. Khi xin được đất, Lương loại những người ở phía Nam ra, vì không có hộ khẩu Hà Nội. Thế là tiêu chuẩn đó anh em Lương hưởng.

Ngày trước Tổng Dương đã có lần tìm cách tống khứ Lương đi. Nhân khi một tờ báo “đàn em” thiếu chức Tổng biên tập (vì nội bộ “nện nhau”), Dương đề nghị cấp trên điều Lương sang đó. Cấp trên đã đồng ý. Nhưng Lương cao tay hơn, ra điều kiện: Sang tờ báo “đàn em” làm Tổng biên tập 6 tháng thôi, khi nội bộ bên đó êm thì sẽ rút, và vẫn giữ cái ghế Phó tổng ở bên này. Thế là Lương có hai chức vụ ở hai tờ báo, ăn lương hai nơi. Lương còn nhét được thằng con rớt đại học vào làm phóng viên… Tổng Dương tức sùi bọt mép nhưng đành cắm tăm…

Vừa thay Dương làm Tổng biên tập, Lương đã đưa cô em dâu vào làm Phó giám đốc Công ty Dịch vụ, đưa thằng em vợ làm Trưởng Ban quảng cáo. Từ đó, mọi khoản tiền tài trợ, quảng cáo, ủng hộ từ thiện… đều dồn vào một mối cô em dâu Lương.

Dễ người ắt phải dễ ta - ở đời đã có cái luật bất thành văn như thế. Vả lại những thứ ông Lương ăn còn bẩn, còn lớn gấp triệu lần cái quả tim heo. Vậy thì ông Lương cũng nên tha thứ cho Đào, mà thí cho lão chức Phó ban hoặc bét ra cũng chức chuyên viên, để lão có chút địa vị về hưu. Nhiều người nghĩ như vậy, chính tay Trưởng ban của Đào cũng đã đề nghị như vậy.

Trong buổi bình xét, Tổng biên tập Lương chăm chú nghe, đôi mắt sâu nhíu lại. Mọi người hồi hộp nhìn cái miệng nhỏ xíu của Lương:
- Gác cái quả tim heo ấy lại! Lương nói, giống hệt hai cựu Tổng biên tập.

Tổng biên tập Lương cũng không tha thứ cho Đào. Thì ra ở đời vẫn thế! Kẻ phán xét kết tội người khác là kẻ có quyền, là kẻ mạnh. Nhân cách của kẻ mạnh bao giờ cũng “hơn” kẻ yếu thế, dù có khi họ bẩn thỉu, ti tiện hơn. Sự bẩn thỉu, ti tiện của họ được che đậy bởi cái vỏ chức quyền, chứ không trần trụi như lão Đào, chỉ lấy tờ báo cũ bao quả tim heo. Mà mục đích chỉ để cứu con mình.

Đứa con suy dinh dưỡng, suy tim của Đào đã chết, từ cái ngày khốn khó ấy. Nó không được ăn miếng tim heo nào. Nhưng Đào phải mang tiếng suốt đời vì “quả tim heo”.

Ba đời Tổng biên tập, với ba quả tim…người hình như không nhân hậu bằng một “quả tim heo”. Lão Đào vốn là người chân thật, nhưng vì quá lo cho con ở thời buổi “hàng khan thuốc hiếm”, một chút cạn suy lén liều mà chịu nhục. Cái quả tim heo trong túi quần dạo đó con lão Đào cũng không được ăn, mà hết năm này sang năm khác, hết thủ trưởng này đến quan chức nọ, cái "quả tim heo" cứ rỉ máu hoài, bị trói chặt trong mặc cảm nặng nề. Để rồi lão Đào không ngửng mặt lên được. Sự mặc cảm, ấn tượng quả là sống dai. Quả tim người đến lúc nào đó cũng ngừng đập, nhưng “quả tim heo” gọi là tội lỗi này cứ rỉ máu hoài…rỉ-máu-hoài!

M.D
-------------------

(Bản thảo MD gửi BVB)
Được đăng bởi Bùi Văn Bồng vào lúc 15:






No comments:

Post a Comment

View My Stats