Paris những
ngày cuối năm
Nguyễn Thị Cỏ May
21-12-2012
Trong mấy ngày nay, người Việt vùng Paris
đi chợ Tàu tranh nhau mua sắm lương thực dự trữ cho ngày 21/12 như gạo, mì gói,
chả lụa và đi chợ Tây mua nước uống, đèn cầy loại lớn, đèn “pin”thứ chạy bằng
đi-na-mô và vài thứ thông dụng khác. Họ làm việc này có lẽ do thói quen phản
ứng mỗi khi nghe tin đồn có một biến cố sắp xảy ra như từ hồi còn ở Việt Nam
thời chiến tranh. Thấy mua sắm lương thực cho ngày tận thế, có người hỏi “Tận thế thì ai cũng chết hết mà còn mua dự
trữ lương thực làm gì?”. Trả lời "cứ
lo trước cho chắc. Rủi ngày đó không tận thế mà có chuyện gì xảy ra, như không
có điện, nước,… thì mình ít ra cũng có thể cầm cự được vài ngày. Còn hơn là...
“.
Cỏ May nghĩ dự trữ cho ngày tận thế, có lẽ
người ta tính lúc đó mang theo trên đường đi xuống dưới kia phòng trong những
ngày đầu ít ra có gì dằn bụng chờ được thu xếp cho chỗ ăn chỗ ở mới.
Không phải không có người Pháp không lo
nghĩ tới chuyện này. Theo tin tức hằng ngày trên các Đài TV, có ít nhứt 15%
người Pháp đang lo chuẩn bị cái ngày định mệnh ấy.
Nhơn cuối năm, chúng ta thử nhìn lại xứ Tây
và Âu châu, ghi vội vài nét thời sự khá nổi bật vì từng làm dư luận quan tâm
trong những ngày cuối năm. Chúng ta không làm công việc tổng kết cuối năm vì
chuyện đó có Ông Táo ta và Táo Tây lo.
Chợ Noel
Chợ Noel, phải nói chợ Noel ở Đức, Áo và
những nước biên giới Đông-Tây Âu châu cũ vì chợ Noel ở đó mới thật sự Noel. Nơi
tổ chức chợ, thường ở trung tâm thành phố, được cô lập hoàn toàn suốt tháng 12.
Cấm mọi thứ xe cộ lưu hành trong khu vực chợ. Và nét đặc biệt để thấy khác hẳn
với chợ Noel ở phía bên này sông Rhin, đó là chợ chỉ bày bán những thứ cần
thiết cho việc bày biện, trang hoàng đón rước Noel ở nhà. Và chỉ có thêm vài
sản phẩn thủ công địa phương. Trong khi ấy chợ Noel ở Ý, Pháp, Bỉ,... chủ yếu
bày bán thời trang mùa đông vừa phát hành cho năm nay và thực phẩm, bánh mức,
chocolat,... Ở Pháp, có tỉnh Strasboug, phía Đông-Bắc, nằm sát biên giới Đức,
trước kia của Đức, có chợ Noel theo tập quán Đức.
Chợ Noel ở Đức, Áo, ngoài hàng hóa cho
Noel, còn có thêm vài thứ rất hấp dẫn cho du khách hay người đi dạo chợ. Trên
đường phố, những thùng rượu hâm nóng với vài ba thứ rượu do dân địa phương sản
xuất từ thu hoạch mùa nho hồi đầu Thu. Trên chiếc bàn con, bày vài thứ thịt
nguội... Trời lạnh. Khách đi qua ngửi mùi rượu thơm nồng, khó có ai làm ngơ đi
qua luôn. Dừng lại, làm một ly với miếng thịt nguội là có thể đi tiếp mà không
còn thấy lạnh nữa tuy hàn thử biểu đã xuống mươi độ âm.
Ở Paris, trên lề đường, ngày nay, chỉ có
mấy chú Á-rặp hay anh bảy chà-và đứng co ro bán hột ma-rông rang trong chảo đặt
trên bếp lửa. Đứng lại mua. Người bán xúc hột ma-rông cho vào bao giấy cuốn
tròn như cái kèn. Cầm trong tay, cái nóng của hột ma-rông sưởi ấm lòng bàn tay
vừa bốc thơm nức mũi. Ăn vào vừa thơm, vừa bùi, vừa thổi phèo phèo. Nhưng vẫn
thiếu một thứ. Thứ ‘văn hóa sanh hoạt lề đường’ của Paris (dĩ nhiên ở tỉnh cũng
có) của một thời. Trước đây, người bán ma-rông là người Pháp hoặc bắc phi như
Algérien, đều là những người nói tiếng Pháp như tiếng mẹ. Du khách chưa thấy
người bán vì sương mù. Rồi thấy bếp lửa bập bùng ánh lửa thì đã nghe tiếng rao
hàng lảnh lót và kéo dài chữ R “ma- rrr... rông...". Người Việt Nam xa xứ
chưa lâu, khi nghe tiếng rao ma-rông kéo dài không khỏi nhớ lại tiếng “chè đậu
xanh.... đây” quen thuộc một thời ở xóm lao động Sài Gòn.
Ngày nay, ở Paris, còn người bán ma-rông mà
không còn tiếng rao vì người bán ngày nay không nói được tiếng Pháp. Những
người “ma-rrr... rông... ông...” ngày trước, nay không còn nữa.
Đi chợ Noel, chợ Tết Paris thì không thể
thiếu Galeries Lafayette và Printemps. Du khách tới Paris mà không viếng hai
cửa hàng này thì kể như chưa đi Paris. Đúng vậy. Mời bạn vào lướt qua mà thôi.
Hai cửa hàng tọa lạc trên Đại lộ Haussmann,
Quận VIII Paris. Quận có nhiều thương mại và thuộc loại sang nhứt Paris. Nhựt
Bổn chiếm nhiều cửa hàng ở đây, tập trung khu Hí viện Opéra.
Hàng năm có 25 triêu du khách thăm viếng,
11,5 triệu bản đồ hướng dẫn giới thiệu cửa hàng với hành lang bên trong phát
không cho du khách. Trong cửa hàng có 400 người nộm, có từ 2, 5 tới 3 triệu món
hàng, 4000 người làm việc, 80% là phụ nữ.
Mùa Noel, cửa hàng bán đươc 3,5 tấn foie
gras (gan vịt/ngỗng).
Ngày trước Noel, có không dưới 250 000
người vào mua sắm hay chỉ đi xem hàng trưng bày. Số thu hoạch mùa Noel trên 1
tỉ euros.
Lafayette được du khách xem như một Bà Đầm
già vì nay được 100 tuổi thọ. Có người còn so sánh như một Thành phố trong một
Thành phố. Một Paris trong Paris. Một ổ ong hoạt
động ngày đêm không bao giờ ngưng nghỉ. Vì diện tích cửa hàng chiếm hết 70 000
m2.
Hằng ngày, có ít lắm 100 000 khách hàng.
Về tầm vóc, nó vượt qua Harrods ở Luân đôn, Bloomingdale’s ở Nữu ước và Isetan
ở Tokyo. Có một quầy hàng đặc biệt dành riêng cho khách cực sang và quan trọng
(VIP). Khách hàng VIP tới chỉ nói ý muốn của mình. Một nhơn viên đặc biệt, bà
Monique Baudet, sẽ đề nghị món hàng đáp ứng ngay ý muốn của khách, với giá từ
5000 euros tới 300 000 euros. Năm ông Sarkozy làm đám cưới với bà Carla Bruni,
một khách được mời đám cưới điện thoại tới sáng Chủ Nhựt ngỏ ý muốn có một món
quà xứng đáng cho đám cưới vào 18 giờ cùng ngày hôm ấy. Lafayette đã giao món
hàng vừa ý khách tới đám cưới vào 17 giờ 55.
Ở đây có thứ Champagne hiệu Roederer
được khách hàng VIP mua cho tiệc tùng vì thứ Champagne này đít chai không lõm
vào để không thể cài chất nổ vào đó được.
Riêng quầy hàng VIP thực hiện được 3%
của tổng số thương vụ.
Sau 20 giờ, 600 thu ngân đem tiền nạp
vào tủ sắt ở mỗi từng lầu. Tiền bán được trong ngày lối 4 triệu euros. Ngày
trước Noel nhiều hơn 2 triệu euros. Sáng hôm sau, số tiền này mới được đếm và
tập trung cất vào một tủ sắt lớn ở dưới hầm II. Đây là một pháo đài kiên cố.
Khắp trên tường, trên trần của Lafayette
có gắn 360 ca-mê-ra theo dõi nhứt cử, nhứt động của mọi người có mặt trong cửa
hàng. Số camera nhiều bằng số máy kiểm soát Thành phố Paris. Ngoài ra còn có
thêm 120 nhơn viên an ninh quan sát không bỏ sót một góc cạnh nào. Vậy mà hằng
năm, không tránh khỏi bị 3000 vụ “bất thường” xảy ra và làm mất của Lafayette
15 triệu euros.
Đề phòng hỏa hoạn, có đội lính cứu hỏa
48 người dưới sự chỉ huy của một Thiếu tá. Với 4500 máy báo động khi có khói.
Trên trần gắn 26 000 vòi nước tự động xịt 9 lít nước/phút và trong 5 phút.
Hàng trăm người đi mua hàng đi khắp thế
giới tìm mua những sản phẩm mới. Tháng 4 năm 2010, Lafayette kết hợp với nhà
Moueix, chủ hiệu Petrus nổi tiếng như một chuyện thần thoại, để mở một gian
hàng rượu chát (Vins) lớn nhứt thế giới: 3000 chai giá từ 3 euros tới 30 000
euros. Như chai Château d’ Yqem năm 1899.
Galeries Lafayette là cửa hàng Free Tax
lớn nhứt thế giới. Nơi được du khách tới viếng đông đảo sau Tháp Eiffel. Năm
nay, Lafayette có những gian hàng dành đón tiếp khách hàng người Tàu, Ba-tây
(Brésil) và Ấn-Độ và người bán hàng nói tiếng nói của những nước này.
Tới mùa Noel, Galeries Lafayette rực rỡ
bởi kỹ thuật trang trí đèn màu và những hình nộm cử động. Kỳ công này do ông
Jean-Claude Dehix thực hiện. Ông còn làm cho Printemps kế bên và cho cả cửa
hàng lớn Macy's nổi tiếng ở Nữu ước.
DSK mất tiền, thoát nạn một vụ
Vụ DSK đúng là một chuyện dài chánh trị
và tòa án khó tưởng tượng có thể xảy ra được của nước Pháp trong năm qua. Nay,
sau sáu tháng thương thảo, điều đình, giữa luật sư của hai bên, nội vụ sẽ được
kết thúc trước phiên Tòa của Thành phố Bronx, nơi nạn nhơn Nafissatou Diallo 33
tuổi cư ngụ. Bà đã thưa ông DSK, Cựu Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ thế giới, một
nhơn vật sáng giá của đảng Xã hội có thể thắng cử Tổng thống xứ Pháp, toan hiếp
dâm bà tại phòng khách sạn Sofitel ở Manhattan, ngày 14 tháng 5 năm 2011 nơi bà
làm bồi phòng.
Ông DSK nhìn nhận có làm tình với Bà
Nafissatou Diallo nhưng phủ nhận có hành động thô bạo hay cưỡng dâm đối với bà
Nafissatou Diallo. Về mặt hình sự, nội vụ đã được Tòa án xếp lại vì không đủ
yếu tố buộc tội Ông DSK. Nạn nhơn thưa Ông DSK về mặt hộ để đòi thiệt hại.
Theo tập tục ở Huê Kỳ, tranh chấp về mặt
hộ thường được giải quyết bằng thương thảo, điều đình giữa hai bên mà tránh đưa
ra những phiên xử công khai làm mất nhiều thì giờ và lắm tranh cãi.
Ông DSK chấp nhận trả tiền thiệt hại cho
nạn nhơn. Thông thường số tiền là bao nhiêu hoàn toàn được giữ kín giữa hai
bên. Tuy nhiên, giới chuyên môn, ước tính phải từ, 5, 6 triệu đô-la căn cứ theo
địa vị xã hội của người bị kiện. Cũng theo giới này, Ông DSK đồng ý trả 6 triệu
đô-la cho bà Nafissatou Diallo. Luật sư của hai bên sẽ chia nhau thù lao lối
30% của số tiền này.
Phiên Tòa chỉ diễn ra có 5 phút và thông
báo quyết định kết thúc vụ kiện cho bà Nafissatou Diallo có mặt tại chỗ nhưng
bà không nói một lời nào hết.
Bước ra ngoài, bà ngỏ lời “cảm ơn tất cả
mọi người trên khắp thế giới đã ủng hộ bà".
Ông DSK còn vướng một vụ “tình và tiền”
ở Khách sạn Carlton. Vụ này dời qua ngày 19 tháng 12 mới xử.
Nobel Hòa bình cho Liên Hiệp Âu châu
Tại Oslo, Thủ đô Na-Uy (Norvège), trước
hai mươi Nguyên thủ Quốc gia và Thủ tướng Chánh phủ, ông Thorbjoern Jagland,
Chủ tịch Ủy Ban Giải Nobel Hòa bình, trao giải thưởng cao quý Nobel Hòa bình
cho Liên Hiệp Âu châu ngày 10 tháng 12 năm 2012 để tưởng thưởng "Âu châu
đã biến một vùng từng gây chiến tranh trở thành một vùng hòa bình". Giải
thưởng vẫn bị dư luận phê phán và chống đối.
Giải thưởng được trao cho 3 Đại diện Âu
châu.
Ông Chủ tịch Ủy Ban Hòa bình kêu gọi Âu
châu hãy tiến lên phía trước mặc dầu cuộc khủng hoảng đã ám ảnh mọi người đang
hiện diện tại sảnh đường của Tòa Thị Chính Oslo. Ông tiếp “Quí vị hãy gìn giữ điều đã đạt được và cải thiện điều vừa thực hiện để
giúp chúng ta giải quyết những vấn đề đang đe dọa cộng đồng Âu châu ngày nay.
Đó là cách duy nhứt giải quyết những vấn đề do khủng hoảng tài chánh gây
ra".
Ông Thorbjoern Jagland luôn luôn tỏ ra
nhiệt tình với Âu châu tuy Na-Uy xưa nay vẫn giữ thái độ dè dặt với Âu châu.
Ông trao giải Nobel Hòa bình cho Đại diện 3 Cơ chế Âu châu: các vị Chủ tịch Hội
đồng Âu châu, ông Herman Van Rompuy, Ủy Hội, ông Manuel Barroso và Quốc Hội,
ông Martin Schulz. Ông nhấn mạnh “Chúng
ta không tập hợp nhau ở đây hôm nay để cho rằng Liên Hiệp Âu châu là vẹn toàn.
Chúng ta tập hợp nhau ở đây với quyết tâm cùng nhau giải quyết vấn đề của chúng
ta".
“Chúng ta cùng nhau hành động để gìn giữ những gì
chúng ta đã xây dựng được trên những đổ vỡ của 2 cuộc thế chiến” ông nói tiếp vừa nhắc lại số phận 80
triệu nạn nhơn chiến cuộc vừa qua. Ông Thorbjoern Jagland, để làm vui lòng cử
tọa, đọc lên bằng nhiều thứ tiếng vài chữ quan trọng của bài diễn văn.
Ông Chủ tịch Ủy Hội Âu châu, Manuel
Barroso, sau khi nghe bài diễn văn của Ông Chủ tịch Ủy Ban Nobel Hòa bình, thừa
nhận Liên Hiệp Âu châu có nhiều khuyết điểm và đồng thời nêu lên những điều
tích cực “Sự thống nhứt Âu châu không
phải là một tác phẩm nghệ thuật toàn hảo, mà đó là một tác phẩm đang kiện toàn
đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt và tỉ mỉ.” Tới phiên ông Herman Van Rompuy,
Chủ tịch Hội đồng Âu châu, nhắc lại những hậu quả về mặt xã hội thảm hại của sự
khủng hoảng kinh tế tồi tệ kéo dài từ hai thập niên nay. Nhưng ông tin Âu châu
sẽ đứng lên vững vàng.
Buổi lễ trao Giải Nobel Hòa bình là dành
cho 27 nước thành viên Liên Hiệp Âu châu nhưng lại có 6 nước vắng mặt. Những vị
lãnh đạo quốc gia này từ chối lời mời. Không vì thời khắc không phù hợp với
Agenda, mà vì lập trường chánh trị Âu châu. Như Thủ tướng Anh, ông David
Cameron, không mấy mặn mòi với Liên Hiệp Âu châu và đồng Euro. Ông cử vị Phó Thủ
tướng thay mặt. Tổng thống Cộng hòa Tiệp, Vacla Klaus, cũng vắng mặt vì “đồng
sàng dị mộng” với các thành viên khác của Liên Hiệp Âu châu.
Ông Chủ tịch Quốc Hội Âu châu, Martin
Schulz, phê bình: “Tôi nhận thấy sự vắng
mặt của Thủ tướng Anh và Tổng thống Tiệp có chung lý do. Những người thật tình
không mặn mòi với Liên Hiệp Âu châu thì không nên tới. Tôi tôn trọng sự ngay
thẳng đó hơn là quí vị đó tới đây mà chỉ là một cử chỉ giả tạo".
Tổng thống Pháp, ông Hollande, lạc quan
cho rằng khủng hoảng ở Âu châu chấm dứt. Nhưng bà Thủ tướng Đức Angela Merkel
lại cho rằng “Tôi lạc quan một cách thận
trọng vì tôi chỉ mới đứng ở giữa tiến trình khắc phục khủng hoảng".
Chờ xem ai nói đúng. Người ta tin ở lời
nói của bà Angela Merkel hơn.
Nguyễn thị Cỏ May
No comments:
Post a Comment