Sunday 23 December 2012

CUỘC SỐNG BÊN HÈ PHỐ SÀI GÒN (Duy Thức)




Duy Thức
21-12-2012

Nếu chịu khó ngồi ngoài hè phố uống cà phê hay làm việc gì đó như tán gẫu với các anh xe ôm đầu hẻm lớn, người ta sẽ thấy cuộc sống muôn màu muôn vẻ đang diễn ra thật ấn tượng.

Cuộc sống này khác hẳn với những tòa khách sạn, quán bar, vũ trường… mà trong đó nhiều gái bán dâm, những sòng bạc, thuốc lắc, ma túy...

Trên vỉa hè suốt ngày đêm buôn gánh bán bưng tấp nập, những con người bần hàn ngược xuôi đó thấy chứa chan nguồn sống một cách kỳ lạ. Nguồn cảm xúc đó có lẽ không phải chỉ có nghệ sĩ nhà văn mà hầu hết mọi người ai có trái tim nhân hậu đều cảm thông số phận của họ

Chỗ tôi ngồi uống cà phê là lề đường khá rộng nhưng chật ních các tủ kính, bàng hiệu hàng hóa từ cửa tiệm lấn ra.
Buổi sáng một dãy dài xe đẩy rong bắc bếp chiên chảo cơm màu vàng nghệ giả trứng, vài miếng thịt nhỏ xíu rắc làm cảnh, bán bình dân giá mười ngàn một hộp, thay vì vào tiệm phải cỡ hai, ba chục ngàn một đĩa cơm. Xe hủ tiếu của anh Quảng Ngãi đậu cả ngày, mọi người quen thuộc tới ăn chứ không cần một chú nhỏ đi gõ các xóm, như vậy tiết kiệm đỡ thuê một nhân công. Xe đậu nành, nước sâm và các loại thức ăn nhanh như xôi khúc, xôi bắp… mỗi gói cũng năm ngàn ăn tạm no tới trưa. Những món này vừa túi tiền học sinh và người lao động nên buổi sáng khách bu đông đến khoảng hơn mười giờ hơn là dẹp hàng.

Cứ nhìn vỉa hè biết ngay món hàng nào đang thịnh hành. Hai vợ chồng người Hóc Môn trước kia chở nhau trên xe gắn máy bán cóc. Món này lạ nên thu hút khách một thời gian rồi ế vì người ta sợ cóc làm không kỹ bị dính mật ăn nhầm sẽ chết, thịt cóc cũng chẳng ngon gì, nay xách lồng dế đi bán. Bên cạnh là tủ kính bán bánh bao chỉ thịnh hành cũng cả năm nay. Thau xôi vò ngồi góc cột đèn trường kỳ vì nhận đặt nấu xôi ký cho đám giỗ, đám đầy tháng.

Lúc này sắp đến giờ tan học. Từ xa anh chàng bán kẹo bông miệng dẻo đeo vừa biểu diễn quay kẹo vừa rao vang.
-Kẹo đây, kẹo bông đây.
Xe gắn máy có thùng kẹo lớn và lời rao ơi ới vui vẻ khiến đám trẻ con túa ra chạy ù tới kêu la vang rân. Xe kẹo bông có bán kèm kẹo kéo đóng bịch sẵn. Còn buổi tối, đám bán kẹo kéo chở thùng loa, ăn mặc điển trai, cravate đầy đủ, mang cả giầy đánh bóng lưỡng. Họ vừa mời bà con tụ lại đông rồi mở loa hát vang cả khu phố với đủ trò. Tân nhạc cũng có, các cô thiếu nữ ca cải lương hay diễn trò ảo thuật. Thấy người xem khá đông hưởng ứng, họ bắt đầu đi bán kẹo kéo từng người, từng nhà một. Khi vãn khách, họ lại kéo nhau đi chỗ khác. Vỉa hè vắng vẻ một lúc sau mới bắt đầu các hàng khác lác đác hiện ra: xe rau quả, gánh chè đậu xanh đậu đen…

Chị Long An mua ve chai ngừng lại nghỉ chân dưới hàng ba phe phẩy chiếc nón lá quạt mát. Bây giờ ve chai đẩy chiếc xe ba bánh nhỏ chứ không gánh hai cái sọt như xưa. Nhờ vậy chở được nhiều hàng và đỡ mệt, có thể đi xa hơn gánh gồng. Đi ngang nhà ai thấy dọn dẹp sơn phết nhà cửa, chị ta để lại số điện thoại coi cuối năm có đồ đạc vất đi không dùng thì kêu chị ta tới.

Cao cấp hơn chị ve chai là anh mua đồ cũ người thấp bé, nước da đen cháy dãi dầu mưa nắng chạy chiếc xe cà tàng, thỉnh thoảng mới thấy chạy qua rao mua áo montagut, đồng tiền xưa, tem cũ… Hôm trước anh ta hí hửng mua được một bức tranh sơn mài của căn nhà mặt tiền. Chủ nhà trẻ tuổi lấy làm hài lòng khi bức tranh vênh góc cũ kỹ của người cha để lại tưởng ném thùng rác té ra bán được vài trăm ngàn, mà không biết là tác phẩm của họa sĩ nổi tiếng. Đa số hàng rong bây giờ rao hàng qua máy cát sét nhưng anh mua đồ cũ vẫn rao miệng.

Dưới gốc cây điệp là chị gánh quà rong, thứ này không đẩy xe mà vẫn gánh kẽo kẹt hai sọt nặng tạp hóa từ ổi xanh cóc chín, bánh tráng trộn… đến mấy thứ đồ chơi trẻ con treo chùm nhum đầu đòn gánh. Hàng hóa lấy từ chợ Cầu Muối. Chợ này tuy dẹp từ lâu nhưng vẫn còn nhiều hàng tạp hóa bán sỉ lẫn lẻ ở đấy. Mấy gánh hàng rong đồng hương cùng thuê chỗ ở với nhau, cùng bán hàng giống nhau. Sáng sớm, họ mua hàng, bày hàng, cả mười mấy gánh tụ họp trên lề đường chợ. Trời bắt đầu sáng, mỗi người một ngả tỏa đi khắp nơi.

Tôi thường mua của chị này gói cốm hay lon đậu phọng luộc cho trẻ con trong nhà ăn. Lúc rảnh, chị vừa gọt sẵn cóc chín, xoài xanh bỏ bịch, vừa chuyện trò giữ chân khách quen:
-Cứ khoảng ba tháng tôi về quê một lần mang tiền về cho các con học trường làng, ở nhà với ông bà nội.
Chồng làm nghề chụp ảnh ở Đà lạt. Vợ chồng chị ta nhân đám giỗ chạp lễ tết, mỗi năm cũng hẹn được ba, bốn lần về thăm con gặp nhau ở quê. Tính ra họ vẫn còn may mắn hơn vợ chồng Ngâu rất nhiều.

Anh bán muối vốn là diêm dân Quảng Bình. Muối làm ra không bán được, không cạnh tranh nổi với muối ngoại nhập lại thêm thuế má, đúng với câu tục ngữ: Giàu làm nghề tôm, nghèo làm nghề muối, nên xoay sang nghề bán muối rong, xem ra lại dễ sống hơn cái nghề muối tổ tiên truyền lại.

Tất bật cuộc sống, ồn ào như vỡ chợ, bỗng có người đàn ông tầm thước cõng một đứa bé oặt oẹo đi qua.
Anh chàng này ghé từng cửa hàng, từng tiệm phở, tiệm cà phê ngửa mũ.
Tướng anh có vẻ khỏe mạnh, tôi thấy vậy hỏi:
- Anh ở đâu mà đi ăn xin.
Người đàn ông đứng lại trả lời:
-Tôi ở miền Tây.
-Đó nổi tiếng là vùng lúa gạo, cá đồng rất sung túc mà!
Người đàn ông nói:
-Lũ lụt năm nào cũng vỡ bờ đất, lũ lụt triền miên lúa gạo cũng trôi. Vợ tôi có chiếc xuồng con đi bắt cá nhưng bị sóng gió. Xuồng câu bị chìm có người nói vớt được vợ tôi, rồi bỏ nhà lên Sài Gòn luôn không về lại nữa.
-Tôi lên Sài Gòn tìm vào các nhà thương để xem có vợ tôi không, đến nay đã gần một tháng hết tiền cơm gạo, hết tiền về quê nên phải tạm đi ăn xin.

Anh ta vừa đi rồi có một chị đẩy chiếc xe nhỏ trên đặt đứa con còn đỏ hỏn. Trước chị có một đứa bé gái độ bốn năm tuổi, ăn mặc rách rưới bẩn thỉu cầm sấp vé số mời mọi người mua. Không biết hai đứa bé này là con chị ta hay đi thuê. Trẻ con còn nhỏ quá đã phải lăn lộn ngoài đường.

Sài Gòn trước đây có rất nhiều người Campuchia từng tốp kéo cả gia đình đi xin. Cứ đi hết cái phố hoặc ngồi ngay ngã tư. Tính ra mỗi người có thể kiếm hơn hai trăm ngàn đâu ít gì. Có lẽ họ cũng như đám người thiểu số ở Tây Nguyên và đổ xuống để sống, đến chiều tối, đổ vào nhà lồng chợ Tam Bình hay chợ Thủ Đức tìm chỗ ngủ. Người Quảng Xương thì thuê nhà ở hẳn hoi.

Số người trên đều được bắt đưa trả về Tây Nguyên cả. Họ qua lại độ một hai tháng rồi đột nhiên biến đâu mất cả không thấy trở lại nữa, đám dân Khmer còn lẻ tẻ vài người bám lấy thành phố kiếm ăn. Nhiều thiếu niên Kampuchia kiếm được việc phụ bưng dọn ở các quán ăn.

Bán vé số là nghề phổ biến dành cho nam phụ lão ấu. Những người không có nghề nghiệp và tiền vốn, chỉ cần đi bộ, hết ngày vé ế mang trả lại đại lý nên dễ dàng thu hút sô đông người đi bán.. Ai đủ sức khỏe thì đi xa, người già yếu thì quanh quẩn khu tiệm ăn quán xá.

Khi người bán cốm Bình Định đi qua, thì anh chàng bán vé số ở Phú Yên xề lại mời chào. Anh này có lần bán vé số cho tôi. Tôi nhớ hình ảnh anh ta vì ngoài bán vé số nuôi con vào đại học, anh ta còn có nghề nuôi ong lấy mật ở quê nhà. Hết mùa lúa đến mùa ong, ong xong thì vào Sài Gòn bán vé số, cứ bận rộn như thế cũng qua ngày. Một cô Quảng Ngãi đẹp như hoa cũng bán vé số, kiếm được khá thì gởi về quê giúp mẹ bị bệnh áp huyết cao. Cô chịu khó đi nhiều, bán rất giỏi được mấy trăm vé mỗi ngày, trong khi những ông bà già không cuốc bộ nổi, chỉ lòng vòng hàng quán vài con đường thì chỉ bán từ ba mươi đến năm mươi tờ là nhiều.

Cứ mỗi ngày bao nhiêu hàng rong đi qua là bấy nhiêu con người tứ xứ tụ họp lại đất Saigon này. Nhất là người càng ngày càng đông, không ruộng đất, các thứ thuế má gia tăng, lại thêm năm nào cũng thiên tai, hết bão lụt lại hạn hán, đất lở… nên dân quê ly hương, đổ xô vào các thành phố lớn.

Có điều kinh tế suy thoái khó khăn. Bây giờ kiếm ăn cũng không còn dễ dàng như trước. Người thành phố thắt lưng buộc bụng. Bám lấy hè phố, người dân tỉnh lên kiếm ăn dầu dãi, cực nhọc hơn, vẫn không muốn quay về quê nơi không còn đất sống.

Duy Thức






No comments:

Post a Comment

View My Stats