Hoàng Anh
Minh
14-12-2012
Ngủ
dậy muộn vì thức quá khuya, lâu lắm rồi mới có cảm giác day dứt khi đọc một
cuốn sách, có nhiều đoạn đọc xong phải dừng lại, cảm thấy cay đắng ở trong
lòng, có đoạn thì bần thần…
Đã
may mắn từng được ăn trưa với tác giả khi mình tập tọe vào nghề. Một trong
những lời dặn dò đầu tiên về nghề, năm 2002, anh ấy nói: Hãy nắm vấn đề thật kỹ
để có thể tự tin khi ngồi trước một ông bộ trưởng. Lúc đó mình không biết,
những cuộc phỏng vấn cấp bộ trưởng và cao hơn thế, đang được lặng lẽ thực hiện
không phải chỉ vì những bài báo hàng ngày, mà còn vì cuốn sách đang làm dậy
sóng mấy ngày nay.
Năm
1996, Huy Đức về Thạch Hà, Hà Tĩnh dự kỷ niệm 30 năm thành lập trường PTTH Lý
Tự Trọng, nơi ông từng học và khi đó tôi đang học lớp 11. Lứa chúng tôi ngày
ấy, vài đứa tập tọe làm thơ viết báo, thấy “Phóng viên báo Tuổi trẻ” về, đứng
từ xa nhìn cứ như các bạn teen đón sao Hàn bây giờ. Một bài thơ của tôi, “Bên
sông”, đã được đăng báo Tuổi trẻ sau đận ấy, khi Huy Đức mang tờ báo chép tay
“Sông Xanh”, mà tôi là “Tổng biên tập”, vào lại Sài Gòn.
Khi
gặp lại vào năm 2002 ở Hà Nội, Huy Đức hẳn không nhớ đã giúp cho một bạn trẻ
đồng hương có niềm hãnh diện “có thơ đăng báo Tuổi trẻ”. Nhưng, ở vị trí mới,
anh ấy có lẽ cảm thấy phải có trách nhiệm hướng dẫn một vài điều về nghiệp vụ
cho những phóng viên tập sự như tôi. Mặc dù lúc đó, với tôi Huy Đức chỉ là một
“phóng viên lớn tuổi”; tôi thật sự chưa hiểu hết tầm vóc của anh trong vai trò
một ký giả.
Đó
là khoảng thời gian cởi mở khó tin tại nghị trường, nơi các phóng viên có thể
xộc vào tận cửa hội trường Ba Đình, mời Thống đốc Lê Đức Thúy ra căng tin uống
bia, hoặc xin thuốc lá của Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng… Nhưng trong
khi hầu hết các nhà báo nghị trường “dàn hàng ngang” làm tường thuật, thì loạt
bài viết, phỏng vấn của Huy Đức trên Thời báo kinh tế Sài Gòn về Quốc hội được
nhiều người đọc say sưa vì nó khác biệt.
Trong
nhận thức của một người mới vào nghề, tôi nhận ra bài học đầu tiên rất quan
trọng về nghiệp vụ chính là việc nắm lấy những chi tiết: chi tiết thường đưa
lại thông tin đầy đủ nhất, hơn cả các báo cáo.
Chi
tiết chính là sự khác biệt mà tôi cảm nhận rõ nhất ở Sách Bên Thắng Cuộc. Những
câu chuyện đau đớn về cải tạo kinh tế và cải tạo con người, về thuyền nhân, về
đời sống văn nghệ sỹ sau Giải phóng… thực ra cũng đã được đọc nhiều, nhưng với
khả năng xâu chuỗi siêu hạng của Huy Đức, tôi tin chắc chắn đã và đang làm
nhiều bạn đọc khác sống trong cảm giác day dứt và cay đắng như tôi bây giờ.
Bài
học này, tôi đã cố gắng để có thể đưa vào mười năm tác nghiệp. May mắn thay,
lúc này lúc khác, cũng có một vài bài báo được đồng nghiệp đón nhận và khen
ngợi và đó đều là những bài sử dụng những chi tiết “đắt”. Chi tiết đắt cộng với
khả năng xử lý câu chữ “khác biệt” sẽ là rất quan trọng cho cái công việc vốn
khô khan này.
Tôi
cũng tin, từ Bên Thắng Cuộc, một số nhà báo sẽ có những kế hoạch viết sách về
một lĩnh vực nào đó mà họ quan tâm. Trước nay, nhà báo Việt Nam không viết sách
nhiều. Nếu có viết thì thường là sách tuyên truyền về cá nhân hay tập thế, có
thể theo đơn đặt hàng nào đó, hoặc viết theo dạng văn chương, thừa cảm xúc mà
thiếu đi tính tư liệu, tính sử. Dù sao, với entry này, xin có một lời cảm ơn
với bác Huy Đức, một “người đồng hương” đáng kính!
H.A.M.
No comments:
Post a Comment