Sunday, 2 December 2012

ĐỌC HÀNH TRÌNH CHỮ NGHĨA của NHẬT TIẾN (Nguyễn Mạnh Trinh)




Nguyễn Mạnh Trinh
21.11.2012

Năm 2012, nhà văn Nhật Tiến vừa hoàn tất 3 tác phẩm mang tên “Hành Trình Chữ Nghĩa”, phác họa lại một chặng đường văn học của mình với những thời điểm lồng trong đời sống lịch sử dân tộc.

Cuốn đầu tiên, Hành Trình Chữ Nghĩa, khởi từ những hoài niệm văn chương về những người muôn năm cũ, để đi đến vài nét sinh hoạt văn học nghệ thuật ở miền Nam giữa thập niên 60, rồi tình cảnh văn học ở thời điểm biến cố Tết Mậu thân, đến tình cảnh văn nghệ sĩ miền Nam những ngày đầu của chế độ Cộng sản ở Sài Gòn sau năm 1975. Ở hải ngoại, qua những sinh hoạt văn học của những người Việt lưu vong xa xứ, tác giả nhìn về quê nhà, hôì tưởng lại những tình cảnh mà chính cá nhân mình phải chịu đựng những nghiệt ngã của thời thế. Rồi thân phận thuyền nhân lưu vong, qua những hoạt động văn hóa xã hội của những ngày bắt đầu lưu lạc xứ người tạo dựng lại đời sống mới. Ông nêu lên những suy tư của mình, rất chủ quan, về những vấn đề mà bất cứ người Việt nào cũng lưu tâm. Và có lúc, đã không khoan nhượng đặt vấn đề mà ông cho là những sự kiện gán ghép không phải là sự thực về ông. Từ quan niệm của một nhà giáo, đến một hướng đạo sinh đã tạo thành một quan điểm của nhà văn Nhật Tiến. Trong phong cách diễn tả của ông thẳng thắn đòi hỏi sự minh bạch công bằng.

Tự nhiên tôi lại nghĩ đến lời của Hàn Dũ thời Trung Đường với luận điểm “bất đắc kỳ bình tắc minh” (không được bình yên thì kêu). Đại phàm vật nào cũng vậy, không được bình yên thì kêu. Cỏ cây vô thanh, gió thổi nên kêu, nước kia vô thanh gió xô nên kêu...Vàng đá vô thanh, đánh gõ nên kêu. Người ta đối với lời nói cũng vậy, có sự bất đắc dĩ sau đó mới phát ra lời, giọng ca cũng mang tâm tư, tiếng khóc cũng chứa hoài niệm. Phàm buộc ra từ cửa miệng mà thành thanh âm, đều do có sự bất bình chăng? (trong Tống Mạnh Đông Dã Tự). Hàn Dũ nhấn mạnh sự phê phán xã hội đen tối của văn nghệ, nêu ra việc dám biểu tỏ tình cảm chân thực có khi đầy phẫn khích phát sinh từ nội tâm. Trong bài văn gửi Tống Mạnh Giao, Hàn Dũ đã thông cảm với tâm sự của người bạn và cho rằng nhà thơ đã phải có dũng khí và đảm lược để nói lên thành thực cái suy nghĩ của mình và phong cách ấy đáng quý gấp bội lần so với những bọn vương công quý tộc và những kẻ đạo đức giả chỉ biết nói những lời giả trá phê phán một chiều mượn những lý tưởng dối gạt Hàn Dũ thời xa xưa đã nhận định như thế thì ngày nay, đọc những trang sách Hành Trình Chữ Nghĩa của những điều cần thiết phải làm sáng tỏ thì độc giả sẽ có nhận định thế nào?

Hành Trình Chữ Nghĩa, cuốn 2, Sự Thật Không Thể Bị Chôn Vùi, quả là “bất đắc kỳ bình tắc minh”. Khi ở trong nước có phong trào đổi mới do Tổng Bí Thư Đảng Nguyễn Văn Linh khởi xướng “cởi trói cho văn nghệ sĩ” thì có một số nhà văn đã trong thời điểm này nhân cơ hội viết những tác phẩm nói lên một phần nào tâm tư suy nghĩ của mình và phê phán những hiện tượng về chính trị và xã hội của chế độ. Họ muốn từ bỏ chế độ bao cấp cả trong mọi sinh hoạt từ xã hội đến văn học, từ giáo dục đến chính trị. Có người còn đi sâu hơn về cuộc chiến vừa qua với sự lột trần chiêu bài lơi dụng lòng yêu nước của toàn dân khi chỉ đạo chiến tranh. Họ tạo ra một phong trào phản kháng với các tên tuổi như Dương Thu Huơng, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Huy Thiệp, Phùng Quán, Nguyễn Minh Châu…


Ở hải ngoại, có hai phản ứng tạo ra hai khuynh hướng khác nhau về dòng văn chương phản kháng ở trong nước. Một, cho rằng văn chương phản kháng sẽ là một mồi lửa đốt lên mở đầu cho phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ ở trong nước và những người ở hải ngoại nên tiếp sức cổ võ. Hai, có một khuynh hướng khác cho rằng phong trào văn chương phản kháng ấy do chế độ Cộng sản đạo diễn và chỉ là một cách thế tạm thời giải tỏa những phẫn nộ bất bình của dân chúng trong nước.
Những người cổ võ cho văn chương phản kháng trong đó có nhà văn Nhật Tiến đã in tuyển tập Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương gồm những bài viết của 27 tác giả ngoài nước viết về 79 tác giả trong nước. Nội dung cuốn sách cũng trích dẫn nhiều bài viết gồm thơ, ký, truyện ngắn, tham luận, phỏng vấn của các tác giả trong nước có khuynh hướng muốn đòi hỏi tự do cầm bút và phê phán chế độ Cộng sản đương thời. Khi cuốn sách ra đời, có người điềm tĩnh giãi bày suy nghĩ của mình nhưng có những người vì nhiều lý do nên đã có những ngôn từ không được bình thường đôi khi vượt quá những giới hạn của lễ độ và lịch sự cho phép. Nhật Tiến là một mục tiêu để bị đả kích, có lúc bị mang cả đời tư ra bêu riếu. Ông gọi đó là sự xuyên tạc sự thật và sinh hoạt chữ nghĩa ở hải ngoại bị nhiều người lạm dụng quyền tự do cầm bút.
Phần thứ ba của cuốn sách Hành Trình Chữ Nghĩa, Những Sự Thật Không Thể Chôn Vùi là những phản biện về những phát biểu và luận điệu mà ông cho là “quy chụp vô lý” về đời văn chương và đời tư cá nhân ông. Những sự kiện xảy ra, dù ở trong quá khứ nhưng vẫn còn nhiều nhân chứng để xác định sự trung thực hay dối gạt vô bằng của những lời tố cáo kể trên.

Cuốn thứ ba trong bộ Hành Trình Chữ Nghĩa, Một Thời Như Thế lại trở về với một thời hoa niên Hà Nội, một thời Sài Gòn, một thời ở hải ngoại của 60 năm cầm bút. Những bước chân trở về thuở bắt đầu suy tư trước trang giấy trắng của nhà văn Nhật Tiến.

Với một người đọc như tôi, tuổi đã qua sáu mươi gần bảy chục thì Hà Nội là một nơi chốn chỉ có trong tưởng tượng. Học hành, sinh sống và trưởng thành ở Sài Gòn nên thành phố sinh trưởng của mình ở miền Bắc là một trời đầy lãng mạn và thơ mộng theo suy tưởng của mình. Những địa danh chỉ nghe nói đến cũng đã rung động dù trong ký ức mù mờ của một cậu bé con khi lớn lên đọc trong sách vở để nghĩ về và tưởng đến. Đọc Hành Trình Chữ Nghĩa, Một Thời Như Thế, tôi như trở lại một thời xa xưa lắm chỉ có trong trí tưởng. Thời cuộc đã tạo ra cho người dân Hà Nội biết bao nhiêu là biển dâu dâu biển. Những ngày thành phố bị thả bom trong thế chiến thứ hai trước khi Nhật đầu hàng Đồng Minh rồi cuộc đảo chính của Việt Minh tới cuộc kháng chiến chống Pháp để rồi tản cư, hồi cư đến những ngày Hà Nội dưới chính thể quốc gia trước khi có cuộc di cư vào Nam. Có lẽ đó là những ngày không quên của nhà văn Nhật Tiến nhưng cũng tạo cho tôi những ấn tượng sâu sắc và hiểu biết thêm về nơi chốn là sinh quán của mình. Một quê hương trong trí nhớ và tưởng tượng.

Đọc Hành Trình Chữ Nghĩa, Một Thời Như Thế tôi lại nhớ đến ấu thơ của tôi, học mẫu giáo với mũ nồi, áo len đan, quần soóc đi qua tiệm sách Bình Minh ở góc đường Trần Quốc Toản và Phố Huế nhìn say mê những quyển sách đầy màu sắc trong tủ kính. Cậu bé ấy là tôi mà mấy chục năm qua chưa thể nào quên hình ảnh của chính mình lúc ấy khi đứng ngẩn nhìn theo chuyến tàu điện chuông kêu leng keng đi qua hay cảm giác tê điếng của miếng sấu dầm chua ngọt trong miệng…


Trong thời điểm những năm trước ngày di cư năm 1954 ở Hà Nội, tác giả Hành Trình Chữ Nghĩa đã phác họa những sinh hoạt văn học báo chí với các nhật báo, tạp chí và các tác giả nổi tiếng thời đó. Thí dụ như vài nét sơ lược về tạp chí Đời Mới: “Đây là một tạp chí ra hàng tuần khuôn khổ giống như tờ Newsweek bây giờ. Bìa giấy trắng láng in hai màu đen và đỏ và không bao giờ đi ra ngoài hai màu này. Chủ nhiệm báo Đời Mới khoảng giữa thập niên 1959 là ông Trần Văn Ân. Chủ bút là Hà Việt Phương, một bút hiệu của nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh thuộc khuynh hướng Đệ Tứ và cũng là thân phụ của nhà báo Duy Sinh sau này. Tổng thư ký tòa soạn báo Đời Mới là ông Tế Xuyên có người phụ tá đắc lực là kịch tác gia Minh Đăng Khánh mà thật không ngờ sau khi di cư vào Nam tôi được Minh Đăng Khánh coi như một trong những người bạn thân thiết của ông. Phải nói là bọn văn nghệ lau nhau chúng tôi mê nhất là tờ Đời Mới. Hễ anh nào có bài được in trên Đời Mới dù chỉ là một bài thơ ngắn ngủi thì cũng được nhìn với ánh mắt kiêng nể như là một thi sĩ thứ thiệt ‘có tác phẩm in trên Đời Mới’ hẳn hoi.

Có những nhà “văn nghệ lau nhau” thuở đó sau này đã thành những nhà văn nổi tiếng của hai mươi năm văn học miền Nam như Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Song Hồ,…
Và sau này như một vòng sinh hóa, cũng có nhiều người tuổi trẻ ôm ấp mộng văn chương y hệt như những người đi trước. Văn học ở hải ngoại cũng có những bước chân khởi đầu như thế…

Tôi thích bài viết về những tiệm sách cũ đã làm tôi nhiều cảm khái và liên tưởng như bài viết ở thời điểm Sài Gòn năm 1973. Với tôi, suốt cả tuổi thơ ở trung học, tôi đã giành dụm từng đồng tiền ăn sáng hoặc tiền xe buýt để lang thang vào các tiệm sách cũ bán “sách sold” để mua về những quyển sách mở ra cho tôi những phương trời cao rộng của mơ và mộng. Đủ những loại sách, thượng vàng hạ cám có mặt, từ những tạp chí khó nhai đối với tuổi thơ như Quê Hương, Nghiên Cứu Hành Chánh,… đến những tạp chí văn nghệ như Văn hóa Ngày Nay, Tân Phong, Bách Khoa, Văn, đến Thời Nay, Phổ Thông…Tôi mua về và đọc tuốt. Rồi truyện, rồi thơ, dòng dã trong bao nhiêu năm tôi đã có một tủ sách kha khá trước khi vào lính. Với một cậu học trò nghèo như tôi, những cuốn sách cũ tôi mua được có khi là người bạn thân thiết mà cũng là những người thầy gần gũi. Qua những trang giấy, tôi như thấy được cả một cuộc sống chảy theo với tất cả nỗi niềm thương mến yêu đời. Bây giờ, ở vào tuổi sắp già, đọc lại bài viết của nhà văn Nhật Tiến, tự nhiên có nhiều cảm khái dù có khi tự hỏi. Sách vở ơi! Có còn tồn tại không giữa thời buổi internet này?

Yêu sách nên tôi cũng có nhiều cảm tình với những người làm ra quyển sách, những nhà xuất bản. Một người tôi cho là yêu sách một cách tuyệt vời là ông Khai Trí. Nhà văn Nhật Tiến đã nhắc đến ông như một người tận tụy với chữ nghĩa và quan tâm đặc biệt đến tuổi thơ qua vai trò chủ nhiệm tuầnbáo Thiếu Nhi, một tờ báo giải trí và giáo dục đã một thời góp phần vào công cuộc phục vụ độc giả thiếu nhi ở miền Nam trước năm 1975. Sau khi Cộng Sản chiếm được miền Nam, ông bị chế độ mới bắt giam vô tù và cả sản nghiệp bị tịch thu trong đó có cả một kho sách khổng lồ và một thư viện tàng trữ nhiều sách vở quý hiếm. Sau khi được thả ông vẫn nuôi mộng tái lập nhà xuất bản ngay cả khi ra sống ở hải ngoại nhưng vì thời thế đã đổi nhưng ước vọng không thành. Ông trở về quê nhà và chết năm 2005.

Nhà văn Nhật Tiến với bản tính thẳng thắn cũng đề cập tới những “con buôn sách vở” đã in ở hải ngoại hầu như tất cả các loại sách của 20 năm văn học miền Nam. Có lẽ, nhờ đó mà nền văn học bị bức tử này qua những chiến dịch đốt sách bắt bớ giam cầm văn nghệ sĩ ở trong nước còn tồn tại ở hải ngoại. Nhưng trên phương diện công bằng, những “con buôn sách vở” phải trả lại những công trình tim óc của các văn nghệ sĩ còn ở quê nhà hay đã sang sinh sống ở Hoa Kỳ một cách tương xứng. Không thể có sự trí trá giữa trả tượng trưng vài trăm bạc hay một gói quà và sự thanh toán tiền bản quyền. Nhà văn Nhật Tiến nêu rõ trường hợp của giám đốc nhà xuất bản Đại Nam đã công bố bức thư kể lể rằng đã hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Văn Bút và đã gửi về Việt nam 200 đô la cho nhà văn Phan Nhật Nam, 200 đô la cho nhà văn Duyên Anh, và 8 gói quà cho các nhà văn Tô Ngọc, Vũ Bằng, Nguyễn Thị Hoàng, Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thủy, Nguyễn Thị Vinh, bà Đinh Thị Thục Oanh (vợ thi sĩ Vũ Hoàng Chương) và bà Đỗ Thị Hải (vợ nhà văn Nguyễn Mạnh Côn) coi như là một cách trả tiền nhuận bút cho những tác phẩm mà nhà xuất bản này đã in bằng một giá rẻ mạt. Phong cách ấy nhà văn Nhật Tiến đã phẫn nộ gọi là “bần tiện và trí trá” khiến nhiều nhà văn trong nước như nhà văn Toan Ánh, nhà thơ Bàng Bá Lân đã gửi thư ra hải ngoại khẳng định: tôi không xin xỏ bất cứ ai. Tôi chỉ đòi hỏi sự công bằng. Chuyện xảy ra đã hơn ba chục năm, không biết cái ông giám đốc nhà xuất bản ấy còn sống để hưởng những đồng tiền bất chính không hay phải chịu lẽ trả vay của trời đất?

Đó là với những nhà văn ở trong nước, còn những tác giả đang sống ở hải ngoại thì cũng bị đối xử hỗn xược và ngạo mạn khi đến đòi tiền bản quyền những cuốn sách bị in vô tội vạ. Chính tôi đã chứng kiến một bác sĩ lớn tuổi đến tiệm sách để hỏi về tiền tác quyền của ba bốn cuốn sách của ông đã bị nhà xuất bản này in lậu thì được một ông giám đốc con thách thức rằng ông ta không biết tác giả này là ai cả còn muốn đòi tiền bản quyền thì cứ đi kiện đi! Và trong nhiều trường hợp khác thì ông trả lời muốn xin thì ông cho chứ đòi thì ông không trả. Hiện tại, nghe đâu ông về Việt Nam in một cuốn hồi ký và chỉ quảng cáo ở trong nước còn ở hải ngoại thì không thấy tăm hơi. Không biết ông có khoe khoang trong cuốn hồi ký này thành tích không sòng phẳng không trả tiền những tác phẩm tim óc của các nhà văn nhà thơ không?

Ở tuổi gần tám mươi mà xem ra nhà văn Nhật Tiến vẫn còn chất lửa ở đời sống văn chương của ông. In những cuốn sách, có phải là bước quay về nhìn lại thời đã qua và gửi đến tương lai những điều muốn ngỏ…[NMT]


--------------------------------
Phản hồi bởi: Minh từ: Australia
23.11.2012 02:52
Ngày xưa lúc chúng tôi còn bé, ngày nghĩ bố tôi thường đưa chúng tôi ra nhà sách Khai Trí chọn sách để học hoặc để đọc giải trí. Sách giải trí cũng vừa để học thì của Tự Lực Văn Đoàn và của Nhật Tiến. Bố tôi tâm đắc nhất có lẽ là quyển Chim Hót Trong Lồng ! Tôi có mỗi ông anh, tính ù ù, cạc cạc, thích đánh đáo bắn bi, thế mà bị bố nói mãi lâu ngày dài tháng cũng thành ra ghiền sách nặng. Thủa lớn lên một chút, ông đi hướng đạo, dù là kha hay tráng , trong ba lô ông cũng mang theo Chim Hót Trong Lồng! Có lẽ ông cũng giống như Bố, là thích đem sách đi để... "truyền bá quốc ngữ" tới mấy sói con ! Tôi nhớ một mùa xuân nào trước 1975 vài năm, cả nhà đi chợ hoa Nguyễn Huệ, đang ngắm để chọn hoa mai, thược dược...thì bỗng bố tôi mừng rỡ reo lên A! có ông Nhật Tiến bán sách ! Thật hư chẳng biết, bọn tôi chỉ biết kể từ lúc đó bố tôi không đi với mấy mẹ con chúng tôi nữa. Ông len vào hàng sách, người đàn bà mặc áo dài, người đàn ông áo sơ mi cà vạt cẩn thận, đang lịch sự chào mời, trong ánh đèn không sáng lắm ! Cuối cùng đêm đó về nhà tủ sách chúng tôi có thêm một số sách khác và một chồng tuần báo Thiếu Nhi! Chị tôi than phiền, Bố à ! nhà mình bé nhất đã qua thời đọc Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc!
Mộng của nhà văn là được tự do viết sách và in sách, vì đó là một trong tứ quyền. Bây giờ là thời đại của internet, sách khó bán, nên khi xuất bản sách, tác giả thường không thu đủ vốn để in quyển khác. Sự khó khăn tài chánh đôi khi làm dập tắt niềm đam mê sáng tác ! Tôi không trách những nhà văn in sách ở VN. Sách không bán được số lượng lớn, thì càng nên tìm cách giới hạn chi phí để người viết có thể nuôi dưỡng tinh thần yêu văn chương lâu dài. Sách in ở VN hình như rẽ bằng một phần năm sách in bên nầy? Cảm ơn ông Nguyễn Mạnh Trinh Về bài viết rất bổ ích.

Phản hồi bởi: Dân đọc báo
22.11.2012 11:24
Không nói đến văn chương chỉ nội chữ nghĩa không thôi cũng là một vấn đề khó khăn đối với hiện tại, còn tinh thần liên kết với văn chương, chữ nghĩa lại gặp phải một số phận không mấy khả quan. Cái thời của Bác Nguyễn Xuân Hoàng , và trước nữa , khi mà giới sĩ phu còn trọng vọng, chữ nghĩa còn giá trị trong đời sống xã hội, người người ra đường gặp chữ thánh hiền đều giữ lấy về nhà để nơi trang trọng. So với thời "đày ải và đốt sách", và ngày nay, hầu như chữ nghĩa gặp phải những vấn đề nghiêm trọng giữa một thời đại thay đổi. Có thể thời nay có những vấn đề đáng trách đối với chữ nghĩa, một khi nó phải hòa lẩn tiếng nói nhỏ nhoi của mình vào những dòng thác của truyền thông ảnh hương trên mọi lĩnh vực mà xem ra tinh thần của nó hời hợt và thực dụng, vì phải đáp ứng những đòi hỏi gây gắt , mà không chỉ trong lĩnh vực thương mại, nhưng còn làm thay đổi nhiều não trạng. Có lẽ thời xưa, nhịp sinh học chậm và ngã nhiều hơn về tinh thần, không giống như bây giờ "mọi sự đều là dịch vụ", với những tính toán lời lãi hằng phút , giây, nên chăng nó cũng chẳng có hành trình, không đầu, không đui, cục lủn,ngắn ngủi miển sao tác động nhanh , và thu được lợi. Nhu cầu và sự thỏa mãn cũng đã khác xưa, người thời đại @ chiếm đa số cũng không muốn "suy nghĩ" hay "hồi tưởng", mà chỉ muốn "hiện tại", nên họ có vẻ "khoa học" và "hiện sinh" , đến độ làm lẩn lộn, thay đổi mọi giá trị thì mới được nhìn nhận.
Chữ nghĩa chuyển tải tâm hồn gặp phải thời thế không được ưu ái, nên những gì "siêu hình" "linh thiêng" cũng đồng số phận , trở thành "sản phẩm" tiêu thụ theo nhu cầu đòi hỏi của thời thượng, nên nó cần phải "ăn khách", cần phải thổi phòng cho dù sai sự thật, cho dù "dưa cải hành hẹ", trời ơi đất hởi, thượng vàng hạ cám ...

Đọc những suy nghĩ của Bác , tôi chợt nhớ đến người bạn làm nghề buôn sách. Vào thời bao cấp , anh làm ăn có vẻ kha khá, sách củ có bao nhiêu cũng không đủ , nhất là những sách không được phép in. Sách càng chuyên, càng quí hiếm, bán được nhiều tiền, chúng được tuyển lựa từ nhiều nguồn, đặc biệt từ các thư viện của miền nam. Xem ra tinh thần tự do , sáng tạo còn ảnh hưởng nhiều ở thành phần "chế độ cũ". Sang đến thời "vi tính", vi tính đâu cũng có, khiến đa phần không muốn đọc , chỉ muốn gỏ phím và nhấp chuột. Cửa hàng sách của anh ế ẩm, đến nước anh phải sang tiệm, giải nghệ, nghe đâu anh chuyển sang nghề kéo lụa , in thiệp . Trong khi đó các đầu sách vi phạm bản quyền, được in và được bày bán công khai, họa hiếm có vài tác giả đòi bản quyền, nhưng nội tiền được đền bù cũng không đủ chi trả cho các án phí ở tòa án. Thế mới thấy, đến bao giờ chữ nghĩa mới trở lại đúng vị trí được tôn trọng đúng ý nghĩa của nó trong đời sống tinh thần , góp phần dựng xây một xã hội lành mạnh, văn minh.





No comments:

Post a Comment

View My Stats