Sunday 16 December 2012

NHIỆT ĐỘ BẦU KHÍ QUYỂN TRÁI ĐẤT TĂNG ĐÁNG NGẠI (Hà Tường Cát / Người Việt)




Hà Tường Cát/Người Việt
Saturday, December 15, 2012 2:27:18 PM

WESTMINSTER - Nhiều hiện tượng thiên nhiên khác thường đang xảy ra gần đây, từ những trận bão nhiệt đới năm nay ở Tây Thái Bình Dương đến siêu bão Sandy gây tổn hại nặng cho vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ, hạn hán trầm trọng ở miền Trung Tây và nước biển dâng cao trong mấy ngày gần đây tràn ngập một số thành phố ven biển Nam California.

Những chuyện ấy khiến người ta càng ngày càng lo ngại rằng nguyên nhân chính là do từ tình trạng mà các giới khoa học gọi là “Global Warming” (Ðịa Cầu ấm dần), mặc dầu nhiều người khác cho đến nay hãy còn hoài nghi về giả thuyết ấy.

Theo một thăm dò dư luận mới nhất của Associated Press công bố hôm Thứ Tư thì 4 trong số 5 người dân Mỹ bây giờ quan tâm đến chuyện này và tin rằng Ðịa Cầu ấm dần sẽ là vấn đề nghiêm trọng cho Hoa Kỳ nếu như không có gì được làm để đối phó.

Thăm dò AP-GfK cho biết 78% dân Mỹ tin rằng nhiệt độ hiện nay đang lên dần. Năm 2009 có 75% tin như vậy nhưng chỉ có dưới 73% coi vấn đề là nghiêm trọng.

Thay đổi lớn nhất về tâm lý ở trong số người không hoặc chỉ tin tưởng rất ít các khoa học gia. Năm 2009 chỉ có 47% những người thuộc loại hoài nghi này tin là Ðịa Cầu đang ấm dần, hiện nay 61% những người hoài nghi cũng phải đồng ý rằng nhiệt độ trên Ðịa Cầu đã tăng dần tứ 100 năm qua.

AP đưa ra trường hợp của Phil Adams, một nhiếp ảnh viên chuyên nghiệp nhưng không làm việc hẳn cho một hãng tin hay tờ báo nào và hiện nay đã nghỉ hưu. Ông nói: “Ở tuổi 67, tôi đã chứng kiến nhiều thay đổi chứng tỏ khí hậu càng ngày càng ấm và các mùa khắc nghiệt hơn cũng như bão tố dữ dội hơn.”

Phân tích theo khuynh hướng chính trị thì 83% người Dân Chủ tin là Ðịa Cầu đang ấm dần trong khi chỉ có 70% người Cộng Hòa tin như thế. 77% những người không theo hẳn đảng nào tin có tình trạng này. Người ta nhớ rằng trong giai đoạn tranh cử tổng thống vừa qua, ứng cử viên Mitt Romney trong bài diễn từ nhiệm chức tại đại hội đảng Cộng Hòa ở Tampa, Florida, đã bài bác những quan tâm về điều kiện môi trường với lập luận rằng dân chúng Mỹ chú ý đến tình trạng kinh tế và mức sinh hoạt của gia đình. Ông và nhiều người Cộng Hòa cũng chủ trương tiếp tục sử dụng than đá và khai thác thêm dầu lửa nội địa để giải quyết nhu cầu năng lượng của nước Mỹ.

Sử dụng năng lượng có nguồn gốc từ các mỏ trong lòng đất, bao gồm than đá, dầu lửa và khí đốt là yếu tố chính tạo ra lượng khí thải carbonic lớn trong bầu khí quyển, nguyên nhân chính đưa đến tình trạng Ðịa Cầu ấm dần. Mặc dầu đây là lập luận mà 90% các nhà khoa học trên thế giới chấp nhận nhưng vẫn có một số khác không đồng ý với quan điểm ấy và do đó không cho rằng hạn chế lượng khí thải là tuyệt đối cần thiết và có hiệu quả. Trong thực tế, bất đồng ý kiến quan trọng nhất ở chỗ hạn chế khí thải đến mức nào là hợp lý, bởi vì tất cả các nước phát triển kỹ nghệ ngày nay đều cần tới năng lượng và do đó tạo ra nhiều khí thải. Tại Hoa Kỳ, áp lực của giới kỹ nghệ và các đại công ty dầu khí, về mặt chính trị được sự hỗ trợ của đảng Cộng Hòa, đã khiến cho Hoa Kỳ là một trong số những quốc gia không chấp nhận tuân hành những chuẩn mực hạn chế đã được đồng ý qua các hội nghị quốc tế do Liên Hiệp Quốc bảo trợ.

Hội nghị quốc tế đầu tiên do Liên Hiệp Quốc triệu tập về vấn đề Khí hậu Biến đổi, quen gọi với tên là Hội nghị Thượng đỉnh Ðịa Cầu, được tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil, năm 1992. Năm 1997 tại hội nghị họp ở Nhật Bản, sau nhiều thương lượng khó khăn, các quốc gia tham dự đồng ý ký kết Nghị định thư Kyoto (Kyoto Protocol) đòi hỏi các nước phát triển phải dần dần giảm lượng “khí nhà kiếng” - gồm carbon dioxide, methane, nitrous oxide, sulfur hexafluoride - tới một mức ấn định trong tương lai. Hội nghị ở Cancun, Mexico, năm 2010, đi đến sự đồng ý là nhiệt độ trung bình toàn cầu phải được giới hạn chỉ tăng lên dưới 2 độ C (3.6 độ F) so với thời kỳ tiền phát triển kỹ nghệ thế kỷ 19.

Hoa Kỳ ký kết nghị định thư Kyoto nhưng cho đến nay không phê chuẩn thỏa thuận này. Năm 2011 Canada, Nhật Bản và Nga tuyên bố không tiếp tục đạt đến mục tiêu ấn định trong Nghị định thư Kyoto. Tại hội nghị kỳ thứ 18 họp tại Doha, Qatar, từ 26 tháng 1 đến 8 tháng 12 vừa qua, các quốc gia tham dự thỏa thuận gia hạn hiệu lực Nghị định thư Kyoto trước đây từ 2012 đến 2020 và quy định các nước phát triển phải có trách nhiệm về tài chánh đối với các nước khác trong việc không đạt giới hạn về mức khí thải.

Ô nhiễm môi trường và khí hậu biến đổi ở trong số những vấn đề toàn cầu phức tạp nhất để có thể giải quyết. Ngoài ra, như đã nói trên, nếu hậu quả của sự biến đổi thời tiết là điều mà mọi người có thể đồng ý hoặc phải đồng ý thì nguyên nhân vẫn còn là chuyện tranh cãi. Các tổ chức bênh vực môi trường hôm Thứ Tư nói rằng bản báo cáo về khí hậu mỗi 5 năm của Liên Hiệp Quốc sắp đưa ra, bị tiết lộ một điểm quan trọng theo đó có lập luận cho là khí hậu địa cầu không chỉ chịu tác động do mặt trời mà còn ảnh hưởng bởi các tia vũ trụ. Như vậy nếu điều này là đúng thì khí nhà kiếng chưa hẳn là yếu tố duy nhất cần đối phó.

Từ cuối thế kỷ thứ 19 nhiệt độ trung bình của khí quyển và nước biển tiếp tục tăng lên. Trong vòng một thế kỷ cho đến nay nhiệt độ trên mặt Ðịa Cầu đã tăng khoảng 0.8 độ C (1.4 độ F) và 2/3 gia tăng ấy là từ 1980 đến nay. Con số ấy có vẻ nhỏ nhưng trên bình diện rộng và về lâu về dài tác động rất lớn lao. Tác động rõ ràng nhất là lớp băng bao phủ hai cực Ðịa Cầu sẽ tan nhanh làm mực nước biển dâng cao, duyên hải và nhiều vùng thấp trên các lục địa sẽ ngập dưới mặt nước.

Hôm Thứ Năm nhiều nhà cửa của dân chúng Orange County sống ở Sunset Beach quanh khu Huntington Harbor bị ngập vì nước thủy triều lên cao, đợt triều cường lớn được gọi là “King Tide”; giao thông qua đoạn Pacific Coast Highway gần Warner Street phải đóng lại. Nhiều người nói rằng chưa từng thấy ngập lụt nặng như vậy ở Sunset Beach từ nhiều năm và không nghĩ rằng chỉ do nước thủy triều. Nước biển có thể tràn lên cao vì thủy triều hay sóng do bão tố gây ra và đây chắc chắn chưa phải là hậu quả của Ðịa Cầu ấm dần.

Tuy nhiên đấy là hình ảnh đáng lo ngại sẽ dần dần xuất hiện trong tương lai không chỉ riêng cho Sunset Beach mà còn cho các vùng duyên hải nhiều nơi khác trên thế giới, kể cả Việt Nam nếu như Ðịa Cầu ngày một ấm lên hơn. Bên cạnh những thiên tai về thời tiết khác có thể xảy ra bất ngờ không thể biết trước, đây là tình trạng mà các thế hệ mai sau chắc chắn phải đối phó. (HC)








No comments:

Post a Comment

View My Stats