Tuesday 4 December 2012

NHẬT KÝ DÂN SINH SAN JOSE (Giao Chỉ)




12/01/2012

Nhân dịp mùa Lễ Hội cuối năm 2012 xin ghi lại một vài sinh hoạt vùng San Jose để gọi là đi sát với chủ đề nơi chúng tôi sinh sống. Cá nhân tôi sống 20 năm tuổi trẻ miền Bắc Việt Nam, trải qua 21 năm trong quân ngũ miền Nam và bây giờ gần 40 năm tại Hoa kỳ trong đó phần lớn ở San Jose.

Gọi San Jose là “My home town” thực cũng không có gì quá đáng.

Sức khỏe cộng đồng:

Quá đầy đủ tin tức để ghi nhận rằng đồng hương Việt Nam trong suốt năm qua đã có đến 10 lần tham dự hội chợ sức khỏe. Riêng nhóm của bác sĩ Trịnh ngọc Huy tổ chức 2 lần. Hội y sĩ bắc Cali của bác sĩ Nguyễn văn Thịnh tổ chức mỗi năm 1 lần, không những lo về sức khỏe mà lại còn phụ diễn văn nghệ. Nhiều nhóm khác cũng tổ chức hàng năm. Thêm vào đó là các kỳ họp mặt với đề tài sức khỏe do các tổ chức tôn giáo thực hiện. Đồng bào ta cứ theo tin trên báo chí, TV và Radio mà tham dự. Rất vui khi gặp bạn bè, được bao ăn mà lại có quà, xổ số lãnh thưởng. Được khám bệnh từ tim mạch, tiểu đường, đo áp huyết, chẩn bệnh viêm gan, xương cốt, tim phổi, chích ngừa, tất cả đều được chăm lo cẩn thận. Chưa bao giờ mà đồng hương được săn sóc chu đáo bởi một số đông đảo chuyên gia y tế nhiều như vậy. Gần10 hội chợ sức khỏe một năm quả thực là một hạnh phúc cho tuổi cao niên và cho cả trung niên nữa.

Tôi có dịp tham dự và quan sát để ghi nhận rằng các sắc dân khác cũng có hội chợ sức khỏe nhưng không tấp nập bằng cộng đồng Việt Nam.

Thật hiếm có tang lễ phụ nữ được phủ cờ, treo hình chân dung và cháu thề trước linh cữu của bà.

Sau cùng xin ghi lại hình ảnh một hội chợ mới nhất vào tháng 11-2012 vừa qua. Hội chợ này không phải do các bác sĩ tổ chức mà lại do sinh viên dược khoa University of the Pacific đảm trách.

Đề tài chú trọng về Medicare và mở ra đúng mùa thân chủ ghi danh vào các chương trình y tế hàng năm.

Chúng tôi bước vào vận động trường mới hoàn tất của khu Seven Trees đã nhìn thấy trên 40 bàn kê la liệt mọi nơi. Mỗi bàn có từ 2 đến 3 nhân viên. Họ là các dược sĩ, các sinh viên dược, các giáo sư ngồi chỉ dẫn cho khách hàng. Chung quanh là các khu chuyên môn. Đa số là các em sinh viên Việt Nam. Có em nói Việt ngữ thông thạo, có em nói chậm và rất cố gắng. Khách hàng hôm nay chính là khách hàng tương lai của các em. Các bác sĩ dược khoa trẻ của Việt Nam. Thay vì đồng bào Việt thường cố gắng nói Anh ngữ với chuyên gia bác sĩ, dược sĩ hay nha sĩ. Ở đây các cô cậu dược sĩ tương lai cố gắng nói Việt ngữ từng câu ngắn.

Khách hàng đem theo tất cả các loại thuốc để được cắt nghĩa cặn kẽ. Rồi đo mật độ xương, kiểm tra áp huyết, đo mỡ, đo đường và được chỉ dẫn về việc đi bác sĩ, mua thuốc.

Các em sinh viên của đại học Pacific mỗi năm đều xuống San Jose để gặp đồng bào. Có em mới vào trường. Có em sắp ra trường. Vui tươi đẹp đẽ và hết sức hồn nhiên. Phần lớn đều phải vay tiền đi học. Chương trình 3 năm. Mỗi năm vay 80 ngàn đóng tiền học tiền trường. 3 năm là 240 ngàn.

Tôi hỏi em sinh viên Đỗ Châu Minh Thanh vay nhiều thế có sợ không. Tại sao lại phải tốn nhiều tiền như thế. Em trả lời tuy có sợ nhưng ai cũng vay cả nên cháu cũng phải vay. Còn tại sao mỗi năm tốn nhiều như thế, cháu cho biết vì học rút lại có 3 năm và trường có tiếng nên giá cao. Nếu học chương trình nơi khác 4 năm thì đôi khi chỉ cần có chừng 50 ngàn một năm. Em nói trong niềm hãnh diện. Trường của các cháu là trường danh tiếng mà bác. Chủ trương cho sinh viên luôn luôn đi sát với xã hội ngay từ lúc còn đang học.

Đoàn viên Pétrus Ký sẵn sàng.
ttp://www.vietbao.com/images/upload/VB/2012/12_2012/01_12_2012/CD/DAN_SINH_Petrus_Ky_.jpg

Tôi nhìn lại toàn thể quang cảnh hội trường. Đa số là sinh viên dược khoa Việt Nam. Các em đã đem trường dược Pacific từ Stockton cả trăm người đến với cộng đồng Việt Nam. Quả thực là một bức tranh đầy xúc động. Đây là niềm hãnh diện của thế hệ Việt tương lai.

Đây là một lễ hội mới tổ chức vào mùa đông. Người ta tổ chức vào các ngày cuối tuần trong suốt tháng 12-012 để mọi người vào xem các kiểu đèn to lớn tiêu biểu của nhiều quốc gia. Tượng thần Tự do của Mỹ. Cây cầu ở London của Anh. Rồng của tàu và vô vàn các loại đèn vĩ đại biểu hiện của nhiều danh lam thắng cảnh. Thứ 6, thứ 7 và chủ nhật. Mở cửa từ 4 giờ chiều đến khuya. Vé đậu xe, vé vào cửa bán tại cổng. Nếu ai muốn xem cảnh đèn trang trí vĩ đại ra sao thì đây là cơ hội. Đặc biệt có 2 điều cần lưu ý. Có một công trình kiến trúc cổ xưa của Việt Nam là Chùa Một Cột được làm theo kích thước chính thức nhưng lại là một cây đèn thật lớn. Đó là tiêu biểu cho Việt Nam. Ngoài ra bắt dầu chiều ngày thứ sáu 14 tháng 12-2012 là ba ngày dành cho Việt Nam.

Tại khu này có triển lãm nhiếp ảnh, có tranh Sử Việt vĩ đại của Bách Phi và có lều triển lãm của Việt Museum. Ngày thứ bẩy 15 tháng 12-2012 có chương trình văn nghệ. Ông Lại đức Hùng phối hợp công tác có sự tham dự của ban Hoa hậu, của các người mẫu thời trang, Vovinam, Trường La San và vũ đoàn Cánh chim Bách Việt.

Ngày khai mạc cuối tháng 11 có các sắc dân Tàu, Việt, Ấn độ, Hạ uy Di, v.v... tổng cộng 8 cộng đồng có mặt. Tiếp theo trong tháng 12 mỗi cộng đồng sẽ góp mặt ngày văn hóa riêng.

Quý vị muốn tham dự xin liên lạc với ông Lại đức Hùng (408) 422-6931.

Đóa hoa Cẩm Chướng đã bay về Trời.

Buổi trưa thứ bảy chúng tôi đi dự đám tang của bà Nguyễn Tôn Hoàn. Thực là một kinh nghiệm đặc biệt. Tại nghĩa trang thanh lịch và yên tĩnh của Palo Alto đã có 150 người đến dự. Kể cả thân quyến, bằng hữu từ Pháp, miền Đông Hoa Kỳ và Nam Cali.

Các chiến hữu của 2 tổ chức cách mạng lần lượt lên thăm viếng và chia buồn. Các tổ chức và đoàn thể mà ông bà bác sĩ Hoàn tham dự từ bao năm qua đã lên tiếng tiếc thương cho người nữ đồng chí trong hàng ngũ lãnh đạo mà anh em gọi là chị Tư.

Quan tài của chị Tư đóng kín. Phía trên có một bức tranh sơn dầu chân dung của chị Phan thị Bình diễm lệ do họa sĩ Lê Trung vẽ từ năm 1974 tại Sài Gòn. Ông Phan văn Song đọc bài vĩnh biệt nói rằng anh Tư tức là bác sĩ Nguyễn tôn Hoàn đi vào hoạt động từ 1941 và chị Tư Phan thị Bình khởi sự từ 1942.

Tuy vợ làm cách mạng sau chồng một năm nhưng anh qua đời trước để lại chị Tư vẫn còn sinh hoạt đảng cho đến năm nay, như vậy là vừa đúng 70 năm công vụ. Người phụ nữ tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp từ năm 20 tuổi, trải qua 70 năm và ra đi năm 2012 hưởng thọ 90 tuổi. Trong gần 40 năm tại Bắc Cali, lần đầu tiên tôi dự tang lễ của người phụ nữ được các đảng viên lão thành lên phủ đảng kỳ. Các bài ai điếu của quan khách và lời than thở của các con cháu được tán thưởng vỗ tay. Chuyển ngữ được xử dụng cả Anh Việt Pháp mà không cần thông dịch. Hình ảnh người ra đi là bức tranh của thiếu phụ xuân thì gốc Tha La xóm đạo Tây Ninh

Phần cuối của tang lễ có bà Lương Lài, một phụ nữ rất hoạt động từ Pomona lên đứng bên quan tài của mợ Hoàn nhắc nhở cháu trai phải cam kết một đời theo gương bà mà sống với tha nhân.

Thật ngạc nhiên khi đứa cháu đội khăn tang đã đứng dõng dạc nghiêm trang mà thề bằng Việt ngữ.

Khó mà có đám tang nào ghi được các hình ảnh như thế. Con cháu của bà Hoàn rải rác bốn phương trời đã xum họp về Palo Alto, tất cả đều công nhận là bà nội, bà ngoại dù là một nhà cách mạng của đất nước nhưng mãi mãi là một phụ nữ của gia đình. Riêng đối với nha lộ vận California bà lại còn là một tài xế xuất sắc.

Đến tuổi gần 90 mà “măng” vẫn còn lái xe đi Los Angeles.

Bà ra đi nhưng đã kịp thời để lại di ngôn trong DVD Hồn Việt kể chuyện 2 cô sinh viên y khoa từ đất Sài Gòn ra Hà Nội hát lần đầu tiên bài tiếng gọi sinh viên để sau trở thành quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa. Bà chỉ còn tiếc một điều là chưa hoàn thành được cuốn hồi ký mà trong đó điều quan trọng nhất chị Tư muốn nhấn mạnh là những người kháng chiến chống Pháp của mùa thu khói lửa năm xưa không phải là cộng sản. Nhất là những người đã chết trong những năm chinh chiến đầu tiên.

Xin hãy đón coi DVD Hồn Việt và quốc ca và quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa để gặp lại chị Tư. Dù rằng bông hoa cẩm chướng đã bay về Trời.

Ông Petrus Ký về thăm Homeless.

Sau khi cởi bỏ bộ quần áo dự đám tang buổi trưa thì buổi chiều tôi lại mặc quần áo lao động để đi dự ngày ông Petrus Ký phát cơm Homeless tại San Jose.

Hơn 200 quan khách Hoa Kỳ xếp hàng hết sức trật tự và lịch sự. Phòng ăn yên tĩnh. Thành viên của hội Petrus Ký Saigon vũ khí sẵn sàng. Tay cầm muỗng lớn, tay cầm đồ gắp thật to. Khách Mỹ đưa khay ăn, phe ta gắp sao cho thật đầy đặn và ngăn nắp. Gà chiên một góc, cơm chiên một góc. Bên phải thêm rau trộn. Ba phần chả giò. Rồi bánh ngọt. Nước uống đã có bàn riêng. Mỗi khay là một phần ăn thịnh soạn. Bác sĩ Trần văn Nam, hội trưởng chạy ra chạy vào bắt tay bắt chân anh em tình nguyện. Phu nhân của ông Nam là bà dược sĩ thì lo phát cơm liền tay.

Một phụ nữ đứng phía sau tất bật lo tiếp tế thức ăn cho tiền tuyến. Bác sĩ Nam thấy cô nầy không phải dân Petrus Ký mà làm việc hăng hái như nhà hàng cơm thứ thiệt, hỏi rằng cô làm nhà hàng ở đâu mà lao động quá xuất sắc. Không thấy trả lời. Ông Ngọc Bùi, người liên lạc của IRCC nói nhỏ bên tai, ông ơi đó là bà nha sĩ Trần ở Senter tình nguyện thường trực. Ông Nam lấy tay vả vào miệng mình rồi nói rằng. Chết cha rồi. Tôi lại tưởng là... Rồi ông ngừng lại.

Chợt có tiếng vỗ tay vang lừng. Có người nói. Khách hàng khen dân Petrus Ký nấu ăn ngon. Chuẩn bị mấy tháng. Họp mặt lúc 5 giờ. Bắt đầu 6 giờ. 7 giờ 15 là dọn xong. 300 phần ăn cho 200 quan khách, gần một nửa ăn 2 đĩa. Một số đi 3 lần. Còn có người giữ phần To Go.

Những người homeless San Jose nào có biết ông Petrus Ký là ai. Chỉ biết là đến Thanksgiving, Xmas, Tết Tây, Tết Ta là có thức ăn ngon. Một ông già buồn bã nói rằng. Tối nay ăn xong chưa biết về đâu qua đêm. Tôi hỏi rằng thế mấy tuần nay ông ở đâu. Ông nói rằng đã homeless 6 năm, chuyên ở bên con suối Guadalupy. Tuần qua San Jose có chương trình làm đẹp cả núi rừng đã cho người dọn sạch khu homeless của ông có 80 người cư ngụ. Ông đành phải ngủ tạm chân cầu xa lộ 280 rồi tuần sau sẽ dọn về núi rừng cũ. Nhưng bây giờ ông muốn gặp để cảm ơn Mr. Petrus đã cho bữa ăn ngon. Tôi hỏi là sao ông biết tên Petrus. Ông homeless trả lời là thấy tấm bảng dăng ngang có tên Petrus Ký. Chúng tôi nói rằng sẽ chuyển lời cảm ơn của ông đến ngài.





No comments:

Post a Comment

View My Stats