Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday,
December 19, 2012 3:21:13 PM
Một tiến
trình bình thường vì những động lực sâu xa
Tiến trình tái võ trang Nhật là chuyện bình thường và thậm chí
tất yếu vì những gì xảy ra bên trong nước Nhật và ở bên ngoài. Nhưng vì sao lại
có chuyện tái võ trang một cường quốc năm xưa đã từng gây ra chiến tranh tại
Ðông Á? Ðể độc giả dự đoán ra tương lai của một khu vực sinh tử cho Việt Nam,
“Hồ Sơ Người Việt” xin đi sâu hơn những bản tin chớp nhoáng hàng ngày cứ được
phiên dịch lại trên mặt báo như bài bình luận.
Một
cường quốc không có quân đội
Trong
Thế Chiến Hai từ 1939 đến 1945, Nhật là cường quốc hải dương đã bất ngờ tấn
công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) của Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 12 năm 1941 để
tìm sinh lộ cho một quốc gia không có tài nguyên và phải kiểm soát được các ngả
giao lưu trên vùng biển Thái Bình Dương. Bị Hoa Kỳ phản công và bại trận vì hai
quả bom nguyên tử, Nhật được Hoa Kỳ quản lý và tái thiết theo hai hướng chiến
lược của liên minh Mỹ-Nhật. Thứ nhất, Hoa Kỳ đảm bảo an ninh cho việc giao lưu
ngoài biển của Nhật và thứ hai là yểm trợ việc tái thiết bằng chính sách ngoại
thương có lợi cho nước Nhật.
Ðiều
kiện của sự ưu đãi ấy là điều 9 của bản Hiến Pháp do Hoa Kỳ soạn thảo cho Nhật:
nước Nhật không được có quân đội mà chỉ có một lực lượng tự vệ (Tự Vệ Ðội).
Nhật bị Hoa Kỳ giải giới để thành cường quốc kinh tế không có sức mạnh quân sự
và nằm dưới cây dù nguyên tử của Mỹ. Từ giải pháp tích cực bảo vệ quyền lợi
chiến lược bằng quân sự, Nhật chuyển qua bảo vệ quyền lợi bằng kinh tế, ngoại
thương và đầu tư. Tức là dồn phương tiện từ súng đạn qua nhà máy được hiện đại
hóa.
Nhật
trở thành đại cường kinh tế không có khả năng quân sự bảo vệ tiềm năng kinh tế
đó mà phải lệ thuộc vào Hoa Kỳ, vào các căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ
Nhật. Lối phân công lao động này đạt kết quả mỹ mãn vì Nhật trở thành đồng minh
chiến lược của Hoa Kỳ trước sự bành trướng của Liên Bang Xô Viết và Trung Cộng
trong thời Chiến Tranh Lạnh.
Nhưng
sự năng động của kinh tế Nhật đã gây vấn đề cho Hoa Kỳ. Ðấy là khúc quanh ít ai
thấy.
Quan
hệ Mỹ-Nhật vào khúc quanh
Y
như ngày nay với trường hợp Trung Quốc, 25 năm về trước dư luận quần chúng và
cả học giả Mỹ đã cảnh báo về sự lớn mạnh của Nhật, một chủ nợ và chủ đầu tư của
thế giới với tiềm năng vượt Hoa Kỳ và làm chủ nhiều cơ sở kinh doanh hay cao ốc
mang biểu tượng của nước Mỹ.
Kết
quả là chế độ ưu đãi mậu dịch của Mỹ kết thúc, Nhật phải bình thường hóa quan
hệ kinh tế để cạnh tranh theo quy luật thông thường. Hậu quả là sự sụp đổ của
kiến trúc kinh tế Nhật và nạn suy trầm kéo dài từ hai chục năm nay vì Nhật
không thể và cũng chẳng muốn cải cách. Ðảng Tự Do Dân Chủ Nhật Bản (LDP) bị đổ
vào năm 1993 sau khi cầm quyền liên tục từ năm 1955.
Ðấy
là về mặt kinh tế, với dư vị chua chát của dân Nhật về cách hành xử của Hoa Kỳ.
Về
mặt quân sự, Chiến Tranh Lạnh kết thúc từ năm 1991 khiến nhu cầu phòng thủ cũng
đổi thay. Nhật hết cần lá chắn nguyên tử của Hoa Kỳ và thấy ra những bất tiện
của căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ. Hoa Kỳ cũng thấy ra sự tốn kém khi phải
duy trì sức mạnh quân sự đó để bảo vệ một cường quốc kinh tế đang cạnh tranh
với mình. Những tai nạn xảy ra vì hành vi phạm pháp của lính Mỹ trên đất Nhật
trở thành vấn đề về ngoại giao trước phản ứng chống Mỹ của dân Nhật. Việc
thương thuyết lại về quy chế và phí tổn của các căn cứ quân sự Mỹ, điển hình là
căn cứ Không Quân của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tại Futenma trên đảo Okinawa, đã
được đặt ra.
Lúc
đó trên chính trường Nhật, nhiều người bày tỏ tinh thần chống Mỹ - truyền thống
của đảng Cộng Sản Nhật - hoặc ít ra là độc lập với Hoa Kỳ. Một số người khác
còn tiến xa hơn, muốn hợp tác với một cường quốc đang lên là Trung Quốc theo
tinh thần “Châu Á của người Á.”
Bày
tỏ tinh thần độc lập với Mỹ là lập trường của Ðô Trưởng Tokyo Shintaro
Ishihara, người đòi Tokyo mua lại mấy hòn đảo Senkaku mà “Hồ Sơ Người Việt” đã
nhắc tới trong số báo ngày 5 tháng 12, 2012, bài “Trật Tự Hậu Chiến Ðã Lung Lay
Tại Nhật Bản?”
Muốn
Nhật nằm trong cõi “Thiên Hạ” của Trung Quốc là lập trường của một chính khách
hoạt đầu từ đảng Tự Do Dân Chủ tách ra thành đảng Dân Chủ Nhật Bản (DPJ), ông
Ozawa Ichiro. Cưỡi lên làn sóng bài Mỹ của một số người Nhật, Ozawa khai thác
quan điểm chủ hòa và thân Tầu còn tiềm ẩn trong xã hội, với một đại diện là
Nakasone Yasuhiro, thủ tướng từ 1981 đến 1987. Cầm đầu một phái đoàn gồm 143
dân biểu Nhật của đảng Dân Chủ, tháng 12 năm 2009, Ozawa qua Bắc Kinh trong tinh
thần triều cống của một chư hầu, nhưng với luận điệu chống Mỹ.
Hai
quan điểm ấy đi ngược chủ trương của bộ máy công quyền Nhật, từ Bộ Ngoại Giao
đến Tự Vệ Ðội, nhưng khi ấy, bộ máy công quyền đã mất hết uy tín vì không giải
quyết được các khó khăn kinh tế ở bên trong và Nội Các bị đổ liên tục.
Vậy
mà liên minh Hoa-Nhật lại không thành vì những tính toán của Bắc Kinh.
Senkaku
2010-2012 và thiên tai Tohoku
Ngày
7 tháng 9 năm 2010 mâu thuẫn Hoa-Nhật bùng nổ vì sự xâm nhập của ngư thuyền
Trung Quốc vào quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh nhận là của mình và gọi là Ðiếu Ngư
Ðài. Khi ngư phủ bị Nhật bắt, Bắc Kinh gay gắt bày tỏ phản ứng chống Nhật: cơ
sở Nhật bị người Hoa tấn công, doanh gia Nhật bị bắt và Trung Quốc ngưng xuất
cảng kim loại hiếm (gọi là đất hiếm) cho Nhật. Bộ Ngoại Giao còn đòi Tokyo phải
xin lỗi và bồi thường.
Sự
lớn mạnh của Trung Quốc, năm 2010 đó vừa vượt Nhật thành cường quốc kinh tế thế
giới sau Hoa Kỳ, và sức bành trướng quân sự lẫn chiến dịch tấn công ngoại giao
của Bắc Kinh đã đánh thức mối lo của dân Nhật về hiểm họa Trung Quốc. Chủ
trương thân Tầu của Ozawa bị phá sản, bản thân ông còn mất hết uy tín về tội
tham ô nên đành ra khỏi đảng Dân Chủ Nhật. Còn lại là chủ trương độc lập và
chống Tầu của khuynh hướng quốc gia Nhật mà Shintaro Ishihara là một đại diện
nhưng không phải là duy nhất.
Thế
rồi mâu thuẫn Senkaku lại tái diễn năm 2012 mà còn gay gắt hơn, với làn sóng
chống Nhật lan rộng trên cả trăm thành phố của Trung Quốc làm doanh nghiệp Nhật
đang đầu tư trên thị trường Hoa Lục phải suy nghĩ lại về chiến lược kinh doanh
của mình. Chuyện ấy, thời sự 2012 đều nhắc tới, “Hồ Sơ Người Việt” xin miễn
nhắc lại.
Ở
giữa hai biến cố đó là trận động đất rồi sóng thần tại Tohoku của Nhật vào
tháng 3 năm 2011 khiến các lò nguyên tử năng bị tê liệt và gây vấn đề về năng
lượng cho Nhật.
Dù
có năng lượng nguyên tử, Nhật vẫn phải nhập cảng đến 82% nhu cầu năng lượng là
dầu thô và khí đốt. Hơn 90% nhu cầu đó được mua từ Trung Ðông và Ðông Nam Á,
tức là phải vận chuyển qua vùng biển Thái Bình Dương, nay đang được Bắc Kinh mở
rộng tầm kiểm soát. Khi phải từ bỏ năng lượng nguyên tử vì lý do an toàn và vì
phản ứng “thoát nguyên” (thoái khỏi nguyên tử) đang được nhiều chính đảng khai
thác, Nhật càng lệ thuộc nhiều hơn vào nguyên nhiên vật liệu nhập cảng.
Cũng
trong vụ thiên tai Tohoku khiến trung tâm nguyên tử Fukushima bị hư hại và rò
rỉ phóng xạ, dân Nhật còn chứng kiến một chuyện bất thường khác.
Hạm
đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ lập tức tiến vào cấp cứu khi lực lượng phòng vệ
Nhật bị căng mỏng. Chuyện bất thường là hàng không mẫu hạm Ronald Reagan đã
cùng các chiến hạm Chancellorsville và Preble tiến vào rất sâu, ngay trong vùng
bị phóng xạ, với sự yểm trợ cang trường của binh lính Mỹ, bên cạnh các đơn vị
tự vệ Nhật.
Ðáng
chú ý hơn nữa, phi đạo của chiếc Ronald Reagan đã đón nhận trực thăng Nhật, là
điều chưa từng có. Phi cơ của Lục Quân và Không Quân Hoa Kỳ chưa khi nào được
phép hạ cánh trên hàng không mẫu hạm của Hải Quân Hoa Kỳ. Sự kiện này dẫn đến
hai chuyện có hậu quả lâu dài.
Thứ
nhất, dân chúng Nhật tìm lại sự cảm phục và kính trọng truyền thống với binh
lính Nhật và khả năng “hành quân” của Hải Quân Nhật đã được chứng kiến trên màn
ảnh truyền hình (và được quảng bá) khi trực thăng Nhật đáp xuống mẫu hạm Ronald
Reagan. Người Nhật nhìn ra một nhu cầu đã được các chính khách nói tới: phải có
quân đội để bảo vệ quyền lợi kinh tế của mình.
Thứ
hai, trước sự xuất hiện ồn ào của hàng không mẫu hạm Trung Quốc (mua lại của
Ukraine rồi cải tiến thành chiếc Liêu Ninh) và sự uy hiếp của Hải Quân Trung
Quốc, Hạm đội Hoa Kỳ đã có mặt, rất chuyên nghiệp và hiếu hòa. Thủy thủ Mỹ chấp
nhận bị phóng xạ để giải cứu người lâm nạn nên mặc nhiên xóa bớt nỗi ác cảm vì
căn cứ Futenma của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ. Căn cứ này nằm cạnh thị trấn
Ginowan, với thị trưởng là đảng viên Cộng Sản Nhật, nên đã bị khai thác thành
biểu tượng về sự kiêu căng ngang ngược của nước Mỹ.
Thiên
tai Tohoku bỗng đảo ngược ấn tượng của người dân Nhật về vai trò của Hoa Kỳ đối
diện với Trung Quốc.
Nhưng,
ngoài ấn tượng, người ta còn phải thấy thực chất.
Ðó
là sự đổi thay của môi trường quốc tế, dưới nhãn quan của người Nhật.
Cục
diện quốc tế
Sau
khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc năm 1991, Liên Xô tan rã và Liên Bang Nga hết là
mối nguy sinh tử cho Nhật. Bắc Hàn Cộng Sản trám vào khoảng trống đó với kế
hoạch chế tạo hỏa tiễn liên lục địa và đầu đạn hạt nhân (hạch tâm, còn có sức
công phá cao hơn võ khí nguyên tử). Ðằng sau Bắc Hàn là Bắc Kinh, với lập
trường co giãn khó hiểu và khó tin.
Trước
mối nguy thật ra vẫn còn là biểu kiến (hình thức) của Bắc Hàn, Nhật có lý do
chính đáng để tiến hành kế hoạch chế tạo vệ tinh và thiết lập lá chắn chiến
lược chống hỏa tiễn. Nghĩa là tìm ra một định nghĩa và định hướng tích cực hơn
cho khái niệm “tự vệ” mà Nhật đã trình bày từ cuối năm 2010.
Về
thực tế (nội dung có khác với ấn tượng), Nhật lặng lẽ trang bị phương tiện
phòng thủ và có ngân sách quốc phòng tương xứng với sức nặng kinh tế của mình,
vào hạng ba, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Với trình độ khoa học kỹ thuật
rất cao và kinh nghiệm quân sự rất sâu, Nhật có thể xây dựng lại một quân đội
tiên tiến và hùng mạnh trong một thời gian ngắn.
Sau
Chiến Tranh Lạnh và trong 10 năm đầu của Thế kỷ 21, Hoa Kỳ lại vướng vào cuộc
chiến chống Khủng bố Hồi giáo và gần như thả nổi Ðông Á. Ðấy là lúc nước Nhật
tự nhủ là phải lo lấy thân hơn là trông chờ vào Hoa Kỳ. Về thực tế (nội dung
cũng khác với ấn tượng), Nhật vẫn tiếp nhận những phương tiện võ trang hiện đại
nhất của Hoa Kỳ dưới chính quyền George W. Bush.
Lý
do không phải là Bắc Hàn mà là Bắc Kinh.
Song
song, Nhật cũng mở rộng quan hệ phòng thủ với cường quốc bán đảo là Ấn Ðộ và
cường quốc hải đảo là nước Úc. Chuyến thăm viếng Tokyo của Thủ tướng Úc Julia
Gillard vào tháng 4 năm 2011 đã vượt khỏi sự quan tâm của truyền thông Hoa Kỳ
nhưng thực tế mở ra một viễn ảnh hợp tác quân sự với Nhật trong toàn khu vực,
mà trọng tâm là Trung Quốc.
Các
quốc gia quen dần với sự xuất hiện quân sự của một nước Nhật đã tự giải giới
hoặc bị giải giới. Trong ngần ấy biến động quốc tế, từ khủng bố đến hải tặc,
Nhật đều tham dự, trước là với tấm chi phiếu hay nhân viên dân sự, nhưng càng
ngày càng có sự hiện diện của “tự vệ quân”.
Kết
luận ở đây?
Việc Nhật chính thức xóa bỏ điều 9 của
Hiến Pháp chỉ là vấn đề hình thức trong tương lai gần.
Với
dân Nhật, quốc gia phải có khả năng bảo vệ quyền lợi, từ biển Ðông Nam Á qua Ấn
Ðộ Dương lên tới biển Ðông Bắc Á đối diện với Trung Quốc và cả quần đảo Ryukyu
tiếp cận với Ðài Loan, chưa kể quần đảo Kurils đã bị Liên Xô cưỡng chiếm ngay
sau khi Nhật lãnh bom nguyên tử của Mỹ.
Các
xứ khác nghĩ sao về chuyện này? E ngại như Nam Hàn hay an tâm như Philippines?
Còn Việt Nam? Phải chăng vì vậy mà Nhật dẫn đầu các nước viện trợ cho Hà Nội?
No comments:
Post a Comment