BBC
Cập nhật: 11:43 GMT - thứ hai, 10 tháng 12, 2012
Nhân ngày Nhân quyền Thế giới, 10/12,
mà chủ đề năm nay về quyền của người dân được có tiếng nói và quyền tự do biểu
đạt, BBC Việt Ngữ đã hỏi ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Khu vực Châu Á của Tổ
chức Giám sát Nhân quyền - Human Right Watch (HRW), về tình hình nhân quyền tại
châu Á và đặc biệt tại Việt Nam.
Phil Robertson: Thật buồn là ở nhiều nơi tại châu Á,
các chính phủ vẫn cảm thấy bị đe dọa khi người dân tự do phát biểu về những vấn
đề liên quan tới và ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, vì thế các chính phủ cố tìm
cách kiểm duyệt tin tức hoặc chặn các quan điểm trong xã hội chống lại cách nói
theo ý mà chính phủ muốn.
Nhưng các nước
như Việt Nam, Malaysia và Singapore cũng đang bắt đầu nhận thấy rằng sự ra đời
của internet về cơ bản đã thay đổi tính năng động của biểu đạt tại đất nước họ.
Hệ thống kiểm duyệt báo chí cũ và việc kiểm soát quyền sở hữu các phương tiện
truyền thông nay đang bị các bloggers, những người sử dụng twitters và Facebook
có kỹ năng web giỏi qua mặt.
Thay vì 100
tiếng nói thì nay là hàng ngàn tiếng nói bung ra trên mạng - và chúng ta giờ
đây bắt đầu thấy một số chính phủ đang tìm cách lấy lại sự kiểm soát của họ.
Việt Nam dự tính
thông qua một luật hà khắc về internet. Malaysia đã áp dụng một điều luật mới
về bằng chứng mà theo đó quy trách nhiệm của người trung gian và đặt trách
nhiệm cho người bị cáo buộc phải chứng minh họ không làm điều đó.
Thậm chí ở các
nước dân chủ như Thái Lan cũng thấy kiểm duyệt nhiều hơn và đóng các websites,
đặc biệt xung quanh vấn đề khi quân. Vì vậy trong khi tự do biểu đạt được mở
rộng, nó vẫn đang bị đe dọa và tại các quốc gia như Việt Nam, những bloggers
nổi tiếng như Điếu Cày vẫn đang bị kết án tù nhiều năm vì đã dám chất vấn nhà
nước.
BBC: Vậy theo ông có thể làm gì từ
phương diện quốc tế cũng như từ mỗi quốc gia để cải thiện tình hình này?
Phil Robertson: Các chính phủ cấp viện đang cung cấp
trợ giúp và ủng hộ nỗ lực phát triển tới các quốc gia này cần phải nói rõ rằng
họ coi tự do ngôn luận là một ưu tiên phát triển hàng đầu vì khi người dân có
thể lên tiếng thì quản trị sẽ được cải thiện và những vi phạm nhân quyền và
tham nhũng sẽ giảm đi.
Vì thế chúng tôi
chờ đợi Hoa Kỳ, Anh Quốc, Pháp, Đức, Úc, các nước Bắc Âu và Liên hiệp châu Âu
cũng các nước khác hãy công khai lên tiếng nói về tầm quan trọng của tự do biểu
đạt và yêu cầu các chính phủ tại Đông Nam Á tôn trọng quyền này. Liên Hiệp Quốc
cũng cần phải thúc đẩy vấn đề này và đòi hỏi các chính phủ phải thực thi cam
kết nhân quyền quốc tế của họ.
BBC: Vậy những quan ngại chính của tổ
chức HRW về tình hình nhân quyền tại Việt Nam là gì, thưa ông?
Phil Robertson: Thực sự mà nói có rất nhiều trường
hợp vi phạm và các vấn đề nhân quyền tại Việt Nam nên không biết phải bắt đầu
từ đâu.
Việt Nam đã phê
chuẩn Hiệp định Quốc tế về Quyền Chính trị và Dân sự cách đây nhiều năm, nhưng
giới chức chính phủ vẫn vi phạm các quyền dân sự và chính trị mỗi ngày.
Diễn tiến đáng
ngại nhất trong năm qua là việc chính phủ áp dụng các án tù nặng đối với
bloggers và những người vận động cho quyền tự do ngôn luận nhằm đe dọa họ phải
im tiếng.
Quan ngại lớn
nhất của chúng tôi là việc chính phủ tiếp tục sử dụng các điều khoản hà khắc
của Bộ luật Hình sự để bắt giữ và bỏ tù người dân chỉ đơn giản vì họ sử dụng
quyền tự do biểu đạt, hội họp và lập hội.
Chính phủ Việt
Nam thường áp dụng các tội an ninh quốc gia được diễn giải lỏng lẻo và từ ngữ
mơ hồ trong Bộ Luật Hình sự Việt nam và các luật khác để bỏ tù những người bất
đồng chính kiến và bất đồng tôn giáo ôn hòa và việc này phải chấm dứt ngay.
Nay, như tôi đã
nói ở trên, chính phủ Việt Nam đang tìm cách kiểm soát mạng Internet bằng một
Nghị định mà theo đó sẽ cho phép chính phủ mở rộng các hoạt động mình trong
việc truy tố người dân vì những cái gọi là "tội" dựa trên những gì
người dân đó nói hay làm trên internet. Đây là một sự leo thang nữa của chính
phủ trong việc đàn áp nặng tay chống lại những người dân Việt Nam thực thi các
quyền của mình.
BBC: Gần đây có khá nhiều thay đổi tại
Miến Điện trên phương diện nhân quyền. Theo ông Việt Nam và Trung Quốc có thể
rút ra được điều gì từ Miến Điện?
Phil Robertson: Miến Điện cũng chưa phải đã là hoàn
hảo - mới đây tôi có viết bài so sánh
thành tích nhân quyền của Việt Nam và Miến Điện. Nhưng rõ
ràng là Miến Điện đã quyết định tin cậy ở người dân và cho phép họ được nói lên
suy nghĩ của mình bằng việc bỏ kiểm duyệt và chấm dứt những hạn chế trên mạng
internet.
Chính phủ Miến
Điện đã quyết định rằng tốt hơn là biết rõ những gì người dân muốn và những
điều họ quan tâm và đối xử với người dân tốt hơn cũng có nghĩa là một mối quan
hệ tốt đẹp hơn với cộng đồng quốc tế.
Việt Nam dường
như đang đi ngược lại về nhân quyền, theo hướng đàn áp hơn - và câu hỏi cho
Việt Nam là liệu họ sẽ tụt lùi tới đâu về nhân quyền trước khi họ bắt đầu bị
cộng đồng quốc tế nêu đích danh như là một quốc gia mới tại ASEAN có vấn đề về nhân
quyền.
No comments:
Post a Comment