DUNGNGUYEN
(VCF)
Posted on Tháng Mười Hai 22, 2012 by ttngbt
Ban đầu đã không định đọc “Bên Thắng
Cuộc” khi biết Huy Đức cũng chỉ mới 13 tuổi vào cái ngày VNCH của mình mất
nước. Tự nghĩ anh ta chỉ hơn mình 4 tuổi vào thời điểm đó thì những gì anh ta
viết không thể nào đầy đủ được. Hơn nữa, anh ta là người của “Bên Thắng Cuộc”
thì cái nhìn không thể nào khách quan hay gọi là trung dung được. Chợt nhớ,
người cộng sản thích dùng những chiêu vuốt ve, xuống nước khi họ đang ở thế
yếu, lại thêm cái nghị quyết 36 vẫn đang tiến hành, thì đây “Bên Thắng Cuộc” có
phải là một trong những bước đi đó? Thế thì hà tất ta phải đọc và quan tâm đến
những chuyện của cộng sản?! Lâu lâu họ xì ra một chút, bà con xúm vào khen thơm
và mình cũng bâu vào theo? Lẽ nào!
Đến khi bác Lunxit bảo đọc đi, và hãy đọc cho kỹ, thì dứt khoát là phải đọc. Bởi vì D tin bác Lunxit. Vậy là đọc. Và không dứt ra được cho đến khi đọc xong.
Đa số ACE ở đây chắc chắn đã đi qua hơn
10 năm đen tối cơ cực của những tháng ngày ấy, tính từ sau 30/4/75 đến khi Việt
Nam bắt đầu mở cửa vào cuối thập niên 80. Tin là ACE cũng như D, vẫn chưa quên
những tháng ngày cơ cực và tủi nhục đó.
Những chương đầu của “Bên Thắng Cuộc” đã
quay chậm lại những tháng ngày đó, hiện rõ, mồn một trước mắt D. Thấy lòng nặng
trĩu và buồn. Thấm hơn khi nhìn ra những tăm tối, vất vả, tủi nhục mà bố mẹ,
chú bác mình đã chịu đựng trong hơn 10 năm đó. Những gì Huy Đức viết ra, không
mới với những người trong cuộc và thua cuộc. Cay đắng! Những gì “Bên Thắng
Cuộc” phơi bày càng cho thấy rõ dã tâm của cộng sản Bắc Việt trong việc tàn phá
VNCH đến tận gốc rễ: hành chánh, quân sự (bắt bớ, tù đầy, cải tạo), công thương
nghiệp (đổi tiền, đánh tư sản, buôn bán lẻ), văn nghệ sĩ (bắt bớ giam cầm,
tuyên án những tên biệt kích cầm bút), khoa học kỹ thuật (triệt hạ hàng loạt
những bậc thầy trong mọi ngành khoa học và thay vào đó là những người từ miền
bắc) đến cả văn hoá, thuần phong mỹ tục (đốt sách, phá hoại văn hóa dưới các
chiêu bài chống tư tưởng tiểu tư sản, bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan). Một sự
tàn phá, một kiểu “đấu tố” dưới hình thức mới, có hệ thống.
Càng đọc càng thấy buồn và hận. Nếu bảo rằng cuốn “Bên Thắng Cuộc” là một bước đi cho cái gọi là hòa hợp hòa giải, thì điều đó không đúng, ít nhất, với D. Bởi vì càng đọc càng thấy hận sự tàn phá của người cộng sản, càng thấy không thể hòa hợp điều gì được!
Lại có người bảo rằng “Bên Thắng Cuộc” đánh bóng các nhân
vật lãnh đạo của cộng sản bắc việt như Lê Duẩn, Trường Chinh, … Điều đó cũng không đúng! Đọc “Bên Thắng Cuộc” chỉ thấy rõ sự tàn ác, thiển
cận, ấu trĩ và độc tài của những nhân vật đó chứ không thấy điều ngược lại.
Nhân vật duy nhất trong toàn bộ “Bên Thắng Cuộc” đã được Huy Đức trau chuốt tô
điểm là Võ Văn Kiệt. Tại sao? D google, đi tìm và được biết, Huy Đức là nhà báo
thân cận rất gần với Võ Văn Kiệt trong giai đoạn sau này. Huy Đức đã có nhiều
bài viết về Võ Văn Kiệt như thế, và trong “Bên Thắng Cuộc” hình ảnh của Võ Văn
Kiệt càng đậm nét hơn trong toàn bộ bức tranh VNCH bị tàn phá. Nhưng làm vậy để
làm gì? Võ Văn Kiệt không cần giải độc nữa bởi ông đã không còn. Nếu có chăng
là giải độc với lịch sử, nhưng chuyện đó chỉ có lịch sử mới khả dĩ làm được.
Không phải Huy Đức!
Vậy thì Huy Đức viết “Bên Thắng Cuộc” với mục đích gì?
Vuốt ve cộng đồng hải ngoại và những người của bên thua cuộc? Huy Đức cần gì ở cộng đồng hải ngoại? Gần như không có điều gì ngoài niềm cảm thông chung.
Hòa hợp hòa giải, theo nghị quyết 36? Ngược lại! Những dẫn chứng cụ thể, những con số người chết trong các chiến dịch X-1, X-2, các vụ đổi tiền cướp tài sản trắng trợn, những vụ lường gạt người vượt biên mà thây người chất chồng, từng giòng chữ, từng hình ảnh, con số đó, làm sao có thể hòa hợp hòa giải! Vì cơ đồ của nước Việt, chúng ta mong các thế hệ tương lai có thể đến với nhau không thù hận để chung sức xây dựng một nước Việt tốt đẹp. Sẽ là hạnh phúc cho các thế hệ tương lai khi thù hận không còn. Nhưng không còn thù hận không có nghĩa là quên đi những chương lịch sử cho dẫu có đen tối. Nói như thế để thấy rằng, hòa hợp hòa giải là chuyện của quá khứ và những người có thẩm quyền chứng nhận sự hòa hợp hòa giải là những người đã chết từ sự tàn ác của cộng sản. Hãy đi mà hỏi họ về hòa hợp hòa giải.
Thế thì “Bên Thắng Cuộc” nhắm vào điều gì? Hỏi điều này, D thấy cần phải
hỏi thêm, “Bên Thắng Cuộc” được viết cho độc giả nào? “Bên Thắng Cuộc” được
viết cho bên nào? Thì câu trả lời tự nó đã ở ngay chính cái tựa sách : bên thắng cuộc.
Có cuốn sách nào viết ra cho các nhân
vật trong sách đọc không? Các nhân vật trong sách đã sống, đã chết theo cuốn
sách thì cần gì phải đọc! Sách viết cho những người không phải là nhân vật
trong sách đọc. Để biết! “Bên Thắng Cuộc” viết cho những người của bên thắng
cuộc đọc. Hay nói đúng hơn là cho thế hệ sau của bên thắng cuộc đọc. Bởi như
bác lunxit nói, các thế hệ sau bị những cái loa tuyên truyền rao giảng một
chiều mà không nhìn thấy được sự thật như cái đèn tối thui không ánh sáng. Thì
đây, “Bên Thắng Cuộc” chính là phần sự thắng trắng trợn làm nền cho những cái đèn
tối và những cái loa rỗng.
Huy Đức không tham
vọng viết cho bên thua cuộc đọc. Bởi
điều đó là không tưởng! Anh không phải là người thua cuộc, không đi qua những
tủi nhục của người thua cuộc thì không thể viết được. Nhưng từ góc nhìn của bên
thắng cuộc, Huy Đức đã thấy được cái thua của bên thắng cuộc. Như cảm giác hụt
hẫng khi mang ý nghĩ “phải nhanh chóng vào Nam để giáo dục các bạn thiếu niên
lầm đường lạc lối” để rồi khi đối diện với hiện thực là “Có một miền Nam không
giống như miền Nam trong sách giáo khoa của chúng tôi.” Nếu như có một cuốn
sách tương tự được viết từ người của bên thua cuộc, thì liệu người của bên
thắng cuộc có khách quan đọc không? Khó! Nhưng Huy Đức đã từng là người của bên
thắng cuộc, và Huy Đức viết từ những dẫn chứng, những cuộc nói chuyện, .. tất
cả từ người bên thắng cuộc, thì ít nhất, cuốn sách ấy không phải là của tàn dư
Mỹ Ngụy, không phải là ý đồ thâm độc của đế quốc Mỹ hay các thế lực phản động
hải ngoại!
Hãy nhìn thực tế và hỏi thực một điều:
liệu cộng đồng hải ngoại có thay đổi được chính phủ Việt Nam hiện hành không?
Nếu được thì là bao giờ? Đã hơn 30 năm rồi.
Có chăng thực tế hơn khi người trong nước tự thay đổi cuộc sống và tất cả? Những người như Trần Huỳnh Duy Thức, Huỳnh Thục Vy, Lê thị Công Nhân, và Huy Đức là những người đi tiên phong trong việc đem sự thực đến với những thế hệ hiện nay và mai sau trên phần đất của bên thắng cuộc.
Chúng ta có cần những người như thế không? Không! Bởi vì ta đang sống ở xứ sở tự do, và đã xa rồi những đau thương. Chúng ta muốn quên những đau thương đó với hy vọng cuối đời những đau thương sẽ liền da. Không ai có quyền trách cứ gì ta.
Nhưng còn những người, những thế hệ đang đi tới? Thì đó là chuyện của họ, của các thế hệ đó. Họ phải tự đương đầu thôi.
Vậy thì hà cớ gì ta phải chống hay chưởi cuốn sách này?
No comments:
Post a Comment