Thursday, 13 December 2012

NẮM XÔI & ĐÀN GÀ CÔNG NGHIỆP (Đào Tuấn)




Tháng Mười Hai 13, 2012

Đang có một tầm nhìn không vượt quá nắm xôi trước mũi. Trong khi “bán rẻ” chưa bao giờ là một giá trị của tầm nhìn

Câu chót của bài ca dao “Thằng Bờm có cái quạt mo”, được nhiều nhà…văn hóa ra sức biện giải. Rằng việc đổi “cái quạt mo” lấy “nắm xôi”, sau khi từ chối hàng loạt những “3 bò 4 trâu”, những “ao sâu cá mè” là thể hiện tính thuần lương của…người Việt. Là sự trao đổi sòng phẳng, công bằng giữa hai vật ngang giá trị.

Nhưng với dân gian, thằng Bờm vẫn chỉ là thằng Bờm, nói kiểu đương đại là một thứ “gà công nghiệp” với hành động và suy nghĩ, dù biện giải cách gì cũng không vượt quá câu chuyện miếng ăn. Và một tầm nhìn không xa hơn nắm xôi trước mũi.

Có người vừa lại nhắc đến câu chuyện nắm xôi và thằng Bờm khi nhắc đến nền kinh tế Việt Nam và các Doanh nghiệp Việt.

Tại một hội thảo lớn về xác định lợi thế DN, trước mặt Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam công khai xác nhận một nền Kinh tế, có khởi điểm từ năm 54 của thế kỷ trước, và sau 2 thập kỷ đổi mới, sau 7 năm hội nhập, vẫn chỉ là một “Nền kinh tế gia công”. Nơi các doanh nghiệp được “nuôi như gà công nghiệp”, “chỉ lớn lên chứ không tăng giá trị và đẳng cấp”.

Vậy đâu là những biểu hiện của “Nền kinh tế gia công”? Chỉ số năng lực cạnh tranh tụt 16 bậc sau 2 năm? Phát triển theo chiều rộng mà không chú trọng đến chiều sâu, như Chủ tịch VCCI nhận xét. Nền công nghiệp không xuất hiện trên “bản đồ đẳng cấp” với sự “gia công thùng tôn, chế tạo ốc vít”. Và toàn bộ giá trị nền kinh tế dựa trên việc “bán rẻ” từ tài nguyên thô cho đến sức lao động giá rẻ. Dựa vào FDI để hội nhập nhưng lại chẳng hội nhập được gì. Bản thân vài chục tỷ USD thu hút đầu tư, cứ cho đó là chiến công của điều hành, thì đẻ liền ngay sau, nói như ông Trần Đình Thiên, là “một sự lãng phí lớn” khi nguồn lực đó hầu như không có tác dụng nâng lên đẳng cấp của một nền kinh tế. Đi sau nhưng chưa bao giờ tránh được cái hố của người đi trước mà điển hình chính là sự thất bại của những “Vina” khi sao chép vụng về “mô hình Chaebol” đã có tiền lệ thất bại của Hàn Quốc. Hay một nền kinh tế thị trường nhưng đó là một thị trường có “đặc thù”. Trên VietNamNet TS Vũ Quang Việt, thậm chí còn nói đến thứ mà ai cũng có thể nhìn thấy: “Hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài và tổ chức nhằm phục vụ nhu cầu của nước ngoài”. “Không những phải nhập khẩu nguyên vật liệu mà còn có thể lại phải mượn tiền để xây dựng nhà máy, bằng cách bán khoáng sản và vay mượn để có ngoại tệ”. Và hậu quả nhãn tiền là việc trở thành một thứ bãi rác công nghiệp, khi phải bỏ ngoại tệ để nhập về ngập tràn công nghệ lạc hậu, hủy hoại môi trường đáng ra đã phải ném vào bãi rác.

Tất cả những phân tích đó đều đúng, và đúng nhất là tầm nhìn không vượt quá nắm xôi trước mắt.

Trên Thời báo kinh tế Việt Nam sáng qua, TS Vũ Thành Tự Anh đưa ra con số 104 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong 11 tháng của năm 2012, “Đây là con số đáng ca ngợi nhất là trong bối cảnh như hiện nay”- TS Anh nói. Tuy nhiên, nhìn vào đằng sau con số xuất khẩu, thì thứ mà nền Kinh tế xuất chủ yếu là hàng gia công, nguyên liệu, tài nguyên thiên nhiên, trong khi “Hàm lượng giá trị gia tăng đóng góp cho xuất khẩu lại đang giảm đi”.

Bán rẻ chưa bao giờ là một giá trị của tầm nhìn.

Có một câu hỏi đặt ra: Những doanh nghiệp con gà công nghiệp đã làm nên nền kinh tế gia công hay ngược lại, chính nền kinh tế nắm xôi đó đang tạo ra những con gà công nghiệp? Rất khó để trả lời câu hỏi. Y hệt câu chuyện thằng Bờm sinh ra nắm xôi hay ngược lại.





No comments:

Post a Comment

View My Stats