Wednesday, 12 December 2012

MỘT CÁCH NHÌN KHÁC về BÀI TOÁN KINH TẾ của HOA KỲ & THẾ GIỚI (Hùng Tâm / Người Việt)




Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, December 12, 2012 6:18:37 PM

Một cách nhìn khác về bài toán kinh tế của Hoa Kỳ và thế giới

Còn 18 ngày nữa là chúng ta lại chào mừng năm mới. Ðấy cũng là lúc Hoa Kỳ có thể bị tuột vào một “vực thẳm ngân sách.” Hàng ngày, thời sự nói đến chuyện lạ ấy mỗi khi lãnh đạo hai đảng trình bày với quốc dân sự thể của việc ngân sách sẽ giảm chi hay thuế suất sẽ tăng, nhưng họ thường nói ra với dụng ý chính trị và thiên kiến kinh tế riêng khiến nhiều người khó thấy sự thật.

Cách nay một tháng, trên cột báo ra ngày 14 tháng 11, “Hồ Sơ Người Việt” đã giải thích nguyên ủy và hậu quả của vụ này. Xin quý độc giả tìm đọc lại bài “Vực Thẳm Ngân Sách - Tìm hiểu về công chi thu của Hoa Kỳ” vẫn còn được lưu trữ trên Người Việt Online.

Bây giờ, chúng ta có thể đi sâu hơn vào vấn đề bằng cách tìm vào kiến thức căn bản về kinh tế.

Khi bắt con cái trong nhà phải biết vài khái niệm về chi thu hay vay mượn bằng thẻ tín dụng và hàng tháng phải trả cả vốn lẫn lời thì mình cũng nên hiểu ra những khái niệm ấy trong khuôn khổ của nền kinh tế quốc gia - mà chúng ta là một thành phần. “Hồ Sơ Người Việt” xin đi vào chuyện phức tạp ấy, bằng cách giản lược nhất, mong rằng sẽ giúp được cho quý độc giả.

Mọi chuyện khởi sự từ năm 2008?

Thời sự thường nhắc nhở mọi người rằng cơ sự xảy ra từ năm 2008 khi một số tổ hợp đầu tư và ngân hàng hay bảo hiểm bị vỡ nợ (Bear Sterns rồi Lehman Brothers, AIG, v.v...) sau khi hiện tượng bong bóng vị vỡ trên thị trường gia cư và địa ốc vào năm 2006 với nạn khủng hoảng tín dụng thứ cấp (sub-prime mortgage). Sự thật lại không đơn giản như vậy vì sau đấy cả năm thì mình mới biết nguyên ủy của mọi chuyện đã bắt đầu sớm hơn, từ mấy chục năm về trước.

Tháng 10 năm 2009, hai giáo sư kinh tế của Ðại Học Harvard là Kenneth Rogoff và (bà) Carmen Reinhart xuất bản cuốn sách “This Time Is Different: Eight Centuries of Financial Follies” tổng hợp công trình nghiên cứu sâu rộng của họ từ năm 2003 về sự điên rồ của 66 quốc gia trong việc chi thu để cảnh báo rằng “lần này khác hẳn.” Lần này khác hẳn vì sau ba chục năm vay mượn mà chẳng lý gì đến việc trả nợ, Hoa Kỳ bước vào một chu kỳ trả nợ với những khó khăn sẽ kéo dài trong nhiều năm. Ðộc giả nào quan tâm đến môn kinh tế nhức đầu (“một khoa học u ám”) có thể tìm đọc cuốn sách vì nó trình bày khá nhiều tiền lệ về khủng hoảng tài chánh từ 800 năm nay! (Xin cám ơn một kinh tế gia cũng cộng tác trên Người Việt về sự chỉ dẫn này).

Một cách vắn tắt thì các quốc gia kỹ nghệ hóa như Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản đi vay quá nhiều và quá lâu một cách bất cẩn vì không suy nghĩ về chuyện thanh toán nợ nần. Khi lạc quan lầm tưởng rằng vay tiền về để kinh doanh và sẽ có lời để trả nợ nhờ tài sản kinh doanh lên giá, thí dụ như cổ phiếu hay ngôi nhà của mình (hay trứng cút như nhiều người Việt ta còn nhớ) sẽ chỉ tăng giá cao hơn tiền nợ, người ta không đánh giá mức độ rủi ro cho đúng. Năm 2007 là khi tâm lý lạc quan ấy kết thúc và mọi người bắt đầu phải trả nợ. Tùy hoàn cảnh mỗi người hoặc mỗi nước lại giải quyết việc nợ nần đó một cách.

Chuyện này mới giải thích những khó khăn lưu cữu của Nhật Bản, tình trạng khủng hoảng kéo dài của khối tiền tệ thống nhất Âu Châu (khối Euro) và những bài toán kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ từ năm 2008 đến nay. Sở dĩ là bài toán vì khi tư nhân bóp bụng trả nợ và kinh tế suy sụp thì nhà nước bơm tiền vào khoảng trống đó để kích thích kinh tế, và gây thêm thiếu hụt ngân sách mà chẳng kích thích được gì. Tại sao lại như vậy?
Bài toán chi thu của “tư nhân” và “nhà nước” dẫn ta vào phương trình kinh tế sơ đẳng sau đây để phần nào thấy ra đáp số.

Tổng sản lượng nội địa

Trong một tập thể sinh hoạt trên một vùng địa dư nhất định, ví dụ như một quốc gia, hay khu vực hành chánh, người ta có thể tạo thêm của cải qua hoạt động kinh tế. Trong một khoảng thời gian thường được tính là một năm, tổng số hàng hóa và dịch vụ được tập thể này sản xuất thêm thì gọi là Tổng sản lượng gộp Nội địa, viết tắt là GDP (Gross Domestic Product). Ðấy là kết số của cả tỷ nghiệp vụ mua vào, chế biến và bán ra, ở trên vùng địa dư này. Xin hãy tạm ghi nhớ như vậy. Chữ GDP là một từ phổ biến được nhiều nơi áp dụng, theo Pháp ngữ thì đó là PIB.
Người ta có nhiều cách đo lường sức sản xuất GDP, thí dụ như từ giác độ sản xuất, lợi tức hay giác độ chi tiêu. Ðể tìm hiểu về vực thẳm ngân sách của Hoa Kỳ, xin hãy nói đến cách đo theo giác độ chi tiêu với định nghĩa khái quát sau đây cho một quốc gia. Tổng sản lượng nội địa của một quốc gia là kết số của 1) chi tiêu của dân chúng, 2) đầu tư của doanh nghiệp, 3) chi tiêu của nhà nước và 4) sai biệt của cán cân ngoại thương. Mục thứ tư, sai biệt ngoại thương là kết số của xuất nhập cảng, xuất cảng trừ nhập cảng, là số dương khi quốc gia đạt xuất siêu (xuất cao hơn nhập, bán nhiều hơn mua, và số âm khi bị nhập siêu, mua nhiều hơn bán).

Xin quý độc giả chịu khó theo dõi cái phần khô khan này thêm vài phút, để hiểu ra sự thể rất thiết thực của chính mình và gia đình.

Từ định nghĩa trên, người ta viết thành một phương trình mà mọi sinh viên kinh tế nhập môn đều phải biết - trừ các chính trị gia có dụng ý hay gian ý. Ðó là Y = C + I + G + (X-M).

Diễn lại cho dễ hiểu thì Tổng sản lượng (Y) bằng chi tiêu của công chúng (C), cộng với đầu tư của doanh nghiệp (I), cộng với chi tiêu của nhà nước (G), cộng hay trừ cán cân ngoại thương gồm có xuất cảng (X) và nhập cảng (M). Ðây là một định nghĩa kế toán, một quy luật bất di bất dịch từ mấy trăm năm nay mà xứ nào cũng áp dụng, không là một lý thuyết về kinh tế hay lý luận về chính trị.

Theo cách tính đó thì muốn gia tăng tổng sản lượng, người ta phải nâng mức tiêu thụ của tư nhân và/hoặc mức đầu tư của doanh và/hoặc số chi tiêu của nhà nước và đạt xuất siêu về ngoại thương.

Vấn đề của Hoa Kỳ là khi chi tiêu của dân chúng giảm vì phải trả nợ, thì phần chi tiêu của nhà nước đã tăng để bù đắp vào khoản thiếu hụt này. Nhưng dù có gọi là gói kích cầu hay kích thích kinh tế, phần chi tiêu của khu vực công quyền đó chỉ là một sự chuyển ngân từ G thay cho C. Nó không nâng tổng sản lượng như người ta trông đợi, nó gây thêm bội chi ngân sách và gia tăng khoản tiền lời mà nhà nước phải thanh toán khi đi vay vì bị bội chi. Và những lúng túng về chính trị lẫn chế độ kiểm soát ngặt nghèo hơn sau vụ khủng hoảng tài chánh 2008 khiến doanh nghiệp ngần ngại đầu tư, số I không tăng. Sau cùng, cán cân ngoại thương X-M bị thiếu hụt vì nhập nhiều hơn xuất cảng nên càng đánh sụt kết số Y.

Hậu quả chung là kinh tế Hoa Kỳ có mức tăng trưởng thấp, thất nghiệp cao, làm số thu về thuế khóa không đủ bù đắp cho chi tiêu công quyền. Xin nhắc lại ở đây vài con số do cơ quan nghiên cứu độc lập của Quốc Hội Hoa Kỳ về ngân sách quốc gia là CBO. Theo cơ quan CBO, ngân sách Mỹ đã lần lượt thu và chi như sau (tính bằng tỷ đô la), con số từ năm 2009 là dưới chính quyền của Tổng Thống Barack Obama:

Năm 2007: thu 2,568; chi 2,729; hụt 161
Năm 2008: thu 2,524; chi 2,983; hụt 459
Năm 2009: thu 2,105; chi 3,518; hụt 1,413
Năm 2010: thu 2,163; chi 3,456; hụt 1,297
Năm 2011: thu 2,302; chi 3,599; hụt 1,293
Năm 2012: thu 2,449; chi 3,528; hụt 1,089.

Phần trình bày đã giản lược đến tối đa ở trên vẫn có thể là khó hiểu, chúng ta sẽ thử cách khác!

Chuyện chi thu của gia đình hay quốc gia

Hãy tưởng tượng đến một gia đình hai vợ chồng có làm ăn buôn bán và kết số chi thu của họ là của cả gia đình. Hãy tạm giả định rằng bà vợ tên là P, ông chồng là G, và kết số buôn bán là T. Theo định nghĩa và phương trình vừa nói ở trên thì nếu ông chồng tiêu ra nhiều hơn số thu vào của bà vợ và kết số buôn bán của cả nhà, lợi tức của cái hộ này tất nhiên là phải sụt!

Ở cấp quốc gia, cái chân lý kế toán trên có nghĩa là Kết toán Tài sản của Tư nhân (bà vợ), cộng với Kết toán Tài sản của Nhà nước (ông chồng) và cộng với Kết toán Chi phó (chi thu với bên ngoài qua ngoại thương hay đầu tư, hoặc đi vay) phải bằng với số không.

Nói cho khó hiểu thì đấy là P + G + T = 0. Giải thích cho dễ hiểu hơn thì trong một quốc gia có ba khu vực kinh tế, là khu vực tư nhân (P), khu vực nhà nước (G) và khu vực ngoại quốc (T) gồm có cán cân xuất nhập cảng và cán cân chi phó (chữ dùng ngày nay là trương mục vãng lai, current account). Kết toán tài sản gồm các mục chi và thu, chi ra là trả nợ và thu vào là đi vay. Trong khu vực gọi là quốc tế, cán cân vãng lai hay chi phó là kết số của xuất nhập cảng và chuyển ngân, và trong mục chuyển ngân thì chi ra là trả nợ hoặc đầu tư và thu vào là đi vay.

Xin đi vào vài thí dụ minh diễn: Nếu khu vực tư nhân đạt kết số dương là 100 đồng (trả lại nợ), và khu vực nhà nước đạt kết số dương là 50 đồng (giảm chi để trả nợ) thì cả nền kinh tế tất nhiên được thặng dư 150 đồng trong việc giao dịch với bên ngoài. Nhưng nếu khu vực tư nhân chỉ đạt kết số dương là 50 đồng (thắt lưng buộc bụng để trả nợ, chuyện đã xảy ra từ 5 năm nay) mà nhà nước lại đạt kết số âm là 150 đồng (tức là gây thêm bội chi) thì kinh tế sẽ hụt 100 đồng, kết quả của 50-150.

Những chi tiết rắc rối ấy từ Tổng sản lượng đến Kết toán Chi thu chỉ phản ảnh một thực tế kinh tế và kế toán sau đây: Hoa Kỳ chỉ có hai trong ba giải pháp thoát hiểm mà thôi.

Một là bị nhập siêu và phải nhập cảng tư bản tức là đi vay giới đầu tư quốc tế và mất dần ảnh hưởng trên thế giới. Hai là phải giảm dần mức bội chi ngân sách quốc gia hiện nay và ba là giảm bớt gánh nợ của tư nhân. Chứ không còn giải pháp nào khác. Có hạ lãi suất đến sàn rồi in bạc ra để trả nợ, như Ngân Hàng Trung Ương đã làm từ năm 2008 và đang tính toán chuyện ấy trong kỳ họp tuần này, thì cũng khó thay đổi được vấn đề, mà còn làm đồng bạc mất giá, lạm phát bùng nổ, tiền lời trả nợ sẽ tăng. Chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Mỹ ý thức được chuyện ấy và ông là tác giả của chữ “Fiscal Cliff” khi cảnh báo giới chính trị từ đầu năm nay.

Thành thử ở vòng ngoài của cuộc tranh luận là nên giảm chi hay tăng thuế, còn một vấn đề khác ít được thời sự nhắc đến, là cán cân ngoại thương, là quan hệ giao dịch buôn bán với quốc tế.

Nếu quốc gia nào cũng nghĩ đến việc xuất cảng tối đa và nhập cảng tối thiểu để đạt xuất siêu (kết số X-M) và lấy tiền trả nợ, là hoàn cảnh chung của Hoa Kỳ, Âu Châu, Nhật Bản và cả Trung Quốc, thì thế giới sẽ lâm vào một trận chiến ngoại thương vì phản ứng bảo hộ mậu dịch (protectionism). Ðó là chuyện sẽ trở thành thời sự trong năm 2013.

Nghĩa là ra khỏi vực thẳm ngân sách, Hoa Kỳ còn gặp chiến hào ngoại thương và trận đánh kinh tế có ảnh hưởng đến an ninh, hoặc giá dầu thô tại Trung Ðông khí đốt tại Nga chẳng hạn....

Kết luận ở đây là gì?

Dù chuyện kinh tế có phức tạp và u ám, người ta vẫn có thể hiểu ra một số quy luật căn bản, là đã có vay thì sẽ có ngày phải trả và mình nên tính toán về quyết định vay trả ấy, hơn là để cho ai khác cái quyền này. Nền dân chủ có thể tiêu vong nếu người dân để cho nhà nước cái quyền đi vay để hối lộ chính người dân. Nạn bội chi hiện nay là một biểu hiệu của hiện tượng đó.

Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, quyết định kinh tế hay ngân sách của Hoa Kỳ có ảnh hưởng đến các thị trường quốc tế và ngược lại, thị trường thế giới cũng chi phối các quyết định kinh tế hay chính trị của nước Mỹ.
Sinh hoạt kinh tế của một quốc gia là chuyện rắc rối phức tạp, nhưng nếu cho rằng đấy là chuyện khó hiểu mà bỏ qua thì mình sẽ nhường cho các chính trị gia cái quyền quyết định về kinh tế. Với hậu quả là mình sẽ là nạn nhân, hoặc con cháu sau này sẽ phải trả nợ.

Sau cùng, làm người dân của một nước dân chủ quả thật là mệt! Không muốn mệt mà nhường quyền suy nghĩ và quyết định cho ai khác thì ta có thể gặp nạn độc tài.







No comments:

Post a Comment

View My Stats