Tuesday 4 December 2012

LIÊN HIỆP QUỐC MỞ CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI VỀ NHÂN QUYỀN (Việt Hà - RFA)




Việt Hà, phóng viên RFA
2012-11-29

Văn phòng cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc mới đây thông báo sẽ thực hiện một loạt các cuộc hội thoại trực tuyến trên Google plus nhân ngày quốc tế nhân quyền 10 tháng 12 sắp tới.

Bà Navi Pillay, người đứng đầu văn phòng cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc . AFP photo

Việt Hà phỏng vấn bà Esther Lam, phụ trách truyền thông xã hội thuộc văn phòng cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Chủ đề hội thoại

Việt Hà: Thưa bà, trước hết xin bà cho biết về nội dung chương trình hội thoại trực tiếp trên Google Plus mà Văn phòng Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thực hiện trong thời gian tới?

Esther Lam: Xin cảm ơn quý vị đã quan tâm đến chương trình hội thoại trực tiếp Google Plus của chúng tôi. Hoạt động này là một phần trong chiến dịch truyền thông của chúng tôi về nhân quyền trong năm nay. Mục đích là để thu hút tiếng nói của mọi người về vấn đề này. Chúng tôi nghĩ là những diễn đàn như thế này với sự tham gia của nhiều người sẽ làm cho tiếng nói của mọi người được chú ý hơn và quan trọng hơn trong một loạt các vấn đề về nhân quyền.
Đó là lý do vì sao chúng tôi chọn hoạt động kết nối trên Google plus với 4 chủ đề chính. Thứ nhất là về ảnh hưởng của doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh lên nhân quyền ở nhiều vùng trên thế giới. Diễn đàn này sẽ diễn ra vào tháng 12 tới. Chủ đề thứ hai là vào ngày 30 tháng 11 với sự tham gia của các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, những nhà lập pháp tại châu Âu, và những nhà hoạt động xã hội, bao gồm cả đại diện từ Việt Nam để bàn về quyền của người khuyết tật. Hội thoại này sẽ diễn ra vào lúc 3 giờ chiều giờ Trung Âu. Hội thoại trực tuyến tiếp theo là về sự tham gia của những người thiểu số.
Chúng tôi nghĩ là những diễn đàn như thế này với sự tham gia của nhiều người sẽ làm cho tiếng nói của mọi người được chú ý hơn và quan trọng hơn trong một loạt các vấn đề về nhân quyền.
Esther Lam
Chúng tôi muốn nói đến những nhóm dân tộc thiểu số và nhóm tôn giáo không chiếm số đông. Buổi gặp này sẽ có sự tham gia của chuyên gia Liên Hiệp Quốc và đại diện từ các nhóm thiểu số. Hoat động này diễn ra vào ngày 4 tháng 12 tới. Các hội thoại trực tuyến này là những cuộc nói chuyện rộng rãi qua video trên Google và mọi người có thể nói chuyện trực tiếp với nhau.
Cuối cùng, hội thoại nổi bật nhất sẽ được chủ trì bởi người đứng đầu văn phòng cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc là bà Navi Pillay vào ngày 10 tháng 12, vào lúc 3 giờ 30 chiều giờ Trung Âu, chủ đề là về quyền tham gia vào cuộc sống cộng đồng.

Quảng bá và bảo vệ nhân quyền

OHCHR giới thiệu cuộc hội thoại trực tuyến trên Google plus nhân ngày quốc tế nhân quyền 10 tháng 12

Việt Hà: Theo bà thì việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội thế này có thể giúp gì cho việc đề cao việc bảo vệ nhân quyền trên thế giới, đặc biệt là tại các nước nơi nhân quyền còn bị vi phạm nghiêm trọng?

Esther Lam: Đây là một câu hỏi thú vị. Việc sử dụng các công cụ truyền thông xã hội là bổ sung cho các nỗ lực thường xuyên của chúng tôi về nhân quyền, ví dụ như phối hợp với các hãng truyền thông, làm việc với các tổ chức xã hội dân sự, và với các chính phủ và các đối tác để đảm bảo quyền con người.
Thực tế thì Văn phòng cao ủy nhân quyền LHQ chỉ mới bắt đầu các hoạt động truyền thông xã hội vào tháng 4 năm ngoái. Chúng tôi có trang facebook gọi là UN Human Rights, chúng tôi hiện có khoảng 38,000 người theo. Chúng tôi cũng có twitter. Chúng tôi sử dụng twitter để đưa thông tin đến với đông đảo mọi người, và để lắng nghe những gì họ nói, để tiếp nhận những thông tin mà họ chia sẻ. Chúng tôi cũng trả lời các câu hỏi của họ. Chúng tôi hiện có khoảng 35,000 người theo. Bây giờ chúng tôi có Google plus.
Đây là các công cụ giúp chúng tôi tiếp cận được với đông đảo công chúng hơn. Tôi có thể thấy là có rất đông người theo chúng tôi từ châu Á, nhóm tuổi chiếm số đông là từ 25 đến 34 tuổi. Chúng tôi có nhiều hoạt động kết nối với họ. Cho nên đây là phần bổ sung cho các nỗ lực mà chúng tôi đã thực hiện với các đối tác của mình để quảng bá và bảo vệ nhân quyền.

Việt Hà: Tại nhiều nơi trên thế giới, ví dụ như Việt Nam hay Trung Quốc, việc tiếp cận với các phương tiện truyền thông xã hội trên internet để nói về các vấn đề nhân quyền của người dân còn bị hạn chế, vậy Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc làm cách nào để thu hút được sự tham gia của người dân tại các vùng như vậy trên thế giới vào các hội thoại của mình nhằm đảm bảo tính hiệu quả cho chiến dịch truyền thông xã hội về nhân quyền này?

Esther Lam: Thực tế thì Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã nói nhiều lần là luật quốc tế về quyền con người bảo vệ quyền bày tỏ ý kiến của người dân, bao gồm cả quyền bày tỏ ý kiến trên các diễn đàn internet, và đó là điều mà văn phòng chúng tôi luôn kêu gọi. Thực tế cho thấy truyền thông xã hội là một cách khác để cho mọi người bày tỏ ý kiến của mình như trong chủ đề của chúng tôi năm nay là để tiếng nói của họ được mọi người nghe và mọi người được tham gia nhiều hơn vào cuộc sống cộng đồng. Chúng tôi làm những gì có thể và hy vọng là bằng cách đưa ra nhiều diễn đàn và cách thức khác nhau, chúng tôi sẽ làm tăng cơ hội cho mọi người được tham gia nhiều hơn vào cuộc sống cộng đồng và bày tỏ ý kiến của mình.

Việt Hà: Thưa bà, với những thông tin mà Văn phòng thu thập được từ các phương tiện truyền thông xã hội ví dụ như diễn đàn Google plus, văn phòng có dự định kế hoạch gì trong tương lai để tiếp tục việc quảng bá vấn đề nhân quyền trên toàn thế giới?

Esther Lam: Hiện chúng tôi đang trong chiến dịch truyền thông xã hội để chuẩn bị cho ngày quốc tế nhân quyền 10 tháng 12 hàng năm. Vào năm tới chúng tôi kỷ niệm 20 năm thành lập văn phòng, và chúng tôi cũng đang chuẩn bị một chiến dịch truyền thông xã hội khác mà chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng trên cơ sở sự trợ giúp và những ý kiến đóng góp để có thể tiếp tục các nỗ lực của mình sắp tới cho vấn đề nhân quyền.

Việt Hà: Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.






No comments:

Post a Comment

View My Stats