Tuesday 4 December 2012

LÀM SAO HỌC SỰ PHẢN KHÁNG BẤT BẠO ĐỘNG NHƯ MARTIN LUTHER KING ? (Mary Elizabeth King)




Mary Elizabeth King 
15 January 2012


3-12-2012

LGT. Ngày 15 tháng Giêng hàng năm đã được Quốc hội Mỹ chọn là lễ toàn quốc để tưởng niệm và vinh danh Mục sư (MS) Martin Luther King; tổng thống Reagan đã ký ban hành đạo luật này năm 1983. Bài viết dưới đây được Giáo sư Mary Elizabeth King viết nhân dịp lễ tưởng niệm Mục sư King năm 2012. Giáo sư Mary King (không có quan hệ họ hàng với MS King), tác giả bài viết này đã từng hoạt động chung với MS King trong giai đoạn đấu tranh cho dân quyền của người dân Mỹ nói chung và người dân Mỹ da đen nói riêng trong thập niên 1960. Giáo sư Mary King hiện đang dạy môn học Nghiên cứu về Xung đột và Hòa bình của Học viện Rothermere American Institute Fellow thuộc viện Đại học Oxford, Anh quốc.

***

Ta học sự phản kháng bất bạo động như thế nào? Theo cách mà Martin Luther King Jr. đã học, bằng nghiên cứu, đọc sách báo, và hỏi những người từng trải trong lãnh vực này. King được công nhận là nhân vật có công nhất trong việc thúc đẩy và quảng bá tư tưởng của Gandhi vào Hoa Kỳ, bằng cách thuyết phục những người Mỹ da đen tiếp thu và điều chỉnh những chiến lược của Ấn Độ chống lại chủ nghĩa đế quốc Anh cho phù hợp với công cuộc đấu tranh riêng của họ. Nhưng ông cũng chưa phải là người đầu tiên đưa những kiến thức về đấu tranh bất bạo động từ phần tiểu lục địa này vào Hoa Kỳ.Vào những thập niên 1930 and 1940, một loạt những nhà lãnh đạo có tiếng tăm người Mỹ da đen đã du lịch qua Ấn Độ hoặc bằng tàu thủy hoặc bằng máy bay cánh quạt. Nào là viện trưởng đại học, giáo sư, mục sư và phóng viên đã du hành qua Ấn Độ để gặp Gandhi[1] và học cách thức kết hợp công cuộc đấu tranh quần chúng với những phương tiện bất bạo động. Trở lại Hoa Kỳ, họ viết bài đăng báo, truyền giảng trong nhà thờ, thuyết trình trong đại học và quảng bá từ người này qua người kia những tài liệu thiết yếu cho các nhà lãnh đạo da đen khác nghiên cứu. Sử gia Sudarshan Kapur đã chứng minh rằng những tư tưởng của Gandhi đã chuyển tiếp ào ạt từ Ấn Độ qua Hoa Kỳ trong thời gian đó, và giới truyền thông người Mỹ gốc Phi châu đã tường thuật cuộc đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ. Những người lãnh đạo trong cộng đồng người da đen đã nói về một “ông Gandhi da đen” của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Một phụ nữ đã gọi chuyện đó là “đào tạo một đấng tiên tri”, mà Kapur đã dùng làm nhan đề cho một cuốn sách của ông.

Khi còn là sinh viên ở chủng viện Crozer Theological Seminary tại Chester, tiểu bang Pennsylvania, King đã bị tư tưởng của Thoreau[2] và Gandhi hấp dẫn, mặc dù chưa thực sự nghiên cứu kỹ về Gandhi. Một người bạn tên J. Pius Barbour, nhớ lại chàng giáo sinh trẻ tên King đã biện luận để ủng hộ cho phương pháp của Gandhi bằng số học, chứ chưa biết dựa trên nguyên lý của đấu tranh bất bạo động; đó là, bất kỳ thiểu số nào, nếu thiên về chính sách bạo động cũng sẽ bị phe đa số đàn áp bằng số đông.

Mặc dù vậy, càng đọc nhiều về Gandhi, King càng tin hơn vào giá trị của triết lý đặt trên “Lòng Yêu Thương;” một triết lý căn bản của King trong quá trình học tập để trở thành mục sư Tin Lành của mình. Sau này ông viết, “Càng nghiên cứu kỹ về triết lý của Gandhi, sự nghi ngờ mà tôi vẫn hằng có về năng lực của Lòng Yêu Thương dần dần suy giảm, và đó là lần đầu tiên tôi nhận thức được khả năng của nó trong việc cải tổ xã hội.” Không lâu sau khi King trở thành mục sư tại nhà thờ Baptist tại đường Dexter, thành phố Montgomery, vào tháng 4 năm 1954, ông bắt đầu nghiên cứu nghiêm chỉnh về những phương thức cơ bản để tổ chức một phong trào đấu tranh bất bạo động.

Khi bà Rosa Parks bị bắt giam vì từ chối nhường chiếc ghế của bà trên chiếc xe buýt công cộng cho một người đàn ông da trắng vào ngày 1 tháng 12, năm 1955, JoAnn Robinson, một người lãnh đạo trong “Ủy Ban Chính Trị Phụ Nữ” đã làm việc suốt đêm để tổ chức một cuộc hành động quần chúng gọi là bất hợp tác kinh tế. King đã được nhất trí bầu lên để lãnh đạo Hiệp hội Cải thiện Montgomery, nhằm duy trì việc tẩy chay đi xe buýt trong thành phố.[3]
Khi phong trào tẩy chay ở Montgomery bắt đầu, nhiều nhà hoạt động xã hội, những người chủ trương hòa giải hòa hợp và cải cách, những tín hữu Tin Lành cấp tiến, và những người theo chủ nghĩa xã hội đã đến thành phố này. Phấn khởi vì sự lãnh đạo của King, họ tin là ông có thể đẩy cuộc đấu tranh cho công lý này đến một mức độ chưa từng thấy ở Hoa Kỳ từ thời giải phóng nô lệ. Trong số đó là Bayard Rustin, 44 tuổi, lớn hơn King 17 tuổi, là người đã giúp King phát triển cuộc tẩy chay ở Montgomery này thành một chiến dịch trưởng thành hơn. Liên Đoàn Những Người Phản Chiến[4] đã cho phép Rustin làm việc toàn thời gian với King trong công tác này.

Cộng đồng người da đen ở Montgomery, cũng như những nơi khác ở miền Nam nước Mỹ, được trang bị vũ khí, và một nỗi lo lắng đã bao trùm toàn thể cộng đồng người da đen là cuộc đấu tranh này có thể trở thành bạo động. Rustin lo ngại là chính ông King sẽ bị dao động nếu không có một nền tảng vững chắc và niềm tin sâu xa hơn để dựa vào. Ban đêm Rustin đem thêm sách đến cho King đọc và giúp King phân tích tư tưởng của Gandhi; [có thể nói,] Rustin là người thầy đầu tiên giảng giải cho King về những yếu tố quan yếu của sự đấu tranh bất bạo động một cách có hệ thống.

Chiến dịch tẩy chay đạt được thắng lợi-qua phán quyết của Tối Cao Pháp Viện ngày 13 tháng 11, năm 1956, là luật địa phương tách biệt chỗ ngồi trên xe buýt là vi hiến-đã nâng cao hy vọng cho việc bãi bỏ những chuyện phân biệt đối xử khác ở miền Nam. Có thể nói, phong trào dân quyền ở Hoa Kỳ thập niên 1960, dựa trên những hành động bất bạo động theo chiến lược của Gandhi, đã phần nào đạt được kết quả từ sự thành công của sự đoàn kết hiếm có của cộng đồng người da đen ở thành phố Montgomery của tiểu bang Alabama. King nói rằng, “Trong khi cuộc tẩy chay ở Montgomery đang tiếp diễn, Gandhi đã là ngọn đèn hướng dẫn cho chúng tôi những phương pháp thay đổi xã hội một cách bất bạo động.”

Vào tháng 2 năm 1957, ở trường Oberlin College tiểu bang Ohio, King gặp một mục sư da đen thuộc hệ phái Methodist, tên là James M. Lawson, Jr. Lawson đã bị giam trong nhà tù Liên Bang mười ba tháng, vì đã từ chối không đi quân dịch trong thời gian Chiến Tranh Triều Tiên. Trong khi còn bị giam, hội đồng truyền giáo của nhà thờ Methodist đã vận động thành công trong việc yêu cầu tòa án giao Lawson lại cho họ. Ông này được giao nhiệm vụ dạy ở Hoslop College bên Nagpur, Ấn Độ. Lawson qua đó sau khi Gandhi qua đời đã được bốn năm, và ở đó dạy học trong ba năm. Lawson đã gặp rất nhiều người từng làm việc với Gandhi và trực tiếp học hỏi về cuộc vận động bên Ấn Độ từ những người tham gia. Tiểu sử và kinh nghiệm của Lawson đã gây ấn tượng đặc biệt cho King, nhất là khi cả hai bằng tuổi nhau, chỉ mới 28 tuổi đời. King mời Lawson đi về miền Nam mà không cần đợi học xong: “Xuống đây ngay! Rất cần bạn. Chúng tôi không có ai như bạn cả!” Như tôi (Mary King, tác giả bài viết này) đã dẫn chứng trong một số bài viết khác, Lawson đã trở thành một nhịp cầu sống, nối kết những kiến thức từ Ấn Độ tới phong trào nhân quyền còn non nớt ở Hoa Kỳ và các công cuộc đấu tranh đương thời.

Sau khi gặp King vào năm 1957, Lawson liênlạc với A. J. Muste, một tín đồ Tin Lành lỗi lạc theo phái hòa giải, lúc đó là người lãnh đạo Hội Ái hữu Hòa giải (Fellowship of Reconcilation- FOR). Muste giao cho Lawson chức vụ thư ký phân cục miền Nam của tổ chức FOR, và vào tháng giêng năm 1958, Lawson đã về ở tại Nashville. Khi tới nơi, Lawson được biết là Mục sư Glenn Smiley, một trong những bậc thầy hướng dẫn cho King và đồng thời là một giám đốc phân cục của FOR đã giao cho mình trọn trách hiệm hướng dẫn các buổi học tập và của cả phiên họp thường niên đầu tiên của Hội đồng Lãnh đạo Cơ đốc Miền Nam (Southern Christian Leadership Conference-SCLC) ở Columbia, tiểu bang South Carolina. Phiên họp này được tổ chức sớm ngay đầu năm đó. Tại phiên họp đó, King đã nhiệt liệt giới thiệu Lawson: “Hãy trở lại đây đúng hai giờ trưa để dự buổi học tập về đề tài bất bạo động do Sư huynh Lawson hướng dẫn.” Trước khi buổi học tập bắt đầu, King đã có mặt ở hàng ghế đầu, kiên nhẫn chờ đợi để tham dự cuộc hội thảo kéo dài ba giờ đồng hồ. Lawson hồi tưởng lại, trong một cuộc phỏng vấn với tôi như sau:
Martin làm điều đó trong tất cả mọi phiên họp của SCLC, trong cuộc đời ông. Ông mời tôi hướng dẫn một buổi hội thảo vào buổi chiều, thường kéo dài hai ba giờ đồng hồ, và ông thường sắp xếp để buổi hội thảo đó được mở rộng cho mọi người có thể tham dự và không bị chương trình gì khác xen vào cả. Tự tay ông sắp đặt chương trình. Ông có mặt vài phút trước khi bắt đầu, và ngồi một mình ở hàng ghế đầu, để làm gương cho những người khác.

Ở Nashville, trong suốt mùa Thu 1959, Lawson đã hướng dẫn những cuộc hội họp hàng tuần mỗi chiều thứ hai, và nơi đó, ông và những sinh viên quan tâm đến vấn đề này đã phân tích những lý thuyết và kỹ thuật mà ông đã học được bên Ấn Độ. Trong những phiên họp này ông đã tỉ mỉ nghiên cứu Kinh Thánh, và những bài viết của Gandhi, King và Thoreau. Họ đã thực tập những tình huống thử nghiệm, kể cả những cuộc “biểu tình ngồi” nho nhỏ. Những buổi học tập của Lawson kéo dài nhiều tháng cho đến khi có tin tức trên báo chí đăng tải về những cuộc “biểu tình ngồi” ở Greensboro vào ngày 1 tháng Hai năm 1960. Nghe tin về những hành động ở Greensboro, bảy mươi lăm sinh viên Nashville đã làm theo, gây ra những cuộc vận động “biểu tình ngồi” lớn nhất, có tổ chức nhất và ảnh hưởng nhất trong năm 1960. Qua quá trình làm việc với Lawson, một người luôn luôn điềm tĩnh và khiêm tốn, những sinh viên Nashville này đã, không những được một trong những huấn luyện viên riêng của King truyền dạy, mà còn có lợi điểm khác là được thực tập ngay những cuộc thí nghiệm của Gandhi. Những cuộc “biểu tình ngồi” đã thúc đẩy phong trào đến mức độ cao và những sinh viên Nashville đã trở thành cán bộ cốt cán của Ủy Ban Tổ Chức Bất Bạo Động của Sinh Viên, mà tôi là một thành viên.

Kỷ niệm ngày sinh của Tiến sĩ King, điểm đáng nhớ là mọi người đều có thể học hỏi những phương pháp hành động bất bạo động như ông đã làm. King có thể không phải là người phát minh ra những sách lược bất bạo động mà ông đã xiển dương, nhưng ông là một học viên sáng dạ và kiến thức của ông về đấu tranh bất bạo động còn có thể khuyến khích những phong trào tương tự khác trên thế giới trong những thập niên tới đây. Là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử, King là người đã truyền bá kiến thức về tiềm năng của phương thức cải cách và xây dựng xã hội mà không cần dùng đến bạo lực. Cách thức mà King đã áp dụng để tự học về lý thuyết cũng như thực hành phương thức phản kháng dân sự là điều nhắc nhở chúng ta rằng những phương pháp này không phải chỉ đơn thuần là những hành động của trực giác hay tự phát, mà là một hệ thống gồm có luận lý, kỹ năng và kỹ thuật mà những người thực hành cần được học tập nghiêm chỉnh.

© Học Viện Công Dân 2012

------------------------------

[1] Mohandas Gandhi (1869-1948), được xem là cha già dân tộc của Ấn Độ và là người đề xướng thuyết đấu tranh bất bạo động nhằm đạt những mục tiêu chính trị và cải tạo xã hội. Bằng phương pháp đấu tranh bất bạo động, Gandhi đã giành được độc lập cho Ấn Độ từ sự cai trị của Đế quốc Anh. Gandhi còn được gọi là Mahatma (thánh), một tước hiệu cao quý của Ấn Độ. Gandhi bị ám sát ngày 30 tháng Giêng, 1948 bởi một người Ấn giáo quá khích vì cho là Gandhi có khuynh hướng thiên vị Hồi giáo.

[2] Henry David Thoreau (1817-1862), văn hào Mỹ, chủ trương con người nên quay về với thiên nhiên. Thoreau cũng là một trong những người phản đối chế độ nô lệ tại Mỹ.

[3] Trên nguyên tắc, khi tổng thống Lincoln ban hành nghị định và Tuyên cáo Hủy bỏ Chế độ Nô lệ năm 1863, chế độ nô lệ tại Mỹ đã chấm dứt, nhưng tại các tiểu bang miền nam vẫn còn những luật lệ, do tiểu bang ban hành, duy trì sự phân biệt chủng tộc. Một trong những luật này là người da đen không được sử dụng những dịch vụ công cộng dành cho người da trắng, như tại nhà hàng ăn, ngay cả vòi nước uống công cộng cũng có bảng phân biệt rõ ràng. Riêng trên xe buýt thì người da đen phải ngồi ở những băng ghế dành cho họ ở phía sau xe, những băng phía trước dành cho người da trắng. Cuộc tẩy chay xe buýt tại Montgomery nổ ra khi người da đen đồng lòng không sử dụng phương tiện di chuyển này nữa, khiến cho hãng xe buýt bị thiệt hại tài chánh nặng nề, và chính quyền phải nhượng bộ những yêu cầu của người da đen về tự do và bình đẳng về dân quyền. Cuộc tẩy chay xe buýt là sự kiện đầu tiên trong cuộc đấu tranh bất bạo động cho dân quyền của người Mỹ da đen, kéo dài cho tới năm 1964 mới hoàn thành bằng Đạo luật Dân quyền, và kết thúc bằng Đạo luật Quyền Bầu cử (1965).

[4] Liên Đoàn Những người Phản Chiến (War Resisters League) được thành lập từ năm 1923 gồm những người Mỹ phản đối chiến tranh tại quốc nội cũng như quốc ngoại. Chủ trương của Liên Đoàn là hợp tác và đoàn kết những người bị đàn áp trên toàn thế giới qua phương pháp đấu tranh bất bạo động.




No comments:

Post a Comment

View My Stats