Friday, 28 December 2012

LẠI CÓ VÀI LỜI VỚI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ VỊNH (Minh Diện)




Minh Diện
Thứ sáu, ngày 28 tháng mười hai năm 2012

Tôi đọc bài viết mới nhất của Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh trên trang Blog Anh Ba Sàm. Đọc đi đọc lại, tôi tự hỏi: Vô tình hay hữu ý, mà bài viết của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh ra mắt bạn đọc chỉ vài ngày sau bài giảng của Phó giáo sư, tiến sỹ nhà giáo ưu tú Trần Đăng Thanh cho cán bộ đảng, đoàn các trường đại học Hà Nội?

Không ai đi so sánh mớ kiến thức chắp vá tạp nham của một đại tá với sự uyên thâm của một thượng tướng con nhà nòi, nhưng quả thực tôi có cảm giác bài viết của ông Nguyễn Chí Vịnh lần này như cô đọng bài giảng của Trần Đăng Thanh; hoặc ngược lại, bài giảng của Trần Đăng Thanh phát triển một cách thô thiển ý tứ của Nguyễn Chí Vịnh.

Dù bài viết lòng vỏng, hay dùng xảo thuật đảo ngược các mệnh đề, nhưng có thể tóm tắt nội dung cốt lõi bài viết của tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng như bài giảng của Trần Đăng Thanh bằng mấy dòng: Phải tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo đảng, giữ vũng ổn định chính trị, giải quyết tranh chấp biển Đông theo đường lối đảng đã vạch sẵn là hợp tác toàn diện với Trung Quốc trên tinh thần 16 chữ vàng và 4 tốt.

Vẫn một văn phong sắc sảo, vẫn một phong thái toát ra uy quyền, vẫn gương mặt đăm chiêu với đôi mắt nhìn có chiều sâu sau cặp kính, vừa như giữ kín điều gì, vừa như xoáy vào người đối diện, hòa hợp với vẻ trầm ngâm như đang vuốt nhọn những ý nghĩ sắp đặt trong đầu không dễ lộ ra theo “ngón nghề” của một nhà tình báo, nhưng hình như Nguyễn Chí Vịnh không còn giữ được những bí mật mà người ta gọi ông là “con người trong bóng tối”.
Mấy năm trước Nguyễn Chí Vịnh phát biểu khá thận trọng, được lóng người, biết im lặng đúng lúc, tránh né một cách ranh mãnh những câu hỏi lắt léo của giới báo chí, và đưa ra những câu nói ngắn gọn giàu hình tượng và biểu cảm như: “ Việt Nam có tất cả để bảo vệ mình!” (*), “ Bất cứ bên nào leo thang tranh chấp chúng tôi không chỉ đứng nhìn!”, “Việt Nam biết làm thế nào để chiến đấu và giành chiến thắng!”. Đặc biệt là lời tuyên bố xúc động như một lời thề về trách nhiệm của mình đối với chủ quyền đất nươc: “ Chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, và không thể đánh đổi. Đất đai, sông núi, biển đảo Việt Nam không chỉ là sở hữu của hơn 80 người triệu dân ngày hôm nay, mà quan trọng hơn, bờ cõi ấy đã được cha ông ta hàng ngàn năm qua gìn giữ để lại. Bờ cõi này cũng là sở hữu của các thế hệ người Việt Nam mai sau, là không gian sinh tồn của con cháu chúng ta. Không ai được phép nhân nhượng một tấc trên đất, trên trời, trên biển của Tổ Quốc!”.

Những lời đanh thép ấy đủ để mọi người tin một vị tướng có tâm thức với nước với dân. Có tờ báo nước ngoài đã nhận xét: “Nếu Nguyễn Chí Vịnh là một cò mồi của Trung Quốc thỉ quả thật ông ta ẩn nấp quá tài tình !?”. Không biết có phải để thanh minh không, nhưng có lần Nguyễn Chí Vịnh đã nói: “Cây ngay không sợ chết đứng!”.

Một cái cây ngay hay cong trong bóng tối khó phát hiện, nhưng khi ánh sáng rọi vào thì đôi mắt trẻ thơ cũng có thề nhận biết. Nguyễn Chí Vịnh là “cây ngay” hay “cây cong” có lẽ bây giờ mọi người cũng nhìn thấy qua cách ông thể hiện về vấn đề biển Đông và mối quan hệ với Trung Quốc.

Đảng cộng sản Trung Quốc đã bộc lộ rõ tham vọng bành trướng biển Đông, quyết dùng bạo lực của nước lớn để tranh chấp và chiếm đoạt. Không chỉ các nước trong khu vực và trên thế giới quan ngại và lên án điều đó, mà người Trung Quốc cũng lên tiếng vạch trần thủ đoạn Trung Nam Hải. Tô Hạo, một học giả hàng đầu của Trung Quốc viết trên tờ China Daily: “ Đối với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc là một đối tác cần cảnh giác. Trung Quốc tăng cường quân sự, tính dân tộc ngày càng tăng, tăng cường đe dọa bằng vũ lưc. Tiếng nói diều hâu cực đoan kêu gọi dùng vũ lực ngày càng mạnh!” .

Tô Hạo nhận định: “Chiến lược xoay chiều của Mỹ tới Châu Á giúp các nước Đông Nam Á dịu bớt nỗi lo ngại về Trung Quốc!”.

Trong khí đó Nguyễn Chí Vịnh tung hỏa mù che lấp cho Trung Quốc. Nguyễn Chí Vịnh nói: “Một nguyên nhân khác, thực tế không nằm trên biển mà ở trên đất liền, những nước không ở gần biển Đông, thậm chí ở tận châu Âu, châu Mỹ cũng bàn về vấn đề biển Đông khiến dư luận quan tâm!”.

Chính người Trung Quốc thừa nhận Trung Quốc lả nguyên gây căng thẳng biển Đông. Trung Nam Hải đang bối rối, thì Nguyễn Chí Vịnh nhanh chóng thanh minh cho Trung Nam Hải. Ông đổ lỗi cho các nước châu Âu, châu Mỹ nhúng mũi vào Đông Nam Á, làm biển Đông căng thẳng chứ không phải do Trung Quốc? Không hiểu vì cái cái gì, vì ai mà Nguyễn Chí Vịnh bênh Trung Quốc hơn cả người Trung Quốc như vậy?

Là một nhà quân sự chả nhẽ Nguyễn Chí Vịnh không biết Trung Quốc tuyên bố tăng cường sức mạnh quân sự trên biển Đông, tập bắn đạn thật ở Trường Sa, thiết lập căn cứ đầu đạn hạt nhân thứ hai ở Quảng Châu, vạch đường lưỡi bò chiếm 80% diện tích biển Đông, xây dựng hàng không mẫu hạm, đưa tàu bám riết bãi can Scarborough của Philipin, chiếm Hoàng Sa của Việt Nam và vừa bỏ 1,6 tỷ USD xây dựng cái gọi là “thành phố Tam Sa” cũng trên lãnh thổ Việt Nam ?

Cái chính sách “Thao túng dương hội” của Đặng Tiểu Bình đâu phải kín đáo gì mà che mắt được thiên hạ?

Không ai dám nghĩ Nguyễn Chí Vinh không biết! Nói với một nhà tính báo quân sự như ông về chuyện đó khác gì múa rừu trước mắt thợ! Nhưng Nguyễn Chí Vịnh lại lờ đi và hướng sự chú ý của mọi người sang châu Âu, châu Mỹ, quả thực khó hiểu.

Nguyễn Chí Vịnh nhắc đi nhắc lại là biển Đông không phài của riêng ai, rồi nhấn mạnh “Dù mỗi nước có chủ quyền riêng bất khả xâm phạm, song biển Đông không của riêng ai, và những lợi ích của biển cần được chia sẻ”. Sự chia sẻ này là ngầm ủng hộ “chiến lược 3 bước lấn tới của Trung Quốc: 1- Gây tranh chấp – 2- Gác tranh chấp cùng khai thác – 3 - Chiếm luôn. Nhân nhượng chia sẻ lợi ích như vậy khác nào mở lối cho “sói gửi chân”? Chưa bao giờ tôi thấy Nguyễn Chí Vịnh ấp úng luẩn quẩn về một khái niệm tưởng chừng rất đơn giản như vậy. Ông cố lảng tránh cái đường lưỡi bò Trung Quốc liếm vảo tận thềm luc địa Việt Nam, và Trung Quốc gọi thầu 9 lô dầu khí ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chứ gỉ?

Tôi còn nhớ, đầu tháng 6 năm nay, trả lời phóng vấn của báo Thanh Niên, ông nói rất mạch lạc và kiên quyết: “Cách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, giữa các bên liên quan, công khai minh bạch trong môi trường khu vực và quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982 và DOC, đã được nhiều nước thừa nhận và ủng hộ. Nói tuân thủ UNCLOS 1982, trước hết phải tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý”. Vậy mà trong bài viết mới đây trên báo QĐND, ông lại viết là “lợi ích của biển cần được chia sẻ”. Vậy là sẽ chấp thuận bước lấn tới thứ 2 của Trung Quốc trong thủ đoạn ‘sói gửi chân” trong chiễn lược “xâm lược mem”: Gác tranh chấp cùng khai thác? Biển đảo, mỏ dầu thuộc vũng lãnh hải, chủ quyền của Việt Nam, ông lại đem lợi ích “chia sẻ” với ai?

Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, với niềm tin chính trị, với tinh thần hữu nghị truyền thống , tôn trọng lẫn nhau, công khai minh bạch, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tìm ra biện pháp phù hợp giải quyết vấn đề biển Đông trên tình đồng chí. Nguyễn Chí Vịnh nói: “Vấn để biển Đông được xử lý thỏa đáng để không ảnh hưởng đến đại cục!”. Câu này vốn phát ra từ cửa miệng của Thượng tưỡng Mã Hiểu Thiên, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân GPND Trung Quốc, nay lại trở thành khẩu khí của tướng Vịnh. Chưa có ai trên thế giới hiểu được đúng nghĩa ‘đại cục” do các vị nhắc đi nhắc lại nó là cái gì?


Không biết căn cứ vào đâu Nguyễn Chí Vịnh nói Trung Quốc có truyền thống hữu nghị với Việt Nam? Phải chăng truyền thống đó có từ gần 2.000 năm trước công nguyên, giặc Ân (nhà Thương) kéo quân sang xâm lược Việt Nam? Phải chăng năm 43 sau công nguyên Mã Viện đã mang quân sang dẹp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trung? Phải chăng gần một ngản năm Bắc thuộc với hàng chục lần Trung Quốc mang quân xâm lược nước ta? Ông muốn tẩy xóa những bộ mặt Thoát Hoan, Toa Đô, Tôn Sỹ Nghị ư? Lịch sử Việt Nam đã từng bắt bọn xâm lược phương Bắc chui ống đồng, ôm đầu máu quay về. Ông cha ta đã khắc vào vách đá: Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn Quan! Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn” - nghĩa là: "Ải cửa Quỷ, Ải cửa Quỷ! (nếu các người sang xâm lược Việt Nam thì) mười người đi chỉ có một người về”. Trong quà khứ Trung Quốc chỉ muốn chiếm đoạt chứ chưa bao giờ muốn hòa hiếu với Việt Nam mà bảo truyền thống hữu nghị? Ngay như Ải Chi Lăng, ải Cửa Quỷ của Việt Nam đặt tên là nơi quỷ vào, thì Trung Quốc gọi là Mục Nam Quan - tức cửa nhìn về phương Nam của đế quốc Đại Hán, đế quốc Mãn Thanh (?!).
Tôi chắc là tướng Vịnh cũng thừa biết rằng, Trung Quốc có tỉnh Quảng Đông, tỉnh Quảng Tây, phía Nam và chếch Đông Nam đặt tên 2 tỉnh Vân Nam, Hải Nam, riêng địa danh Quảng Nam còn để dành đó cho một tỉnh mà chúng coi là dân tộc thiểu số nhược tiểu khi chiếm được Việt Nam (Vọng vân Nam Hải chinh nhược tiểu – Nhìn mây phía biển Nam – biển Nam Trung Hoa - mà chinh phạt các nước nhỏ!).

Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, coi Trung Quốc là người anh tin cậy, nhựng Trung Quốc đối xử với Việt Nam ra sao? Có thực sự hữu hảo như anh em môi hở răng lạnh không?

Phài chăng Trung Quốc ép Việt Nam chia đôi đất nước tại Hội nghị Geneva là hữu nghị? Phải chăng Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam 1974 là hữu nghị? Phải chăng Trung Quốc “dạy cho Việt Nam một bải học” năm 1979 là hữu nghị?

Không! Những anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung không nói như vậy. Tiếng thét “sát thát” từ Hội nghị Diên Hồng còn âm vang, lời khẳng khái của Trần Bình Trọng “Thà làm quỷ nước Nam, không thèm làm vương đất Bắc” vẫn còn vang vọng.

Hàng chục liệt sỹ ở Hoàng Sa , hàng ngàn liệt sỹ ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc còn réo gọi, quyết không đánh đổi xương máu lấy thứ truyền thống hữu nghị ấy! Không được bắt mọi người tin vào cái “Truyền thống hữu nghị” giả dối của Trung Quốc.

Ông Nguyễn Chi Vịnh nói đã có biện pháp “phù hợp giải quyết vấn đề biển Đông hiện nay”. Biện pháp gì vậy?


Phải chăng đó là khi tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển của Việt Nam, vây bắt ngư dân ta thì gọi là “tàu lạ”? Phải chăng tàu Trung Quốc cắt cáp ngầm dàn khoan thăm dỏ địa chấn của Việt Nam thì gọi là “làm đứt”? Là mặc cho Trung Quốc đầu tư hàng tỷ đô la xây dựng cái gọi là thành phố Tam Sa trên lãnh thổ Việt Nam? Là cho Trung Quốc khai thác Bô-xít Tây Nguyên, thuê rừng phòng hộ đầu nguồn? Phải chăng khi việc thỏa thuận về hợp tác hạt nhân giữa chính phủ Việt Nam và Mỹ đã được công khai trên tờ báo Wall Street, thì theo lệnh ai đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao vội vã bác bỏ một sự thật hiển nhiên để vừa lòng Trung Quốc? Ông Nguyễn Chí Vinh nói giải quyết vấn đề biển Đông “không để ảnh hưởng đến đại cục!”. Và ông Vịnh nói “Hai bên tương đồng” (!?).

Cái “cục” ấy to cỡ nào và hình hài nó ra sao người dân Việt Nam không biết. Nó nằm trong hay ngoài khuôn khổ 16 chữ vàng? Đại cục ấy mang lại lợi ích cho những ai? Tương đồng với những ai? Trên tinh thần “rất minh bạch” ông Vịnh nên cho dân biết.

Trong bài viết của mình vừa qua ông Nguyễn Chí Vịnh bảo “nhân dân được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo ngày càng phát triển” và “Xử lý vấn đề biển Đông là đại sự của đất nước, là việc của tất cả nhân dân!”.

Xin hỏi ông, đảng quan tâm chăm lo như thế nào và phát triển cái gí? Một đất nước tài nguyên phong phú, rừng vàng biền bạc, hòa bính thống nhất gần bốn mươi năm mà tỷ lệ đói nghèo vẫn hai con số mà nói phát triển ư ? Ngân khố quốc gia bị tham nhũng khui rỗng, lạm phát tốc độ phi mã, đồng tiền mất giá, nhiều tầng lớp nhân dân bị ‘nghèo hóa' là thành công ư? Một đảng mà ông Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phải thốt lên “ăn hết phần dân còn gì” mà ông bảo quan tâm đến dân ư?

Dù còn nghèo đói, nhưng với lòng yêu nước, dân xuống đường chống Trung Quốc xâm lực biển đảo, ít nhất cũng cho nhà cầm quyền Trung Nam Hải biết rằng nhân dân Việt Nam không dễ bị khuất phục, không dễ muốn xâm phạm lãnh thổ của họ, nhưng lại bị cấm. Chính ông đã hứa hẹn với người đồng nghiệp đồng cấp Trung Quốc là “ Chấm dứt các cuộc biểu tình và ngăn chặn không để tái diễn” đúng không? Người dân chỉ muồn làm một nghĩa cử là tổ chức cầu siêu cho những chiến sỹ hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa 1988, cầu siêu cho những người lính VNCH đã hy sinh ở Hoàng Sa 1974 cũng bị cấm. Thì làm gì đây thưa ông? Phải chăng chỉ có việc đóng góp tiền bạc, công sức, và khi cần thí đổ máu với một “niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của đảng”?

Người dân đã làm như thế hơn nửa thế kỷ rồi. Năm 1965, khi ông mới 8 tuổi, thì người viết bài này đã gửi trọn niềm tin vào thân phụ ông nói riêng, quân đội và đảng nói chung, cầm súng chiến đấu. Trước tôi, cùng tôi, và sau tôi, hàng triệu người dân cũng với niền tin ấy. Nhưng bây giờ liệu có thể tin khi một bộ phân không nhỏ của đảng đã tha hóa biến chất, đã thành sâu đục khoét dân ?

Làm sao có thể tin khi là một vị tướng cầm quân, từng tự hào là đi lên từ “anh binh bét”, mà ông lại nói: “Lực lượng quốc phòng không tham gia giài quyết xung đột trên biển Đông?”. Thế thì ai bảo vệ Tổ quốc? (*)

Ông đánh tráo khái niệm để lảng tránh trách nhiệm? Tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, lãnh hải Viêt Nam chứ đâu phải trên vùng biển đang tranh chấp thưa ông !

Nhiệm vụ thiêng liêng nhất của người lính là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ Quốc. Có toàn vẹn lãnh thổ mới nói đến hòa bình. Không được lật ngược cặp phạm trù đó. Muốn bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình phải nhớ nằm lòng là độc lập dân tộc gắn liền với tự chủ và quyền tự quyết không bị chi phối, lệ thuộc bất cứ nước nào, dù là nước lớn, siêu cường.

Nguyễn Chí Vịnh cũng như các vị lãnh đạo khác rất hay dùng mệnh lệnh đề phải thế này thế kia, và “đã vạch ra, đã chỉ ra”. Các vị cũng chỉ là những con người bình thường, thậm chí có người rất tầm thường, ban lãnh đạo đang có cả một bộ phân không nhỏ thoái hóa biến chất như một bầy sâu, nên các vị hãy khiêm tốn một chút. Hoàn toàn không nên cái gì đã “vạch ra”, “chỉ ra” cho dù chỉ có lợi cho lòng tham trong mưu đồ bá quyền bành trướng; nhưng có nguy cơ khó cho giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, bất lợi cho độc lập-tự do của dân tộc, phương hại hạnh phúc của nhân dân mà bắt dân cứ phải tuân thủ răm rắp?! Trên thế giới này không có chính thể anh minh dân chủ nào dùng những mệnh đề đó với dân.

Hôm trước tôi đã có đôi lời với “anh binh bét”. Nay tôi lại có vài lời chân thành với anh trên tinh thần đồng đội nói thẳng như đường ngắm. Mong anh cùng chia sẻ không riêng tôi mà với tam trạng, suy cảm lòng dân nước Việt. Lính mà, anh!

M.D

-------------------

(*) - Tuyên bố của Bộ ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam ngày 6-3-1979: “Nếu những người cầm quyền Trung Quốc tiếp tục chính sách xâm lược chống Việt Nam thì quân và dân Việt Nam sẽ dùng quyền tự vệ thiêng liêng, kiên quyết chiến đấu chống xâm lược để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và trên thế giới”.




----------------

Bài liên quan :

Minh Diện
Thứ năm, ngày 06 tháng mười hai năm 2012

Mái tóc đốm bạc, gương mặt lạnh, suy tư, ánh mắt nhìn sâu, mỗi lời nói như đều cân nhắc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ quốc phòng, có tác phong một người lính thận trọng kín đáo, và ông nói rất tự hào với quân hàm “binh bét”.
Nhưng, suy cho cùng, ai vào quân đội mà không từ “binh bét” đi lên? Chỉ có một vài vị công an chưa qua “binh bét” mà đùng một phát lên đại tướng!

           Nhắc tới Nguyễn Chí Vịnh, người ta thường nhớ đến thân phụ ông, cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một người văn võ song toàn, từng làm nổi “Gió Đại Phong”  dậy “Sóng Duyên Hải” và phất cao  “Cờ Ba Nhất”,  người có câu  nói vừa khích lệ tinh thần chiến đấu,vừa vạch ra một chiến thuật trong thời kỳ chống Mỹ ở chiến trường miền Nam “ Bám thắt lưng giặc mà đánh!”.
          Trước đây không lâu, đọc một số bài báo và nghe trả lời phỏng vấn của Thượng tướng Nguyễn Chí Vinh,  thấy ông phân tích sắc sảo các mối quan hệt quốc tế và khu vực, và bày tỏ ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của một người lính: “Phải làm thất bại mọi âm mưu xâm phạm chủ quyền lãnh thổ  nước ta! Lợi ích quốc gia, dân tộc là thước đo hiệu quả của mọi hoạt động đối ngoại nói chung và nói riêng. Bất kỳ lúc nào cũng phải lấy lợi ích quốc gia làm tiêu chí cơ bản!” (Trích bài  phát biểu tại Đại hội Đảng lần thứ XI, và bài viết của Nguyễn Chí Vinh đăng trên VnEpress, nhân Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng  ASEAN lần thứ 5, tại Jakarta, Indonesia).
             Nhưng, gần đây, qua các cuộc tiếp xúc với những nhân vật đồng nghiệp Trung Quốc, những phát biểu của Nguyễn Chí Vịnh giảm hẳn độ căng và độ nóng trước sự ngang ngược, khinh mạn của “bạn vàng”, trước những sự kiện đang căng hơn, nóng hơn mỗi ngày, đang là nỗi bức xúc của nhân dân, tập trung sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước, đó là  sự kiện  Biển Đông.

        Trong chuyến thăm Trung Quốc, ngày 29-8-2011, Nguyễn Chí Vịnh nói với Mã Hiếu Thiên, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc: “Nếu Việt Nam cần sự đồng cảm, hợp tác phát triển, thì còn ai hơn một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa láng giềng!”, và “Không có lòng tin chính trị thì không thể hợp tác phát triển, cũng không thể giải quyết bất đồng!”.
              Lòng tin chính trị ở đây được hiểu là chủ nghĩa xã hội, là lý tưởng cộng sản, là tình đồng chi! Không hiểu các đồng chí Trung Quốc còn theo chủ nghĩa xã hội và lý tưởng cộng sản không, và giành cho Việt Nam bao nhiêu “lòng tin” mà Nguyễn Chí Vịnh đặt hết lòng tin vào họ, để rồi hứa với họ: “Kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam, với tinh thần không để sự việc tái diễn!”.
          Cái gọi là tụ tập đông người, chính  là những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vây cướp tàu cá, đánh đập ngư dân Việt Nam trên vùng biển Việt Nam, là phản đối Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 2, là quấy rối các dàn khoan thăm dò dầu khí của Việt Nam, là mời thầu 9 lô mỏ dầu,…Những người yêu nước “tụ tập đông người” đòi Trung Quốc trả Hoàng Sa, mảnh đất  cha ông ta khai phá, anh em đồng đội ta đã đổ máu trước họng súng của Trung Quốc. Những người mà Nguyễn Chí Vịnh hứa với Trung Quốc kiên quyết xử lý, không ai khác, chính là nhân dân Việt Nam, những người yêu nước, đã và sẵn sàng xả thân cứu nước, mà với tư cách một người lính, Nguyễn Chí Vịnh phải bảo vệ, phải tận hiếu như đối với cha mẹ mình.
            Tại sao khi người  đồng cấp Trung Quốc đối diện đàm phán, chưa hề hứa không cắt cáp, không săn bắt thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông, và sẽ trả lại Hoàng Sa và những hòn đảo chiếm của Việt Nam,   mà Nguyễn Chí Vịnh đã mau mắn hứa với họ như vậy? Ông coi Nhân dân Việt Nam hơn, hay cái gọi là lòng tin vào “hai con số 16+4” hơn?
               Và cũng xin đưa ra một thông tin còn rất nóng hổi để Ngài Vịnh hiểu thêm về những lời "hữu hảo" ngọt ngào, béo ngậy của ông "bạn vàng": Mới hôm qua (ngày 6/12), Trung Quốc yêu cầu Việt Nam ngưng ngay hành động thăm dò khai thác dầu khí đơn phương ở các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông và chấm dứt "sách nhiễu" tàu cá Trung Quốc (!?). Phản hồi sau khi Việt Nam phản đối tàu cá Trung Quốc cắt cáp tàu khảo sát địa chấn của Tập đoàn dầu khí PetroVietnam hôm 30/11 trong khu vực do Việt Nam kiểm soát ở Biển Đông (ngoài khơi đảo Cồn Cỏ), Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố cáo phía Việt Nam đã đuổi các tàu cá Trung Quốc ra khỏi vùng biển gần tỉnh Hải Nam của Trung Quốc (?!). 
               Tướng Vịnh có một quan điểm rất lạ về chủ quyền và lợi ích lãnh thổ: “Chia chủ quyền lãnh thổ thì không được, nhưng chia lợi ích có thể thành con đường để giải quyết những khác biệt tranh chấp!”. Ông nói như vậy là nghiễm nhiên dễ dàng chấp nhận bài gian kế “gửi chân” của sói hay sao? Tức là chấp nhận chiến lược ba bước của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông (Chưa có tranh chấp thì gây tranh chấp - Gác tranh chấp cùng khai thác -bước thứ 3 là chiếm luôn toàn bộ!”)...
              Ô hay, chủ quyền và lợi ích là hai mệnh đề gắn chặt với nhau trong một phạm trù mang tính đặc thù, sao lại bóc tách mập mờ như vậy? Chủ quyền không thể tách khỏi lợi ích. Vì lợi ích người ta mới cần chủ quyền! Có chủ quyền mà không có lợi ích khác gì một cái bánh vẽ? Thử hỏi, căn mình đứng chủ quyền, người khác đến chia lợi ích thì thế nào?
              Trung Quốc đưa ra chiêu bài “hợp tác cùng khai thác Biển Đông” mà quan điểm của Nguyễn Chí Vịnh như vậy, khác nào bắt tay “hảo hảo”,  rồi “cho sói gửi chân”?
             Không hiểu cái lợi ích đó đã chia chưa, chia như thế nào, ai được hưởng? Phải chăng ông Vịnh muốn áp dụng phương thức cho thuê rừng đầu nguồn hoặc khai thác Bauxite ở Tây nguyên vào Biển Đông?
             Cần nói thẳng, với ý chí của người lính, Hoàng Sa, Trường Sa, vùng lãnh thổ, lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam, không thể chia chác lợi ích với kẻ khác.
               Biển Đông trở thành một điểm nóng, không phải do Mỹ, Anh, Pháp hay bất kỳ một thế lực thù địch nào gây nên, mà do Trung Quốc. Từ đời nhà Thanh, Trung Quốc  đã  tham vọng chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Năm 1974, lợi dụng cuộc kháng chiến chống Mỹ trong giai đoạn cuối của Việt Nam, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa. Giờ với nền kinh tế  thứ 2 thế giới, với số dân 1 tỷ 350 triệu người, Trung Quốc muốn thực hiện tham vọng bành trướng ra Biển Đông, không chỉ chiếm biển đảo Việt Nam mà với các nước khác.  Những tàu sân bay, tàu khu trục, và một lúc tuôn ra Biển Đông hàng chục ngàn tàu đánh cá giả dạng, Trung Quốc đang  lấy thịt đè người, dùng sức mạnh thôn tính Biển Đông một sớm một chiều.
              Trước tham vọng và sức mạnh của Trung Quốc,  không có sự đồng tâm hơp  lực của các nước trong khối ASEA, không có sự đồng thuận phản kháng của thế giới, thì không một nước nào cản được. Sự liên kết chặt chẽ của khối ASEAN, và sự tương tác cùa các nước trong khu vực, đặc biệt là Mỹ, là vật cản không cho phép mũi tàu tham vọng của Trung Quốc càn lướt Biển Đông.
            Lẽ ra phải nắm bắt lợi thế đó, nhưng hình như Nguyễn Chí Vịnh không mặn mà lắm.
             Nguyễn Chí Vịnh nói: “Trong các mối  quan hệ an ninh của thế giới không có mối quan hệ nào đơn thuần giữa hai nước với nhau. Một vấn đề nào đó giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn gắn bó với bàn cờ chung của thế giới, nhưng trong những vấn đề cùa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, là hai người chơi chủ yếu, sao cho không để bên khác chen vào trục lợi” (Tuổi trẻ online 20-1-2012).
               Quan điểm này của Nguyễn Chí Vịnh đồng nhất với quan điểm “đàm phán song phương, không đàm phán đa phương” của Trung Quốc. Cái cách chia để trị từ thời Tần Thủy Hoàng đang được Trung Nam Hải áp dụng triệt để!
               Tôi nghĩ Nguyễn Chí Vịnh không lạ gì cái mẹo vặt cùa anh bạn láng giềng, nhưng không hiều sao, đã xác định đứng trong một bàn cờ chung, lại tách ra chơi riêng với anh ta? Như vậy phải chăng, đã bỏ chỗ quang minh chính đại theo cách ăn mảnh của tiểu nhân?
             Với cách chia để trị, Trung Quốc đã làm Hội nghị ASEAN tại Pnompenh thất bại cay đắng, một người lạc quan như ông Tổng thư ký Suren Pitsuwan phải thốt lên “Một sự đổ vỡ chưa từng có!”.
              Trong khi tỏ ra thân thiết, nhún nhường  với Trung Quốc, Nguyễn Chí Vịnh lại tỏ ra cao đạo, lạnh nhạt với Mỹ. Những cuộc viếng thăm qua lại  của  quan chức Bộ quốc phòng, và những hoạt động giao lưu của quân đội hai nước Nguyễn Chí Vịnh mô tả: “Chúng ta chấp nhận lời mời của phía Hoa Kỳ vì mong muốn thể hiện sự thiện chí trong quan hệ giữa hai nươc, đồng thời khằng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của luật pháp quốc tê!”.  Và “Hoạt động giao lưu đó do chính quyền địa phương chủ trì, các bộ ngành có liên quan và đơn vị quân đội địa phương tham gia!”.
              Nước Mỹ không cắt cáp thăm dò địa chấn, không nhiễu rối các dàn khoan, không cướp tàu đánh cá, không chiếm Hoàng Sa, không gọi thầu những lô dầu ở vùng đặc quyến kinh tế Việt Nam, chính Trung Quốc đang làm việc đó.
              Sao Nguyễn Chí Vinh không khằng định điều đó với Trung Quốc, lại  chuyển giọng  thân thiện: “Phát triển quan hệ hải quân với Trung Quốc là một hướng ưu tiên trong quan hệ đối ngoại quốc phòng của Viêt Nam, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Có thể nói được phát triển theo đúng đối tác chiến lược toàn diện mà hai đảng, hai nhà nước đã cam kết!? (Tuổi Trẻ onlie 20-1-2012).
             Từ trước tới nay chưa thấy ai phát triển quan hệ  hợp tác với kẻ cướp nhà mình!
             Trung Quốc ngày càng bộc lộ tham vọng thôn tính Biển Đông bằng mọi giá. Khi Mã Hiếu Thiên đang ở thăm Viêt Nam, tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục cắt cáp dàn khoan thăm dò dầu khí Việt Nam. Trước đó Trung Quốc đưa hạm đội bao vây bãi Sakborough của Philipines. Thái độ hung hăng như vậy mà ưu tiên hợp tác chiến lược thật khó hiểu!?
             Trung Quốc thể hiện tham vọng của minh bằng cái gọi là “Đường lưỡi bò chín khúc” trên Biển Đông. Đó là ý đồ sâu xa, vì lợi ích lâu dài, được tính toán rất chi ly  của Trung Nam Hải, nhưng Nguyễn Chí Vịnh  nhận xét một cách rất xuê xoa. Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ online ngày 20-1- 2012, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói: “Tôi nghĩ rằng (việc Trung Quốc tuyên bố đường lưỡi bò) không lợi cho Việt Nam mà cũng không lợi cho Trung Quốc, mà đã làm dấy lên dư luận quốc tế không tốt cho Trung Quốc, có lợi cho thế lực khác!”.
           Không hiểu thế lực khác ở đây là thế lực nào? Chả lẽ đế quốc Mỹ nhảy vào đường lưỡi bò cắt cáp thăm dò địa chấn trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam?
           Bây giờ cái đường lưỡi bò ấy, đã bò lên mặt 6 triệu hộ chiếu của Trung Quốc, nếu không được phóng viên nước ngoài lên tiếng, có khi người ta lờ đi vì “Trung Quốc cũng chẳng lợi gì”.  Không có lợi  màTrung Quốc bỏ tiền bỏ công ra làm cái việc tầy liếp ấy, hóa ngu sao? Đặng Tiểu Bính nói: “Người Trung Quốc nhìn trước, nhìn sau một ngàn năm, không thế không phải người Trung Quốc!”.  Lỗ Tấn nói: “Người Trung Quốc nhìn qua cái trôn kim đề thấy quả núi lớn!”. Nhắc lại, để  thấy người Trung Quốc không làm bất kỳ việc gì không có lợi cho họ, con cháu họ, chứ không ăn độ ở thì như chúng ta. Cái đường lưỡi bò chín đoạn Trung Quốc vạch trên Passport, nếu không bị phát hiện, phản đối, mà đồng cảm, cho rằng Trung Quốc chẳng có lợi gì, thì  có ngày Trung Quốc sẽ rống lên “lãnh hải Trung Quốc đã công khai từ lâu rồi!”.
          Dù cho tướng Nguyễn Chí Vịnh nói theo ngôn ngữ ngoại giao, cũng không nên quá “môi mép mặn mà mềm mỏng” đến mức cố làm vừa lòng “bạn vàng” như vậy! 
           Cũng như Vương Đình Huệ, Đinh La Thăng,...Nguyễn Chí Vịnh  ngày càng làm cho mọi người cảm thấy thất vọng. Có người nói, phải chăng, chúng ta đang sống trong một không gian lệch tâm, nên mọi góc nhìn đều không chuẩn? Có người nói theo sách vở, rằng tư tưởng luôn vận động biến đổi theo thực tế khách quan! Lại có người bảo, bản chất như vậy, chúng ta đã, đang và sẽ còn bị lừa!
            Sự thật thế nào, thời gian sẽ là trọng tài công bằng và nghiêm khắc. Nhưng tôi muốn tướng Nguyễn Chí Vịnh đừng quên “Niềm tự hào anh binh bét” mà ông đã nói. Anh binh bét bao giờ cũng có cái nhìn thẳng như đường đạn và sẵn sàng xả thân vì Tổ Quốc! Chẳng lẽ ông tự coi mình chỉ đơn thuần như anh “lính trơn”, mọi sự có chỉ huy, chỉ đạo và ông chỉ có việc làm theo mệnh lệnh? Mà ngay như anh lính binh bét cũng cần tỉnh táo và có bản lĩnh để nhận diện mệnh lệnh nào lợi dân-cứu nước, mệnh lệnh nào lợi cho kẻ thù?! 
    M.D




No comments:

Post a Comment

View My Stats