Thursday, 27 December 2012

LÁ THƯ CUỐI NĂM (Lê Thị Công Nhân)




21-12-2012

Những ngày cuối năm dương lịch luôn khiến tâm trạng tôi bồi hồi. Đó thật sự là một cảm giác đặc biệt khi ta bắt đầu viết những con số ngày, tháng, năm mới. Nhớ khi còn đi học, buổi sáng đầu năm mới là ngày 2 tháng 1-vì tết dương lịch ở Việt Nam chỉ được nghỉ duy nhất một ngày, tôi lại hồi hộp cầm bút viết những con số ấy lên trang vở và thầm nghĩ ngợi vu vơ những câu hỏi cao siêu về thời gian, vũ trụ, sự đổi thay và cả đời người. Cảm giác thú vị này tôi không có được trong dịp tết âm lịch. Nhưng thường thì tôi chẳng có được câu trả lời thỏa đáng nào. Những cảm giác và suy nghị thú vị ấy về ngày tết dương lịch của tôi cũng chẳng được chia sẻ với nhiều người vì dường như tuyệt đại đa số người dân Việt Nam rất ít quan tâm đến ngày tết này. Không hiểu tại sao lại thế, trong khi gần như tất cả mọi sự giao dịch hàng ngày trong cuộc sống đều dùng lịch dương- lịch Gregory trong các văn bản hành chính nhà nước cho tới đời sống riêng của mỗi cá nhân.

Có lẽ vì xuất thân nghèo khó mà lại không khoái mấy vụ ăn uống đình đám cỗ bàn nên ấn tượng với tôi về tết âm lịch là liên miên những công việc nấu, ăn, dọn dẹp suốt từ những ngày giáp tết, kín cả ngày 30 và kéo dài tới tận ngày mồng 4 tết. Những ngày kế tiếp cũng chỉ thấy nấu, ăn và dọn dẹp, dọn dẹp và nấu, ăn. Tôi đâm ra sợ tết âm lịch.

Không chỉ riêng gia đình tôi mà gần như cách sống của đa phần người Việt Nam đều thế. No dồn đói góp. Ấy vậy, là còn may vì má tôi vốn có tư tưởng khá hiện đại và đơn giản về những vấn đề liên quan đến nghi thức cổ truyền, cộng với gia cảnh khó khăn đông con nên má tôi vẫn luôn đơn giản, thậm chí là tối giản mọi thứ mang tính lễ nghi rườm rà. Khi trò chuyện với một số người hoặc lặng im nghe họ nói chuyện, tôi thấy không ít người có suy nghĩ giống mình. Đó là “Người Việt Nam mình quá nặng nề chuyện ăn. Cái gì, việc gì cũng phải liên quan đến ăn. Mất quá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho việc này. Tết nhất cũng chỉ thấy ăn và ăn thôi”. Nhưng vấn đề là tôi lại thấy rất ít người trong số ấy, tuy nói vậy nhưng chẳng dám dứt bỏ hay thay đổi những thói quen cũ. Đối với họ, truyền thống là cái phải tuân thủ, gìn giữ y nguyên. Tôi lại không nghĩ thế, và cũng chẳng muốn thế vì tôi thấy truyền thống của người Việt Nam có quá nhiều cái dở, thậm chí là dở tệ.

Có lần thấy mấy bà nội trợ đồng thanh than thở việc tết nhất (âm lịch) chỉ thấy bù đầu. Vì tết là nhất, nên cái gì của tết, liên quan đến tết đều phải nhất, nếu chuyển sang tiếng Anh sẽ là “Save the best for Tet.”. Ngay cả cái giả tạo, nịnh bợ, tham nhũng, lừa đảo, cướp giật của nhau thì ở Việt Nam nó cũng trở nên rộn ràng và phát triển lên tầm đỉnh cao vào dịp tết. Tháng trước tết tức tháng Chạp thì cứ phải gọi là cả cái thiên đường cộng sản Việt Nam rơi vào đại nạn trộm cắp cướp, đến nỗi có cả một thành ngữ dành riêng cho điều này, là “Tháng củ mật”. Ra tết là tháng Giêng thì cả thiên đường lại ca hát nhảy múa suốt ngày đêm với những lễ hội triền miên từ nam chí bắc, đến nỗi ngay cả cơ quan hành chính nhà nước còn tự động đóng cửa không tiếp dân để cán bộ gầy sòng mở sới cờ bạc ngay tại văn phòng. Người ta lại phải đặt ra một thành ngữ cho tương xứng với nó, là “Tháng ăn chơi”.

Tôi tự hỏi bao giờ người Việt Nam sẽ thoát khỏi cái gọi là truyền thống ấy. Đã có lúc vào những năm 60, 70 nhà nước Việt Nam chà đạp, và xóa bỏ gần như tất cả những truyền thống và nét văn hóa cổ truyền của dân tộc bằng bạo lực và những sự lăng mạ, vu khống vạ điêu cho những truyền thống ấy. Khi đó, người ta sợ đến nỗi không dám vắng mặt mỗi khi nhà nước tổ chức những buổi lễ hội đập phá đình chùa. Bàn thờ gia tiên trong nhà cũng phải vứt bỏ hoặc cất giấu chỗ khác để thờ phụng cách lén lút. Tất cả để thiết lập con người mới, văn hóa mới. “Mới” ở đây tức là chủ nghĩa xã hội, tức là “kiểu cộng sản”. Đến cuối những năm 90, cũng không hiểu vì sao, chính sách tuyên giáo của nhà nước lại đề cao cách vô lý và cổ động mạnh mẽ các lễ hội và những tín ngưỡng mơ hồ. Kết quả là những công trình kiến trúc á đình, á chùa, á điện mọc lên tràn lan nhan nhản khắp mọi nơi. Phong trào đóng góp tài chính dưới tên gọi “công đức” và mê tín dị đoan lừa tiền trắng trợn dưới chiêu trò “hầu đồng, cúng giải hạn” nở rộ chưa từng thấy. Việc tổ chức lễ hội trở thành ngành kinh doanh béo bở vô địch vì của chi ra toàn là đồ hàng mã, tín lý, giáo điều cũng là hàng mã, được tuyên giáo trung ương vẽ ra và chỉ đạo từ xa, nhưng cái thu về lại toàn là tiền thật, vàng thật và cả sự sùng bái đến mê muội của rất rất nhiều người.

Rất nhiều người đã sống qua cả hai thời kỳ cực đoan trên đều kinh ngạc vì cách hành xử của nhà nước. Nhưng có lẽ cũng không có gì quá khó hiểu vì cộng sản vẫn luôn hành xử như vậy. Trong mọi lĩnh vực thì cách hành xử của họ vẫn luôn trung thành tuyệt đối với ba điều cơ bản nhất: bạo lực, vu vạ, và tùy tiện. Lĩnh vực văn hóa dù truyền thống hay hiện đại cũng không thoát khỏi cách hành xử ấy của cộng sản.

Giờ đây khi Việt Nam đã trở thành cường quốc đào thoát tị nạn, cả tị nạn chính trị và tị nạn kinh tế, thì nay lĩnh vực giáo dục tiếp bước truyền thống tị nạn của dân tộc ta (Lĩnh vực này có đặc điểm là tuyệt đại đa số giành cho người giàu đào thoát!). Nhiều người nói rằng việc đào thoát tị nạn nói chung, và giáo dục nói hiện nay nói riêng là nỗi nhục vĩ đại của nước ta. Đúng vậy, một nhà nước, một chính quyền mà để cho bất kỳ một cái gì có chân, chân nào cũng được, chân chính chân phụ, chân trong, chân ngoài, chân giữa, miễn là biết đi thì đều tìm cách bỏ nước mà đi cả, đi được rồi thì tìm mọi cách mà ở lại bên kia, thì quả là nhục nhã ê chề cho cái nhà nước cái chính quyền ấy. Cái nhục này không chỉ vĩ đại mà còn là cái nhục nhất trong mọi cái nhục, vì không có bất kỳ điều gì có thể biện minh, ngụy tạo cho bộ mặt nhà nước, cho “Đảng ta là đảng cầm quyền.” được nữa. Nhưng cũng có người cho rằng chính những người ra đi ấy sẽ cứu nguy cho nước nhà bởi những ảnh hưởng tốt đẹp từ văn hóa tốt đẹp ở miền đất mới mà họ đến sống. Họ sẽ trở về để bồi đắp và vực dậy nước nhà.

Ước mong sao đúng là như vậy! Nhưng hiện thực đáng buồn đôi khi lại vỗ vào mặt người ta những cái tát bôm bốp. Câu chuyện không chỉ là học tiếng Việt, nói tiếng Việt, nấu và ăn vài món ăn Việt, cố gắng duy trì lễ tết và những dịp gặp gỡ truyền thống khác như hiếu hỉ, giỗ chạp, mà là ý chí và năng lực phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp, đồng thời với nó là hạn chế và dần vứt bỏ những bản sắc văn hóa không tốt đẹp. Như vậy vẫn chưa đủ, người Việt chúng ta còn cần phải dọn sạch tấm lòng cứng cỏi với những thành kiến cũ kỹ, sai lầm để hòa nhập vào cuộc sống mới với cách nhìn về nhân loại bao trùm lên dân tộc, bao trùm chứ không phải đè, xóa lên dân tộc. Khi ấy người Việt xa xứ mới thật sự có được quê hương thứ hai của mình.

Nhưng có vẻ mọi sự không phải vậy! Thực tế điều chúng ta hay nhìn thấy là rất nhiều người Việt tị nạn đào thoát vẫn giữ cho mình những bản tính xấu xí cố hữu của người Việt Nam, ấy là lòng đố kỵ, ganh ghét, nghi ngờ, chấp vặt, thành kiến, không thẳng thắn, chỉ ưa nịnh, làm gì cũng nghĩ đến cái lợi của bản thân, nghĩ đến cái lợi cũng chỉ thấy được cái lợi trước mắt. Ngược lại, họ còn du nhập khá nhanh những thói xấu của miền đất mới mà họ đến. Sự kết hợp này sao mà tuyệt diệu đến thế theo vector đi xuống, mà người ta vẫn gọi là suy đồi. Người Việt Nam khi ra nước ngoài đều thấy rõ cái hay, sự thịnh vượng, môi trường nhân văn và tự nhiên tốt, lành, sạch, đẹp, an toàn vượt trội so với Việt Nam. Đa số họ đều nghĩ làm cách nào để tận hưởng nền sự thịnh vượng, sự đẹp đẽ, sang trọng ấy, nhất là tận hưởng cảm giác tự do sung sướng của nền dân chủ. Họ cố tận hưởng càng lâu càng tốt, thậm chí “Tìm mọi cách ở lại.” bất chấp cái giá phải trả đắt đến thế nào. Nhưng chẳng mấy ai nghĩ tại sao đất nước đó lại như vậy? Người dân nước đó đã làm gì để có được điều ấy? Và, lại càng ít hơn những người Việt Nam nghĩ rằng đất nước mình cũng có thể như thế? Trong số những người Việt Nam ít ỏi nghĩ được như vậy thì có mấy ai dám hành động vì điều mình nghĩ?

Những lời này mới khó đọc làm sao, nhất là khi người đọc lại đang sống ở nước ngoài, nhưng tôi mong quý vị hãy cố gắng đọc cho xong bài viết này. Đừng vì bực tức nhất thời mà chứng minh rằng mình là một người Việt Nam xấu xí chính hiệu!

Viết loanh quanh, nói dông dài tác giả cũng chỉ muốn hạ hỏa người đọc khi đọc đến những lời chúc Giáng sinh và năm mới dưới đây của mình:

Năm mới kính chúc quý ông, bà, anh chị em có được một tấm lòng mềm mại và rộng lớn để đón nhận một cách sâu sắc và chân thật những nét văn hóa tốt, đẹp của quê hương thứ hai của mình và nhân loại trên thế giới rộng lớn nhưng vô cùng gần gũi này (đối với người Việt xa xứ-ưu tiên chúc trước)!

Mong quý vị hãy mang những điều tốt đẹp ấy về truyền bá và xây đắp cho quê hương Việt Nam để sẽ ngày càng có ít hơn những du học sinh, thạc sỹ, tiến sỹ người Việt Nam sinh sống, học tập ở nước ngoài cho rằng “Chế độ chính trị một đảng (cộng sản) là nét đặc thù của Việt Nam”, rằng “Việt Nam mình nó thế, không làm gì được đâu, không thay đổi được đâu.”!

Ước mong quý vị sẽ can đảm, trung thực mà thừa nhận và vứt bỏ những tính xấu của người Việt để trở thành người Việt Nam đẹp đẽ, người Việt Nam sáng láng, người Việt Nam ngẩng cao đầu. Có quá nhiều những điều sai lầm, lạc hậu, giở hơi và dở ẹc mà cha ông, cụ kỵ của chúng ta còn nâng tầm chúng lên thành các kiểu văn hóa, bản sắc truyền thống này nọ mà nay chúng ta lại không dám chỉ ra và thay đổi, vứt bỏ chúng hay sao? Chúng ta là con cháu của họ chứ không phải là nô lệ của họ. Những người đã chết và những người đang sống đều có quyền tạo nên văn hóa của riêng mình và góp phần vào nền văn hóa chung. Chúng ta hãy thoát khỏi những nét xấu xí của người Việt bắt đầu từ chính lĩnh vực văn hóa-cái cố hữu nhất nhưng cũng là cái vụn vặt nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày của mỗi cá nhân. Tự thân mỗi người chúng ta hãy là một người dân chủ thật sự bằng cách tôn trọng sự khác biệt. Dân chủ không chỉ là linh hồn của nền chính trị văn minh mà còn là nguồn cội của một nền văn hóa nhân bản, tốt đẹp và trường tồn!

Xin gửi lời chúc đặc biệt đến những người Việt Nam đang sống ở nước ngoài sẽ thật sự có tầm lòng yêu mến và biết ơn nền dân chủ, đối xử với nhau cách dân chủ và đóng góp nhiều hơn nữa cho cuộc đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam. Để đến ngày nền dân chủ được tái lập ở Việt Nam thì bạn có thể tự hào mỉm cười rằng bạn cũng đã làm một điều gì đó dù là nhỏ bé để quê hương Việt Nam không bị chết chìm trong vũng bùn của chế độ độc tài cộng sản.

Lê thị Công Nhân
Hà Nội 19-12-2012



No comments:

Post a Comment

View My Stats