Victor D. Cha
Theo Foreign Policy
Theo Foreign Policy
Diên Vỹ chuyển ngữ
Thứ
Sáu, 14/12/2012
Hôm thứ Tư Bắc Hàn đã phóng thành công một tên lửa mà chỉ
có vài quốc gia ngoài Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga có thể đạt được -- một khả năng
phóng tên lửa đạn đạo đường dài. Quốc gia này hiện đã tiến thêm một bước gần
hơn nữa để có thể phóng một quả bom nguyên tử xuyên Thái Bình Dương. Vào đầu
tháng Mười hai, vị đô đốc tối cao của Ấn Độ dường như cho biết rằng ngành hải
quân của ông sẽ bảo vệ việc thăm dò dầu khí Việt - Ấn trong khu vực Nam Hải
trước sự gây hấn của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc và Nhật Bản đang mạnh mẽ
củng cố quyền lợi “thiêng liêng” của họ đối với quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc
gọi là Điếu Ngư) đang bị tranh chấp trong khu vực Đông Hải. Trung Quốc và
Philippines đang vẫn đối đầu nhau về một bãi cạn trên biển Nam Hải. Bấy nhiêu
cũng đủ để ta tự hỏi: liệu năm 2013 là năm mà sự đối đầu cuối cùng sẽ xảy ra ở
châu Á?
Điều này đáng lẽ đã xảy ra hai thập niên trước đây. Vào
năm 1993, một loạt những bài báo được viết bởi những học giả chính thống chuyên
về quan hệ quốc tế tại Hoa Kỳ cho biết rằng châu Á sẽ trở nên “chín muồi cho sự
đối đầu”: Một kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc, cạnh tranh quyền lực, quá khứ
kình địch, chạy đua vũ trang, và nhu cầu năng lượng mà họ cho rằng sẽ làm châu
Á trở thành điểm nóng tranh chấp sắp đến. Ví dụ như Aaron Friedberg, một học
giả quan hệ quốc tế tại đại học Princeton, đã viết rằng “Trong khi những cuộc
nội chiến và xung đột chủng tộc sẽ tiếp tục âm ỉ một thời gian trong khu vực
châu Âu, về lâu dài thì chính châu Á dường như chắc chắn hơn sẽ là buồng lái
của cuộc đối đầu quyền lực lớn.” Thay vì thế, khu vực này lại trở thành một
guồng máy tăng trưởng của toàn thế giới, là nguồn gốc của cơn bùng nổ kinh tế
giúp đưa hàng triệu người ra khỏi đói nghèo và làm rung chuyển mối cân bằng
quyền lực toàn cầu.
Nói đúng ra, đôi khi cũng đã có những bộc phát. Vào năm
1998, Trung Quốc đã thử bắn tên lửa để hăm doạ Đài Loan, nhưng đã không xảy ra
những đụng độ lớn. Vào năm 2003, những căng thẳng trong khu vực đã tăng lên khi
Bắc Hàn rút khỏi Hiệp ước Chống Chạy đua Hạt nhân, nhưng những cuộc chiến thật
sự lại ở khu vực Trung Đông, châu Phi và Afghanistan. Đến năm 2008, vẫn không
có gì xảy ra. Trên thực tế, kể từ sau một chạm trán ngắn ngủi giữa Việt Nam và
Trung Quốc vào năm 1979, đã không có cuộc chiến nào giữa các quốc gia ở châu Á.
Chẳng có học giả nào tiên đoán được sự ổn định khá tương đối đã đứng vững trong
hai thập niên qua. Thay vì thế, họ đã kết luận dựa trên sự hiểu biết về lịch sử
của mình: Nhật Bản sẽ sớm phô trương cơ bắp quân sự để xứng tầm với sức mạnh
kinh tế của minh; Trung Quốc, mặc dù vẫn còn nghèo, cũng đã đang bước vào thời
kỳ tăng trưởng vốn sẽ biến nó trở nên cơ bắp hơn là béo phệ và vui tươi; và sự
thiếu chắc chắn của Hoa Kỳ đối với nhưng cam kết hậu Chiến tranh Lạnh của mình
đối với châu Á sẽ dẫn đến một sự tranh giành quyền lực điên cuồng.
Nhưng hiện tại, cuối cùng châu Á có thể trở nên “chín
muồi cho sự kình địch”, như những học giả đã tiên đoán. Căng thẳng giữa Nhật và
Trung Quốc trong thập niên qua, được thổi bùng bởi những tranh chấp lịch sử
cũng như lãnh thổ, đang ở mức độ cao nhất kể từ sau Thế chiến thứ II. Cả hai
bên đều đưa ra những bước tiến bất ngờ để huy động tàu chiến chung quanh khu
vực Senkaku, và một tranh chấp không kiểm soát nổi chắc chắn có thể xảy ra.
Những tranh chấp này không chỉ xảy ra giữa những đối thủ
truyền thống như Nhật Bản và Trung Quốc mà còn giữa những quốc gia đồng minh
với Hoa Kỳ ở châu Á. Những mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Nam Hàn qua những hòn đảo
nhỏ bé trên biển Nhật Bản đã gia tăng nghiêm trọng bởi chuyến viếng thăm bất
ngờ của Tổng thống Myung-bak Lee đến một trong những hòn đảo này vào tháng Tư
2012, và sự chỉ trích dữ dội của quốc hội Nhật đến vị tổng thống Nam Hàn. Hận
thù âm ỉ từ việc Nhật Bản chiếm đóng Nam Hàn trong lịch sử đã khiến cho mối hợp
tác an ninh giữa Seoul và Tokyo trở nên bất thể, thậm chí kể cả việc trao đổi
thông tin quân sự đầy quan trọng đối với những đe doạ tên lửa hạt nhân từ Bắc
Hàn.
Thêm vào đấy, những biến chuyển chính trị nội bộ trong
vùng cũng không cho thấy tiến triển trong quan hệ khu vực. Sự quay lại chắc
chắn của Shinzo Abe, một người bảo thủ, vào chức thủ tướng sau cuộc bầu cử ngày
16 tháng Mười hai sẽ không đáng lo mấy, ngoại trừ việc ông có thể phải cần một
liên minh để điều hành chính phủ. Một liên kết với Đảng Dân chủ Nhật cấp tiến
hơn có thể làm giảm bớt tính dân tộc chủ nghĩa của Abe, nhưng điều này có thể
khó đạt được. Thay vì thế Abe có thể liên minh với đảng của Ishihara Shintaro,
một chính trị gia cực hữu ma mãnh và thẳng thừng, vị cựu thị trưởng Tokyo này
trong năm nay đã kêu gọi Nhật quốc hữu hoá Senkaku, gây nên sự chống đối trên
toàn Trung Quốc. Ngay cả nếu không có Ishihara, Abe hầu như chắc chắn sẽ
nghiêng mạnh hơn về phía hữu trong những vấn đề quân sự, như ông đã từng làm
khi nắm chức thủ tướng trong giai đoạn 2006-2007. Một số nhà chính trị trong
cuộc của Nhật cho rằng Abe có thể bác bỏ lời xin lỗi vào tháng Tám năm 1993 về
việc Nhật sử dụng phụ nữ Hàn để phục vụ tình dục trong Thế chiến II (đây là một
trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất giữa hai quốc gia), làm căng thẳng
hơn quan hệ giữa Seoul và Tokyo. Tình trạng hiện tại giữa Trung Quốc, Nhật Bản
và Nam Hàn hiện nay đang thay đổi theo chiều hướng bất lợi và có thể không hàn
gắn được.
Chính sách “chuyển hướng” của chính quyền Obama đối với
châu Á là một tiến triển đáng hoan nghênh sau nhiều thập niên tập trung chú ý
đến châu Âu và Trung Đông. Nhưng sự chuyển hướng này cũng làm căng thẳng quan
hệ Mỹ - Trung khi giới lãnh đạo mới ở Bắc Kinh xem những chính sách của Obama
như là một nỗ lực nhằm kềm chế sự đi lên của Trung Quốc. Trong khi các quan
chức Hoa Kỳ bác bỏ cáo buộc này, sự chuyển hướng trên cũng đã tăng cường sức
cạnh tranh chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á. Các
tổ chức đa quốc gia trong khu vực đã trở thành sân chơi của những tranh chấp
được dàn dựng giữa các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Trung Quốc nhằm kiểm soát lịch
trình và lôi kéo các quốc gia Đông Nam Á. Đương nhiên, sự cạnh trạnh giữa Hoa
Kỳ và Trung Quốc trên các khu vực Đông Bắc Á và Thái Bình Dương, nơi cả hai bên
đều đã chuẩn bị cho chiến tranh từ lâu, thì không có gì mới mẻ. Nhưng chính là
vì quá khứ này mà chạm trán giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực Đông Á khó
có thể xảy ra. Tuy nhiên, tại Đông Nam Á, vì Washington và Bắc Kinh không có
một lịch sử quan hệ lâu dài, tiềm năng của một tính toán sai thì rất cao.
Lởn vởn sau những động lực mới ở trên là Bắc Hàn. Việc
phóng tên lửa Unha-3 là chứng minh rõ ràng và mới nhất của một sứ mệnh quốc gia
sâu sắc dài hàng thập niên nhằm xây dựng kỹ thuật tên lửa đạo đạo đường dài và
vũ khí nguyên tử. Phản ứng của các cường quốc trong khu vực sẽ là bất an nhưng
không khó đoán: Hoa Kỳ và Nam Hàn sẽ tăng cường tập trận trên biển Hoàng Hải.
Một chín phủ mới của Abe sẽ tìm cách nâng cấp hệ thống phòng chống tên lửa. Hoa
Kỳ sẽ dùng điểm đáp của giai đoạn hai của các tên lửa Bắc Hàn nằm gần
Philippines để thúc đẩy mạnh hơn mối hợp tác phòng thủ khu vực với các quốc gia
Đông Nam Á, dẫn đến sự phản đối của Trung Quốc. Và cuối cùng, việc Bắc Hàn gần
trở nên một cường quốc vũ khí nguyên tử thực thụ trong vài năm tới, các quốc
gia trong khu vực cảm thấy bị đe doạ sẽ tìm kiếm vũ khí mạnh mẽ hơn cho mình.
Từ đó, những phản ứng này có thể làm nảy sinh một cuộc chạy đua vũ trang trong
khu vực.
Có thể cuối cùng châu Á đã chín muồi cho xung đột.
Nguồn: Foreign Policy
No comments:
Post a Comment