Lê
Phan
Saturday,
December 08, 2012 3:54:11 PM
Tuần qua Transparency International, Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế,
đã cho phổ biến bản phúc trình thường niên về tham nhũng. Cả bốn quốc gia Cộng
Sản ở Á Châu - Việt Nam, Lào và Trung Quốc đều sụt hạng đáng kể trong khi Bắc
Hàn tiếp tục đội sổ.
Bản
phúc trình của tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Berlin năm nay khảo sát 183 quốc
gia và lãnh thổ. Việt Nam tụt xuống thứ 123 so với hạng 112 năm ngoái. Trong
một bảng so sánh thứ nhì, dựa trên cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công,
Việt Nam được chấm 31 điểm trong một cân mà 0 điểm là “tham nhũng nhất” và 100
điểm là “thật trong sạch”. Năm 2011, Việt Nam được 2.9 điểm trên một bậc thang
từ 0 đến 10 điểm.
Lào
đã sụt từ 154 xuống 160 và được 21 điểm trong thang điểm từ 0 đến 100 so với
2.2 cách đây một năm. Quốc gia nghèo nàn nhất của Ðông Nam Á đã bắt đầu phát
triển, nhưng các tổ chức nhân quyền than phiền là việc cưỡng chiếm đất đai và
những vấn đề nhân quyền khác, kể cả tham nhũng lan tràn trong quốc gia độc đảng
này.
Trung
Quốc tụt từ thứ 75 xuống 80 cách đây một năm và được 39 điểm so với 3.6 cách
đây một năm. Ðây là năm Trung Quốc tổ chức cuộc chuyển quyền mỗi thập niên một
lần. Nhưng đây cũng là năm mà dân chúng đã nổi giận trước đặc quyền, tham nhũng
và sự bất khả xâm phạm của những ai có quan hệ tốt, tha hồ vi phạm luật pháp
nhà nước. Sự bành trướng của các blog cá nhân đã càng giúp thêm cảm nhận tham
nhũng lan tràn.
Bắc
Hàn đã đồng hạng với Somalia và Afghanistan đội bảng, duy trì chỗ đứng năm
ngoái khi lần đầu tiên tổ chức xếp hạng quốc gia kín đáo này. Bản phúc trình
viết “Afghanistan, Bắc Hàn và Somalia tiếp tục bám lấy hạng chót của chỉ số.
Trong những quốc gia này sự thiếu trách nhiệm của hàng lãnh tụ và các định chế
hữu hiệu trong công quyền càng làm nổi bật nhu cầu cần phải có một lập trường
mạnh hơn chống tham nhũng.” Bắc Hàn được 8 trong số 100 điểm, con số thấp nhất
trong tất cả các quốc gia được khảo sát năm nay.
Ấy
vậy mà ngay khi nhậm chức ông Tập Cận Bình, tân tổng bí thư của đảng Cộng Sản
Trung Quốc đã tuyên bố là đảng Cộng Sản phải dẹp tan tham nhũng nếu không muốn
mất quyền lực. Ở Việt Nam, chống tham nhũng là lời nói cửa miệng của các lãnh
tụ.
Vấn
đề là chống tham nhũng không phải là chuyện dễ khi cả một chế độ đặt nền tảng
trên liên hệ và tham nhũng.
Tờ
New York Times hồi đầu tuần đã đưa ra một giải thích cho việc tại sao ông Hồ
Cẩm Ðào đã phải rút lui khỏi chính trường, mất hết ảnh hưởng đối với cục diện
tương lai. Theo tờ Times, lý do chính là vì một vụ che giấu cái chết của cậu
công tử con trai của một người thân cận nhất đối với ông Hồ.
Một
vụ đụng xe trong đó có một chiếc Ferrari màu đen trên chở một thanh niên và hai
phụ nữ. Thanh niên chết, hai cô bị thương nặng. Tất cả đều hầu như khỏa thân.
Chuyện này thực sự cũng không có gì lạ. Nó có thể chỉ là thí dụ của một trong
các công tử giàu có ăn chơi gặp nạn. Có điều cậu công tử đó là con trai của một
trong những người có quyền lực nhất tại Trung Quốc, ông Lệnh Kế Hoạch, chủ
nhiệm văn phòng trung ương. Chuyện được ém nhẹm cả sáu tháng trời cho đến khi
ông Lệnh, người được chờ đợi sẽ được vào Bộ Chính Trị và sẽ là đại diện cho ông
Hồ trong hàng lãnh đạo, đột ngột bị đổi sang làm chủ nhiệm văn phòng phụ trách
Mặt Trận Ðoàn Kết (một thứ Mặt Trận Tổ Quốc).
Câu
chuyện xảy ra hôm 18 tháng 3. Một cái xe Ferrari Spider màu đen đang phóng
nhanh dọc theo đường vòng đai số 4 của thành phố Bắc Kinh đã đụng vào tường
thành, văng qua bên kia đâm vào một rào cản và bể làm đôi. Cậu Lệnh, mới tốt
nghiệp Ðại Học Bắc Kinh năm ngoái và đang học cao học, chết ngay tức khắc. Hai
thiếu nữ Tây Tạng, có tin nói một người Tạng, một người Uighur, bị thương nặng.
Một cô qua đời vài tháng sau đó, cô còn lại đang hồi phục. Trong hoàn cảnh bình
thường, không cho loan tin để bảo vệ thanh danh của đảng là chuyện không có gì
lạ theo các viên chức. Nhưng ông Lệnh còn đi xa hơn nữa. Theo những nguồn tin
cao cấp, ông đã tìm cách giấu ngay cả hàng lãnh tụ về cái chết của cậu con
trai. Lúc đó, tờ báo buổi chiều của Bắc Kinh có một bài ngắn và một tấm hình.
Nhưng ngay lập tức vụ này biến mất trên Internet. Sau đó, gia đình của hai
thiếu nữ trong xe nhận được tiền bồi thường từ công ty dầu khí lớn nhất của
Trung Quốc. Một nhà kinh doanh ngoại quốc cho tờ Times biết là một số tiền rất
lớn được chi ra “để bảo đảm là họ im miệng”.
Khi
báo chí tiếng Hoa hải ngoại loan tin hôm tháng 6 là người chết chính là con
trai ông Lệnh, một tờ tạp chí ở Hồng Kông đã viết một bài chứng tỏ tất cả đều
là bịa đặt, dẫn lời nhắn tin trên một địa chỉ liên lạc xã hội như là bằng cớ.
Thực ra, sau này mới bại lộ ra là ông Lệnh đã cho người giả mạo con tiếp tục
post những thông điệp trên một trang tương đương với Facebook của mình ở Trung
Quốc.
Những
nguồn tin thân cận đảng Cộng Sản còn cho biết cảnh sát đã ghi tên nạn nhân là
Giả, đồng âm với “giả mạo”, nghe đâu là một cái tên mà công an một đôi khi sử
dụng nếu cần che giấu tên tuổi ai đó. Lúc đó người ta nghi vụ này liên quan đến
một lãnh tụ mới về hưu, đó là ông Giả Khánh Lâm, thường vụ Bộ Chính Trị khóa
17. Nổi giận vì những đồn đoán có tính cách bôi nhọ, ông Giả đi kiện ông Giang
Trạch Dân.
Ông
Lệnh, vốn xuất thân từ Ðoàn Thanh Niên như ông Hồ Cẩm Ðào, đã theo chân ông Hồ
về Bắc Kinh khi ông Hồ được đưa lên làm lãnh tụ theo lệnh của ông Ðặng Tiểu
Bình. Việc ông Ðặng chọn ông Hồ lên vốn đã là một việc làm ông Giang tức tối vì
ông đã không được quyền chọn người thay thế mình. Khi về đến Bắc Kinh, ông Hồ khá
cô đơn, không có bè cánh thành ra ông Lệnh đã trở thành cánh tay phải của ông
Hồ. Nghe đâu ông Lệnh khá kiêu căng và đã gây thù gây oán với một số đàn em của
ông Giang.
Hôm
tháng 7, khi các lãnh tụ nhóm họp để bàn thảo về số phận ông Bạc Hy Lai và đưa
ra những kế hoạch cho việc chuyển quyền. Một viên chức cho tờ Times biết “Ngay
khi họ đang bàn thảo về những thu xếp, các đồng chí kỳ cựu dơ tay lên đòi phát
biểu. Họ nói các lãnh tụ phải tuân theo kỷ luật đảng, thành ra người này không
đáng được đưa vào Bộ Chính Trị.”
Nghe
đâu trong một cuộc tranh luận với ông Hồ, ông Giang đã đặt vấn đề về “nhân
tính” của ông Lệnh với cáo buộc là ông vẫn tiếp tục công việc bận rộn, và không
để thời giờ để tang cho con. Nhiều người hùa vào. Trước sự tấn công đó, ông Hồ
đành hy sinh đồng minh của mình, phần vì lúc đó đảng đang theo đuổi việc kỷ
luật ông Bạc. Một bà con của ông Hồ giải thích “Ông ta không muốn cho họ vũ khí
để họ tấn công ông.”
Và
nghe đâu đến tháng 9, ông Hồ đã bị quá căng thẳng về vụ ông Lệnh và các cuộc
điều đình về thay đổi lãnh đạo nên có vẻ như ông đã chán bỏ cuộc. Và chính vì
với ảnh hưởng của ông Hồ suy giảm, ông Tập mới có cơ hội nắm được ngay lấy quân
ủy trung ương, khác với khi ông Hồ mới lên, ông Giang vẫn còn nắm chức chủ tịch
quân ủy thêm hai năm rồi mới từ bỏ.
Kể
dài dòng câu chuyện này vì nó chứng tỏ cho chúng ta thấy một hệ thống mà một
nhân vật quyền lực có thể che giấu không những nhân dân mà cả hàng lãnh đạo cái
chết đen tối của cậu con trai của mình, sai bảo các cơ quan nhà nước như là sai
người làm và lũng đoạn toàn thể hệ thống công quyền chỉ vì ông ta là một cận
thần của lãnh tụ. Ông Lệnh không những tham nhũng, ông còn ra lệnh cho một công
ty quốc doanh phải làm việc đó cho mình.
Một
quốc gia như Trung Quốc đã trở thành một quốc gia mà cả nền tảng công quyền dựa
trên tham nhũng. Ông Bạc Hy Lai lấy tiền đâu để gởi cậu công tử đi học Harvard
mặc dầu lương ông chỉ tương đương với 20,000 đô la một năm? Ngay chính ông Tập
Cận Bình cũng có con gái đang đi học ở Hoa Kỳ nhưng đồng lương ông đâu có đủ để
chi trả. Cũng như ông Lê Ðức Thúy, họ đâu có nghĩ những gì họ làm là tham
nhũng.
No comments:
Post a Comment