Monday 17 December 2012

HẠT ƯƠM HƯ [1/9] – (truyện dài Vũ Đình Kh.)




12:01:am 02/12/12

Chương 1

Cuối tháng hai, năm 1975…
Khi trái bóng từ góc phạt trái ở cuối sân bóng đá, vút bổng lên cao, mọi cái đầu đều nhìn ngược và ngước lên cao, rồi chạy ùa vào khung thành, tranh trái bóng.
Chợt nhiên, mọi người khựng lại, khi nghe tiếng gầm rú trên không thật gần của hai chiếc chiến đấu cơ. Khi trái bóng vừa rơi xuống sân, giữa khung thành, cũng là lúc hai chiếc chiến đấu cơ chúi đầu xuống và từ trong bụng nó rót ra hai trái bom đen ngòm. Trong tiếng rít xoáy tai ấy, tích tắc, sau đó, hai tiếng nổ rền vang.
Bọn thanh niên rú lên hãi hừng và bỏ chạy tán loạn, quên cả nhặt trái bóng da rất quý hiếm đối với họ.
Tuấn vơ vội cái áo cộc, chạy thục mạng về nhà.
Đó là hai trái bom do Không quân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa thả xuống, hòng phá hủy cây cầu Bống ở Nha Trang, để chận đường tiến quân của quân Bắc Việt đang ùn ùn tràn vào như nước vỡ bờ. Nhưng phi vụ không thành, hai trái bom đã thả chệt hướng rớt xuống làng chài xóm Bống.
Từ bên kiađèo Lương Sơn, những khẩu đội phòng không của quân đội Bắc Việt, bắt đầu phản pháo, nảđạn liên tục. Cả một bầu trời đang trong xanh, biến thành màu đen của những đám khói bay lỡn vỡn. Hai chiếc chiến đấu cơđành thúc thủ, bay trở ngược về phi trường Cam Ranh.
Không khí chiến tranh đang lan tỏa, chết chóc đang thành hình. Cả tuần nay, mọi tin tức chiến sự như một cái nồi súp-de sắp bùng vỡ.Huế, Đà Nẵng thất thủ! Qui Nhơn di tản. Quân đoàn 2 ở Buôn Mê Thuột vỡ tan và đang triệt thoái bằng con đường liên tỉnh lộ 7 B, theo lệnh tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rút về Nha Trang tử thủ.
Những tin tức này, Tuấn đã nghe trên radio mấy ngày nay, nhưng tuổi trẻ vô tư, anh cứ mãi miết chơi. Không khí chiến tranh đã quá quen thuộc trên quê hương đói nghèo này, vì thế, con người Việt Nam dường như vô tư, khi không khí ấy nó chưa kéo tới nơi họ ở, để phá cho tan hoang mọi điều. Bây giờ, Tuấn đã bắt đầu sợ! Chiến tranh đang kéo tới nơi anh cư ngụ, một nơi chưa từng xẩy ra trong trí nhớ ở thời thơ ấu.
&
Diên khánh, một thị trấn nhỏ cặp sát Quốc lộ 1, còn gọi là phố Thành. Thị trấn này, trong thời chiến tranh Quốc & Cộng ít xẩy những vụ đánh lớn, họa hoằn lắm, thi thoảng, mấy ông du kích về gài mấy trái mìn ở quận, khi rút ra, bị chận lại và thường để lại vài xác chết, với cái quần xà loỏng duy nhất trên người. Chính quyền thường để những xác chết này ở ngã ba A Ùi, để thân nhân nhận diện, đem về chôn cất. Mấy ông du kích cũng là dân trong quận, trong làng cả, nên chính quyền cũng làm ngơ để thân nhân họ nhận xác, mà không bắt bớ. Mỗi khi có những xác chết như thế, tiệm phở, bánh bao của ông A Ùi vắng tanh khách cả tuần lễ. Người dân sợ mùi máu tanh của những xác chết còn vươn đọng lại trong không không khí thanh tao của khu phố. Ông A Ùi, thường vê vo cái bụng bự như nồi phở của tiệm, la trời hởi, trời ơi.
Còn sao gọi là phố Thành?
Phải dài dòng chỗ này chút xíu. Năm 1793, sau khi đánh chiếm được Diên Khánh từ tay nhà Tây Sơn, Chúa Nguyễn Ánh đã cho xây dựng trên vùng đất, khi ấy còn heo hút, một căn cứ quân sự và khu dân cư được vây quanh bởi một tòa thành. Từ đó đến nay, gọi là Thành Diên Khánh. Thành Diên Khánh được bao bọc bốn hướng, với: Cửa Đông, Cửa Tây, Cửa Tiền, Cửa Hậu; mỗi Cửa như vậy đều xây lên một cái thành. Mỗi cái thành, là độc đạo đi vào cổng thành, hai bên đường là hai cái hồ nhân tạo rất sâu, sâu cả hơn chục thước và bề dài thì gấp đôi. Cuối hồ là một con lạch nhỏ khoảng vài thước bề ngang, chạy dài mấy cây số thông qua các Cửa khác; và cứ như vậy, bọc thành Diên Khánh. Do đó, thành như một cù lao nổi, xung quanh toàn là nước với nước. Thành cũng có mái cong vút, hai bên thành là những bệ cấp để đi lên, trên có lính gác đủ để đi hai hàng dọc ngược chiều. Bề dày của cổng thành gần chừng chục thước, bề ngang từ bốn đến năm thước, đầu và cuối cổng thành là một vòng tròn ở trên. Vì dày và hẹp như vậy, nên mỗi khi gió thổi, nó kêu u u và mát lạnh. Bốn hồ ấy thông nhau, chảy ra con sông Cái ở Cửa Tiền.Vì thế, khi xưa, Hoàng đế Quang Trung nhiều lần xuất quân đánh nhưng bất thành. Thời VNCH cũng vậy! Mấy ông du kích, nhiều lần muốn tấn công đánh vào quận Diên Khánh, nhưng bất thành.
Mấy ông Việt cộng thấy khó vào thành, họ bèn nghĩ cách: lặn xuống nước, ngậm ống sen, bơi từ bờ bên này sang bên bờ thành. Giữa một cái ao lớn nước tù đọng (vì lâu ngày, các ao không còn thông nhau bởi bùn), mấy ông Địa phương quân, thấy mấy cái ống sen trôi lừ đừ; họ chờ mấy ông du kích lên bờ mới làm thịt, hoặc khi lười, họ ném trái lựu đạn là xong đời mấy ông du kích, sáng hôm sau, những thây ma thằng Chổng nổi lềnh bềnh!
Để trả những mối thù này, mấy ông du kích, bèn gài mìn cho nổ tung những chuyến xe lam, ở những làng xã xa xôi. Người dân vô tội chết lãng nhách! Đôi khi, chính những du kích giết chết những bà con họ hàng của họ! Dĩ nhiên, chiến tranh là sự tàn nhẫn, điều đó ai cũng hiểu, nhưng có cần đi đến sự tận cùng của cái ác, là giết chết những người thân của mình? Mà dường như, dân tộc nào trên trái đất này, cũng đều hành xử như vậy! Sự tiến bộ của nhân loại về mọi hình thức, chỉ là một lá chắn để che chở cho sự ngụy biện, khi quyền lợi quốc gia chưa bị đụng đến. Càng văn minh, sự che dấu càng… hợp pháp hơn!
Qua bao bể dâu, sau thời hậu Trịnh Nguyễn phân tranh, bên ngoài Cửa Đông, là Cửa chính đi vào thành (ngày nay, là đi từ Nha Trang vô Thành, vô Cam Ranh…) là những rừng cây nhỏ hoặc những cánh đồng, lâu dần người dân xây nhà cửa lập ra khu phố, buôn bán. Đây là điểm đặc dị của phố Thành! Thông thường, mọi hàng quán, sinh hoạt dân sự, luôn dính liền với quân sự hoặc hành chánh, nhưng Thành thì riêng biệt hẳn hòi.
Chi khu cảnh sát, Hành chánh Quận, Trung tâm 3 nhập ngũ trại Trung Dũng, trường trung, tiểu học Diên Khánh nằm trong nội thành! Nghĩa là… dù bất cứ chính quyền đối nghịch nào, có vào chiếm thành thì thật là khó!
Vậy mà…

*
Khi hai trái bom rơi chệt hướng vào làng Chài, đó là điềm báo sự mất miền Nam? Điều đó chưa hẳn!
Chính quyền miền Nam Cộng Hòa, nghĩ thế nào khi cho oanh kích cây cầu Bống Nha Trang để chận đường Nam tiến của quân Bắc Việt!? Thật là một sai lầm tai hại! Họ đã không nghĩ đến con đường Cải lộ tuyến, người Mỹ đã xây, chạy ra đến tận đèo Lương Sơn, bên kia thành phố Nha Trang, mà nơi đó trước Hiệp định Paris, quân đội Nam Triều Tiên trấn đóng với hai sư đoàn: Bạch Mã (White Horse) & Cây Dừa (Coconut). Từ đèo Lương Sơn đổ dốc xuống ngoại thành của phố Thành, gần hơn Nha Trang đi xuống Thành.
Hay rút lui trên con đường Tỉnh lộ 7B, Buôn Mê Thuột, cũng là một sai lầm trầm trọng, như ném hai trái bom nơi cầu Bống?

*
Ở Thành, thường thấy những người điên! Có nhiều người điên, ở những trạng thái khác nhau.
Mụ Nuôi là trường hợp đau khổ nhất, ai cũng thương. Mụ có ănhọc hẳn hòi – Năm thứ nhất Đại học Sư phạm – và lại đẹp nữa. Đôi vú của Mụ, không bao giờ đeo xú-cheng, lộ rõ hai cái núm tròn ủm, mịn màng, đã treo trên người Mụ sự nghiệt ngã của cuộc đời, từng nhiều lần bị hiếp dâm ở chợ lồng khi ngủ qua đêm. Mụ yêu một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt (cùng trường, quê), anh đậu Thủ khoa, tự sát tại Bình Dương sau một trận công đồn của Việt cộng.
Ông Cường, 48 tuổi, chủ của một đại lý bia “Con cọp rằn”, theo đạo Vi Vô của thầy L.S.H. Đạo này, trên khắp đất nước, có rất nhiều người bị… tẩu hỏa nhập ma! Họ thích xuất hồn, phiêu diêu nơi miền cực lạc… nữa đêm giờ Tí! Hằng đêm, sau khi tọa thiền, sau 2 giờ sáng, ông vừa đi, vừa “sả thiền”, và bắn “điển” lên trời, để không giết linh hồn mộng mị… những con ma vất vưởng trên thế gian!
Binh nhất, Cai Dù, tức Cu dài, vô đạo, vô phái, cũng điên tận mạng! Nghe nói, Binh nhất, 18 tuổi, bị bắt lính, huấn luyện tại Trung tâm 3 trại Trung Dũng, chỉ vài tháng sau bị điên (hoặc khùng), gửi trả về địa phương. Ngày ngày, binh nhất Cu dài đi lang thang, ở truồng, với cái kèn “harmonica” thổi khúc quân hành, khoe chim đi giữa phố Thành khơi khơi! Nhìn con cu hắn, thiên hạ bắt khiếp! Nó to bằng trái bắp, cuối mùa thu gặt với nhúm râu ngô đen thùi lùi rũ xuống cuống. Người ta cũng đồn rằng: hắn ta, là tình nhân điên khùng với mụ Nuôi. Nhưng vì là tinh dịch khùng nên mụ Nuôi, không bao giờ có chửa.
Người tiếp đến là mẹ Tuấn. Bà không điên nặng, nhưng có từng cơn!
Còn lắm kẻ khùng và điên! Nhưng vì, họ sống trong nội Thành, nên Tuấn không rõ. Cái tuổi, ăn chưa no, lo chưa tới, hoài hơi mệt sức!
Dân ở Thành bảo: Tộc Việt , trong Bách tộc, đã diệt cả một hệ tộc Chàm, nay phải “hưởng” thành quả của… quả báo!
Bốn Cửa thành, được xây lên, bằng những viên đất sét, chồng khít lên nhau, rồi được ủ rơm, củi, và gỗ… nung chín thành gạch. Nó giống nhau, như Tháp Chàm ở Nha Trang.
Nhưng, kẻ điên, đặc biệt nhất là Bảy Rắn!

*

Chương 2

Đã là kẻ điên đặc biệt, dĩ nhiên, hắn phải có cái gì đặc biệt hơn người!
Thứ nhất về tên tuổi thật của hắn, không một ai biết – ngoài ông anh họ của hắn – làm xã trưởng xã Diên Toàn. Thứ nữa, không một ai biết quê thật của hắn ở xã nào, trong cái quận lỵ Diên Khánh, có mười mấy xã, Tuấn không nhớ hết, có cái tên đầu là Diên: Diên Toàn, Diên Thạnh, Diên An, Diên Điền, Diên Thủy, Diên Phước, Diên Lâm, Diên Tân, Diên Thọ, Diên Phú… Thứ ba, cái dáng tướng đi của hắn trông vô cùng dị hợm. Hắn đi lươn lẹo như rắn! Khi đi, thân hình hắn ngã bên này, rồi xiên xiên bên kia, như loài rắn trườn bò đi kiếm mồi với đôi mắt ti hí trắng tròng, hai chân luôn nhón bước – nghĩa là hắn đi bằng… đôi bàn chân năm ngón thuôn ngoan! Dáng đi này, theo sách tướng pháp, đàn bà thì dâm cực độ, và; đàn ông sẽ chết bất đắc kỳ tử! Hắn thứ bảy, do ông xã trưởng gọi, nên thiên hạ gọi hắn là Bảy Rắn. Mà có phải hắn thứ bảy?
Có trời biết. Nhưng Rắn… là chắc chắn rồi!
Bảy Rắn ở độ tuổi 30, tướng dong dỏng cao, tóc để dài chấm vai không bao giờ chải gỡ. Người ta đoán rằng: hắn là dân ở miệt ngoài vào đây. Có thể là Tuy Hòa, hoặc Bình Định, vì giọng nói của hắn nằng nặng, mà người dân ở đây gọi là giọng “Nẩu”. Nhưng ông xã trưởng cả quyết rằng: Bảy Rắn quê Đại Điền đông, tức xã Diên Điền, bên kia con sông Cái, nơi nổi tiếng Việt cộng đồn trú. Cũng có thể đúng, bởi vì đa số thanh niên trai tráng, thường qua Thành sinh sống, hoặc đêm đến phải qua Thành ngủ, vì sợ mấy ông Việt cộng bắt đi lên núi… làm cách mạng!
Dường như, trên cái đất nước Việt Nam hình chữ S có 326 ngàn cây số vuông này, có rất nhiều tên gọi địa danh trùng nhau. Lý do vì sao trùng nhau? Mãi sau này, lớn lên chút nữa, Tuấn mới tự khám phá ra!
Cuộc Nam tiến ở đàng Ngoài, đã để lại không ít trong ký ức sâu thẳm những con dân đất Việt lòng hoài vọng về quá khứ, quê Cha, đất Tổ, luôn mang trong người của những di dân vào vùng đất mới. Họ nhớ quê hương cũ, da diết với cội nguồn dân tộc, xa lạ vùng đất mới, với những địa danh mang hơi hướm Chàm… thế là họ đặt tên cũ cho mảnh đất mới họ ngụ cư.
Vườn Trầu ở đây không biết có dính dáng gì đến 18 thôn Vườn Trầu, như sử sách đã ghi?Vườn Trầu thuộc xã Diên Thạnh. Ngã ba A Ùi, (vì ngã ba nằm ngay tiệm phở, bánh bao của ông người Tàu, có tên A Ùi) nằm dọc con quốc lộ 1, cũng có nghĩa đối diện thôn Vườn Trầu, bằng một con hẻm tương đối rộng. Vào sâu hơn chút nữa, khoảng 2, 3 cây số, đó là vùng “da beo”! Ngày Quốc gia, đêm Cộng sản, như hầu hết các vùng xôi đậu trên khắp miền Nam trong thời chiến tranh leo thang.
Bảy Rắn ở với ông anh họ làm xã trưởng, nhà cách con quốc lộ 1 không hơn nữa cây số.Công việc chính của hắn, là thợ đóng tủ, bàn và ghế gụ… với ông anh họ. Hắn có đôi tay tuyệt vời. Những cái tủ thờ, những bộ sa-lông, bàn ghế… sắc sảo, được đặt hàng nhiều nơi, ra đến tận cuối miền Trung.
Gia đình Tuấn và gia đình ông xã trưởng qua lại rất thân tình, thường biếu tặng những món ăn ngon, vật lạ cho nhau. Là một tiệm chụp ảnh, rửa hình, duy nhất trong phố Thành, mọi công việc: chụp và rửa ảnh cho hành chính quận trong những ngày lễ lớn, hoặc chụp ảnh cho học sinh trong những mùa thi Trung, Tiểu học, gia đình Tuấn đều cáng đáng tất cả. Tuấn là thành tố trong gia đình.Anh vào phòng tối, “retouch” film, năm 10 tuổi.
Một đàng làm xã trưởng, một đàng thân thiện với chính quyền sở tại, nên hai gia đình thân nhau, là điều dĩ nhiên không ai tranh cãi dị nghị đủ điều.
Mỗi khi những dăm bào của gỗ tràn ngập ngoài sân, Bảy Rắn thường đạp xe ra nhà Tuấn nhắn: vào lấy dăm bào.
Dăm bào đế nấu ăn, dễ bắt cháy và không nhiều khói. Mỗi lần như thế, Tuấn mượn cái xe “ba-gác” của ông A Ùi, đi chở đóng dăm bào.
Bảy Rắn xoay người cái rẹt, khi vừa nghiêng bên kia chống xe.
- Tâu (tôi) đẽ (đã) nóa rầu (nói rồi), mà thằng Tuấn ni hổng… tân lệnh (tuân lệnh!) Anh Nem (Năm), biểu (bảo) thằng Tuấn, chiều mô phải ghế (ghé) lấy mớ dăm bàu (bào), chứ khôn (không), tâu bán, lấy tiền uống la-de “Con cọp rằn” ở tiệm lão Cường, vi vô, vô vi, vì tiềng (tiền), thìa (thì) anh Nem roáng chiệu (ráng chịu) nhấ! (nhé).
- Kìa chú Bảy. Vào đây, vào đây… Cha chả! Bữa nay tỉnh dữ. Thôi, thôi… tôi can chú đừng bực! Thằng này nó còn ham chơi, đàn đúm với bạn bè lắm.
Ông quay qua bảo Tuấn.
- Cháu qua bên ông A Ùi, lấy một “két” 24 chai “ông thần cọp rằn”, biếu chú Bảy làm tình!
- Anh Nem! Anh biểu tôi lờm tình với… cộp, lòa nghĩa lờm sao?
- Ấy, đừng nói vậy chú Bảy! Làm tình đây, có nghĩa là làm tình xóm nghĩa làng, quê hương. Chớ chú làm sao, làm tình được… với cọp! À, mà tôi nói cũng đúng. Chú làm tình với “con cọp rằn” la-de là đúng điệu nhất! He he…
Bảy Rắn cũng cười theo. Càng cười thân hình hắn càng lắc mạnh như con rắn trườn, ngo ngoe.
Tuấn đang ngồi, cạo sửa mấy tấm ảnh cùng ông Năm, cũng phải bỏ mảnh gương vỡ như đốt ngón tay, cười rũ. (Kỷ thuật, thời ấy còn đơn sơ. Một tấm ảnh cũ, được chụp lại, rồi phóng to lên, những nét vỡ trên khuôn ảnh càng rõ ràng hơn. Vì thế, phải dùng một mảnh gương, vừa cắt ra, cũng bằng một mãnh gương vỡ khác, cạo những nét vỡ, hoặc những chấm đen trong khung ảnh, rồi tô lại bằng cây bút lông có chấm mực, dù trắng, đen, hoặc có màu).
- Mày, cười gì lọa vậy, Tuấn?
- Vậy mà, thiên hạ bảo chú điên!
- Á, à… Tổ choa cái thiên họa! Tâu điên, mà tâu biếc đóng bàn ghế, tủ gụ, noải tiếng nhất ở xứ Thành này?Như vậy, cả cái tỉnh Khánh Hòa này đều điên chắc?
Bấy giờ, ông Năm mới vắt cây bút lông ngang tai, nói:
- Chú nói, chú không điên, sao khó tin quá! Mới mấy tuần trước đây này! Xe nhà binh đang chạy ùn ùn ra miền Trung cứu nguy ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn… thì chú bất thình lình chạy đâm ra con quốc lộ, nằm giữa đường chờ cho xe nhà binh cán. May mà… họ phanh thắng kịp!
Bảy Rắn gãi đầu, ngó lơ.
Cả phố Thành này, ai ai cũng biết cái ngày ấy.
Hôm ấy, một đoàn “công-voa” từ Nam chạy ra miền Trung tiếp cứu; ngang qua rạp hát Tân Tiến, gần cái đền của giáo phái Hòa Hảo. Người ta thấy Bảy Rắn nhào ra giữa lòng đường với cái quần tà loỏng duy nhất, sùi bọt mép, nằm dãy giụa, hai tay giật giật đưa lên trời, đôi mắt trắng ởn đến phát khiếp.
Ui chao! Két… két, rầm… rầm, cả một đoàn “công voa”, thành một toa xe lửa ngoài dự kiến!
Một ông sĩ quan cao cấp bước xuống, với đôi giầy “bốt-đờ-sô” đá thốc tháo, vào đầu, lưng và mạng sườn của Bảy Rắn, chữi liên tục.
- Đụ mẹ! Mày có điên không, mà đâm đầu vào xe nhà binh, hả mậy?
Ông già với chiếc xe đẩy: lọ tương ớt, rau thơm, ngò gai, rau quế… gõ tách tách, hài hòa với cái kẹp, như mười ngón tayđiệu nghệ, kêu lên:
- Nó khùng nặng, ông sĩ quan ơi! Thằng này, lâu lâu, nó cứ chơi cái trò giật gân như “cinema” này hoài à! Gỏi đu đủ, bò khô đâây… tách tách…
Bảy Rắn, ngó lơ nhìn chỗ khác, nói:
- Thôi, tui dìa, anh Nem!

*
Từ khi hai trái bom do Không lực VNCH ném không thành công ở cây cầu Bống Nha Trang, không khí chiến tranh bắt đầu nóng lên từng giờ. Người ta tính từng ngày, từng giờ… đến khi nào quân đội Chính quy Bắc Việt, vào được thành phố Nha Trang, rồi lên Thành, rồi vào nữa… cho đến tận thành phố Sài Gòn, kinh đô ánh sáng của miền Nam Việt Nam, được gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông; và cái gì, sau đó, sẽ xẩy ra…
Cuộc tháo chạy của người dân Nha Trang đã bắt đầu! Họ cho rằng: những thành phố lớn là nơi mà quân Bắc Việt sẽ chiếm lấy trước tiên! Dân Nha Trang bắt đầu tháo chạy về vài quận lỵ vệ tinh nhỏ quanh đó, trong đó có quận Diên Khánh.
Những người thoát được từ Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn… bằng xe cá nhân, bảo rằng: ở những nơi ấy, những cái chết tập thể rất nhiều. Trên radio, quân đoàn 2 của tướng Phú, đang triệt thoái Tây nguyên qua con tỉnh lộ 7B, đã bị quân Bắc Việt chận lại, bằng những trận pháo kích vào đám người đang tháo chạy, bất kể dân chúng.
Những trang Sử Máu được ghi lại lần nữa qua vụ Mậu Thân, HèĐỏ Lửa ở Quảng Trị, Bình Long… do quân đội miền Bắc gây nên!
“Giải khăn sô cho Huế”, “Mùa hè đỏ lửa”, “Dựa lưng nỗi chết”, Tuấn đã đọc như con mọt sách, khi bắt đầu yêu thích thơ văn. Tuấn biết: Mậu Thân, Quảng Trị, Bình Long… đang được lặp lại, cho dân tộc Việt Nam khổ đau: người đồng chủng giết nhau, bằng súng đạn phương Tây, qua ý thức hệ!
Sự tàn ác của chiến tranh có thể chấp nhận được, qua hai bên – những người lính cầm súng – của hai chế độ, bắn giết nhau; nhưng không thể vinh danh sự chiến thắng, bằng cách giết người bừa bãi, như vụ Mậu Thân, và; bây giờ, con đường Liên tỉnh lộ 7B, rồi sau đó?!
Nước Việt Nam nằm dọc biển Đông, từ Bắc chí Nam, sẽ còn có bao con dân chết mất xác trên biển?
Ôi, quê hương!!!

*
Chính quyền quận Diên Khánh cho một toán lính Nghĩa quân xuống đóng dưới chợ Thành. Họ ở trong cái đình của xã, theo dõi diễn biến tình hình. Chợ vẫn họp như bao ngày.Người dân đã quá quen thuộc với không khí chiến tranh. Sự chịu đựng bền bỉ của dân tộc Việt Nam quả siêu việt! Họ chấp nhận cái chết có thể bủa vây trong tích tắc, bằng những trận pháo kích bất ngờ nhất, từ trên núi Đồng Bò, hay bên kia Đại Điền Đông, Tây, thường pháo xuống; hoặc sau một phiên chợ tan, có thể họ là những nạn nhân của những vụ đắp mô, giật mìn của Việt cộng, chết tan xác, không một lời than van cho số phận như một cái kiến, con sâu.
Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây. Và, hai mươi năm nội chiến từng ngày, của lũ người mang một chủ nghĩa lai căng, từ một phương trời xa lơ, xa lắc của một xứ sở có tuyết trắng rơi, có những con người với mái tóc vàng và râu ngô.
Năm 1954, với trên một triệu rưỡi người miền Bắc di cư vào Nam, trên những chuyến tàu của Pháp và Liên Hiệp Quốc, và rất nhiều người, bị họ chận lại, bằng nhiều hình thức: đe dọa, trấn áp, tuyên truyền…
Để rồi sau đó, gần nữa triệu người bị bức tử sau vụ cải cách ruộng đất, ngay cả những người đã từng nuôi giấu, tiếp tế họ trong chiến tranh, là những người đầu tiên bị đem ra xử bắn không tiếc thương. Hàng ngàn trí thức bị vùi dập, bỏ tù, trong hai vụ án Nhân Văn, Giai Phẩm.
Một quốc gia vừa mới ra đời: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đã là một quốc gia bội ước những gì họ vừa ký kết, thì làm sao tin tưởng vào chính quyền đó. Mặt trận giải phóng miền Nam là câu trả lời chính xác nhất, cho sự bịp bợm của chính quyền Bắc Việt, sau này!
Một quả chanh đã bị vắt cạn kiệt, dù có cho con điếm Sài Gòn thời me Mỹ, vài cây vàng, nó vẫn khinh bỉ và quay mặt bước đi với bãi nước bọt:
- Tôi làm đĩ, chứ tôi không phản quốc!
Buổi trưa trời nắng chang chang như đỗ lửa. Những ngọn gió Lào khô khốc vẫn thổi như đun thêm cái nóng vào không khí chiến tranh đang đến hồi kết thúc. Bảy Rắn với cái tang trắng quấn ngang đầu, xuất hiện nơi cửa chợ. Hắn bắt đầu chữi như mọi khi, nhưng lần này hắn quay mặt về phía đình có đám Nghĩa quân đang canh gác.
- Mẹ! Tụi Việt cộng sắp vào rầu. Tụi bây coi chừng cái mạng đó nhấ! Tụi bây quen ăn bơ thừa sửa cặn, rầu Việt cộng nó vào, chừng đó chết cả lũ!
Càng lúc hắn càng chữi tợn! Thấy Bảy Rắn nói vung xích chó, một anh lính bước ra nói.
- Ông Bảy, về đi, đừng ở đây ăn nói tầm phào!
-Tâu nói tầm phào là sao hở mậy?
- Nghĩa. Mày tống cho ổng cái báng súng, chớ có nói lôi thôi. Mẹ! Cha này cứ tưởng là em ông Xã trưởng, thỉnh thoảng, ra đây chữi càn. Đúng là thằng điên! – Một giọng nói trong đình vọng ra. Anh lính nói.
- Tôi khuyên ông Bảy! Ông không về, ông thiếu úy mà ra, ổng dộng cho cái báng súng, không còn răng ăn cơm, nói càn!
Bảy Rắn gân cổ lên nói.
- Mày thấy tâu để teng cho chính quyền này hôn? Chúng mày là những tên hại dân bán nước, tôn thờ đế quốc Mỹ! Nay nó thua trận, chạy xéo về Mỹ, thì cũng đến lượt chúng mày!
Bảy Rắn chỉ vào đầu với cái tang trắng hăm dọa.
- Tao bắt đầu để teng cho chúng mày đây.
Hắn ngật ngưỡng bước đi liêu xiêu… như rắn.
Dường như, Bảy Rắn lên cơn thật? Hay hắn, đã nhìn thấy một miền Nam sắp rơi vào tay Cộng sản?

*
Ông Năm có bảy người con, nuôi bốn đứa cháu và một đứa con nuôi, “lượm” được ở bến xe Thành, năm cô bé ấy 12 tuổi. Tuấn là cháu gọi ông Năm bằng cậu. Gia đình Tuấn có tám anh chị em tất cả, sau Tuấn, còn ba thằng em trai ở với bà mẹ điên, sống thiếu thốn và đói ăn thường niên.
Năm Mậu Thân, khi đó Tuấn 9 tuổi, trong căn nhà được sinh ra và bú mớm ở xã Diên An, bên kia đường, trước cây Dầu đôi. Tuấn đã từng chứng kiến những cái xác không đầu, không chân, tay trong khu vườn ăn trái nhà anh. Mẹ anh bắt đầu điên từ đó. Tuấn phải về sống nhờn hà người cậu.
Ông Năm theo đạo vô vi, một giáo phái mới xuất hiện không lâu, do thiền sư ĐTH khai phá, vì thế đạo này rất ít người biết. Ông Năm cũng là người đại diện chi phái này tại Khánh Hòa, tất nhiên nhà ông cũng là cái thiền đường cho cả tỉnh.Vì thế, nhà ông, khách thập phương bổn đạo, hàng ngày tới tấp, thăm viếng.Ông cũng bắt cả nhà tập ngồi thiền.
Mười bốn tuổi, Tuấn bắt đầu ngồi thiền! Với một cậu bé còn ham chơi, thiền, quả là một thách đố lớn lao đối với Tuấn. Hằng đêm, cứ 1 giờ sáng, cả nhà nhà quây quần trên căn gác xép, bắt đầu tọa thiền. Mỗi đêm như vậy, ngồi 1 giờ đồng hồ. Không gì đau khổ bằng cho một thằng bé 14 tuổi, ngồi suốt 1 giờ đồng hồ, nín tiểu tiện. Có nhiều đêm, Tuấn muốn đi tiểu, nhưng sợ, vì qui định của ông Năm là phải ngồi thiền một tiếng đồng hồ! Tuấn đành phải đái vào đôi tay khum khum của mình, rồi trét xuống hai đùi. Sau, kinh nghiệm hơn, Tuấn không bao giờ uống nước trước khi đi ngủ sớm, và anh thành công!

*
Ù, ù… phành phạch…
Tiếng động cơ càng lúc càng lớn hơn.Tiếng cánh quạt chém gió của trực thăng “phành phạch” càng lúc càng gần.
Tiếng ù ù của động cơ máy bay giảm dần, tiếng phành phạch càng lúc càng lớn hơn. Sống ở một đất nước luôn chiến tranh, Tuấn biết máy bay trực thăng đang đứng yên một chỗ, để định vị, quan sát bên dưới.
Qua khung cửa sổ, hướng về phía nam khi ngồi thiền, những làn ánh sáng sọc, vàng đến chóa mắt, nhảy múa liên tục, theo nhịp điệu của ba chiếc máy bay trực thăng lên xuống, tỏa sáng trên căn gác xép nhà ông Năm. Cả gia đình bừng tỉnh trong cơn thiền, chạy vội tới cánh cửa sổ nhìn lên. Ba chiếc trực thăng đang quần nát phố Thành. Những vòng tròn vàng nhỏ ấy, từ trên cao độ, hắt xuống là những vòng tròn trên 10 mét chao đão liên tục, như tìm kiếm vật thể lạ! Không như những năm trước, dân trong phố tràn ra ngoài đường, chạy lổn ngổn nhìn trời, vì thấy lạ! Nhưng bây giờ, không khí chiến tranh đang nóng hổi, mọi cánh cửa đều im lìm, thậm chí, đèn đuốc tắt ngóm. Một con phố chết!
- Mấy ổng về rồi, về rồi…
- Mấy ổng là ai, vậy ông? Bà Năm, hỏi.
- Là… Việt cộng! Không… không, là mấy “ông cách mạng”!
- Việt cộng thì gọi Việt cộng. Có ai kêu là “ông cách mạng”!
- Bà biết gì mà nói! – Ông Năm chợt nổi cộc!
Đây là lần hai, hoặc ba, Tuấn không nhớ lắm. Đó là những lần, mấy ông du kích từ bên kia, Đại Điền đông, cộng bên này thôn Vườn Trầu, hợp tác tấn công thành Diên Khánh, từ ngã ba A Ùi.
Ba chiếc trực thăng, đứng một chỗ, pha đèn sáng rọi qua, lại, cả một góc trời trong vài phút, rồi từ từ, cất cánh.
Tiếng động cơ “phành phạch”, to lên, rồi nhỏ dần, nhỏ dần, mất hút về phía Cam Ranh.
Sau này, nhiều nhà báo, nhà văn và nhà… tung tin tức… học, viết rằng: Tổng thống Thiệu quyết tử Nha Trang, giữ lấy phần đất cuối cùng, rồi sau đó, Cam Ranh cũng quyết tử cuối cùng; rồi sau đó nữa, Phan Rang, nơi sinh quán ông Thiệu, là chặn cuối cùng của quyết tử!
Quyết tử, quyết tử cuối cùng… trên làn sóng radio, phát đi từ thành phố Sài Gòn!
Khi con thuyền đắm trên biển cả mênh mông, thuyền trưởng làm gì?
Ắt là, câu trả lời không khó.Lịch sử không bao giờ phán xét sai, bởi Hậu thế.
Bây giờ còn quá sớm!!!

*

Chương 3

Chị cả Tuấn, là Hiệu Phó của một trường trung học ở Nha Trang. Chị cùng chồng dạy chung một trường, thi thoảng, vài tuần mới trở về Diên Khánh.
Sáng nay, chị trở về đột ngột, bằng chiếc xe “hon-da đam” cũ, màu xanh, dù hai hôm trước chị đã về.
Thời trước 1975, giáo sư có cuộc sống rất thoải mái, nếu biết xoay trở, dạy thêm tại gia, có thể nuôi cả gia đình. Thầy Du, dạy toán, thầy Điền dạy Anh ngữ, là một điển hình ở Diên Khánh. Chị của Tuấn, còn cả một đàn em bảy đứa.Vì thế, chị cũng mở lớp dạy Sinh ngữ ở Nha Trang. Chị đã nuôi người em trai kế ăn học, thành tài, vừa trở thành Luật sư ở Sài Gòn 1975. Chị dấm dúi, dành dụm tối đa để giúp các em nên người. Trước kia, hằng đêm, chị kèm Tuấn và người chị kế Tuấn hai môn sinh ngữ Pháp và Anh. Ông Năm còn cho Tuấn học thêm Anh ngữ với thầy Điền, khoảng sáu năm cùng với các con ông.
Vừa về đến nhà, chống chiếc xe, chị nói.
- Cậu ơi, “chúng nó” chiếm Buôn Mê Thuột cả mấy hôm nay rồi! Bây giờ, ở Nha Trang, bọn cướp, bắt đầu hoành hành, đốt nhà dân, cướp tiệm vàng, lộn xộn lắm cậu ơi! Người ta đồn rằng: đoàn quân di tản còn sót lại ở miền Trung, cộng binh lính triệt thoái trên Cao nguyên sắp kéo vào đây. Ui chao! “Chúng nó” mà vào, chúng giết tập thể hàng loạt như vụ Mậu Thân. Chúng từng cho rằng: miền Nam, trai, thì theo Mỹ và gái là Me Mỹ, bán trôn nuôi miệng! Thảm họa sắp đến rồi cậu ơi. Trai đi lính , chúng bắn bỏ, gái thì chúng kẹp móng tay, kéo ra.
Chị Tuấn, vừa nói, vừa run. Chị khóc hù hụ!
Ông Năm đang ngồi “retouch” mấy tấm ảnh (thời đó rất thịnh hành – ảnh ghép nhạc – nghĩa là: người ta ghép ảnh mình vào những bản nhạc, làm kỷ niệm. Những bài hát phổ biến nhất: “Anh không chết đâu anh”, “Người ở lại Chalie”, “Nổi buồn gác trọ”, tuỳ theo tình cảnh của mỗi cá nhân vui, buồn thế sự! Ông buông cây bút lông, bực tức, nói.
- Mang danh Giáo sư, lại là Hiệu phó, một trường tăm tiếng ở Nha Trang, sao ăn nói càn rỡ, thế cháu. Cái gì là “chúng nó”! Cách mạng! Cách mạng, cháu nhé! Thế nào là cách mạng? Cách mạng là đạp đổ cái cũ thối nát, lập nên một cái mới – tốt đẹp hơn, nhân bản hơn – cho một xã hội hài hòa, tự do và công bằng bác ái! Quân cách mạng đang tiến vào miền Nam, như chẻ tre, như một dòng thác cuồn cuộn sôi sùn sục! Cách mạng đã từng đánh thực dân Pháp, lấy lại Hà Nội, đã giải phóng cho nhân dân miền Bắc thoát ách đô hộ thực dân phong kiến, lập nên chính thể VNDCCH. Bây giờ, thế tấn công của… ta, chống đế quốc Mỹ sắp thành công! Hai miền Nam, Bắc sẽ thông thương nay mai.Hòa bình sẽ lập lại, thống nhất đất nước.Hai miền sẽ quên đi quá khứ thương đau vì chia cắt, sẽ xây dựng đất nước, quê hương. Ai hơi đâu, dư thời gian, mà đi nhốt cả nữa triệu quân Ngụy miền Nam, và, lấy kềm, búa kéo mấy cái móng tay, móng chân, của những mụ đàn bà dài hơi thời gian!
- Nhưng… dân miền Nam đã học nhiều bài học chiến tranh, cậu! Huế, Cai Lậy, Bình Long…
Ông Năm liếm cho nhọn đầu cây bút lông, rồi đặt xuống.
- Cháu muốn nói: Bình Long anh dũng, Kom Tum kiêu hung. Hừ… Bọn Ngụy quyền Sài Gòn, tuyên truyền láo khoét!
- Cậu. Cậu nói sao! Ai, Ngụy quyền? Ôi Chúa! (Chị Tuấn, theo Đạo nhà chồng).
- Thằng Nguyễn Văn Thiệu, thằng Nguyễn Cao Kỳ, thằng Dương Văn Minh, thằng Khiêm… đều là Ngụy quyền miền Nam!
- Oh. My God! Cậu đặt hàng đống sách báo Sài Gòn, nào là: Trắng Đen, Chính Luận, Con Ong… Cậu thấu rõ tình hình hơn những ai. Sao Cậu lại gọi mấy ông nắm chính quyền bằng “thằng”!
- Vài ngày nữa, cháu sẽ hiểu!

*
Chiến tranh đã tới. Tới rất gần và nhanh như một cơn bão xoáy. Người dân Nha Trang, đã bắt đầu chạy vội vã. Chạy đồng loạt, như những triều cường, hết lớp này, đến lớp khác, chồng chất lên nhau trong hỗn loạn, tơi bời! Bấy giờ, không còn là những vệ tinh vây quanh, mà là trực hướng Sài Gòn, thẳng tới.
Những chiếc xe, mọi loại, đều quá tải, đuôi quỵt xuống, sát lề, lê lết chạy rề rề. Lê, chứ không chạy như bình thường, vì quá tải! Nhưng rồi họ cũng đi qua.
Sau nhiều kêu gọi trên radio “tử thủ”, bây giờ đến Cam Ranh, dừng lại và… tử thủ tiếp!

*
Bảy Rắn xuất hiện bất ngờ trước nhà Tuấn.Hắn đi ngã nghiêng như thường lệ, sau ngày làm việc tu mấy ve rượu đế.Nhìn dáo dác, thấy ông Năm ngồi đọc báo, hắn thong thả bước vào.
- Anh Nem, “phẻ” hông?
- Kìa chú Chín! Cảm ơn. Phẻ, phẻ… Chú lên tôi có chuyện chi vậy?Ngồi đây, ngồi đây chú.
Ông Năm kéo cái ghế đẩu nhỏ, Tuấn thường ngồi sửa ảnh, đẩy về phía Bảy Rắn. Bảy Rắn ngồi xuống kéo vạt áo vàng xỉn, lau vội hai bên thái dương.
- Có tin mừng anh Nem!
- Tin mừng gì vậy chú?
- “Mấy ổng”… đang trên đường tiến quân. Trở ngại lớn nhất ở đèo Đơn Dương đã dọn xong! Mẹ. Mấy thằng “rằn ri” cũng dữ thiệt. Chúng quyết tử thủ bằng cùng, nên cuối cùng cũng bị nướng sạch!
- Thế à! Vậy tụi Ngụy Sài Gòn bây giờ đang ở đâu?
- Một số được tàu Hải quân của chúng, chở đi; một số còn bị kẹt lại ở dưới Nha Trang. Anh Nem biết tại sao hông? Mẹ, tụi Ngụy nó bắn nhau để giành chỗ lên tàu trốn vào Sài Gòn, bất kể sĩ quan với lính! Đúng là Ngụy!
- Đúng là tin mừng!
Bảy Rắn chu cái miệng chuột, nhỏ thó, bổ vào lỗ tai ông Năm.
- “Chúng nó” đang chạy trối chết! Đường bộ, đường biển, đều tắc nghẽn! Bọn Ngụy ngu bỏ mẹ! Chúng cứ tưởng, chúng thả hai quả bom dưới cầu Bống, là “quân ta” không còn đường đi à!?“Mấy ổng”, đang từ đèo Lương Sơn, xuống Đại Điền Đông, qua Cải Lộ Tuyến, trèo qua ngã ba Thành. Giao tranh cầu Bống chỉ là hư chiêu, anh Nem!
- Rồi, rồi… Đúng là tin vui! Chú Bảy về đi. Chú lo phận Chú, tôi lo phận tôi, nhớ nhé!
Bảy Rắn lầm lủi bước. Những bước chân không còn thuôn ngoan, mà là những bước chân, mười ngón nhón mạnh, không xộc xềnh hình rắn!
… Chín giờ.
Tuấn vừa đưa lưỡi liếm cây bút lông cho nhọn thêm, như thói quen, để quét lên những khuôn mặt tráo đổi hình hài của chính họ cho đẹp thêm, trên những tấm ảnh, mang đủ mọi loại bản nhạc đang ưa chuộng.
Rì rì… rì rì… cộng lẫn tiếng người lao xao, la ó vang lại.
Tuấn bỏ cây bút lông khi nghe tiếng rì rì kéo dài của thứ âm thanh xe cộ đang chạy. Anh chạy ra lề đường nhìn.
Ui chao! Một đoàn xe nhà binh dài bất tận, quẹo vô ngã ba A Ùi bọc vào phố Thành. Những chiếc xe nhà binh chật như nêm cối, người với người. Hai bên hông xe treo đủ mọi loại vật dụng cho một gia đình cần tới nó. Xoong chão, nồi, bếp ga, xe đạp, thậm chí có những giỏ, lồng nhốt những con gà, vịt và ngay cả chó cũng treo toòng teng hai bên hông xe.
Những con mắt thất thần, hoang mang tột độ nhìn mà như không nhìn, thấy mà như không thấy, trước mắt cái gì cả, như những xác chết, vất vưỡng. Những ánh mắt vô hồn đầy tang thương. Chỉ còn lại: Chồng ôm ghì chặt vợ, con ôm thít chặt nơi vú mẹ, ngồi chật kín trong lòng xe.
Dường như, họ sợ, sẽ có một tốp người di tản “ăn có” sẽ nhảy vào những chiếc xe nhà binh, vốn dĩ đã có nhiều người đi theo và sẽ bám vào nữa.
Những người lính Quân đoàn 1 và 2, đang trên đường tháo chạy cùng vợ con vào Cam Ranh. Con đường “tử thủ” kế tiếp, theo lệnh tổng thống Thiệu (như một kế sách buộc chính quyền Mỹ nhận trách nhiệm cuộc chiến ở Đông Dương, mà họ tự nhảy vào, thay thế người Pháp, ngăn chận làn sóng Đỏ Cộng Sản), mà ông Thiệu muốn thăm dò thiện chí người Mỹ về chiến tranh Việt Nam.
Nhưng ông Thiệu đã tính sai một nước cờ!
Người Mỹ (hoặc chính quyền Mỹ) thực dụng hơn ông Tổng Thống của một nước nhược tiểu nghĩ! Gần 60 ngàn binh lính Hoa kỳ, đã ngã xuống chiến trường miền Nam VN, đã gây nên sự phẫn nộ các công dân Hoa kỳ.Một số thanh niên trong phong trào “híp-pi” ở Hoa Kỳ xuống đường biểu tình, đòi rút quân đội khỏi VN. Một số khác bất mãn hơn, trốn nghĩa vụ công dân, di dời qua Canada sinh sống bằng nghề trồng cây cần sa, mà bọn “phản chiến híp-pi” thích sử dụng và trốn tránh chiến tranh. Đổi lại, những công dân Canada, hiểu thế nào là mối họa cộng
sản đang lên cao, họ đầu quân vào lính Hoa Kỳ. Nước Mỹ càng nóng lên sau vụ ca sĩ tài danh Jone Fonda, đưa lên những trang báo, những hình ảnh, mà Ả vào Chiến Khu của Việt cộng lẫn ngay thủđô Hà Nội. Thêm vào đó, Todd Oliver, một người Pháp, một nhà văn nổi và cũng là nhà báo nổi tiếng, ủng hộ cuộc chiến của Bắc Việt.
Người Mỹ đành buôn(+g) VNCH!
Năm 1974, chính quyền Mỹ bỏ mặc VNCH, đơn phương chống làn sóng Đỏ, mà họ biết nó rất tai hại sau này. Thất Hạm đội 7, nằm ngoài khơi Thái Bình dương đã “kính nhi, viễn nhi”, ngó lơ, khi Trung cộng tiến chiếm Hoàng Sa. Để sau này, Hoa kỳ, ôm hận ngàn thu, khi con sử tử Đại Hán (đã từng bị sĩ nhục đớn đau trên chính mảnh đất và quê hương họ: Nơi đây, người Trung Quốc và Chó không được vào!) thức giấc như lời cảnh báo của thiên tài quân sự Napoléon!

*
Phố Thành là một con phố nhỏ. Chỉ có ba con đường mang tên những nhân sĩ, trí thức xã thân cho đất nước. Bọc bên ngoài, là con Quốc lộ 1. Đường Trần Quý Cáp dài khoảng 500 mét, là tới chợ Thành, ngay một ngã ba nhỏ. Bên kia là đường Phan Bội Châu, cũng chạy tới cái ngã ba nhỏ ấy, rồi quặt phải, chạy tiếp cũng khoảng 500 thước tới ngã ba A Ùi. Con Quốc lộ 1 vắt ngang qua đây.
Tuấn thấy hơi kỳ lạ! Tại sao, đoàn người di tản không chạy trên con Quốc lộ 1, mà quẹo vào phố?Tuấn chạy nhanh đến ngã ba Thành (cũng là nơi con Quốc lộ 1 chạy qua – ở cuối mỗi hai đầu con phố).
Một “con rắn xe nhà binh” đầy ắp người và người, chen nhau ngồi trong lòng xe, đuôi nối đuôi, cố tiến vào Cam Ranh, càng sớm càng tốt. Mệt mỏi, đau đớn, ê chề, thầm lặng. Những con ngươi ngơ ngác nhìn nhau, nhìn xuống, nhìn lên, như trông chờ một cái gì đó vô cùng thất vọng.
Tuấn nhìn ngược hướng về phía Nha Trang, rồi quật người về hướng Cam Ranh. Anh không thể tưởng tượng được, đâu là những con người đầu tiên và cuối cùng – Trên-một-cái-lằn-đen- như kiến ấy. Chỗ nào mút tầm nhìn? Chịu thua!
Tuấn chạy ngược về nhà. Quốc lộ 1 đã bế tắc!
Cái nóng của đầu mùa hè đang vào! Những tiếng khóc, tiếng kêu la của những bà Mẹ và con nít bắt đầu rên rĩ.
- Nước! Xin cho nước, bà con ơi!
Những cánh tay giơ lên, kêu gào, van xin… tha thiết.
Sô, chậu… mọi thứ có thể chứa nước, tuôn ra mọi nhà. Những người trên những chiếc xe nhà binh, uống ừng ực! Nhưng họ cũng vẫn còn kêu xin. Những thùng nước lớn, từ trên những căn lầu hắt xuống trên thân thể những người trong đoàn di tản, càng lúc càng nhiều. Bớt cơn khát và nóng bức, họ bắt đầu ăn. Dân trong phố tiếp tế mọi thứ cho họ.

*
Bảy Rắn đang ngất ngưỡng “thị sát” đầu phố, cuối phố, với cái tang trắng trên trán.
- Chạy đi đâu… chạy đi đâu! Hè, hè… Thôi, trở về nhà đi mấy ông bà ơi! Vào Cam Ranh rồi cũng chạy tiếp nữa…
- He, he… ông điên, tụi mày ơi! Vài đứa bé không khỏi ngạc nhiên, bớt sợ, nhìn xuống vỗ tay, la ó!
- Tất cả, xin chú ý! Tất cả xin chú ý, lần nữa! Một, hai, ba, bốn… Xin chú ý…
Sự im lặng trùm xuống.
- Tất cả binh lính và mọi người phải giữ trật tự! Ai, ngồi yên chỗ đó! Chúng tôi sẽ thu xếp trật tự cho mọi người. Chúng tôi đưa mọi người vào khu phố này, là để giải quyết cho các đoàn xe của Bộ chỉ huy Quân đoàn, vào Cam Ranh trước nhất để tái phối trí… tử thủ!
Lại “tử thủ”!
Tử thủ…
Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột, đèo Đơn Dương, cây Cầu Bống, và bây giờ, sắp tới… Cam Ranh!
Không còn một tĩnh từ nào để nói nữa, để giải thích cho động từ “tử thủ”! Một nguyên thủ quốc gia, phải làm việc, phải minh mẫn; chứ không nên “Tố” như một ván bài, mà chính Ông ta không hiểu! – Một Tổng Thống nước nhược tiểu!
Ông Thiệu, có thể, không biết rằng: Sau chiến tranh biên giới Nga-Trung, người Mỹ, đã để Trung cộng tự phát triễn đất nước, để chận sự bành trướng quân sự của Liên sô. Hoa Kỳđã không ngờ, họđã nuôi, đã vỗ mập con sư tửĐại Hán đang ngủ… sẽ làđại họa sau này!
Mặc tiếng loa kêu gào, bọn trẻ thoáng giật mình, ngước nhìn, nhưng vẫn nhớ tới gã điên đeo tang trắng. Chúng mặc kệ, đưa mắt tìm kiếm Bảy Rắn. Bảy Rắn thoát thành hơi, biến mất!
Một đoàn xe “jeep” sáu, bảy chiếc, với những nữ quân nhân Dù, mũ vải nghiêng vành, vừa thổi còi, vừa đưa loa nói oang oang.
Lần đầu tiên trong đời, Tuấn được nhìn thấy những nữ quân nhân sĩ quan này. Họ thật oai vệ trong bộ quần áo rằn ri. Họ không thua gì những nam sĩ quan cùng ngành! Cũng “bốt-đờ-sô”, cũng súng ngắn ngang thắt lưng với cái thắt lưng to bảng, made in USA, của người lính thời chiến tranh. Tuấn nghĩ: anh chưa là lính; nhưng anh sẽ là lính trong thời chiến tranh leo thang trên đất nước VN này. Nhưng bây giờ, Tuấn hiểu: cuộc chiến đã tàn! Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột… dù có còn chống chỏi, đánh trả lẻ tẻ…; nhưng Nha Trang, đã hốt hoảng tháo chạy, thì còn gì niềm tin quật khởi!
Uy quyền của đấng Thượng đế, hay còn gọi là đấng Toàn năng; sản sinh ra loài người; sẽ không là: danh vọng, tiền tài và bạo lực! Ngoài áp lực và tai nạn, với “áp suất thời cuộc” – sinh (đẻ) ra 3, 5, 7, 15 chân- là ngoài dự sinh!
Ngài sinh ra những con vật:
Có hai chân và bốn chân.
Con vật 2 chân: hân hoan làm người, và cũng hân hoan trụy lạc, nhân giống thêm ra.
Còn con vật 4 chân?
Đó là mọi loài động vật! Đi 4 chân, như loài người! Chúng cũng biết di truyền qua nòi giống; nghĩa là, chúng cũng biết “đụ, địt” theo tiếng… địa phương!
Loài 3, 5, 7, 13… là loài đơn lẻ! Chúng thích… chơi mồm hơn nói! Chúng lớn tiếng: “Bọn Ngụy quyền VNCH bám đế quốc Mỹ để sống, và làm giàu trên xương máu nhân dân miền Nam”. Nhưng ngược lại, chúng đã mại Quốc cầu vinh, từ những năm 1958, ở miền Bắc Việt Nam, mà chúng gọi là cuộc cách mạng đại thần thánh!
Ôi Việt Nam! Có đau đớn nào hơn, khi cuộc cách mạng đại thần thánh đang quét xuống miền Nam Việt Nam?
Sự đau đớn của mọi dân tộc, không bắt đầu từ… thiên tai! Nó bắt đầu bằng những điều khác…

(Còn tiếp)

© Đàn Chim Việt




No comments:

Post a Comment

View My Stats