Saturday 15 December 2012

HÀN QUỐC : ĐỒNG THUẬN CĂN BẢN là ĐỘNG CƠ CỦA MỘT QUỐC GIA (Nguyễn Huy Đức)





Chi tiết
Được đăng ngày Chủ nhật, 16 Tháng 12 2012 00:04

Tôi đã quyết định góp phần vào công cuộc thay đổi chính quyền... nhưng ở cương vị của một người lính tầm thường”.Đây là lời tuyên bố rút lui khỏi cuộc đầu phiếu tranh cử Tổng thống của nhà doanh nhân, đã sáng lập ra công ty nhu liệu diệt vi khuẩn lớn nhất Hàn Quốc, ông An Triết Tú (Ahn Cheol-soo).

Chắc chắn quyết định này sẽ góp phần củng cố địa vị của ứng cử viên đối lập của Đảng Dân chủ Thống nhất (Dân chủ Thống hợp Đảng), ông Văn Tại Dần (Moon Jae-in). Nó cũng tạo ra một bối cảnh mới trong tương quan lực lược giữa Dân chủ Thống hợp Đảng và đảng cầm quyền – Tân Quốc Gia Đảng. Thật vậy, cho đến khi ông An Triết Tú quyết định rút lui, hầu hết mọi kết quả thăm dò dư luận đều cho thấy rằng phần thắng nghiêng hẳn về phiá ứng cử viên của Tân Quốc Gia Đảng, bà Phác Cận Huệ.

Bà Phác Cận Huệ: Tôi ước mơ có một đất nước
mà mọi người có thể thực hiện được mọi ước vọng và phát huy hết tài năng của mình...

Tình hình này đã khiến nhiều quan sát viên liên tưởng đến thất bại của phe đối lập vào năm 1987. Vào thời điểm đó, hai ông Kim Đại Dũng và Kim Đồng Tam đã ra ứng cử chống lại tướng Lô Thái Ngu. Sự chia rẽ của phe đối lập đã dẫn đến việc tướng Lô Thái Ngu đắc cử, mặc dù Hàn Quốc đã chín muồi để thay đổi và dứt khoát dấn bước vào lộ trình dân chủ. Chính vì vậy, phần đông giới quan sát đã cho rằng tệ nạn bất đồng của phe đối lập vào năm 1987 đã có một hậu quả quan trọng: Nó đã góp phần làm chậm đi tiến trình dân chủ của Hàn Quốc.

Nhưng cũng cần nhìn nhận rằng sự so sánh chỉ có thế. Thật ra, khó có thể đi xa hơn trong việc so sánh giữa cuộc tranh cử Tổng thống vào năm 1987 và lần đầu phiếu vào cuối năm nay.

Đầu tiên, các đảng đối lập lần này đã nhanh chóng tìm được điểm tương đồng và đang cố gắng đưa ra một hình ảnh thống nhất và gắn bó. Vào đầu năm nay, hơn 100 trí thức cách tả đã công bố một bạch thư kêu gọi những đảng đối lập có thực lực ngồi vào bàn thương thuyết và đề xuất một cương lĩnh chung. Gần đây hơn, việc ông An Triết Tú quyết định rút lui và nhường địa vị ứng cử viên duy nhất của phe đối lập lại cho ông Văn Tại Dần cũng là một bằng chứng điển hình. Hành động này đáng tôn vinh vì, nếu dựa vào một số thăm dò dư luận vào tháng 07/2012, chỉ có ông An Triết Tú có nhiều khả năng đánh bại bà Phác Cận Huệ.

Quan trọng hơn nữa, khác với lần tranh cử vào năm 1987, gần như không có một khác biệt to lớn nào giữa các đảng đứng ra tranh cử (đảng cầm quyền hay đối lập). Chính vì vậy, có thể khẳng định mà không sợ sai lầm rằng dù ứng cử viên nào giành được phần thắng và trở thành Tổng thống đi nữa thì những vấn đề cốt lõi và những giải pháp được đề ra đều không khác nhau nhiều lắm.

Ngay trước khi khi ông An Triết Tú rút lui, cả ba ứng cử viên đều chủ trương hạ giảm ảnh hưởng của các xí nghiệp liên doanh (Chaebols). Bà Phác Cận Huệ – con gái của tướng Phác Chính Hy, cha đẻ của các Chaebols vào thập niên 60 – là nhân vật đã tỏ ra cương quyết nhất. Xuất thân từ một đảng bảo thủ (Tân Quốc Gia Đảng) thường bị xem như có quan hệ mật thiết với các đại công ty, bà Phác đã cho biết sẽ có thái độ dứt khoát với các Chaebols.
Về phiá cánh tả, ông Văn Tại Dần cũng đã từ lâu quan niệm rằng muốn giải quyết những vấn nạn kinh tế đang chờ đón Hàn Quốc, cần đưa các Chaebols vào khuôn khổ eo hẹp hơn để vô hiệu hoá những tác hại của các liên doanh này. Hai ông An Triết Tú và Văn Tại Dần đều quan niệm rằng khuôn mẫu Chaebols đã thai nghén nhiều liên doanh khổng lồ và đã phần nào giúp Hàn Quốc thành công xuất cảng hàng hoá. Tuy nhiên, các liên doanh này cũng đã hưởng được quá nhiều đặc quyền. Hệ thống này cũng góp phần làm gia tăng tệ nạn tham nhũng. Tệ hại hơn nữa, nó đã bóp méo thị trường nội địa và đã triệt tiêu tính chất đa nguyên mà một xã hội tiến bộ như Hàn Quốc không thể thiếu. Phải nhìn nhận rằng ông An và nhất là ông Văn là những người có thực lòng nhất trong việc hạ giảm ảnh hưởng của các Chaebols. Ngoài ra, ông Văn Tại Dần cũng đã lên tiếng chỉ trích chính phủ và cho rằng bất chấp mọi nguy cơ suy giảm tăng trưởng Hàn Quốc, chính phủ vẫn chủ trương những biện pháp kích thích chi tiêu để chấn hưng nền kinh tế.

Chướng ngại vật lớn nhất mà ứng cử viên Văn Tại Dần đang vấp phải trong cuộc tranh cử lần này là quá khứ chính trị của ông: Ông Văn từng là đổng lý văn phòng của cựu Tổng thống Lô Vũ Huyền (Roh Moo-hyun). Vì vậy, dư luận Hàn Quốc vẫn tiếp tục đồng hoá dự án cầm quyền của ông với những sai lầm và những tai tiếng mà cố Tổng thống Lô Vũ Huyền để lại sau khi đã tự sát để chứng minh rằng mình vô tội.

Đi xa hơn đề tài Chaebols, các ứng cử viên đều đồng ý rằng cần đa dạng hoá hơn nữa xã hội và kinh tế Hàn Quốc. Hai ông Văn Tại Dần và An Triết Tú đã nhấn mạnh rằng tăng cường đa nguyên phải là kim chỉ nam của mọi chính sách tại Hàn Quốc. Thật vậy, phe đối lập và nhất là Dân chủ Thống hợp Đảng quan niệm rằng đã đến lúc mà Hàn Quốc phải dứt khoát bước sang giai đoạn thứ hai của lịch sử cận đại của quốc gia : Từ địa vị của một “ngựa con ham đá” và chỉ chú tâm đến phát triển kinh tế qua xuất cảng, Hàn Quốc chắc chắn sẽ gặt hái nhiều thành quả hơn nữa trong công cuộc hoán chuyển xã hội và nền kinh tế quốc gia để trở nên độc lập hơn đối với các tập đoàn liên doanh. Để thành công trong công cuộc hoán chuyển này, cần xem lại và cải tổ toàn diện guồng máy xã hội hiện tại. Nói tóm lại, các đảng đối lập chủ trương một mô hình mới với mục tiêu hòa giải “mưu cầu phúc lợi xã hội” với “tính hiệu năng của guồng máy kinh tế”.

Về phiá ứng cử viên Tân Quốc Gia Đảng, bà Phác Cận Huệ cũng đã chọn ông Kim Chung Dần (Kim Jong-in) làm cố vấn đặc biệt. Đây là một nhân vật được xem như cha đẻ của phong trào dân chủ hoá nền kinh tế Hàn Quốc. Dưới sự chỉ dẫn của nhà cố vấn này, nữ ứng cử viên đã cam kết sẽ chú tâm nhiều hơn đến mức độ phát triển của giới tiểu tư sản và tiểu doanh nhân. Mục tiêu tối hậu của chính sách dân chủ hoá nền kinh tế là đa dạng hoá guồng máy kinh tế và hành chánh quốc gia. Thật vậy – mặc dù tự xem mình như môn đồ của cựu Thủ tướng Anh, Margaret Thatcher – bà Phác Cận Huệ đã tung ra một chương trình phúc lợi xã hội khá quy mô để nâng đỡ người nghèo và người lớn tuổi. Một cách gián tiếp, đây cũng là một phương thức nhằm tăng cường mức tiêu thụ nội địa và, đồng thời, phát triển những dịch vụ và kỹ nghệ nhẹ. Tưởng cũng cần nhắc lại rằng Tân Quốc Gia Đảng là hậu thân của đảng bảo thủ Đại Dân Tộc của đương kim Tổng thống Lý Minh Bác. Tuy nhiên, giới quan sát viên tại Hán Thành đều đồng ý rằng chính sách của bà Phác khác xa đường lối của Tổng thống đương nhiệm. Chính vì lý do này, bà Phác đã gặt hái được nhiều ủng hộ từ đông đảo cử tri.

Cuối cùng và quan trọng hơn hết là thái độ của bà Phác Cận Huệ trong kỳ tranh cử lần này. Vào đầu tháng 09.2012, bà đã chính thức công bố xin lỗi những nạn nhân của chế độ độc tài quân phiệt của cha bà, tướng Phác Chính Hy, trong giai đoạn Thập nguyệt Duy tân.

Đây là một thái độ đáng ghi nhận vì từ trước đến nay, chính giới Hàn Quốc luôn đánh giá thời điểm này như là một giai đoạn cần thiết cho Hàn Quốc. Luận điệu này đã gián tiếp che chở cho chế độ độc tài Phác Chính Hy và những sai lầm tai hại của nó. Ngoài những lời lẽ tạ tội chân thành, cử chỉ của bà cũng đã dập tắt mọi chỉ trích mà phe đối lập đã tìm cách phóng đại để soi mòn uy tín của nữ ứng cử viên Tân Quốc Gia Đảng. Chính ông Văn Tại Dần, ứng cử viên còn lại của đảng đối lập, cũng đã tỏ ra mãn nguyện trước thái độ cao thượng của bà Phác Cận Huệ. Tưởng cũng cần nhắc thêm rằng ông Văn từng là luật sư chuyên về nhân quyền. Ông từng bị bắt giam vì đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống lại chính quyền Phác Chính Hy vào thập niên 70.

Hai ông Văn Tại Dần (Dân chủ Thống hợp Đảng)
b và An Triết Tú (Độc lập)

Nói tóm lại, cuộc tranh cử Tổng thống Hàn Quốc lần này có lẽ ít thu hút người dân hơn những lần tranh cử trước. Tình hình kinh tế khó khăn có lẽ đã là một trong những nguyên do. Tuy nhiên lý do chính đáng nhất mà nhiều người đã đưa ra là sự đồng thuận giữa các ứng cử viên trên những vấn đề lớn của đất nước.

Đây là một điều đáng chú ý nhất trong cuộc đầu phiếu lần này: Hàn Quốc đang đạt đến một đồng thuận căn bản sâu đậm. Đồng thuận này có thể đã khiến người dân ít chú ý vào những cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên và – vì vậy – cuộc tranh cử Tổng thống năm 2012 đã ít gây sôi nổi. Nhưng nó chứa đựng dầy hứa hẹn cho Hàn Quốc. Thật vậy, không một chướng ngại vật nào ngăn cản nổi bước tiến của một dân tộc đã quy tụ được một đồng thuận, nhất là khi đồng thuận đó dựa vào những giá trị đúng: Đa dạng hoá xã hội, dân chủ hoá nền kinh tế và dũng cảm nhìn nhận sai lầm của quá khứ.

Nguyễn Huy Đức






No comments:

Post a Comment

View My Stats