Saturday, 22 December 2012

GIẢI THƯỞNG DÂN CHỦ - NHÂN QUYỀN CHÂU Á 2011 (Trà Mi - VOA)




Cập nhật: 22.12.2012 19:00


Phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, sáng lập viên của BPSOS, người nhận giải thưởng do Quỹ Dân chủ Đài Loan trao tặng

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng tại lễ nhận Giải thưởng Dân chủ-Nhân quyền Châu Á 2011 do Qũy Dân chủ Đài Loan trao tặng

Tiến sĩ Thắng: Giải thưởng này ghi nhận nỗ lực phối hợp để thay đổi tình trạng buôn người tại Đài Loan. Cách đây 6 năm, Đài Loan bị các tổ chức và chính quyền trên thế giới lên án là thiên đàng của những kẻ buôn người. Tuy nhiên, chỉ trong 4 năm đến 2010, chính phủ Hoa Kỳ phải công nhận Đài Loan là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về nỗ lực phòng chống buôn người. Sự thay đổi nhanh chóng như vậy thể hiện một sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa chính phủ Đài Loan và các tổ chức dân sự Đài Loan cùng với sự hỗ trợ của Mỹ và Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS qua nhịp cầu là Liên minh Bài trừ Nô lệ Mới ở Châu Á (CAMSA) khởi đầu từ năm 2006. Giải thưởng này là sự vinh danh nỗ lực chung.

Trà Mi: Như anh vừa nói, giải thưởng này vinh danh một nỗ lực chung từ nhiều phía. Vậy những yếu tố nào khiến BPSOS được chọn trong rất nhiều các tổ chức chính phủ lẫn các tổ chức phi lợi nhuận?

Tiến sĩ Thắng: Yếu tố đặc biệt là chúng tôi nhận ra được quyết tâm của chính phủ Đài Loan. Họ rất quan tâm đến nhân quyền, nhân phẩm, nhưng họ lúng túng không biết làm sao để thay đổi. Chúng tôi hướng dẫn cho chính phủ lẫn các tổ chức của Đài Loan cách thay đổi. Từ 2005, năm nào họ cũng gửi các phái đoàn sang Hoa Kỳ để trao đổi với chúng tôi. Ngược lại, BPSOS cũng gửi 2, 3 phái đoàn sang Đài Loan hợp tác, hỗ trợ từng bước một để thay đổi trong tất cả lĩnh vực từ lập pháp như thông qua đạo luật về phòng chống buôn người, đến việc chấp pháp, thi hành. Chúng tôi phát triển năng lực cho những tổ chức của Đài Loan, nối kết các cơ quan thuộc chính quyền Đài Loan với các cơ quan của chính quyền Mỹ để trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Chúng tôi có ý hướng hỗ trợ Đài Loan trên tinh thần rất xây dựng dù một mặt chúng tôi vẫn chỉ trích. Chúng tôi rất mừng khi thấy chính phủ Đài Loan đã áp dụng một số đề nghị của chúng tôi.

Trà Mi: Đây có phải là một giải thưởng thường niên, thưa anh?

Tiến sĩ Thắng: Vâng, đây là một giải thưởng hằng năm được thành lập cách đây 6 năm.

Trà Mi: Những thành tựu nào của BPSOS nổi bật nhất, đặc biệt nhất trong năm nay dẫn tới giải thưởng của Qũy Dân chủ Đài Loan lần này?

Tiến sĩ Thắng: Qũy Dân chủ Đài Loan thấy rất rõ năm 2010 và 2011 chính phủ Hoa Kỳ đã công nhận họ là quốc gia đứng hàng đầu trong vấn đề phòng chống buôn người. Không những thế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bắt đầu giới thiệu chính phủ Đài Loan với các quốc gia khác trên thế giới như một mô hình thành công cần phải noi theo. Vì vậy, mấy tháng gần đây, chính phủ các nước đang bị chỉ trích nặng nề về vấn đề buôn người đã quan tâm và gửi các phái đoàn tới Đài Loan để học hỏi, chẳng hạn như chính phủ Singapore, Thái Lan, Mongolia, Nhật Bản.

Trà Mi: BPSOS do anh sáng lập đã hoạt động trên 30 năm. Anh có thể lược lại những thành tựu chính, những giải thưởng hay ghi nhận mà tổ chức đã đạt được sau hơn 3 chục năm hoạt động?

Tiến sĩ Thắng: Chúng tôi cũng đạt được những giải thưởng, nhưng một tổ chức không thể đạt được những thành tích ở tầm vóc quốc gia, quốc tế nếu không có sự hỗ trợ của rất nhiều người. Biết bao người ẩn danh đã đóng góp với chúng tôi trong các năm qua. Cho nên, chúng tôi xem những thành tựu, kể cả Giải thưởng Dân chủ Nhân quyền 2011 từ Qũy Dân chủ Đài Loan, thể hiện quyết tâm và nỗ lực của cả tập thể người Việt tị nạn trên toàn thế giới. Thành tựu đáng kể nhất là từ 1980-90, BPSOS đã cứu vớt được 3300 thuyền nhân trên biển qua các chương trình vớt người Biển Đông. Chúng tôi cũng hỗ trợ cứu vớt trên 30 ngàn thuyền nhân và giúp định cư tất cả họ. Thành tựu thứ hai là trong những năm 90, BPSOS đã vận động về chính sách, can thiệp pháp lý cho đồng bào thuyền nhân khi các quốc gia trong vùng và quốc tế quay lưng lại với họ và xem họ như những di dân bất hợp pháp. Họ bị giam tù chờ bị đưa về Việt Nam hồi hương. Từ năm 1990-1996, chúng tôi gửi nhiều đợt luật sư sang lập hồ sơ. Sau đó, chúng tôi đi vận động quốc tế, đặc biệt là chính phủ Mỹ, đưa được khoảng 20 ngàn thuyền nhân sang Mỹ định cư sau khi họ đã bị trả về Việt Nam. Từ năm 1997, chúng tôi cố gắng phát triển nội lực của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Đến nay, chúng tôi hỗ trợ trên 50 tổ chức ở Mỹ giúp họ phát triển, tiếp tục can thiệp cho đồng bào tị nạn ở Thái Lan, đưa chương trình chống buôn người khởi sự từ Hoa Kỳ sang các nước để bảo vệ cho những người bị buôn bán làm nô lệ, như tại Malaysia, Trung Đông, hay Đài Loan. Trong 4 năm qua, chúng tôi đã can thiệp và giải cứu được trên 4 ngàn nạn nhân bị buôn người.

Trà Mi: Trong số này có cả các cô dâu và công nhân Việt xuất khẩu lao động?

Tiến sĩ Thắng: Vâng, và cả những người bị buôn bán làm mại dâm. Tuy nhiên, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến tình trạng buôn lao động đi qua đường dây hợp pháp có sự can dự của một số giới chức chính quyền Việt Nam. Chúng tôi đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải cải thiện, nếu không sẽ bị chế tài bởi chính phủ Hoa Kỳ. Năm 2010, Việt Nam bị rơi xuống danh sách cần phải theo dõi trong khi Đài Loan được lên hạng nhất và năm 2011 Đài Loan vẫn ở hạng nhất. Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong danh sách cần theo dõi. Còn mấy tháng nữa nếu Việt Nam không thay đổi có thể rơi xuống hạng ba, tức hạng chót, và sẽ bị chính phủ Mỹ chế tài.

Trà Mi: Nhân nói về Việt Nam, trong lời phản đối đưa ra trước Giải thưởng Nhân quyền Dân chủ 2011 do Qũy Dân chủ Đài Loan trao cho BPSOS, phía Việt Nam tố cáo BPSOS lợi dụng danh nghĩa nhân quyền để mưu lợi và có những việc làm bất lợi cho Việt Nam cụ thể như phá hỏng chính sách xuất khẩu lao động của nhà nước Việt Nam. Với tư cách là người sáng lập BPSOS, ý kiến của anh ra sao?

Tiến sĩ Thắng: Những lời tố giác đó chúng tôi không cần thiết phải trả lời. Chúng tôi chỉ nêu ra rằng Đài Loan là một tấm gương tốt để Việt Nam học hỏi theo thay đổi. Nếu họ chỉ trích giải thưởng này, nghĩa là họ chỉ trích nỗ lực đồng bộ, phối hợp giữa chính quyền Đài Loan và chính quyền Hoa Kỳ với các tổ chức dân sự ở hai nước, trong đó BPSOS đóng vai trò cầu nối. Tôi nghĩ tốt hơn hết chính quyền Việt Nam nên học theo gương của Đài Loan. Chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn cho chính quyền Việt Nam làm đúng giống như chúng tôi đã từng hướng dẫn cho chính quyền Đài Loan trong thời gian qua. Chúng tôi mong một ngày nào đó Việt Nam cũng sẽ được ghi nhận như Đài Loan, là một trong những quốc gia hàng đầu về nỗ lực phòng chống buôn người. Nhưng phía Việt Nam cần phải chứng minh quyết tâm của họ trước bằng cách phục thiện và học hỏi.

Trà Mi: Việt Nam tố cáo rằng BPSOS phá hỏng chính sách xuất khẩu lao động của Việt Nam liên quan đến điều anh vừa chia sẻ là BPSOS có can thiệp trong các trường hợp công nhân Việt xuất khẩu sang các nước lao động. Trong các phương thức hoạt động của BPSOS có điều gì gây bất lợi cho phía chính quyền Việt Nam hay chăng?

Tiến sĩ Thắng: Chúng tôi không chống xuất khẩu lao động, nhiều khi chúng tôi còn khuyến khích vì nó tạo công ăn việc làm cho dân, nhất là những người ở các vùng nghèo khó mà chính quyền không tạo được công việc cho họ trong nước. Nhưng cần phải bảo vệ cho người ra nước ngoài lao động. Chẳng hạn như Philippines, họ bảo vệ cho công nhân xuất khẩu của họ tới nơi tới chốn. Khi quyền lợi của công nhân ra nước ngoài lao động được bảo vệ, họ mới tạo được thu nhập xứng đáng với công lao họ bỏ ra, gửi về giúp cải thiện kinh tế gia đình, phát triển kinh tế quốc gia. Bây giờ họ bị bóc lột, họ mang nợ, họ trở thành nạn nhân, tạo nên rất nhiều vấn nạn xã hội sau này. Điều này cũng gây ảnh hưởng cho kinh tế quốc gia bởi thu nhập của quốc gia lại bị những kẻ buôn người bỏ túi riêng. Chúng tôi giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho những người đi lao động. Thật sự nếu chính quyền Việt Nam quan tâm đến chương trình xuất khẩu lao động vì quyền lợi đất nước, họ phải yểm trợ, học hỏi những điều chúng tôi có thể chia sẻ và hỗ trợ cho họ.

Trà Mi: Vì sao vẫn có rất nhiều công nhân Việt tự nguyện muốn ra nước ngoài lao động khi mà, theo lời anh, nhiều người không có được sự bảo vệ khi xảy ra hữu sự?

Tiến sĩ Thắng: Vì có một chính sách lường gạt. Rất nhiều công ty xuất khẩu lao động đã lường gạt công nhân, hứa hẹn sai. Có rất nhiều vi phạm về luật xuất khẩu lao động của Việt Nam. Trong 60 hồ sơ chúng tôi can thiệp có liên quan đến trên 3 ngàn nạn nhân và chúng tôi đã gửi thông tin đến văn phòng Thủ tướng Việt Nam, Bộ lao động-thương binh-xã hội, Viện Kiểm sát..v.v..v.., nhưng họ không hề tiến hành một cuộc điều tra nào. Ngược lại, chính nạn nhân, những người đủ can đảm tố cáo thủ phạm, lại bị công an điều tra, bị những phái đoàn từ Việt Nam gửi sang tận nơi để trấn áp, hăm dọa tới nỗi có người phải đi tị nạn, không dám về nước nữa. Chính quyền Việt Nam không những không bảo vệ cho nạn nhân mà còn hăm dọa nạn nhân, ép họ phải quay trở lại để tiếp tục bị kẻ buôn người bóc lột, đồng thời lại tìm cách bảo vệ cho kẻ buôn người, trong đó có sự dính líu của các công ty xuất khẩu lao động kể cả quốc doanh. Đây là chuyện ngược đời. Chúng tôi mong Việt Nam học hỏi gương Đài Loan để tránh không bị đưa vào danh sách hạng 3 vào tháng 6 năm 2012 và bị chế tài bởi chính phủ Hoa Kỳ.

Trà Mi: Sau giải thưởng này, BPSOS có kế hoạch sắp tới như thế nào để mở rộng các hoạt động của mình?

Tiến sĩ Thắng: Chúng tôi đã có những kế hoạch từng bước một. Một bước vừa thực hiện thành công là sau khi chúng tôi chứng minh là có tình trạng buôn lao động trầm trọng tại Việt Nam mà chính quyền hoặc dung túng hoặc có can dự, Bộ Ngoại giao Mỹ hai năm liền đã đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi. Vì vậy, cuối tháng 3 năm 2011, Quốc hội Việt Nam đã thông qua đạo luật về phòng chống buôn người. Đây là bước tiến triển khả quan. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ theo dõi việc chấp hành có đúng hay không. Chúng tôi sẽ công bố kết quả điều tra của mình để chính quyền Việt Nam hoặc điều tra thêm, hoặc phối kiểm. Chúng tôi cũng cung cấp kết quả điều tra của mình cho chính phủ Hoa Kỳ. Chúng tôi mong rằng Việt Nam làm đúng để không bị chế tài.

Trà Mi: Mời quý vị và các bạn chia sẻ ý kiến và bình luận với độc giả khắp nơi về câu chuyện này trong mục Tạp chí Thanh Niên trên trang www.voatiengviet.com. Tạp chí Thanh Niên nằm trong phần ‘Chuyên mục đặc biệt’ giữa trang chính. Xin quý vị bấm 2 lần vào mũi tên bên phải của 3 khung hình ở giữa trang.
Tạp chí Thanh Niên xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một câu chuyện mới, vào giờ này, tuần sau.






No comments:

Post a Comment

View My Stats