Huỳnh Anh Dũng, cựu Đại sứ VN
tại Campuchia
LỜI TÒA SOẠN
Campuchia một lần nữa lại trở thành vấn đề thời sự nóng
hổi trong mối quan hệ phức tạp giữa Việt Nam, ASEAN và Trung Quốc. Tài liệu mà
Diễn Đàn giới thiệu với bạn đọc là một chứng từ soi sáng quá khứ gần trong quan
hệ tay ba Việt Nam – Campuchia – Trung Quốc. Đó là hồi ký của ông Huỳnh Anh
Dũng, một nhà ngoại giao (cựu đại sứ Việt Nam ở Nông Pênh) và chuyên gia về các
vấn đề Campuchia nay đã về hưu. Theo một thông lệ, các nhà ngoại giao cấp cao
của Việt Nam được Bộ ngoại giao yêu cầu viết hồi ký, lưu trữ trong văn khố để
tham khảo nội bộ.
Vì hồi ký của ông Huỳnh Anh Dũng đã ghi lại cẩn trọng
những sự kiện xảy ra cách đây 1/4 thế kỉ, và trích dẫn nhiều tài liệu nội bộ
quan trọng, chúng tôi quyết định công bố tài liệu này. Nói khác đi, đây là một
ngoại lệ của đường lối biên tập của Diễn Đàn là chỉ đăng những văn bản có sự
đồng ý của tác giả hay những văn bản có nguồn gốc công khai. Chúng tôi tin rằng
tác giả và độc giả hiểu rõ động cơ của sự “phá rào” này. Sự thật, đây không
phải là lần đầu tiên chúng tôi phá lệ : trước đây, Diễn Đàn đã lấy trách nhiệm
công bố hồi ký của ông Trần Quang Cơ - cũng không phải ngẫu nhiên nếu tài liệu này liên quan tới cùng vấn đề :
quan hệ Việt Nam – Trung Quốc – Campuchia.
Để tôn trọng nguyên tác, chúng tôi công bố tài liệu đã
nhận được dưới dạng .pdf, độc giả có thể đọc hay truy nạp bằng cách bấm vào ô
hình ở cuối trang.
--------------------------
LỜI NÓI ĐẦU
Giai đoạn 1975-1991 là một thời kỳ lịch sử
đặc biệt về công tác đối ngoại của Việt Nam (VN) mà trong thời gian đó, vì vấn
đề Campuchia (CPC) liên quan đến quan đến quan hệ Việt-Trung, nước VN một lần
nữa lại bị chảy máu. Về đối ngoại, VN bị cô lập về chính trị, bị bao vây về
kinh tế trong khi đó chúng ta phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội
rất trầm trọng ở trong nước. Từ 1978 đến 1989, lần thứ ba, VN đưa quân vào CPC
(chưa kể thời gian ngắn quân ta lại trở lại từ tháng 10/1989 đến đầu 1991),
trong 3939 ngày có mặt giúp CPC, hơn mười vạn chiến sĩ VN đã ngã xuống và bị
thương (con số hy sinh được công bố là 60.000), 200.000 chiến sĩ quân tình
nguyện, 10.000 chuyên gia quân dân, chính, đảng, các ngành trong đó có 4 Uỷ
viên Bộ Chính trị (BCT) và Ban Bí thư (Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh, Đoàn Khuê, Trần
Xuân Bách), 9 Uỷ viên Trung ương Đảng [Cộng sản Việt Nam] (Nguyễn Côn, Vũ Oanh,
Bùi San, Đỗ Chính, Trần Trọng Tân, Phạm Bái…), 2 Phó Thủ tướng (Nguyễn Côn,
Phan Trọng Tuệ), 30 Thứ trưởng, 54 Thường vụ Tỉnh uỷ đã từng có mặt và trực
tiếp làm nhiệm vụ ở CPC.
Với việc ta đưa quân vào CPC, ta đã lật đổ
bè lũ Pol Pot; giữ yên bờ cõi phía Tây- nam Tổ quốc; giúp CPC xây dựng Đảng,
chính quyền, quân đội; xây dựng được một bước quan hệ hữu nghị VN-CPC, nhưng
cái giá mà VN phải trả là vô cùng to lớn với những hậu quả lâu dài, chưa lường
hết được. Vấn đề CPC càng đi sâu vào giải pháp chính trị, càng rất phức tạp,
nhiều lúc đã làm cho nội bộ ta có ý kiến rất khác nhau.
Với những hiểu biết và tư liệu vốn có của
mình, tôi cố nhớ, ghi lại và mô tả thật khách quan, trung thực những diễn biến
trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này.
…
Trong quá trình viết, có những lúc tôi
không muốn tiếp tục viết nữa vì hơn mười năm đó, vì vấn đề quan hệ với Trung
Quốc (TQ) và vấn đề CPC mà trong nội bộ Đảng ta có sự bất hòa, điều này cũng dễ
hiểu vì vấn đề cực kỳ phức tạp, diễn biến vô cùng quanh co, lại phát triển
trong tình hình có sự đảo lộn cực kỳ to lớn ở Liên Xô và Đông Âu sau gần nửa
thế kỷ, cho nên việc nhận thức tình hình không đơn giản, có những vấn đề cần có
thời gian mới có thể nhận thức đúng được.
Chính vì vậy, những trích dẫn của tôi trong
tài liệu này là nhằm phản ảnh thật khách quan những suy nghĩ của lãnh đạo ta
lúc đó, không nhằm phê phán cá nhân bất cứ đồng chí (đ/c) nào. Tôi cố gắng
trình bày lại thật trung thực sự hiểu biết của mình do điều kiện công tác mà
tôi được biết để khi có điều kiện, Đảng ta nhìn lại, đánh giá thật khách quan
diễn biến của hơn mười năm vô cùng khó khăn đó nhằm rút ra những bài học cho
công việc hiện nay và sau này nhất là trong công tác đối ngoại.
Tài liệu lịch sử này, tôi cố viết… lại
trong thời điểm hiện nay vì rằng sợ để lâu không thể nhớ lại được nữa và tư
liệu có thể mất mát đi. Điều tôi mong muốn là những tư liệu lịch sử này sẽ được
sử dụng để ta đánh giá đúng diễn biến phức tạp của thời kỳ lịch sử đó, không để
vì những tư liệu này mà lại một lần nữa, khơi lại hoặc gây bất hòa trong nội bộ
Đảng ta. Đó là điều tâm huyết của tôi.
…
Hà Nội, mùa hè năm 1995
HUỲNH ANH DŨNG
*
*
I. GIAI ĐOẠN 1975-1978: NGUỒN GỐC CỦA VẤN
ĐỀ
Trước khi đi vào giai đoạn 1975-1978, cần
nhắc lại những diễn biến trong quan hệ VN-CPC giai đoạn chống Mỹ 1970-1975. VN,
CPC, Lào cùng một chiến trường đánh Mỹ nhưng quan hệ VN-CPC, ngay từ lúc này
khi 2 nước còn dựa vào nhau chiến đấu, đã bộc lộ những mâu thuẫn. Sau đảo chính
của Lon Nol (1) 18/3/1970, khi quân đội ta vào CPC, bọn Pol Pot (2) đã tuyên
truyền trong nhân dân CPC rằng “VN là khách không mời mà đến”, không cho ta
đóng quân trong làng... Tại những cuộc hội đàm giữa Pol Pot với đ/c Lê
Duẩn vào cuối tháng 3 đầu tháng 4/1970 về việc ta giúp CPC thì ngay từ lúc này
khi Pol Pot còn yếu, cần sự giúp đỡ của ta, Pol Pot đã có ý muốn hạn chế sự có
mặt của ta ở CPC, hạn chế lực lượng vũ trang ta ở CPC, ngăn cản ta trong việc
tổ chức xây dựng lực lượng chính trị, quân sự cho CPC…, muốn “VN chỉ
giúp vật chất, giúp vũ khí thôi”, “Việt kiều chỉ giúp vận chuyển vũ khí”; trong
chiến đấu “VN giúp súng cối và có lực lượng bao vây bên ngoài, hỗ trợ nhân dân
và lực lượng CPC bên trong nổi dậy, làm như thế mới bảo đảm “sạch sẽ về chính
trị”.
Trên chiến trường trong tháng 3, 4/1970, do
có sự thoả thuận của Nuon Chea (3) và Suvanna (?), quân đội ta ở CPC đánh mạnh
thắng nhanh, giải phóng và tổ chức chính quyền ở 4-5 tỉnh. Trước tình hình đó,
tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 9/1970, Pol Pot đề ra 4 bài học “kinh nghiệm
thất bại” của cách mạng CPC trong kháng chiến chống Pháp và “kinh nghiệm thành
công” trong 16 năm hòa bình, trung lập để hạn chế ta.
Bốn bài học đó là:
1) Phải tự mình quyết định vận mệnh mình,
quyết không được để cho sai lầm lịch sử để cho người khác giải quyết thay vận
mệnh mình xẩy ra một lần nữa.
2) Kiên quyết không được giao lại thành quả
cách mạng tốt đẹp của mình cho giai cấp bóc lột. Hiện nay những cường quốc lớn
và một số nước khác còn có tư tưởng cũ vẫn muốn và đương cố tìm trăm phương
nghìn kế để quyết định vận mệnh dân tộc CPC thay cho người CPC.
3) Lực lượng là yếu tố quyết định quan
trọng nhất trong đấu tranh cách mạng.
4) Phải nêu cao lập trường độc lập tự chủ,
tự lực cánh sinh.
“Vì không có 4 kinh nghiệm đó nên kết quả
kháng chiến chống Pháp bằng không. Trong đấu tranh vì độc lập, hòa bình, trung
lập, tuy CPC làm đơn độc mà vẫn thắng, nhờ: “nắm vững lập trường độc lập dân
chủ, tự lực cánh sinh và chịu đựng gian khổ; tự xây dựng được lực lượng cách
mạng của mình về mọi mặt và giữ vững lập trường tự mình định đoạt vận mệnh của
mình”.
Bài học lực lượng là quyết định, không
thương lượng, không khoan nhượng này chi phối rất sâu sắc đường lối của Khmer
Đỏ. Thắng lợi chống Mỹ chỉ bằng đấu tranh vũ trang không đấu tranh chính trị,
không đấu tranh ngoại giao đã củng cố thêm tiềm thức của Khmer Đỏ về vấn đề
này. Điều này mới lý giải được tại sao sau này Pol Pot kiên quyết từ chối không
thương lượng với VN và vì sao mặc dù đã ký Hiệp định Paris về Campuchia năm
1991 nhưng Khmer Đỏ lại không thi hành.
Từ sau Hội nghị tháng 9/1970, trong thực
tế, nhóm Pol Pot đã từng bước hạn chế hoạt động của lực lượng VN trên đất CPC
như: gây khó khăn và hạn chế hành lang tiếp tế của ta trên đất CPC, hạn chế
nhân dân bán lúa gạo cho ta, hạn chế bộ đội ta hợp tác đánh Chenla I năm 1971
phối hợp chiến dịch đường 9 Nam Lào, có nơi đã giết liên lạc, giết cán bộ VN đi
lẻ và tổ chức cướp kho tàng ta ở CPC nhất là khu Tây-nam CPC do Ta Mok (4) đứng
đầu, có lúc lực lượng hai bên đã bắn nhau như ở [các tỉnh] Takéo, Kandal… Họ
giải tán lực lượng vũ trang của Việt kiều, hạn chế Việt kiều hoạt động cách
mạng, có nơi gây khó khăn và đuổi Việt kiều về nước, giết hại và cướp tài sản
Việt kiều, Lon Noi đã “cáp Duôn”(5) nhưng Khmer Đỏ cũng kích động hằn thù dân
tộc và cũng chủ trương “cáp Duôn”. Họ hạn chế hoạt động của số cán bộ CPC tập
kết ở VN về, tập trung lại và diệt dần. Họ bỏ chính sách đối với vợ con cán bộ
CPC đang ở miền bắc VN. Một số cán bộ CPC có quan điểm khác, có thái độ chống
lại thì bị trấn áp, buộc phải ly khai tổ chức.
1.1 Từ 1973 đến 17/4/1975
Trong khi cuộc kháng chiến VN, Lào đi vào
giai đoạn kết thúc thì CPC quyết đánh đến cùng; đánh để nổi bật vai trò cuộc
kháng chiến CPC thật sự là Khmer chứ không phải lệ thuộc VN. Họ chủ trương
không đàm phán, cho rằng không muốn “làm cái đuôi VN” và ngại “kiểu Gienève
1954 tái diễn”. Sau khi Mỹ đơn phương ngừng ném bom [bằng] B-52 (8/1973), cuộc
chiến đấu đã chắc chắn, nhóm Pol Pot chủ tâm hạn chế ảnh hưởng và hoạt động của
Sihanouk (6); kiên quyết đẩy lực lượng VN ra khỏi đất CPC, phá hành lang tiếp
tế, hạn chế bán lương thực cho ta, tổ chức quần chúng làm mít tinh chống VN,
đòi lực lượng VN rút về, đánh cướp các kho tàng và các đơn vị bộ đội ta ở CPC, thậm
chí đánh vào trại thương binh của ta… gây khó khăn cho ta trong việc di chuyển
quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Tính từ 1970 đến 4/1975, bọn Pol
Pot đã gây ra 174 vụ làm ta chết 301 người, 233 bị thương, 38 mất tích. Nơi nào
không chấp hành việc chống VN thì họ tàn sát khủng bố dã man, như cuối 1973 đã
giết chết 1 Uỷ viên Trung ương, 11 tỉnh uỷ viên, rất nhiều cán bộ và nhân dân ở
tỉnh Koh Kong. Về mặt đối ngoại, họ dựa vào TQ là chính, phê phán VN xét lại,
nửa vời và cố đưa ra thực hiện những chủ trương hoàn toàn khác VN; họ phê phán
phương châm đấu tranh của VN kết hợp vũ trang với đấu tranh chính trị, binh vận
trong khi họ đánh đến đâu thì di dân đến đấy, giết hết tù binh, thực hiện công
xã và không dùng tiền ngay từ năm 1974; họ không quan hệ với Liên Xô và các
nước XHCN Đông Âu (trừ Anbani và Rumani); trong khi 3 nước Đông Dương đã có Hội
nghị cấp cao 3 nước, 4 bên (thêm Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam) thì họ
muốn họp Hội nghị 5 nước, 6 bên (thêm TQ và Bắc Triều Tiên) với ý đồ để TQ nắm
ngọn cờ.
1.2 Năm 1975 – 1976
Sau chiến thắng 17/4/1975, bọn Pol Pot đã
nêu 8 yếu tố thắng lợi là: có đường lối chung, có nhân dân, có lực lượng vũ
trang, có kinh tế độc lập, tự chủ, có cơ sở cách mạng rộng khắp, có đường lối
độc lập tự chủ, không liên kết, nội bộ đoàn kết nhất trí và có quốc tế giúp đỡ.
Họ cố tình phủ nhận các yêu tố khách quan và bối cảnh lịch sử quốc tế đối với
chiến thắng của CPC; đặc biệt là không đếm xỉa đến sự giúp đỡ về mọi mặt của
ta, kể cả sự hy sinh của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta trên đất CPC.
Trong bối cảnh như vậy, ngay sau khi ta vừa
giải phóng miền Nam 30/4/1975, họ đã tiến hành những hành động xâm lấn biên
giới và không ngừng làm xấu đi quan hệ 2 nước.
Ngày 4/5/1975, một tiểu đoàn CPC đổ bộ lên
đảo Phú Quốc.
Ngày 8/5/1975, lực lượng Pol Pot tiến công
nhiều địa phương thuộc tỉnh Hà Tiên và Tây Ninh.
Ngày 10/5/1975, lực lượng Pol Pot tiến công
đảo Thổ Chu của VN và bắt đi 515 dân trên đảo. Thực hiện quyền tự vệ của mình,
quân đội ta đã đánh trả và truy kích chúng đến tận nơi xuất phát là đảo Wai
(7), bắt giữ một số tù binh.
Ngày 2/6/1975, đ/c Mười Cúc (Nguyễn Văn
Linh) đi Phnom Penh gặp Pol Pot, Nuon Chea và Ieng Sary (8). Ngày 12/6/1975,
Pol Pot thăm bí mật Hà Nội, cho việc họ tấn công đảo Thổ Chu là do “không rành
địa lý”, đề nghị ký Hiệp ước hòa bình hữu nghị nhưng lờ đi đề nghị của ta về
đàm phán ký Hiệp ước biên giới. Ngày 3/7/1975, đ/c Nguyễn Văn Linh gặp lại Nuon
Chea ở Phnom Penh và ngày 10/8/1975, đ/c Nguyễn Văn Linh một lần nữa đi Svay
Rieng gặp Nuon Chea để xử lý vụ đảo Wai và về quan hệ 2 nước, ta đồng ý trao
trả số tù binh CPC (800 lính) bị ta bắt ở đảo Wai nhưng phía họ vẫn không trao
trả cho ta 515 dân bị bắt ở Thổ Chu.
Trong bối cảnh đó, ngày 26/5/1975, Pol Pot
đi thăm bí mật TQ (mãi đến tháng 9/1977, họ mới công khai chuyến đi này). Ngày
12/8/1975, TQ đón tiếp trọng thể Khieu Samphan (9) thăm chính thức TQ. Dịp này,
Mao và Đặng đã tiếp Khieu; trong diễn văn chiêu đãi Khieu, Đặng ám chỉ Liên Xô
bành trướng và tìm sự có mặt ở Đông-nam Á. Trong lúc đó, khi tiếp đ/c Phó Thủ
tướng Lê Thanh Nghị (14/8/1975), Phó Thủ tướng Lý Tiên Niệm nói nhiều đến khó
khăn của TQ, không đáp ứng yêu cầu viện trợ mới, chưa trả lời về hợp tác kinh
tế 1976- 1980 và nói là VN đã thu được 5 tỷ đô la chiến lợi phẩm. Ngày 24/9/1975,
trong hội đàm với đoàn Đảng và Chính phủ ta thăm TQ, Đặng Tiểu Bình nói “…Về
nhận định tình hình quốc tế, hai bên có khoảng cách khá xa; về đường lối chiến
lược quốc tế hoặc về những vấn đề cụ thể, hai bên có sự khác nhau rất lớn”;
và TQ bắt đầu công khai ủng hộ nhóm Pol Pot, ngày 7/10/1975, Lý Tiên Niệm nói
với Đại sứ Vũ Ngọc Hồ ([chính phủ Cách mạng Lâm thời] miền Nam VN) ca ngợi Đảng
CPC và nói Đảng CPC có uy tín cao trong nhân dân, cứ đè nén thì họ không chịu
đâu, một dân tộc giác ngộ, bất cứ nước lớn nào xâm lược thì họ chống lại vì
trong tay họ có chân lý.
Từ tháng 12/1975, tình hình biên giới
VN-CPC lại căng lên ở Gia Rai, Kon Tum và Đắk Lắk nhất là khu vực Bu Prang [nay
thuộc tỉnh Đắk Nông]. Bọn Pol Pot tiến hành tấn công vào đồn số 6 công an biên
phòng ở Đắk Lắk, giết hại một số đ/c của ta.
Ngày 5/1/1976: Pol Pot công bố Hiến pháp
mới của CPC Dân chủ. Cũng ngày 5/1/76, đ/c Phạm Văn Xô (Hai Xô) ở Trung ương
Cục (TWC) sang Phnom Penh thăm bí mật. Ngày 17-18/1/1976, đ/c Bảy Cường (Phạm
Hùng) sang thăm bí mật CPC được Pol Pot, Nuon Chea, Ieng Sary đón tiếp rất
trọng thể.
Cần phải nói rằng cũng giống như TQ, bọn
Pol Pot tìm cách chia rẽ nội bộ ta, rất tranh thủ các đồng chí miền Nam (TWC)
và phê phán các đ/c miền Bắc. Mặt khác, trong nội bộ ta, TWC miền Nam và Trung
ương [Đảng] Hà Nội cũng có cách đánh giá khác nhau về tập đoàn Pol Pot, về tính
chất cuộc chiến tranh biên giới ở Tây-nam. Về cuộc chiến tranh ở biên giới
Tây-nam, TWC nặng cho rằng nguyên nhân là do địa phương ta xâm phạm biên giới
CPC, do buôn lậu chứ không phải do Pol Pot khiêu khích. Cũng chính vì vậy mà ở
trong Nam thiếu cảnh giác, bị thiệt hại nặng khi Pol Pot tấn công, ví dụ ngày
30/9/1977, Pol Pot tiến công toàn tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh, đánh vào khu
vực TWC cũ (xã Tân Lập, huyện Tân Biên, Tây Ninh) giết hại 1.000 đồng bào ta;
mặc dù tin này được dự báo trước nhưng Quân khu 7 không tin, nói là chỉ chuyện
vặt ở biên giới, Tư lệnh Quân khu 7, Tướng Trần Văn Trà vẫn bình thản ở thành
phố Hồ Chí Minh, khi bị tấn công mới bị động đối phó (10). Nhân đây cũng nói
thêm rằng khi thành lập và tổ chức bộ máy giúp CPC năm 1978, đ/c Lê Đức Thọ
không sử dụng các cán bộ TWC cũ vốn quen thuộc và giúp Đảng CPC từ nhiều năm mà
tuyệt đại đa số các đ/c phụ trách chuyên gia, dầu là các đ/c mới, ở miền Bắc
vào.
Trở lại vấn đề biên giới VN-CPC, tiếp theo
những sự kiện xung đột ở Đắk Lắk, tháng 3/1976, Nuon Chea, Phó Bí thư Đảng CPC
gửi thư cho đ/c Phạm Hùng đề nghị có cuộc gặp cấp cao 2 Đảng về vấn đề biên
giới và đề nghị có cuộc gặp trù bị để chuẩn bị cho gặp cấp cao. Ngày 6/4/76,
Trung ương Đảng ta điện cho Trung ương Đảng CPC tán thành đề nghị đó và thoả
thuận cuộc gặp sẽ tiến hành vào tháng 6/76. Từ 4 đến 18/5/1976, đ/c Phan Hiền,
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao dẫn đầu đoàn trù bị VN thăm CPC; tại cuộc họp trù bị
này, phía Pol Pot đòi lấy đường biên giới trên đất liền theo bản đồ Pháp tỷ lệ
1/100.000 thông dụng trước năm 1954 nhưng đòi ta chấp nhận bản bản đồ đã bị cạo
sửa 9 chỗ (11) và đòi lấy đường Brévié (12) làm đường biên giới biển nên cuộc
đàm phán thất bại và không tiến hành được gặp gỡ cấp cao 2 Đảng. Hai bên chỉ
thoả thuận được 3 biện pháp: tăng cường giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân;
mọi va chạm phải giải quyết trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết, tôn trọng lẫn
nhau; Ban liên lạc 2 bên tiến hành điều tra các vụ va chạm và gặp nhau để giải
quyết.
Cũng năm 1976, có mấy sự kiện nữa đáng chú
ý:
- Trong nội bộ CPC: tháng 1/1976, Pol Pot
tiến hành Đại hội IV của Đảng; tổ chức tổng tuyển cử (20/3/1976); ép Sihanouk
và Pen Nút từ chức Quốc trưởng và Thủ tướng, lập Chính phủ mới. Ngày 27/9/1976,
Pol Pot tạm nghỉ vì “lý do sức khoẻ” thôi giữ chức Thủ tướng và Nuon Chea làm
Quyền Thủ tướng và Quyền Tổng bí thư.
Phải chăng có đấu tranh nội bộ CPC? Điều
này gây nhiều tranh luận trong các cơ quan Trung ương của ta theo dõi vấn đề
CPC, có ý kiến cho rằng có đấu tranh giữa một bên là Pol Pot, Ieng Sary còn bên
kia là Nuon Chea, Suvanna vốn có quan hệ tốt với VN. Điều trùng hợp nữa là sự
kiện này diễn ra khi Mao Trạch Đông chết (9/9/1976) và sự kiện “bè lũ 4 tên” ở
TQ, phía CPC tổ chức 7 ngày quốc tang, Pol Pot đọc diễn văn coi tư tưởng Mao
Trạch Đông là chủ nghĩa Marx-Lenin ngày nay, đề cao thuyết 3 thế giới và đề cao
công lao Mao Trạch Đông đồng thời phê phán Lâm, Lưu, Đặng. Một nguồn tin khác
nói sự thật việc Pol Pot “nghỉ ốm” chỉ để về Kompong Thom trấn áp lực lượng
chống đối và củng cố căn cứ chúng ở đây (Kompong Thom cũng là quê Pol Pot).
- Quan hệ CPC-TQ vốn chặt chẽ trong những
năm 1970-1975 tiếp tục được đẩy mạnh với việc Tổng tham mưu phó TQ Vương Thượng
Vinh thăm CPC (2/1976), ký Hiệp định TQ viện trợ quân sự cho CPC và tháng
3/1976 ký Hiệp định Chính phủ TQ viện trợ không hoàn lại cho CPC trị giá 140
triệu Nhân dân tệ và 20 triệu USD.
Trong khi đó, quan hệ Việt-Trung lạnh nhạt
dần, TQ không thực hiện các công trình đã ký kết, trì hoãn việc ta sử dụng tiền
vay của TQ đồng thời trong năm 1975, lại gây ra vi phạm 814 vụ ở 102 điểm trên
biên giới 2 nước. Dịp Đại hội IV Đảng ta (12/1976), TQ từ chối cử đoàn
sang dự, đưa tin sơ sài, điện mừng không ca ngợi Đảng ta.
Quan hệ Việt-Mỹ có điểm đáng chú ý là
10/01/1976, Liên Xô chuyển cho ta ý kiến của Kissinger về bình thường hóa quan
hệ và ngày 26/3/1976, Kissinger gửi công hàm cho VN bày tỏ Mỹ sẵn sàng thảo
luận phát triển quan hệ với VN và 15/11/1976, Mỹ phủ quyết VN gia nhập LHQ.
Ở Đông-nam Á, các nước ASEAN họp Hội nghị
cấp cao lần thứ nhất ở Bali và ký Hiệp ước Bali (23/01/1976). Hội nghị Ngoại
trưởng ASEAN (24/6/1976) hoan ngênh VN thống nhất và hy vọng phát triển quan hệ
tay đôi với VN. Về phần VN, ngày 5/7/1976, ta tuyên bố chính sách 4 điểm với
các nước Đông-nam Á, nội dung như sau:
1) Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn
lãnh thổ của nhau, không xâm lược, không can thiệp vào công việc nội bộ của
nhau, bình đẳng cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình.
2) Không để lãnh thổ nước mình cho bất cứ
nước ngoài nào sử dụng làm căn cứ xâm lược và can thiệp vào nước kia và các
nước khác trong khu vực.
3) Thiết lập quan hệ hữu nghị láng giềng
tốt, hợp tác KHKT và trao đổi văn hoá trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Giải
quyết các vấn đề tranh chấp giữa các nước trong khu vực thông qua thương lượng
trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
4) Phát triển sự hợp tác giữa các nước
trong khu vực vì sự xây dựng đất nước phồn vinh theo điều kiện riêng của mỗi
nước vì lợi ích độc lập dân tộc, hòa bình, trung lập thật sự ở Đông-nam Á, góp
phần vào hòa bình thế giới.
Bốn điểm đó bao hàm ý của ta không chấp
nhận khái niệm ZOPFAN và ta (cũng như Liên Xô) vẫn cho ASEAN là tổ chức quân
sự, tay sai Mỹ trong khi đó TQ ra sức tranh thủ ASEAN, công khai tuyên bố
“ASEAN không phải là một liên minh quân sự”. Tình hình này diễn ra khi TQ bắt
đầu công khai coi “chủ nghĩa bá quyền Liên Xô là nguồn gốc chính của sự đe dọa
đối với Đông-nam Á ” và phê phán luận điểm an ninh tập thể châu Á của Báo cáo
chính trị tại Đại hội 25 của Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 3/1976).
(Còn tiếp)
—–
Ghi chú:
1 Lon Nol (lŏn nōl) , 1913–85, Cambodian general
and political leader. He became defense minister and army chief of staff in
1955 in Norodom Sihanouk’s government. He
served as premier (1966–67) under Sihanouk. In 1970, he led the coup that
deposed Sihanouk, and assumed control of the government. He attempted
unsuccessfully to suppress the Communist Khmer
Rouge guerrillas, and his efforts plunged the country into
civil war. After temporarily relinquishing power, he seized control in 1972 and
suspended the constitution. Due to his inept leadership and anti-Communist fervor, he was forced to leave the country in
1975, when the Khmer Rouge advanced on the
capital city. He settled in Hawaii.
2 Saloth Sar (May 19, 1925–April 16, 1998), better known as Pol Pot (short for Politique Potentielle, French for “potential
politic”), was the ruler of the Khmer
Rouge and the Prime Minister of Cambodia
(officially Democratic Kampuchea during his rule) from 1976 to 1979, having been de
facto leader since mid-191975. During his time in power Pol Pot
instigated an aggressive policy of relocating people to the countryside in an
attempt to purify the Cambodian people as a step toward a communist
future. The means to this end included the extermination
of intellectuals and other “bourgeois
enemies”. Today the policies of his government are widely
blamed for causing the deaths of perhaps 1.5 million Cambodians. In 1979, he
led Cambodia into a disastrous war with Vietnam
which led to the collapse of the Khmer Rouge government.
3 Nuon Chea, real name Long Bunruot, also known as
“Brother Number Two” in the government of Democratic Kampuchea, was Deputy
General Secretary of the Communist Party and chief lieutenant to Pol
Pot during the Khmer
Rouge era.
4 Ta Mok, which means “Grandfather Mok” in Khmer,
was the nom de guerre of Chhit Choeun (c. 1926 – 21 July 2006), a senior figure in the leadership of the Khmer
Rouge. His name has also been reported as Ek Choeun, Oeung
Choeun and Ung Choeun, and he was also known as “Brother Number Five”.
5 Cáp duồn. Khm: cắp duôn = chặt người Việt. Ngày xưa khi
Kampuchia đánh nhau với VN, lúc xông trận họ la „cắp duôn“ tức là chém hay chặt
người VN (cho chết). Mỗi khi có cuộc nổi loạn của một „sóc“ (xóm làng) người
Khmer chống lại dân Việt, người Việt thường thông báo nhau là coi chừng bị họ
„cáp duồn“.
6 King-Father Norodom Sihanouk (born October
31, 1922), King of Cambodia until his abdication on October 7, 2004, is now “King-Father
(Khmer: Preahmâhaviraksat, see Names and titles section below) of
Cambodia,” a position in which he retains many of his former prerogatives as
constitutional king.
7 Poulo Wai (Đảo Trọc) và Koh Tang, nguyên là lãnh thổ
VN, nằm trong vịnh Phú Quốc, bị Khmer Đỏ chiếm sau tháng 4-1975.
8 Ieng Sary [the initial letter of the first name
is "I" as in "income"] (born 1922 or 1925), a powerful figure
in the Khmer Rouge was the deputy Prime Minister and Foreign Minister of Democratic Kampuchea from 1975 to 1979.
He was born in South Western Vietnam
bordering Cambodia
and changed his name from the Vietnamese Kim Trang when
he joined the Khmer Rouge. He was the brother-in-law of the Khmer Rouge leader Pol
Pot. Ieng Sary and Pol Pot studied together in Paris. Whilst
there, Sary rented an apartment in the Latin Quarter, a hotbed of student
radicalism. He and Pol Pot met with French communist intellectuals, and formed
their own cell of Cambodian communists. This nucleus was the foundation of the
Khmer Rouge leadership that would take control of the country in 1975.
9 Khieu Samphan (born July
27, 1931) was the president of
the state presidium of Democratic Kampuchea (Cambodia) from 1976 until 1979. As such, he served as
the country’s head of state and was one of
the most powerful officials in the Khmer
Rouge movement, though Pol
Pot was the group’s true political leader and held the most
extensive power.
10 Theo lời Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Cục phó Cục tác chiến
Bộ Quốc phòng lúc bấy giờ. TG.
11 Có lã đây là đề nghị cũ của Sihanouk. Từ năm 1964 –
1967, Chính phủ Vương quốc Campuchia do Quốc trưởng Norodom Sihanouk đứng đầu
chính thức đề nghị VN công nhận Campuchia trong đường biên giới hỉện tại, cụ
thể là đường biên giới trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương thông
dụng trước năm 1954 với 9 điểm sửa đổi, tổng diện tích khoảng 100 km2. Trên
biển, phía Campuchia đề nghị các đảo phía Bắc đường do Toàn quyền Brévié vạch
năm 1939 là thuộc Campuchia, cộng thêm quần đảo Thổ Chu và nhóm phía Nam quần
đảo Hải Tặc.
12 ngày 31 tháng 1 năm 1939, Toàn-Quyền Brévié xác-định
đường phân-định chia khu-vực biển giữa hai xứ bảo- hộ Cambodge và thuộc-địa
Nam-Kỳ như sau: “một đường thẳng góc với đường bờ biển tạo thành một góc 140
Grade với đường vĩ-tuyến Bắc… đường phân-dịnh được xác-định như trên đi vòng
qua phía Bắc đảo Phú-Quốc, cách những điểm cực Bắc của đảo nầy 3 Km”. Nhưng qua
thông-tri nầy ông Brévié cũng đã thận-trọng chính- thức ghi thêm rằng đường nầy
chỉ sử-dụng cho “hành-chánh và cảnh-sát” và nó không dùng để phân-định giữa xứ
thuộc-địa Nam-Kỳ và xứ bảo-hộ Cambodge.
Hiện nay ít nhất lưu hành 4 cách thể hiện đường Brévié
khác nhau: Đường của Pôn Pốt; đường của VN Cộng hòa; đường của ông Sarin Chhak
trong luận án tiến sĩ công pháp quốc tế về “Những vùng Biên giới của Cambodge”
bảo vệ ở Paris năm 1965 sau đó được xuất bản với lời tựa của Quốc trưởng
Norodom Sihanouk; đường của các học giả Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment