Monday, 24 December 2012

CỘNG SẢN VIỆT NAM KHỒNG THỂ CƯỠNG LẠI ĐÀ THOÁI TRÀO (Lý Thái Hùng)




Lý Thái Hùng
Cập nhật: 24/12/2012

Tại Hội nghị công an toàn quốc lần thứ 68 ở Hà Nội vào ngày 17 tháng 12 năm 2012, ông Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ thị cho lực lượng công an các cấp là “dứt khoát không để nhen nhóm hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nội địa.” Phát biểu của ông Dũng đã không chỉ nói lên sự tiếp tục cố thủ trong lô cốt độc tài độc đảng, mà còn cho thấy tư duy của giới lãnh đạo Hà Nội có ít nhiều nao núng trước sức ép của xu thế dân chủ hóa toàn cầu hiện nay. Đó là xu thế xuất hiện của những tập hợp quần chúng, đoàn thể chính trị nhằm cùng hợp tác với nhau giải quyết các nhu cầu của đời sống xã hội nằm ngoài sự cho phép hay kiểm soát của chính quyền.

Từ việc coi các đảng phái chính trị là phản động, có âm mưu lật đổ chế độ, CSVN đang chuyển sang thế ngăn chặn để không cho xuất hiện công khai những lực lượng chính trị đối lập; rõ ràng là CSVN biết rằng sớm muộn gì họ cũng phải đối diện với những thay đổi này vì các áp lực sau đây của xã hội.

1/ Nhu Cầu Phản Biện
Áp lực này bắt đầu nổ lớn trong năm 2012 với sự nhập cuộc mạnh mẽ của các trang mạng xã hội loan tải về những vụ án “cưỡng chiếm đất đai” của người dân một cách côn đồ và phi nhân từ chính quyền địa phương ở Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, Đông Triều v...v… Áp lực này càng gia tăng sức ép lên thượng tầng lãnh đạo CSVN khi một số đảng viên và cán bộ địa phương bày tỏ công khai sự bất mãn việc Trung ương đảng đã không có bất cứ biện pháp kỷ luật nào đối với những cán bộ lãnh đạo bị suy thoái về đạo đức, lối sống mà Trung ương đảng đã tập trung bàn thảo trong 3 kỳ hội nghị trung ương lần thứ 4, thứ 5 và thứ 6 kéo dài từ tháng 12 năm 2011 đến tháng 10 năm 2012, dưới cái gọi là “phê và tự phê”.

Trước đây các phản biện của người dân hay của những đảng viên đảng CSVN thường mang tính đơn lẻ, biểu hiện qua hình thức kiến nghị, hay một vài cuộc tọa kháng trước các văn phòng chính quyền để cầu mong sự giải quyết của cán bộ. Trong năm 2012, người dân đã lập từng phái đoàn công khai đối chất và đặt từng vấn đề với đại diện chính quyền cũng như nói rõ rằng họ không còn tin vào các chính sách của đảng CSVN. Đây là loại áp lực sẽ dẫn đến các phản ứng “tức nước vỡ bờ” của người dân mà Hà Nội đã chứng kiến qua làn sóng nổi dậy tại Tunisia, Ai Cập vào đầu năm 2011.

2/ Nhu Cầu Bày Tỏ Lập Trường Yêu Nước
Sự hung hăng và côn đồ của Bắc Kinh trên Biển Đông cùng với sự hèn nhát và giải thích lấp liếm của lãnh đạo CSVN về cách ứng xử đối với Trung Quốc đã khiến cho những người Việt yêu nước không thể im lặng. Nhưng chính những ứng xử mâu thuẫn và phi lý của lãnh đạo CSVN mới là nguyên nhân chính tạo ra làn sóng chống Bắc Kinh lẫn chống lãnh đạo Hà Nội lan rộng ở trong và ngoài đảng hiện nay. Một mặt thì lãnh đạo CSVN xác quyết sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo, xác nhận Hoàng sa - Trường sa là của Việt Nam; nhưng mặt khác, họ lại tổ chức những hội nghị đề cao cái gọi là “đời đời nhớ ơn Trung Quốc”, và cho lực lượng công an đàn áp thô bạo người dân tham dự các cuộc biểu tình phản đối những vi phạm của Trung Quốc trong thềm lục địa Việt Nam.

Lãnh đạo CSVN biết rất rõ là họ đang bị Bắc Kinh lợi dụng để từng bước khống chế biển Đông; nhưng họ cũng biết là nếu không dựa vào Trung Quốc, đặc biệt là những khoản tiền vay mượn, để cứu lấy nền kinh tế đang bị suy thoái trầm trọng từ năm 2008 cho đến nay, thì sẽ gặp khó khăn nên phải im lặng trước những lấn lướt của Bắc Kinh. Điều lo ngại của CSVN là những ứng xử mâu thuẫn của họ về Trung Quốc càng làm gia tăng làn sóng chống đối và trở thành tụ điểm để nối kết những người yêu nước ở trong và ngoài đảng. Đây là một loại áp lực không chỉ làm phân hóa nội bộ đảng CSVN mà còn có thể phát triển thành những lực lượng chính trị chống Trung Quốc mà Hà Nội khó có thể đàn áp.

3/ Nhu Cầu Hiện Hữu Của Xã Hội Dân Sự
Sau hơn ba thập niên áp dụng kinh tế thị trường và mở cửa vận động đầu tư từ nước ngoài, nền kinh tế Việt Nam nói chung đã mang lại cho người dân một cuôc sống vật chất khá hơn dưới thời bao cấp. Ngoài ra, qua những giao tiếp với thân nhân sống ở nước ngoài và qua những giao tiếp làm việc với các công ty quốc tế tại Việt Nam, nhiều gia đình người Việt ở trong nước bắt đầu thấy rằng họ không thể tiếp tục lối sống vô cảm, mackeno, mà phải có những trách nhiệm liên đới với nhau. Tinh thần liên đới này đã mở ra những cơ hội hợp tác giữa nhiều cá nhân cùng quan tâm, cùng sở trường hay sở thích, và đã nhen nhóm cho ra đời nhiều tập hợp quần chúng.

Theo một nghiên cứu mới nhất của tổ chức Đời sống và Xã hội tại các quốc gia chưa phát triển của Liên Hiệp Quốc vào cuối năm 2011, Việt Nam hiện có non 5 ngàn đoàn thể quần chúng xuất hiện dưới nhiều lãnh vực văn học nghệ thuật, tôn giáo, thể thao và xã hội nằm ngoài chính quyền. Những tập hợp này là nền tảng của xã hội dân sự, quy tụ nhiều cá nhân, giúp nhau xây dựng một cuộc sống tự chủ và chống lại những hiện tượng o ép, khống chế của nhà nước. Đây là loại áp lực mang đặc tính tiệm tiến, nhưng thường tạo ra những chấn động đột biến khi số đông được quy tụ.

4/ Nhu Cầu Phát Triển Của Mạng Xã Hội
Năm 2006, Việt Nam có khoảng 7 triệu người sử dụng internet với một vài trang nhà nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của Bộ thông tin và truyền thông CSVN. Chỉ sáu năm sau, vào năm 2012, Việt Nam có đến 37 triệu người sử dụng internet; số người tham gia vào trang mạng xã hội như Facebook có đến 8,5 triệu người và Multiply có non 5 triệu người. Công ty Google dự kiến là số người sử dụng internet tại Việt Nam vào năm 2015 sẽ lên 50 triệu và các trang mạng xã hội đang hình thành một cộng đồng Việt Nam mới – trên mạng ảo – chuyển tải nhanh chóng mọi tin tức, mọi biến động kể cả những dữ kiện “thâm cung bí sử” của chế độ vào từng gia đình người Việt trong cùng một thời điểm.

Truyền thông là một trong ba chân vạc quan trọng (bạo lực công an, giáo dục ngu dân bưng bít thông tin) mà mọi chế độ độc tài đều tìm cách nắm chặt để duy trì quyền lực độc tôn. Khi ông Dũng chỉ thị cho bộ máy công an phải “có phương án chuyên đề đấu tranh quyết liệt hiệu quả với chiến tranh thông tin, truyền thông, tăng cường công tác bảo vệ bí mật quốc gia và chống tình báo, gián điệp” cho thấy là Hà Nội thật sự lo sợ mạng xã hội đang nối kết người dân, giúp họ tách ra khỏi vòng ảnh hưởng của chế độ. Đây là loại áp lực đang bào mòn uy tín của lãnh đạo đảng và nhà nước, đồng thời từng bước làm ruỗng nát các trụ cột chống đỡ chế độ độc tài hiện nay.

Bên cạnh những áp lực mới của xã hội nói trên, đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang trực diện 4 nguy cơ mà ông Nguyễn Phú Trọng cho là sinh tử, gắn liền với sự tồn vong của đảng trong thời gian tới. Đó là các nguy cơ:

1/ Lập trường giai cấp và tư tưởng chuyên chính bị lung lay;
2/ Cán bộ lãnh đạo thiếu khả năng thích ứng;
3/ Tham nhũng và nạn mua quan bán chức tràn lan;
4/ Quần chúng mất dần niềm tin vào đảng và nhà nước.

Từ những nguy cơ này đã sản sinh ra hai hiện tượng mà kết quả của Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương đảng CSVN hồi tháng 10 năm 2012 vừa qua đã cho dư luận nhìn thấy hai nghịch lý:

Thứ nhất là lãnh đạo quá yếu trong khi phe nhóm quá mạnh. Việc ông Nguyễn Phú Trọng xin Trung ương đảng kỷ luật Bộ chính trị và “đồng chí X” về những yếu kém lãnh đạo cho thấy là quyền lực của Tổng bí thư, Chủ tịch nước hay Thủ tướng không còn mạnh như dưới thời Lê Duẩn hay Đỗ Mười. Trong khi đó phe nhóm của “đồng chí X” ở trung ương quá mạnh đã khiến cuộc truất phế của Bộ chính trị bất thành.

Nghịch lý này bắt đầu nhen nhóm khuynh hướng đổ tội lẫn nhau giữa phe đảng và phe chính phủ khi quy trách nhiệm về việc phá sản một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty và tình trạng nợ xấu chồng chất tại các ngân hàng. Phe đảng thì cho rằng phe chính quyền quản trị lỏng lẻo, kiểm tra lơ là, yếu kém. Phe chính phủ thì cho là họ thực thi theo đúng các Nghị quyết của đảng không làm gì sai. Hiện tượng đổ lỗi, quy trách nhiệm lẫn nhau giữa một số lãnh đạo cao cấp sẽ gia tăng khi mà người ta chưa tìm ra phép lạ nào chấn chỉnh cho nền kinh tế được tốt đẹp hơn hiện nay.

Thứ hai là quyền lực của đảng suy yếu trong khi các nhóm lợi ích lớn mạnh. Trước đây các phe nhóm trong thượng tầng lãnh đạo thường tranh giành thế chủ đạo chính trị để giữ các vị trí quyền lực và ban phát những lợi ích kinh tế cho nhau; thì nay, các nhóm lợi ích đứng đầu những tập đoàn kinh doanh sẵn sàng tung tiền và phương tiện để lôi cuốn những cán bộ lãnh đạo đã về hưu hay những phe nhóm nhỏ tạo ra một cực quyền lực khác, ảnh hưởng lên những quyết định của đảng hay cố tình làm trì trệ việc thực thi những chính sách gây bất lợi cho họ.

Nhóm lợi ích là sản phẩm tồi tệ của “kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nó hiện là “âm binh” đang quật lại những “phù thủy” từng vạch ra hướng chiến lược “tiến đến nền công nghiệp tiên tiến năm 2020” qua việc gom hàng ngàn tỷ đồng để sản sinh ra những tập đoàn kinh tế, những công ty cổ phần và những ngân hàng thương mại từ năm 2005 đến nay. Tổng số tiền nợ tính đến cuối tháng 11 năm 2011 của CSVN dựa theo báo cáo của Bộ tài Chánh (khoản nợ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty) và của Văn phòng chính phủ (khoản nợ công) cho quốc hội vào tháng 11 năm 2012 vừa qua lên đến 120 tỷ Mỹ kim. Nhiều nhà phân tích cho rằng có ít nhất từ 20 đến 30 tỷ Mỹ Kim đã chạy vào túi riêng của lãnh đạo và các nhóm lợi ích.

Với ngần ấy vấn đề mà đảng CSVN đang đối diện cùng với tình hình suy thoái kinh tế chưa tìm ra phép lạ chấn chỉnh, Hà Nội chỉ còn có hai chọn lựa để tồn tại:

- Tiếp tục bám vào Trung Quốc để được vay mượn tài chánh, duy trì nền kinh tế què quặt. Những phát biểu gần đây của Nguyễn Thế Kỷ, phó trưởng ban tuyên giáo và nhất là của đại tá Trần Đăng Thanh về việc phải “mang ơn Trung Quốc” đủ thấy não trạng của lãnh đạo Hà Nội là chịu nhục và mất biển đảo chứ không để mất đảng.

- Đàn áp phong trào dân chủ để ngăn chận đối lập chính trị. Việc CSVN núp đàng sau điều 79 (âm mưu lật đổ chế độ) và điều 88 (tuyên truyền chống phá nhà nước) của Luật Hình Sự để quy chụp và kết án nặng nề những người yêu nước cho thấy dã tâm của chế độ trong mục tiêu duy trì quyền lực độc tôn. Sự đàn áp ngày càng gia tăng đã không những không làm chùn ý chí đấu tranh của người Việt Nam, mà trái lại còn châm thêm dầu vào lửa phẫn nộ của quần chúng với làn sóng chống đối chế độ tiếp tục dâng cao và được quốc tế hỗ trợ.

Hai chọn lựa này của đảng CSVN không khác gì con thiêu thân khi đẩy người dân vào thế “tức nước vỡ bờ”. Sự ngạo mạn và ngoan cố đã khiến lãnh đạo đảng CSVN không nhìn ra được những bài học lịch sử mới nhất trên thế giới và lâu đời nhất của lịch sử dân tộc.

Lý Thái Hùng
24/12/2012





No comments:

Post a Comment

View My Stats