Sunday, 23 December 2012

CHỌN KERRY THÌ "KHÔNG CÓ GÌ TRỞ NGẠI" (Nguyễn Văn Khanh)




Nguyễn Văn Khanh
Friday, December 21, 2012 7:20:24 PM

Gọi ông là tân ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng đúng, gọi ông là người vừa được đề cử điều khiển ngành ngoại giao của nước Mỹ cũng chẳng sai. Lý do: trước khi ông đứng bên cạnh Tổng Thống Barack Obama ở Tòa Bạch Ốc, những thượng nghị sĩ uy thế nhất của đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện đã lên tiếng nói sẽ bỏ phiếu ủng hộ, hay ít nhất cho hay “thấy không có gì trở ngại” trong cuộc bỏ phiếu chuẩn thuận lời đề cử của tổng thống Hoa Kỳ.

Tứ sáng sớm Thứ Sáu, Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa John McCain đã khéo léo cho biết ông được tin “tổng thống chọn bạn tôi là ông John Kerry làm ngoại trưởng” bảo thêm “nội trong ngày hôm nay tổng thống sẽ loan báo quyết định đó.” Vẫn theo ông McCain, “chúng tôi biết nhau, làm việc với nhau trong nhiều năm trời, và mọi người đều tin tưởng ông John (Kerry) đủ khả năng để làm tròn trách nhiệm đầy khó khăn mà ông nhận lãnh.”

Sau ông McCain là ông Lindsey Graham, thượng nghị sĩ Cộng Hòa đại diện cho tiểu bang South Carolina. “Tôi xem quyết định chọn ông Kerry làm ngoại trưởng là quyết định hợp lý nhất. Ông Kerry có rất nhiều kinh nghiệm, làm thành viên và giữ vai trò chủ tịch Ủy Ban Ðối Ngoại Thượng Viện trong nhiều năm trời, quen biết rất nhiều các nhà lãnh đạo các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Mỹ, do đó khi ông đặt chân tới bất kỳ quốc gia nào, lãnh đạo và dân chúng của quốc gia đó phải kính trọng ông ta.” Thượng Nghị Sĩ Graham bảo thêm “dù về chính sách tôi và ông Kerry không đồng quan điểm với nhau ở nhiều chỗ, nhưng tôi vẫn phải nói quyết định chọn ông Kerry làm ngoại trưởng Hoa Kỳ là quyết định đúng đắn nhất.”

Mặc dù nhấn mạnh tới việc theo Hiến Pháp quy định, ông Kerry vẫn phải được Thượng Viện thông qua, nhưng cả 2 ông McCain và Graham đều tin “không có gì trở ngại,” ý muốn nói vị nghị sĩ đồng viện của họ là người được mọi người bỏ phiếu tín nhiệm. Ðiều đó đã được bà Nghị Sĩ Kelley Ayotte của tiểu bang New Hampshire nói cách đây 2 tuần lễ, bảo rằng “Tổng Thống Obama sẽ gặp khó khăn nếu đề cử bà (Ðại Sứ Liên Hiệp Quốc) Susan Rice, còn nếu đề cử ông Kerry thì mọi chuyện sẽ thuận buồm xuôi gió.”

Chính vì muốn thuận buồm xuôi gió nên Tổng Thống Obama đã quyết định chọn ông Kerry thay vì đề cử bà Rice, người - theo tin hành lang Tòa Bạch Ốc cho biết - “Tổng thống thật lòng muốn chọn để thế chỗ bà Hillary Clinton.” Dù vậy khi giới thiệu ông Kerry với mọi người, Tổng Thống Obama nói rằng “dưới một góc nhìn nào đó, John (Kerry) đã dành cả cuộc đời của ông để chuẩn bị cho vai trò này.” Ông Obama cũng bảo trong suốt 30 năm qua, ông Kerry “đã giữ một vai trò quan trọng trong tất cả những cuộc luận về chính sách ngoại giao.”

Dù không nói ra nhưng Tổng Thống Obama cũng biết lời đề cử ông Kerry sẽ được Thượng Viện bỏ phiếu thông qua một cách dễ dàng, và đây cũng là cơ hội để người lãnh đạo quốc gia trả ơn cho chính trị gia nổi tiếng của đảng Dân Chủ đã cho ông cơ hội xuất hiện ở chính trường quốc gia: khởi đầu bằng bài diễn văn tự giới thiệu mình tại Ðại Hội Ðảng Dân Chủ 2004 khi ông Kerry được đảng chọn ra tranh cử tổng thống, kế đến là những nỗ lực giúp ông Obama tranh cử thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Illinois, sau đó là người dẫn dắt ông ở Thượng Viện Liên Bang trước khi tuyên bố ủng hộ ông Obama tranh chức tổng thống vào năm 2008. Sau ông Obama đắc cử, ông đóng nhiều vai trò khác nhau như “cố vấn bán chính thức” hay “đặc sứ bán chính thức” của tổng thống trong nhiều chuyến đi vận động ngoại giao, và cũng là người đã giữ một vị trí không nhỏ giúp ông Obama tái đắc cử nhiệm kỳ thứ nhì, đóng vai ứng viên Cộng Hòa Mitt Romney trong những buổi tập tranh luận.

Hầu hết những điều đó được Tổng Thống Obama nhắc lại trong bài diễn văn giới thiệu ông tân ngoại trưởng Hoa Kỳ, từ chuyện ông Kerry từng tham chiến ở Việt Nam sau đó giúp thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 quốc gia từ thời Tổng Thống Dân Chủ Bill Clinton, đến những chuyến đi dưới danh nghĩa đại diện bán chính thức cho nhà lãnh đạo nước Mỹ. Những chuyến đi này đưa ông Kerry tới Afghanistan hồi 2009 để thuyết phục ông Hamid Karzai chấp nhận kết quả cuộc bầu cử vòng đầu, cho đến chuyến đi sang Pakistan để vận động chính phủ Islamabad trả lại xác chiếc trực thăng bị rơi khi Hoa Kỳ mở cuộc hành quân chớp nhoáng giết chết trùm khủng bố Osama Bin Laden. Ngay cả lúc Washington gặp khó khăn vì không biết phải can dự như thế nào vào cuộc tranh đấu đòi dân chủ của người dân quốc gia đồng minh Ai Cập, ông Kerry cũng được gửi sang Cairo, trở thành vị dân cử Hoa Kỳ đầu tiên tiếp xúc với ông Mohamed Morsi trước và sau ngày ông Morsi đắc cử tổng thống.

Vắng bóng trong buổi giới thiệu ông tân ngoại trưởng là bà Hillary Clinton, người sẽ tiếp tục vai trò đang nắm giữ cho đến ngày ông Kerry tuyên thệ nhậm chức. Tổng Thống Obama cho mọi người biết bà Clinton rất muốn tham dự nhưng phải nghỉ dưỡng bệnh theo lời khuyên của bác sĩ, sau khi bà bị ngã cách đây hơn một tuần lễ.

Sau khi buổi lễ ở Tòa Bạch Ốc kết thúc, văn phòng Ngoại Trưởng Hoa Kỳ cho phổ biến lời phát biểu của bà Clinton, trong đó cũng nhắc lại chuyện “Tổng Thống Obama và tôi thường hay yêu cầu ông Kerry giúp đảm trách những chuyến đi mang tính cách tế nhị ngoại giao và gửi những thông điệp khó khăn (mà Hoa Kỳ muốn nhắn gửi đến các nhà lãnh đạo những nước bạn).” Thông cáo này cũng cho thấy bà đương kim ngoại trưởng Mỹ vừa mừng vừa an tâm khi được thông báo ông Kerry nhận lời điều khiển ngành ngoại giao.

Một điểm đáng chú ý: đây là lần đầu tiên vai trò ngoại trưởng được tiếp nối bởi 2 chính trị gia từng có lúc nuôi mộng trở thành tổng thống. Hồi 2004 ông John Kerry thua ông George W. Bush, 4 năm sau đó bà Hillary Clinton thua ông Barack Obama trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ.






No comments:

Post a Comment

View My Stats