Friday 7 December 2012

ĐẢNG VÌ DÂN VIỆT NAM TRAO ĐỔI VỚI BẠN ĐỌC DÂN LUẬN về VẤN ĐỀ "ĐỐI THOẠI VỚI CSVN" (TTK - ĐVDVN / Nguyễn Ngọc Già - Dân Luận)




Thứ Sáu, 07/12/2012

(Bài viết này nhằm trả lời Blogger Nguyễn Ngọc Già về một số thắc mắc liên quan đến "Bản lên tiếng của ĐVDVN về việc đối thoại với nhà nước CHXHCNVN" được đăng trên mạng Dân Luận, và đồng thời người viết xin mượn nội dung này để kính chia sẻ thêm cùng quý bạn đọc).

Tin liên quan:

Nguyễn Ngọc Già Xuất phát từ nguyên nhân cụ thể nào mà Đảng Vì Dân Việt Nam (ĐVD) ra bản tuyên bố này, ngoài việc giải đáp thắc mắc cho các thân hữu, cơ quan truyền thông?
ĐVDVN: Kể từ ngày chính thức thành lập (01/01/2006) Đảng Vì Dân Việt Nam (ĐVD) đã có chủ trương vận động một giải pháp chính trị thích hợp cho Việt Nam; qua đó, đối thoại là một tiến trình tự nhiên và cần thiết. Cho nên, khi có tình trạng "lấn cấn" về sự kiện một số "người Mỹ gốc Việt" tiếp xúc với ông Thứ trưởng Ngoại giao CSVN ở thành phố Houston, chúng tôi nhận thấy cần tái xác nhận quan điểm về vấn đề liên quan.
Đảng Vì Dân chủ trương đấu tranh quyết liệt để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đất nước song lúc nào cũng sẵn sàng dành cơ hội cho các giải pháp chính trị ôn hòa, trong đó có việc đối thoại để tìm kiếm phương thức tháo gỡ các bế tắc chính trị của nước ta. Vấn đề là đối thoại ở đâu, trong điều kiện nào và với mục tiêu gì.

Nguyễn Ngọc Già Theo ông Nguyễn Công Bằng cho biết, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Nguyễn Thanh Sơn và phái đoàn Ngoại Giao của Việt Nam có đề nghị đối thoại với ĐVD được tổ chức vào ngày 15/10/2012 tại Tòa thị chính thành phố Houston (Texas). Vậy ĐVD có thể cho biết, nội dung phía Nhà nước Việt Nam nêu lên là gì mà ĐVD từ chối tham dự cuộc đối thoại này?
ĐVDVN: Chúng tôi muốn nói rõ ngay là lời mời tham dự cuộc gặp gỡ đến từ một nhân vật đứng ra tổ chức buổi tiếp xúc, chứ không phải trực tiếp từ phái đoàn Bộ Ngoại Giao của Nhà nước Việt Nam.
Khi trao đổi với nhân vật này, chúng tôi được biết một cách tổng quát về nội dung và hình thức dự liệu của cuộc tiếp xúc. Qua các thông tin đó, chúng tôi đánh giá là CHƯA đủ các yếu tính "Cần và Đủ" của một cuộc đối thoại đúng nghĩa, dù chỉ là ở bước đầu, nên đã chính thức từ chối tham dự.

Nguyễn Ngọc Già Từ chối đối thoại, theo ông Nguyễn Công Bằng cho biết vì chưa hội đủ yếu tố 'Cần và Đủ', xin hỏi, khi chưa đối thoại, làm thế nào để biết CHƯA hội đủ yếu tố này (tất nhiên yếu tố "Cần và Đủ" là theo quan điểm của ĐVD)?
ĐVDVN: Việc chấp nhận tiếp xúc công khai với Nhà nước Việt Nam ở môi trường cộng đồng người Việt ở ngoài nước là một vấn đề tế nhị và quan trọng. Với tư cách là một đoàn thể đấu tranh, chúng tôi có trách nhiệm phải cân nhắc là việc tiếp xúc như vậy có đúng đắn và phù hợp với quyền lợi chung của đất nước, cộng đồng hay không.
Trước cuộc tiếp xúc vừa rồi, theo sự tìm hiểu của chúng tôi, phía Nhà nước Việt Nam chỉ muốn tiếp xúc với với "kiều bào" để lắng nghe nguyện vọng, chứ không có ý hướng tiến hành một cuộc đối thoại nhằm mục đích hòa giải dân tộc và tìm kiếm một giải pháp chính trị thích hợp cho đất nước.
Chúng tôi không phải là "kiều bào" theo định nghĩa của Nhà nước Việt Nam nên không thể chấp nhận việc tham dự với tư cách "kiều bào". Mặt khác, chúng tôi không tin là những sự tham dự với tư cách cá nhân có thể dẫn đến kết quả cụ thể cho tiến trình thành hình một giải pháp chính trị. Ngược lại, khi cuộc tiếp xúc bán chính thức được thực hiện ở Hoa Kỳ (nơi có đông đảo người Việt tỵ nạn nhất trên thế giới) thì chắn chắn sẽ là cơ hội để Nhà nước Việt Nam khai thác tuyên truyền, và gây ra mâu thuẫn đáng tiếc trong sinh hoạt cộng đồng.
Qua các tường thuật trực tiếp bởi những người tham dự cuộc tiếp xúc vừa rồi, và kể cả từ báo Quê Hương của Nhà nước Việt Nam, chúng tôi nhận thấy sự cẩn trọng ban đầu đó là đúng.

Nguyễn Ngọc Già Yếu tố "Cần và Đủ" của ĐVD là gì, có thể trình bày chi tiết không?
ĐVDVN: Theo quan điểm của Đảng Vì Dân, yếu tố "Cần và Đủ" cho một cuộc đối thoại đúng nghĩa có thể chấp nhận được là:
1. Có mục tiêu cụ thể là hòa giải dân tộc và tìm kiếm một giải pháp chính trị thích hợp cho Việt Nam.
2. Có sự tương kính và công bằng trong phương thức thực hiện.
3. Phải được thực hiện công khai ở cả trong và ngoài nước.
Nếu mục tiêu đối thoại chỉ là nhắm vào cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản ở ngoài nước thì yêu cầu #1 chỉ khác ở tầm vóc mà thôi.
Nếu mục tiêu chỉ nhằm tiếp xúc để tìm hiểu, xây dựng sự cảm thông thì Nhà nước Việt Nam có thể liên lạc trực tiếp từng đoàn thể, từng nhân sĩ... chứ không thể qua một cuộc tiếp xúc tập thể.
Nếu như Nhà nước Việt Nam thật sự có chủ trương hòa giải và tìm kiếm một giải pháp chính trị thích hợp cho đất nước, chúng tôi rất mong nhận được các thông tin liên quan một cách trực tiếp để có thái độ tương xứng.

Nguyễn Ngọc Già: Sau bản lên tiếng này, ĐVD có ý định CHỦ ĐỘNG đưa ra một kế hoạch gửi đến Nhà nước Việt Nam cùng các đảng phái (VT, THDCĐN, THTNDC, Thăng Tiến...) và phong trào khác (8406, CĐVN) (đương nhiên có thể chưa cần công khai lúc này), trong kế hoạch này nói về chi tiết nội dung, lộ trình cùng các phương án để cuộc đối thoại có thể như là "góp phần tìm kiếm một giải pháp chính trị thích hợp cho hoàn cảnh đất nước"?
ĐVDVN: Hiện cảnh đất nước ta là hệ quả của một hoàn cảnh lịch sử đầy phức tạp, éo le. Cho nên, chúng tôi nhận thức được rằng việc tìm kiếm một giải pháp chính trị thích hợp cho Việt Nam là một tiến trình đầy cam go, thử thách. Do vậy, việc này cần nhiều chuẩn bị và sự đồng thuận.
Trong bối cảnh chính trị thực tế hiện nay, một giải pháp chính trị cho Việt Nam không thể thiếu vai trò của phía Nhà nước Việt Nam. Cho nên, không thể có một giải pháp nào có thể tiến hành được nếu như Nhà nước Việt Nam chưa thể hiện được thiện chí đối thoại. Cùng lúc đó, việc tìm kiếm một sự đồng thuận tương đối giữa các đoàn thể đấu tranh cho việc chính thức đối thoại với NNVN cũng không đơn giản. Cuộc đối thoại đúng nghĩa sẽ cần trải qua nhiều thử thách và thời gian, nhưng những sự gặp gỡ thiếu chuẩn bị có thể dẫn đến những hậu quả phân hóa tức thời.
Đối với Đảng Vì Dân, đối thoại để tìm kiếm một giải pháp chính trị thích hợp cho Việt Nam là một điều tốt và cần thiết, song đó không phải là con đường đấu tranh duy nhất. Mặt khác, chúng tôi chủ trương là việc đối thoại với Nhà nước Việt Nam không phải là cơ hội cho riêng một đoàn thể nào, mà phải là nỗ lực chung của nhiều người, nhiều đoàn thể -- ít nhất là của những người cùng chung quan điểm.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với một số đoàn thể bạn để tìm kiếm những điểm đồng thuận khả thi cho việc đối thoại với Nhà nước Việt Nam nói riêng, và lộ trình chung cho giai đoạn đất nước có biến chuyển lớn.

Nguyễn Ngọc Già: ĐVD có căn cứ gì để hy vọng cuộc đối thoại hòa đàm mang chất hòa giải diễn ra để làm nền tảng cho dân chủ thăng tiến và hữu hiệu cho việc cứu nguy Tổ Quốc hiện nay? Nếu có, xin cho biết cuộc đối thoại hòa đàm có cơ sở thành công nhiều hay ít?
ĐVDVN: Cho đến nay, có rất ít dấu hiệu thể hiện thiện chí đối thoại của phía Nhà nước Việt Nam. Ngược lại, phần lớn cho thấy là Nhà nước Việt Nam nhắm vào mục tiêu bình thường hóa sự hiện diện ở hải ngoại, cùng lúc là vô hiệu hóa sự đối kháng của cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản. Tuy nhiên, diễn biến kinh tế, xã hội và chính trị ở Việt Nam có thể sẽ dẫn Nhà nước Việt Nam đến nhu cầu tìm kiếm một giải pháp chính trị cần thiết. Khi đó đối thoại có thể sẽ trở thành một tiến trình khả thi.
Tiến trình việc đối thoại có thành công, hay tạo nên được một kết quả khích lệ hay không, sẽ còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố cộng hưởng khác; trong đó có chính sách thực tế của đảng CSVN, và sự đồng tâm quyết chí của các đoàn thể, cộng đồng... tham dự.

Nguyễn Ngọc Già: ĐVD có đồng ý với quan điểm, cuộc đấu tranh dân chủ nhân quyền cho Việt Nam kết hợp cứu nguy Tổ Quốc hiện nay thiếu vắng vài "nhạc trưởng" trong một dàn nhạc quy mô mà các "nhà độc tấu" hiện nay còn "mạnh ai nấy chơi", nên chưa tạo ra hiệu quả đặc biệt cho bản giao hưởng "Dân chủ và vẹn toàn lãnh thổ Việt Nam" không? Nếu không, xin cho biết lý do. Nếu có, xin cho biết ĐVD sẽ làm gì cho điều này có thể diễn ra?
ĐVDVN: Phong trào đấu tranh dân chủ ở cả trong và ngoài nước đang trong giai đoạn bùng nở và cần có thời gian sàng lọc cần thiết. Tình trạng này sẽ thay đổi khi có một tổ chức hay liên minh tạo được những thành quả lớn có đủ tính thuyết phục, hoặc khi cục diện đất nước biến chuyển đến mức nảy ra nhu cầu liên kết tự nhiên để tạo thành công chung. Điều đáng khích lệ là dù các hoạt động của nhiều tổ chức còn khá độc lập song tính hỗ tương mỗi ngày một nhiều hơn.
Đảng Vì Dân ý thức được nhu cầu của một thế lực tổng thể có đủ sức mạnh thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đất nước nên luôn tìm kiếm một sự liên kết khả thi với các chính đảng, tổ chức có cùng quan điểm đấu tranh ở cả trong và ngoài nước. Một khi mong ước này trở thành hiện thực, Đảng Vì Dân chủ trương sẽ không giành quyền lãnh đạo liên minh, để tạo yếu tố thuận lợi cho việc liên kết.

***

Thay mặt cho VPLL/ĐVDVN, tôi hân hạnh chia sẻ cùng Blogger Nguyễn Ngọc Già và quý bạn đọc Dân Luận sự trình bày nêu trên.

Với khuôn khổ hạn hẹp của một bài viết ngắn, sự trình bày về vấn đề hệ trọng này chắc chắn không thể đầy đủ được. Do vậy, chúng tôi sẵn sàng trình bày tiếp tục nếu như nhận được thêm thắc mắc hay ý kiến khác.

Trân trọng chia sẻ.
Nguyễn Công Bằng
TTK/ĐVDVN






No comments:

Post a Comment

View My Stats