Tuesday, 4 December 2012

AI CẬP & BẢN HIẾN PHÁP SẼ ĐƯỢC TRƯNG CẦU DÂN Ý NGÀY 15/12/2012 (Trần Bình Nam)




05:00:am 04/12/12

Từ ngày tổng thống Mohamed Morsi đắc cử (tháng 6/2012), quảng trường Tahrir tại Cairo tạm vắng bóng người biểu tình. Trong tháng 8, tổng thống Morsi và Hội Đồng Tướng Lãnh có những trao đổi với nhau và Hội Đồng Tướng Lãnh cam kết đứng ra ngoài các tranh chấp chính trị. Bỗng cuối tháng 11/2012 hàng ngàn người dân Ai Cập xuống đường phản đối tổng thống Morsi ra sắc lệnh ngưng quyền của Tòa Án Tối Cao Ai Cập trong đó có quyền phán xét về những quyết định hành chánh của tổng thống.

Với sự bén nhạy chính trị sau “Mùa Xuân A Rập” dân chúng biểu tình phản đối trước những quyết định độc đoán như vậy là phải. Nhưng quyết định của tổng thống Morsi nằm trong bối cảnh tròng tréo của một bộ máy cai trị quốc gia gập ghềnh đẻ ra từ đầu năm 2011 khi tổng thống Hosni Mubarak từ chức.

Bối cảnh đó là hai đối lực: (1) Khi tổng thống Mubarak từ chức ông giao quyền lại cho Hội Đồng Tướng Lãnh và hành động đầu tiên của Hội Đồng Tướng Lãnh là duy trì Tòa Án Tối Cao có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến Luật và Hiến pháp nói là để làm trọng tài chính trị trong thời gian thiết lập chính quyền mới. Đối lực thứ nhất ở đây là Hội Đồng Tướng Lãnh và Tòa Án Tối Cao. (2) Đối lực thứ hai là tổ chức Hồi Giáo Anh Em (Muslim Brotherhood) và quần chúng của tổ chức ấy, lực lượng chính giúp làm sụp đổ chế độ độc tài của tổng thống Mubarak . Hồi Giáo Anh Em là một tổ chức chính trị có khuynh hướng khá cực đoan về việc áp dụng các nguyên tắc của Hồi giáo trong xã hội, nhưng rất khôn khéo về mặt chính trị. Dưới thời tổng thống Mubarak bị đàn áp thẳng tay.

Trước áp lực của quần chúng đòi hỏi dân chủ, hai đối lực tìm cách vừa thỏa hiệp với nhau vừa bố trí thế lực để nắm quyền hành chính trị. Sự thỏa hiệp đưa đến một Hiến Chương tạm thời được trưng cầu giữa tháng 3/2011 quy định việc bầu một quốc hội và một tổng thống lâm thời.

Cuộc bầu cử Quốc hội kết thúc tháng 1/2012 và cuộc bầu cử tổng thống kết thúc tháng 6/2012. Tổ chức Muslim Brotherhood và liên minh của mình thắng trong cả hai cuộc bầu cử. Ngoài việc kiểm soát đa số tại Quốc hội, ông Mohamed Morsi người của Muslim Brotherhood đắc cử tổng thống.

Nhưng Muslim Brotherhood đã làm một tính toán sai lầm trong cuộc bầu cử tổng thống là thuyết phục Quốc hội bác bỏ tư cách ứng cử viên của ông Ahmed Shafik, một cựu tướng lãnh Không quân, ứng cử viên của phe tướng lãnh. Hội đồng Tướng Lãnh phản ứng bằng cách yêu cầu Tòa Án Hiến Pháp vô hiệu hóa quyết định của Quốc hội và đồng thời giải tán Quốc hội vì lạm quyền.

Cuối cùng ứng cử viên của Muslim Brotherhood thắng cử. Nhưng trước khi kết quả được chính thức công bố Hội Đồng Tướng Lãnh lấy cớ Quốc hội đã bị gỉải tán ban hành một sắc luật giới hạn quyền của tổng thống, quy định rằng Hội Đồng Tướng Lãnh sẽ nắm quyền lập pháp và quyền thông qua ngân sách. Tổng thống chỉ còn quyền thành lập nội các nhưng không có quyền về các vấn đề an ninh trong nước và chỉ có quyền tuyên chiến với sự chấp thuận của Hội đồng Tướng lãnh.

Từ tháng 6/2012 đến nay Ai Cập không có một cơ chế chính quyền ổn định: Quốc hội đã bị giải tán chỉ còn Hội Đồng Lập Hiến gồm 100 dân biểu do Quốc hội lập ra trước đây để viết một bản Hiến Pháp lâu dài cho Ai Cập; và một tổng thống bị giới hạn quyền cai trị đối đầu với một Hội Đồng Tướng Lãnh.

An ninh quốc gia vẫn nhờ cậy vào viện trợ của Hoa Kỳ, kinh tế èo ọp, trong khi nhân dân chờ Hội Đồng Lập Hiến viết Hiến Pháp để trưng cầu dân ý bị trì hoãn do sự kềm chế nhau giữa tổng thống và các tướng lãnh.

Hai đối lực có những mục tiêu dài khác nhau nên nhì nhằng mãi bản thảo Hiến Pháp vẫn chưa thành. Phe Muslim Brotherhood nhắm Ai Cập trở thành một quốc gia thiên về luật lệ Hồi giáo. Trong khi quần chúng nhắm một quốc gia Hồi giáo phóng khoáng có đầy đủ các quyền tự do dân chủ, nhất là không kỳ thị phụ nữ và các tôn giáo khác.
Đầu tháng11/2012, một cơ hội đến cho tổng thống Morsi. Cuộc chiến bằng phi pháo giữa Hamas (một tổ chức Hồi giáo gốc Muslim Brotherhood đang cai trị phần đất Gaza của chính quyền Palestine) và Do Thái bùng nổ, tổng thống Morsi là người đã đứng ra dàn xếp thành công một cuộc ngưng bắn (ngày 15/11) giữa hai bên trước sự tán trợ của thế giới.

Lợi dụng thành quả này, ngày 22/11 tổng thống Mohamed Morsi ban hành quyết định ngưng quyền của Tòa Án Tối Cao Ai Cập và đặt ông lên trên các phán quyết của Tóa Án Tối Cao. Tổng thống Morsi giải thích sắc lệnh này chỉ có tính cách tạm thời. Trước hành động lợi dụng thời cơ quá lộ liễu này dân chúng xuống đường phản đối đòi tổng thống hủy bỏ sắc lệnh đó.

Dưới áp lực biểu tình, tổng thống Mohamed Morsi chạy đua với thời gian yêu cầu Hội Đồng Lập Hiến hoàn thành chỉ trong hơn 1 ngày bản dự thảo Hiến Pháp và công bố ngày Thứ Năm 29/11, trước ngày Thứ Bảy (1 tháng 12) là ngày Tòa Án Tối Cao cho biết sẽ phán quyết về tính pháp lý của Hội Đồng Lập Hiến. Ngay sau đó tổng thống Morsi tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu dân ý bản dự thảo Hiến Pháp ngày 15/12 này. Vào ngày Thứ Bảy Muslim Brotherhood đã huy động thành viên đến biểu tình phong tỏa trụ sở của Tòa Án Tối Cao không cho các thẩm phám họp. Chủ tịch tòa án tuyên bố sẽ không lấy phán quyết gì nữa và chỉ tái họp khi điều kiện làm việc cho phép .
Cuộc tranh chấp giữa hai bên lúc này tập trung vào nội dung bản dự thảo Hiến Pháp gồm 230 điều khoản. Phe chống cho rằng bản dự thảo thiên vị Hồi giáo. Ngoài việc tái xác định Ai Cập là một nước Hồi giáo, bản dự thảo đòi hỏi quốc hội trước khi thông qua luật có dính dáng đến những gì luật Hồi gíáo Sharia có quy định thì phải tham khảo ý kiến các tu sĩ tại nhà thờ Hồi gíao Al Azhar, một Viện nghiên cứu có uy tín về hệ thống Luật Hồi giáo thuộc hệ phái Sunni. Tuy nhiên ngôn từ của bản dự thảo trung dung nhiều đối với bản Hiến Pháp 1971, thí dụ xác định rằng luật lệ quốc gia chỉ tôn trọng các luật lệ Hồi giáo Sharia “trên nguyên tắc” (có nghĩa không nhất thiết phải xuất phát nguyên văn từ Sharia), và tôn trọng các nguyên tắc tự do dân chủ và bình đẳng đối với phụ nữ và các tôn giáo khác. Nhưng thành phần chống bản dự thảo cho rằng, vướng víu với luật Sharia, các nguyên tắc đó đều có thể được áp dụng một cách hạn chế và kỳ thị đối với phụ nữ và các tôn giáo thiểu số. Một điều khoản trong bản dự thảo quy định bộ trưởng quốc phòng sẽ là một tướng lãnh mục đích bảo đảm quyền lợi của giới quân nhân, nhưng là một điều khỏan không có lợi cho ổn định quốc gia về lâu về dài. Điều này có thể là kết quả của sự thỏa thuận giữa tổng thống Mohamed Morsi và Hội Đồng Tướng Lãnh trong tháng Tám vừa qua để các quân nhân tạm không có ý kiến về các vấn đề chính trị quốc gia và giải thích thái độ không lên tiếng trước các xáo trộn hiện nay.

Tiến sĩ Mohamed ElBaradei, một nhân vật có uy tín, được biết là hiểu rõ Luật hiến pháp, nguyên Giám đốc Cơ quan quốc tế kiểm soát năng lượng nguyên tử (IAEA) của Liên Hiệp quốc và qua nhiệm vụ đó được giải thưởng hòa bình Nobel, tuyên bố rằng bản dự thảo không đáp ứng nguyên vọng của quần chúng đang chờ đợi sự thiết lập một xã hội dân chủ và công bình cho mọi thành phần trong xã hội nên chỉ đáng vất vào sọt rác lịch sử. Hội Luật sư Ai Cập bày tỏ sự phản đối nhẹ nhàng hơn tuyên bố họ sẽ không kiểm tra kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.

Bức tranh cho thấy khi có sự tranh chấp quyền lực trong một xã hội thiếu định chế dân chủ, phe nào lợi dụng được thì lợi dụng ngay miễn là phục vụ cho mục tiêu đấu tranh của mình. Cho nên chưa có bằng chứng gì dứt khoát để kết luận tổng thống Mohamed Morsi đang lao mình vào con đường độc tài.

Tình thế hôm nay tại Ai Cập cho thấy ngoại trừ các tướng lãnh hành động (thí dụ một cuộc đảo chánh – ít có khả năng xẩy ra vì ngại mất viện trợ quân sự của Hoa Kỳ), cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo Hiến Pháp sẽ được diễn ra vào ngày 15 tháng 12 tới.

Để có ổn định, tổng thống Mohamed Morsi cần tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý minh bạch. Trước hết là mời Hội luật sư Ai Cập cam kết kiểm soát và đánh giá cuộc bầu cử. Thành lập một Ủy ban bầu cử vô tư, tốt nhất mời Tiến sĩ ElBaradei làm chủ tịch. Và tốt hơn nữa mời Liên hiệp quốc cử quan sát viên quan sát cuộc trưng cầu dân ý.

Cho đến lúc này các tiếng nói ủng hộ hay chống đều đến từ các thành phố lớn. Cuộc trưng cầu dân ý sẽ có thêm tiếng nói của quần chúng nông thân và thành phần trầm lặng, cho nên nếu cuộc trưng cầu ý kiến là vô tư thì không ai có thể đoán được kết quả sẽ như thế nào.

Nếu cuộc trưng cầu được thế giới công nhận là công bình không áp lực, không tráo phiếu thì dù kết quả như thế nào Ai Cập cũng sẽ tìm thấy con đường chia tay độc tài để đến dân chủ.

Trái lại, nếu tổng thống Morsi bất chấp dư luận, dùng mọi thủ thuật gian dối để thắng thì con đường trước mắt của Ai Cập là nội chiến.

Dec. 3, 21012

© Trần Bình Nam
© Đàn Chim Việt

------------------------------------






No comments:

Post a Comment

View My Stats