Tuesday 1 October 2024

NEPAL ĐÁNH GIÁ THIỆT HẠI SAU TRẬN MƯA LỚN, LŨ LỤT KHIẾN 192 NGƯỜI TỬ VONG (Reuters)

 


Nepal đánh giá thiệt hại sau trận mưa lớn, lũ lụt khiến 192 người tử vong

Reuters

30/09/2024

https://www.voatiengviet.com/a/7804479.html

 

Nepal hôm thứ Hai (30/9) bắt đầu đánh giá những thiệt hại do lũ lụt và lở đất gây ra vì mưa lớn khi người dân phải đối mặt với công việc khó khăn là dọn dẹp nhà cửa và lấy đồ đạc bị hỏng ra khỏi bùn đất.

 

https://gdb.voanews.com/971b7434-c819-4959-bf26-8dbdbe275f02_cx0_cy6_cw0_w1023_r1_s.jpg

Những người dân mắc kẹt trên xa lộ Tribhuwan theo dõi nhân viên cứu hộ tìm thi thể các nạn nhân sau trận lở đất do mưa lớn gây ra ở Dhading, Nepal, ngày 29/9/2024.

 

Ít nhất 192 người chết và 32 người vẫn còn mất tích trong hai ngày mưa liên tục do hệ thống áp thấp ở Vịnh Bengal và trên các khu vực ở Ấn Độ giáp biên giới với Nepal.

 

Các quan chức cho biết tại các khu vực phía bắc Bangladesh, bị ngăn cách với Nepal bởi một dải đất hẹp của Ấn Độ, hơn 100.000 người đã bị mắc kẹt sau những trận mưa lớn và nước từ thượng nguồn tràn vào.

 

Thung lũng Kathmandu bao quanh bởi đồi núi, nơi sinh sống của bốn triệu người và là thủ đô, đã có 56 người tử vong và phải chịu một trong những trận tàn phá tồi tệ nhất trong những năm gần đây, khi các con sông tràn bờ và làm ngập nhà cửa, bệnh viện, đường sá, cầu cống và chợ.

 

Prithvi Subba Gurung, một bộ trưởng cấp cao và người phát ngôn của nội các, cho biết chính phủ đang đánh giá mức độ thiệt hại và chi phí tái thiết.

 

Một số trạm thời tiết ở Kathmandu đã ghi nhận lượng mưa 24 giờ cao nhất trong nhiều thập kỷ, vẫn theo lời các quan chức.

 

Surya Raj Acharya, một chuyên gia về cơ sở hạ tầng và quy hoạch đô thị, cho biết việc xây dựng và đô thị hóa bừa bãi ở Kathmandu mà không tuân thủ kỹ thuật và quy hoạch cơ bản đã góp phần gây ra thiệt hại to lớn.

 

Ông nói: “Người dân lấn chiếm bờ sông để xây nhà, phớt lờ việc thực thi kỹ thuật và quy hoạch cơ bản, không có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải”.

 

“Không có lối thoát thích hợp cho nước sông trong mùa mưa khiến nước lũ tràn vào nhà”, ông Acharya cho biết.

 

Địa lý, địa hình, hệ thống sông ngòi, mưa mùa và khả năng xảy ra các sự kiện khí hậu cực đoan của Nepal phải được xem xét để lập kế hoạch như vậy, ông Acharya nói thêm.

 

Các nhà khoa học về khí hậu đồng tình với quan điểm của ông.

 

“Biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc làm trầm trọng thêm thảm họa, cùng với quy hoạch đô thị và cơ sở hạ tầng kém”, Arun Bhakta Shrestha, chuyên gia về rủi ro khí hậu và môi trường tại Trung tâm Phát triển miền núi tích hợp quốc tế (ICIMOD) có trụ sở tại Kathmandu, nói.

 

Tại Bangladesh, nhiều vùng đất rộng lớn ở năm tỉnh phía bắc đã bị ngập sau khi mực nước sông Teesta dâng cao đột ngột, vượt qua ngưỡng nguy hiểm tại một số điểm, các quan chức tỉnh cho biết.

 

Mực nước dâng cao đã tàn phá nhiều vùng đất nông nghiệp, cuốn trôi các loại cây trồng như lúa và rau, cùng với các trang trại nuôi cá, khiến nhiều nông dân phải đối mặt với thiệt hại nghiêm trọng. Nhà cửa, đường sá và cơ sở hạ tầng quan trọng cũng bị ngập lụt, buộc người dân phải chạy đến vùng đất cao hơn để đảm bảo an toàn.

 

Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong những ngày tới, khi cơ quan thời tiết Bangladesh cảnh báo sẽ có thêm mưa.

 

-------------------------------------

LIÊN QUAN

151 người chết vì mưa lũ, Nepal đóng cửa trường học

.

Lũ lụt gây chết người hoành hành ở Trung Âu, ít nhất 18 người thiệt mạng

.

Việt Nam: Bão Yagi gây thiệt hại 1,6 tỷ đô la, làm giảm tăng trưởng 0,15%

.

Số người chết vì lũ lụt ở Myanmar tăng lên 113

 

 

 




BIỂN ĐÔNG : TRUNG QUỐC "BAO VÂY HOÀN TOÀN" BÃI CẠN SCABOROUGH (Chi Phương / RFI)

 



Biển Đông : Trung Quốc “bao vây hoàn toàn” bãi cạn Scarborough  

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 30/09/2024 - 11:46

 https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240930-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-trung-qu%E1%BB%91c-bao-v%C3%A2y-ho%C3%A0n-to%C3%A0n-b%C3%A3i-c%E1%BA%A1n-scarborough

 

Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông dường như hoàn toàn bị Trung Quốc “bao vây”, theo các hiệp hội ngư dân Philippines, trả lời báo Hồng Kông South China Morning Post. Về phía Việt Nam, báo chí trong nước hôm nay, 30/09/2024, đưa tin 1 tàu cá thuộc tỉnh Quảng Ngãi bị “một tàu nước ngoài”, tấn công khi đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa. 

 

HÌNH :

(Ảnh minh họa) - Một tàu hải cảnh Trung Quốc diễn tập gần tàu tuần duyên Philippines BRP Teresa Magbanua gần Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Ảnh ngày 08/02/2024. via REUTERS - PHILIPPINE COAST GUARD

 

Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trong vòng 4 tháng (01/05-16/09) của Trung Quốc tại Biển Đông đã kết thúc từ 2 tuần qua, nhưng theo ghi nhận của chủ tịch của hiệp hội đánh cá New Masinloc của Philippines, Leonardo Cuaresma, trả lời South China Morning Post hôm nay, cho biết “kể từ ngày 15/06, bãi cạn Scarborough đã bị canh giữ nghiêm ngặt và không ai có thể tiếp cận”. Một nhóm ngư dân từ Subic của Philippines đã đến đánh bắt cá gần bãi cạn nhưng “đã bị ngăn chặn và đe dọa bằng vũ khí”.

 

Leonido Moralde, ngư dân Philippines, trả lời báo Inquirer, cho biết thêm : “Chúng tôi không thể đến gần, nhưng từ xa, chúng tôi có thể nhìn thấy các tàu ở đó. Chúng tôi thấy một chiếc tàu màu xám, ban đầu chúng tôi nghĩ là của Philippines, nhưng khi thấy lá cờ đỏ, chúng tôi mới nhận ra đó là của Trung Quốc”. 

 

Về phía Việt Nam, báo chí trong nước cho biết, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi (QNg 95739TS), đã báo cáo bị một tàu nước ngoài tấn công vào hôm qua, khiến 10 ngư dân bị thương. Chính quyền Việt Nam hiện vẫn chưa đưa ra thông tin cụ thể.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

BIỂN ĐÔNG

Biển Đông: Tàu Trung Quốc và Philippines va chạm tại bãi cạn Scarborough

 

TRUNG QUỐC - PHILIPPINES - BIỂN ĐÔNG

Biển Đông : Trung Quốc ngăn chặn ngư dân Philippines đánh cá gần bãi cạn Scarborough

 

BIỂN ĐÔNG - TRANH CHẤP

Philippines kêu gọi Trung Quốc giảm leo thang căng thẳng sau sự cố ở bãi cạn Scarborough

 

 

 




HOA KỲ THÔNG BÁO VIỆN TRỢ HƠN NỬA TỶ ĐÔLA HỖ TRỢ QUỐC PHÒNG ĐÀI LOAN (Phan Minh / RFI)

 



Mỹ thông báo viện trợ hơn nửa tỷ đô la hỗ trợ quốc phòng Đài Loan  

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 30/09/2024 - 11:43

 https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240930-m%E1%BB%B9-th%C3%B4ng-b%C3%A1o-vi%E1%BB%87n-tr%E1%BB%A3-h%C6%A1n-n%E1%BB%ADa-t%E1%BB%B7-%C4%91%C3%B4-la-h%E1%BB%97-tr%E1%BB%A3-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng-%C4%91%C3%A0i-loan

 

Chính quyền Hoa Kỳ thông báo tổng thống Joe Biden, hôm qua 29/09/2024, đã phê duyệt gói viện trợ trị giá hơn nửa tỷ đô la để hỗ trợ quốc phòng Đài Loan.

 

HÌNH :

(Ảnh minh họa) - Máy bay F-16 của không quân Đài Loan do Mỹ cung cấp, biểu diễn trong một sự kiện tại Đài Trung, Đài Loan, ngày 28/08/2020. REUTERS - Ann Wang

 

Hãng tin AFP dẫn lại thông cáo của Nhà Trắng cho biết, tổng thống Biden đã yêu cầu ngoại trưởng Antony Blinken gửi “các thiết bị và dịch vụ quốc phòng trị giá lên tới 567 triệu đô la để hỗ trợ Đài Loan”.

 

Gói hỗ trợ này nằm trong khuôn khổ kế hoạch viện trợ quy mô lớn được Quốc Hội Mỹ thông qua hồi tháng 04/2024, với hơn 8 tỷ đô la được huy động để giúp Đài Loan có thể đương đầu với quân đội Trung Quốc, bằng cách đầu tư vào tàu ngầm. Washington cũng hỗ trợ Đài Bắc về mặt kinh tế, giúp cạnh tranh với các dự án lớn của Bắc Kinh ở những nước đang phát triển.

 

Trung Quốc đã gia tăng áp lực quân sự và chính trị với Đài Loan trong những năm gần đây, thường xuyên điều tàu chiến và máy bay quân sự di chuyển vòng quanh hòn đảo. Bắc Kinh thường xuyên phản đối việc Washington hỗ trợ Đài Bắc và cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

 

Về tình hình tại chỗ, chính quyền Đài Loan, hôm qua, tuyên bố đang trong tình trạng cảnh giác cao độ sau khi phát hiện “sóng” tên lửa được phóng bên trong lãnh thổ Trung Quốc, vài ngày sau khi Bắc Kinh tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

 

Bộ Quốc Phòng Đài Loan ghi nhận các tên lửa hoạt động ở khu vực Nội Mông, Cam Túc, Thanh Hải và Tân Cương, đồng thời nhấn mạnh “lực lượng phòng không của Đài Loan duy trì mức cảnh giác cao độ” và cho biết “bất kỳ hành động đe dọa và khiêu khích nào của Trung Quốc sẽ làm suy yếu nghiêm trọng sự ổn định trong khu vực”.

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

NHẬT BẢN - ĐÀI LOAN

Truyền thông Nhật Bản: Lần đầu tiên Tokyo điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan

 

ĐỨC - EO BIỂN ĐÀI LOAN

Đức điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan, lần đầu tiên sau 22 năm

 

ĐỨC - EO BIỂN ĐÀI LOAN

Tàu Đức đi qua eo biển Đài Loan, Trung Quốc lên án Berlin đe dọa an ninh

 

 





BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ 2024 : DONALD TRUMP TIẾP TỤC ĐẢ KÍCH GAY GẮT KAMALA HARRIS (Phan Minh / RFI)

 



Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 : Donald Trump tiếp tục đả kích gay gắt Kamala Harris

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 30/09/2024 - 14:18  -  Sửa đổi ngày: 30/09/2024 - 14:22

 https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240930-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-t%E1%BB........ADch-gay-g%E1%BA%AFt-kamala-harris

 

Trong buổi vận động tranh cử tại bang then chốt Pennsylvania, ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa Mỹ Donald Trump, hôm qua 29/09/2024, đã dùng những lời lẽ hết sức gay gắt để chỉ trích phó tổng thống, ứng viên đảng Dân Chủ, Kamala Harris, trong lĩnh vực an ninh và hệ thống y tế.

 

HÌNH :

Ảnh minh họa : Ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử tại Mohegan Sun Arena, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, ngày 17/08/2024. © JIM WATSON / AFP

 

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết thêm chi tiết :

Khi Donald Trump bị nói là phát biểu có phần quá trớn, thì nhìn chung, ông ta sẽ lập lại. Bình luận của Trump một ngày trước đó tại thành phố Prairie du Chien, bang Wisconsin, đã gây xôn xao, nhưng ông không thay đổi ý kiến và vẫn nhắc lại : « Kẻ lừa đảo Joe Biden bị thiểu năng trí tuệ. Thật đáng buồn. Nhưng thành thật mà nói, Kamala Harris là kẻ nói dối, và tôi nghĩ từ khi sinh ra bà ấy đã như vậy. »

Donald Trump dùng những ngôn từ rất thô bạo. Giống như những bình luận vô căn cứ về việc Congo dường như đưa tù nhân đến Hoa Kỳ hay như bình luận sau đây :

« Kamala hứa sẽ bãi bỏ hệ thống chăm sóc y tế tư nhân và buộc mọi người phải tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế công theo kiểu xã hội chủ nghĩa với những khoản thuế rất cao và thời gian chờ đợi không tưởng. Đôi khi mọi người sẽ phải đợi 6 hoặc 7 tháng. Và bà ấy cũng ủng hộ việc dùng tiền thuế của dân cho phép những người nhập cư bất hợp pháp bị giam giữ được thay đổi giới tính miễn phí.

Đây là lý do tại sao trong 5 tuần nữa, chúng ta sẽ nói với bà ấy rằng Kamala, bà đã làm những việc kinh khủng trên cương vị phó tổng thống, bà là người lính biên phòng tồi tệ nhất lịch sử thế giới chứ không chỉ Hoa Kỳ. Chúng ta phải thay đổi. Kamala, bà thật khủng khiếp. Kamala, bà bị sa thải ! »

Công chúng tỏ ra rất vui mừng. Tranh thủ sự hồ hởi của đám đông, Donald Trump kêu gọi các cử tri - và đây là điều mới so với cách nay 4 năm - bỏ phiếu qua bưu điện và trước thời hạn.

 

--------------------------

Các nội dung liên quan

 

BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ 2024

Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 : Donald Trump dự định “cướp việc làm của các nước khác”

 

BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ

Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 : Donald Trump từ chối một cuộc tranh luận thứ hai với Kamala Harris

 

HOA KỲ - DONALD TRUMP

Mỹ : Donald Trump quy trách nhiệm cho Biden và Harris về vụ ám sát hụt ở Florida

.

.

=================================================

.

.

Các bang chiến trường sẽ quyết định cuộc đua giành chức tổng thống Mỹ năm 2024

Hành Trình Bầu Cử 2024

27/09/2024

https://www.voatiengviet.com/a/cac-bang-chien-truong-se-quyet-dinh-cuoc-dua-gianh-chuc-tong-thong-my-nam-2024/7795468.html

 

Cứ bốn năm một lần, cuộc đua giành chức tổng thống Hoa Kỳ lại tập trung vào các ‘bang dao động’. Không giống như hầu hết các bang luôn ủng hộ một đảng, các bang chiến trường này có thể thay đổi giữa các cuộc bầu cử và thường quyết định ai sẽ giành chiến thắng vào Nhà Trắng. Với chỉ một vài bang tiêu biểu, các chiến dịch dồn nguồn lực vào các đấu trường quan trọng này. Phiếu đại cử tri của các bang này thường quyết định kết quả, khiến họ trở thành trọng tâm của chiến dịch tranh cử sít sao. Hiểu được các bang dao động là điều cần thiết để nắm vững cách nước Mỹ bầu ra tổng thống, định hình các chiến lược và có khả năng thay đổi cục diện chính trị của quốc gia.

 

XEM & NGHE >>>>>  

 

 




TRUMP hay HARRIS? CÁC NHÀ NGOẠI GIAO CHỌN AI? (Nada Tawfik / BBC News)

 



Trump hay Harris? Các nhà ngoại giao chọn ai?

Nada Tawfik

BBC News, Liên Hợp Quốc

30 tháng 9 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cj9jwryz2jeo

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/d2e5/live/c08e6c50-7ee3-11ef-bda7-e1427314c99f.png.webp

Bên lề khóa họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, các nhà ngoại giao cho rằng sẽ không có sự thay đổi to lớn nào dù Phó Tổng thống Kamala Harris hay cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là chủ nhân mới của Nhà Trắng.

 

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã có một tuần lễ cấp cao bận rộn.

 

Tuần lễ cấp cao này có thể được ví như một trận Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ (Super Bowl) về ngoại giao, nhưng năm nay, so sánh thích hợp hơn có lẽ như một cuộc chạy đua marathon.

 

Chưa bao giờ lại có nhiều xung đột trên toàn cầu như hiện nay tính từ Thế chiến II, với việc Lebanon đã đứng trên bờ vực chiến tranh vào thời điểm các nhà lãnh đạo đến thành phố New York để họp.

 

Xét đến bối cảnh bất ổn hiện tại, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Mỹ đều nằm trong tâm trí của mọi người tham dự các sự kiện.

 

Một nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây nói với tôi rằng không ai kỳ vọng về tiến triển nào sẽ đạt được liên quan đến cuộc chiến tranh của Israel ở Dải Gaza cho đến sau khi người chiến thắng cuối cùng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng được công bố.

 

"Chúng tôi hiểu rằng chính quyền tổng thống hiện tại [của Mỹ] đang chịu áp lực không đưa ra bất kỳ quyết định nào có thể gây ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử tổng thống," ông nói.

 

"Nhưng tôi hy vọng rằng sau cuộc bầu cử tổng thống, chính quyền hiện tại sẽ tận dụng thời kỳ chuyển giao quyền lực để có thể đưa ra một số quyết định giúp dẫn đến sự cải thiện tình hình tại Gaza."

 

Thế nhưng, trong các cuộc trao đổi với cả chục quan chức từ nhiều châu lục khác nhau tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Manhattan, một bức tranh đã xuất hiện, cho thấy cộng đồng trên thế giới đã quá mỏi mệt vì khủng hoảng và đành miễn cưỡng làm việc với bất kỳ ai sẽ là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.

 

Tất cả các nhà ngoại giao chia sẻ quan điểm của họ với BBC trong điều kiện ẩn danh.

"Tôi không thấy có bất kỳ sự khác biệt nào giữa hai ứng viên, nhìn khắp thế giới, từ phía bên này cho tới phía bên kia, chúng ta đều ở trong một tình trạng hỗn loạn toàn diện," một nhà ngoại giao từ một quốc gia ở Nam Á chia sẻ với tôi.

 

·        Thủ lĩnh của Hezbollah bị ám sát: viễn cảnh tiếp theo với Hezbollah, Israel và Iran là gì?29 tháng 9 năm 2024

·        Ông Tô Lâm gặp ông Joe Biden: Đâu là những điểm nhấn đáng chú ý?23 tháng 9 năm 2024

·        Những lời xúc phạm nói lên điều gì về cuộc đấu Trump-Harris?23 tháng 9 năm 2024

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/9c04/live/40a06f00-7c3d-11ef-b282-4535eb84fe4b.jpg.webp

Các lãnh đạo thế giới bên lề khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 25/9

 

Đây là cảm nhận có lẽ không chỉ phản ánh sự vỡ mộng với vai trò lãnh đạo của Mỹ, mà còn là quan điểm từ nhiều nước ở Nam Toàn cầu (Global South) rằng, dù diễn ngôn thay đổi, những chính sách ngoại giao ở tầm vĩ mô của Mỹ thật sự không thay đổi đáng kể qua các chính quyền khác nhau.

 

"Thật dễ dàng để gióng hồi chuông cảnh báo về điều gì có thể xảy ra," một đại diện ngoại giao cấp cao Ả Rập nói với tôi.

 

Ông cho rằng, dù ông nghĩ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khó đoán hơn Phó Tổng thống Kamala Harris, khả năng ông Trump sẽ phá vỡ chủ nghĩa đa phương đã bị thổi phồng bởi vì chuyện này chưa từng xảy ra trước đây.

 

"Điều đang thật sự gây tổn hại đến chủ nghĩa đa phương là những hành động và các xung đột đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và không thể cho rằng vấn đề này xuất phát từ một quốc gia hay một chính quyền nào," ông chia sẻ.

 

Tại khu phức hợp của Liên Hợp Quốc, một quan chức lâu năm của tổ chức này nói với tôi rằng không hề có sự hoảng sợ về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

 

"Chúng tôi đã ngập đầu trong mối lo chuyện gì sẽ xảy ra hôm nay thì còn hơi sức đâu mà lo thêm chuyện sẽ xảy ra vào tháng 11 tới," vị quan chức này nói.

 

Nguồn tin này cho biết thêm rằng Liên Hợp Quốc đã trải qua thời chính quyền của ông Trump theo một cách mà ít ai ngờ tới.

 

"Có thể rất ồn ào, nhưng cũng không khác gì với những vị tổng thống Cộng hòa trước đây," vị quan chức này nói.

 

Nếu ông Trump làm tổng thống lần hai, vị quan chức này nói với tôi rằng họ nghĩ ông Trump sẽ tập trung hơn vào các vấn đề trong nước và "trả đũa nội bộ", còn chính sách ngoại giao chưa phải là ưu tiên trong giai đoạn đầu.

 

Trả lời BBC, Tổng thống Kenya William Ruto dường như không mảy may lo lắng.

 

"Tôi rất tự tin rằng nền tảng của tình hữu nghị giữa Kenya và Mỹ không liên quan tới cá nhân lãnh đạo," ông nói. "Mối quan hệ đó không phụ thuộc vào việc tôi đang làm tổng thống (Kenya) hay bất kỳ ai được bầu tại Mỹ."

 

 

·        'Chúng tôi nghĩ Trump đã dàn dựng các vụ ám sát'23 tháng 9 năm 2024

·        Ukraine phản đối ‘đại diện Crimea’ dự thi hoa hậu tại Việt Nam27 tháng 9 năm 2024

·        Tổng thống Zelensky: 'Kế hoạch Chiến thắng' của Ukraine đã sẵn sàng20 tháng 9 năm 2024

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/5d2b/live/89448910-7ee7-11ef-bf4b-ef19cfbf3842.jpg.webp

Căng thẳng dâng cao tại Trung Đông sau vụ thủ lĩnh của Hezbollah là Hassan Nasrallah bị Israel ám sát

 

Tuy nhiên, đối với nhiều người châu Âu, vẫn có lo lắng về nhiệm kỳ lần hai của ông Trump và về điều mà một số người cho là cách tiếp cận mang tính đổi chác của ông trong vquan hệ ngoại giao.

 

Một nhà ngoại giao châu Âu nói với tôi rằng với việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không thể giải quyết các cuộc xung đột, hiện có lo ngại rằng chính quyền ngày càng cứng rắn và có khả năng cực đoan hơn của ông Trump sẽ càng gây ra tình trạng rối loạn chức năng và thúc đẩy thêm phong trào cực hữu ở châu Âu.

 

"Tôi nghĩ ít ra thì đa số người dân châu Âu sẽ thở phào nhẹ nhõm nếu bà Harris nắm quyền," ông nói.

 

Tuy nhiên, một quan chức ngoại giao cấp cao khác của châu Âu nói dù bà Harris thắng sẽ mang lại cho họ cảm giác về sự tiếp tục của chính sách ngoại giao, nhưng dù sao thì họ cũng đã có kinh nghiệm làm việc với ông Trump bốn năm rồi và điều đó giúp họ có sự chuẩn bị tốt hơn nếu so với năm 2016.

 

Trùng với thời gian diễn ra tuần lễ cấp cao của Liên Hợp Quốc là tuần lễ Khí hậu (Climate Week) ở thành phố New York.

 

Các lãnh đạo vùng Caribe đưa ra phát biểu không chỉ từ sảnh Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc với sắc màu xanh và vàng đặc trưng, mà còn tại những căn phòng với đông đảo các doanh nhân và chính trị gia ở các sự kiện bên lề, đưa ra cảnh báo rằng thế giới đang trong tình trạng nguy hiểm đằng sau những cam kết về khí hậu, khiến những hòn đảo của họ gặp rủi ro.

 

Một quan chức từ khu vực này nói với tôi rằng khí hậu là một vấn đề chính, theo đó sự khác biệt giữa hai ứng viên tổng thống khiến họ lo lắng. "Xét về cam kết thật sự từ chính phủ Mỹ và cách chính phủ Mỹ đóng vai trò dẫn dắt thì rõ ràng lựa chọn là Đảng Dân chủ," bộ trưởng này nói.

 

Nhiều người vẫn còn nhớ đến chuyện ông Trump đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong khi ông Joe Biden sau đó đã ra quyết định đưa Mỹ gia nhập trở lại.

 

Thủ tướng đảo quốc Bahamas Philip Davis nói thay đổi chính trị là một thách thức cho các tiến triển trong 26 năm qua. Ông cho biết ông đã kêu gọi thiết lập một dạng cơ chế nào đó để đảm bảo rằng sự thay đổi về lãnh đạo chính trị không làm cản trở hoặc đảo ngược tiến trình.

 

Các nhà ngoại giao đang đối mặt với thách thức nhiều hơn là đạt được những giải pháp trong tuần qua, khi những tác động từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 có thể còn xa vời với họ.

 

Thế nhưng, thời gian đang trôi nhanh và các phiếu bầu sẽ được kiểm đếm tại Mỹ, với gương mặt mới sẽ xuất hiện ở Nhà Trắng.

 

Một bộ trưởng khác ở châu Âu, trên đường đến dự một sự kiện, nói với tôi một cách đơn giản: "Tôi hy vọng mọi chuyện sẽ không trở nên quá kỳ quặc."

 

Tường thuật bổ sung do Cai Pigliucci thực hiện.

 

-------------------------------

Tin liên quan

·         

Ông Tô Lâm gặp ông Zelensky: ‘Không nên coi là sự kiện nhất thời’

29 tháng 9 năm 2024

·         

Ông Tô Lâm gặp ông Joe Biden: Đâu là những điểm nhấn đáng chú ý?

23 tháng 9 năm 2024

·         

'Chúng tôi nghĩ Trump đã dàn dựng các vụ ám sát'

23 tháng 9 năm 2024

·         

Những lời xúc phạm nói lên điều gì về cuộc đấu Trump-Harris?

23 tháng 9 năm 2024

·         

Thủ lĩnh của Hezbollah bị ám sát: viễn cảnh tiếp theo với Hezbollah, Israel và Iran là gì?

29 tháng 9 năm 2024

·         

Ông Tô Lâm tại Đại học Columbia: Ông đã nói gì? Đâu là điểm đáng chú ý?

25 tháng 9 năm 2024

 






NHẬT BẢN : CÁC CHUYẾN BAY NỘI ĐỊA MIỄN PHÍ CHO KHÁCH NƯỚC NGOÀI (Tuấn Thảo / RFI)

 



Nhật Bản : Các chuyến bay nội địa miễn phí cho khách nước ngoài  

Tuấn Thảo  -  RFI

Đăng ngày: 30/09/2024 - 15:46

https://www.rfi.fr/vi/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20240930-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-c%C3%A1c-chuy%E1%BA%BFn-bay-n%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%8Ba-mi%E1%BB%85n-ph%C3%AD-cho-kh%C3%A1ch-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngo%C3%A0i   

 

Xứ hoa anh đào không chỉ có núi Phú Sĩ và thánh địa nai rừng Nara mà còn có nhiều danh lam thắng cảnh khác còn chờ được khám phá. Để khuyến khích khách du lịch quốc tế khám phá những địa điểm ít được biết đến, thay vì đổ dồn về những nơi có quá đông người tham quan, hãng hàng không Japan Airlines (JAL) cung cấp kể từ tháng 09/2024 các chuyến bay nội địa miễn phí cho du khách nước ngoài.

 

HÌNH :

(Ảnh minh họa) - Một sân golf dọc vườn quốc gia Setonaikai, nhìn ra vùng biển Seto tại Takehara, Nhật Bản, ngày 30/09/2024. AP - TORU HANAI

 

Theo trang thông tin Euronews, đây là cơ hội để khám phá không chỉ những điểm du lịch nổi tiếng mà còn nhiều vùng đất khác, ít được biết đến. Mạng lưới rộng lớn của hãng hàng không Japan Airlines hiện phục vụ tại 64 sân bay nội địa, kết nối 133 điểm đến trên toàn lãnh thổ Nhật Bản. Trước mắt, chương trình miễn phí vé máy bay nội địa được áp dụng cho thành phần du khách đến từ 12 nước, đầu tiên là Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Úc, New Zealand. Về phía các nước thành viên ASEAN, có Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines, Indonesia. Kế đến nữa là các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan được quyền đăng ký bay miễn phí trong tháng 09/2024. Ban điều hành công ty Japan Airlines cũng cho biết sẽ mở rộng thêm danh sách các nước được hưởng các chuyến bay nội địa miễn phí vào đầu tháng 10/2024.

 

 

Bay nội địa miễn phí giúp tiết kiệm phí di chuyển

 

Theo trang thông tin Euronews, nhìn chung, khách nước ngoài khi lên kế hoạch đi Nhật Bản, thường chọn dừng chân ở những thành phố nổi tiếng như Tokyo, Osaka hay Kyoto. Như vậy, khách thường bỏ qua những điểm đến hấp dẫn khác. Vì hai điểm đến càng cách xa nhau, chi phí di chuyển càng cao, nên khách nước ngoài buộc phải chọn lựa một lộ trình nhất định, không thể khám phá được hết chỉ nội trong một chuyến đi. Với chương trình bay miễn phí trên mạng lưới nội địa, hãng hàng không Japan Airlines triển khai khái niệm ''du lịch liền mạch" trên khắp quần đảo Nhật Bản, Đây là phương cách chuyển hướng các luồng khách nước ngoài đến một số điểm du lịch ít được biết đến, giúp giảm bớt phần nào tình trạng du lịch quá tải.

 

Thật vậy, thay vì chỉ giới hạn những điểm du lịch đông khách như Tokyo hay Osaka, chương trình bay nội địa miễn phí của Japan Airlines tạo điều kiện cho du khách đi xa hơn nữa đến những vùng lãnh thổ khác nhau, những điểm đến ít quen thuộc hơn nhưng vẫn có nhiều giá trị văn hóa và lịch sử, chẳng hạn như quần đảo Okinawa ở phía nam hay đảo Hokkaido ở phía bắc Nhật Bản.

 

Chi phí đi Nhật tương đối khá cao, trong đó ngoài tiền lưu trú, còn có phí di chuyển đi lại. Trong bối cảnh tập đoàn JRGroup đã tăng gần gấp đôi phí mua thẻ Japan Rail Pass đi tàu cao tốc Shinkansen hồi tháng 10/2023, việc miễn phí vé máy bay nội địa sẽ giúp cho khách tiết kiệm một khoản tiền di chuyển đáng kể, dùng ngân sách này để mua sắm, ăn uống, hay tham quan các viện bảo tàng, các đền đài di tích lịch sử.

 

Để được hưởng chương trình bay nội địa miễn phí, du khách quốc tế đầu tiên hết cần phải đặt vé máy bay khứ hồi thông qua các đại lý du lịch hoặc trực tiếp trên trang web chính thức của hãng hàng không Japan Airlines. Điều cần lưu ý là vé bay nội địa sẽ hoàn toàn miễn phí với điều kiện thời gian dừng chân tại chặng đầu tiên ở Nhật Bản phải dưới 24 giờ. Nói cách khác, nếu khách muốn bay từ Luân Đôn đến Fukuoka, mà có dừng chân tại Tokyo để ngủ lại qua đêm (hơn 24 giờ) thì chuyến bay từ Tokyo đến Fukuoka sẽ bị tính thêm phí là 100 đô la. Ngược lại, vé bay nội địa sẽ miễn phí nếu thời gian dừng chân tại Tokyo (điểm đến đầu tiên) chỉ kéo dài có vài tiếng.

 

 

Giảm số khách tại những điểm tham quan bị quá tải

 

Theo trang thông tin Euronews, bên cạnh một số giải pháp như lập quota khách tham quan, hoặc thu thêm phí du lịch tại những địa danh thắng cảnh vốn đã quá đông người (núi Phú Sĩ), chương trình bay nội địa miễn phí của Japan Airlines hy vọng đem lại những tác động tích cực cho ngành du lịch Nhật Bản. Việc phân tán lượng khách nước ngoài đến những điểm du lịch ít nổi tiếng hơn sẽ giúp giảm bớt áp lực tại những điểm tham quan hầu như lúc nào cũng đông khách, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng miền khác trên cả nước.

 

Trong số những điểm đến hấp dẫn được Japan Airlines đề cao, có vịnh Matsushima, dành cho những khách nào thích sự yên tĩnh từ phong cảnh tự nhiên cho đến các ngôi đền Nhật Bản. Được mệnh danh là một trong ba danh thắng nổi tiếng nhất xứ hoa anh đào, vịnh Matsushima nổi bật nhờ cảnh quan của hàng ngàn hòn đảo nhỏ được bao quanh bởi biển xanh và những mái chùa cổ kính. Ngoài ra còn có đảo Miyajima, cũng nổi tiếng nhờ phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và ngôi đền nổi trên mặt biển. Hòn đảo này nằm gần thành phố Hiroshima, nơi bảo tồn những di tích lịch sử sau thảm họa bom nguyên tử, cho nên khách nước ngoài có thể tranh thủ thời gian đi tham quan cả hai địa danh này.

 

Còn đối với thành phần du khách mê chụp cảnh thiên nhiên hùng vĩ hoang sơ, Hokkaido và Sapporo có lẽ là hai điểm đến thích hợp, nổi tiếng là khu nghỉ dưỡng lý tưởng vào mùa đông, với nhiều phong cảnh núi cao phủ đầy tuyết trắng. Còn vào mùa hè, các vùng xung quanh Hokkaido lại thu hút đông đảo du khách với cảnh tượng thôn quê hiền hòa, nơi có những cánh đồng hoa lavande mênh mông, sắc tím bạt ngàn thơm ngát.

 

Theo những số liệu gần đây nhất được Cơ quan Du lịch Nhật Bản JNTO công bố hôm 18/09/2024, số du khách quốc tế đến thăm Nhật Bản trong tháng 08/2024 đạt 2,93 triệu lượt khách, tức đã tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. So với mức du lịch trước đại dịch Covid, số khách tham quan vào mùa hè năm 2024 đã tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019.

 

Trong năm vừa qua, Nhật Bản đã thu hút hơn 25 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu ngành du lịch vượt mức 5 ngàn 300 tỷ yên, tương đương với 36,7 tỷ đô la. Trên đà này, theo cơ quan JNTO, Nhật Bản hy vọng đạt mức 40 triệu lượt khách mỗi năm, từ đây cho đến 5 năm tới. Tuy nhiên hiện giờ, ngành du lịch Nhật Bản đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức, trong đó có tình trạng thiếu hụt nhân viên phục vụ tại một số điểm lưu trú, đồng thời trong số những khó khăn liên quan đến tình trạng du lịch quá tải, khách nước ngoài thường hay phàn nàn về các vấn đề như ban đêm có nhiều tiếng ồn, tắc nghẽn giao thông, chất lượng dịch vụ còn kém cho dù giá vẫn cao.

 

Với chương trình bay nội địa miễn phí của Japan Airlines, Nhật Bản hy vọng hành trình của khách du lịch quốc tế bạn trở nên phong phú, đa dạng hơn. Khách vừa tiết kiệm phí di chuyển, vừa có cơ hội đến thăm những nơi chưa quá đông người. Đây cũng là một trong những nỗ lực của chính phủ Nhật Bản nhằm cân bằng sự phát triển kinh tế giữa các vùng miền và duy trì sự bền vững cho ngành du lịch trong tương lai.






HỆ LỤY CHẾT NGƯỜI TỪ VIỆC TRUNG QUỐC LÀM NGƠ TRƯỚC LÀN SÓNG BÀI NHẬT (Katsuji Nakazawa   |   Nikkei Asia)

 



Hệ lụy chết người từ việc Trung Quốc làm ngơ trước làn sóng bài Nhật

Katsuji Nakazawa   |   Nikkei Asia  

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

30/09/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/09/30/he-luy-chet-nguoi-tu-viec-trung-quoc-lam-ngo-truoc-lan-song-bai-nhat/

 

Một cơn sốt trên mạng xã hội Trung Quốc có liên quan một phần đến Fukushima đang khơi dậy tình cảm bài Nhật.

 

Vụ một bé trai 10 tuổi bị đâm chết trên đường đến ngôi trường Nhật Bản của em ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, vào ngày 18/09 đã gây chấn động không chỉ trong cộng đồng người Nhật ở Trung Quốc mà còn trong các cộng đồng ở cả hai nước.

 

Thảm kịch này, được cho là do một người đàn ông Trung Quốc 44 tuổi có tiền án gây ra, cũng đã phủ bóng đen lên quan hệ kinh tế giữa hai nước láng giềng, khi ngày càng nhiều công ty Nhật Bản cho phép nhân viên của họ ở Trung Quốc tạm thời trở về nước cùng với gia đình để đảm bảo an toàn.

 

Vụ tấn công bằng dao gây chết người ở Thâm Quyến xảy ra sau một thảm kịch tương tự ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Vào tháng 6, Hồ Hữu Bình, một nhân viên xe buýt trường học 54 tuổi người Trung Quốc, đã bị đâm chết khi cố gắng ngăn chặn một kẻ tấn công tại trạm xe buýt của một trường học Nhật Bản. Một bà mẹ người Nhật và đứa con đang học mẫu giáo của cô đã bị thương trong vụ tấn công.

 

Động cơ đằng sau những vụ việc này vẫn chưa rõ ràng, nhưng nhiều người nghi ngờ rằng các vụ tấn công này bị ảnh hưởng bởi tâm lý bài Nhật đang lan rộng trong xã hội Trung Quốc, đặc biệt là kể từ năm ngoái.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F7%2F3%2F9%2F5%2F48305937-1-eng-GB%2Fphoto_SXM2024070200009158.jpg?source=nar-cms

Những bó hoa tri ân Hồ Hữu Bình nằm gần trạm xe buýt được cho là hiện trường vụ đâm dao nhắm vào một bà mẹ người Nhật và con trai của cô ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, vào ngày 06/08. © Kyodo

 

Ngày 01/07/2023, luật chống gián điệp sửa đổi chính thức có hiệu lực ở Trung Quốc, mở rộng định nghĩa về gián điệp. Luật này, vốn là ưu tiên của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình, không nêu rõ những hành động nào có thể bị xem là vi phạm.

 

Cùng thời gian đó, một chiến dịch lớn nhằm trấn áp các hoạt động gián điệp đã được phát động ở nhiều thành phố lớn, bao gồm cả Bắc Kinh. Chiến dịch kêu gọi người Trung Quốc theo dõi các “gián điệp nước ngoài” hoặc công dân Trung Quốc nào giúp đỡ các gián điệp này, và báo cáo ngay cho chính quyền nếu họ thấy có điều gì đáng ngờ.

 

Và thế là một cuộc “săn lùng gián điệp” đã bắt đầu trên toàn quốc.

 

Hoặc có thể nó đã bắt đầu sớm hơn. Hồi tháng 3/2023, một nam nhân viên người Nhật của công ty dược phẩm Astellas Pharma có trụ sở tại Tokyo đã bị bắt giữ ngay trước khi chuẩn bị trở về nhà sau thời gian dài làm việc tại Trung Quốc. Nhân viên này đã bị truy tố vào tháng 8 về tội gián điệp, nhưng chi tiết cụ thể của vụ việc vẫn chưa được công bố.

 

Vụ săn lùng gián điệp đã có tác động khủng khiếp, khiến các trường học Nhật Bản tại Trung Quốc rơi vào tầm ngắm. Nguyên nhân là do các tin đồn sai sự thật lan truyền trên internet, rằng chính phủ Nhật Bản sử dụng các trường học Nhật Bản trên khắp Trung Quốc để đào tạo gián điệp.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F2%2F0%2F3%2F8%2F48308302-1-eng-GB%2Fphoto_SXM2024092000010340.jpg?source=nar-cms

Các nhân viên bảo vệ đứng canh bên ngoài Trường Nhật Bản Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào ngày 20/09. © Kyodo

 

Một phần đáng kể những người tin vào tin đồn này nằm trong độ tuổi 30 và 40, nhóm tuổi đã được giáo dục về lòng yêu nước vào cuối những năm 1990 và 2000. Họ được dạy rằng người Nhật là những kẻ hai mặt và không biết hối lỗi về quá khứ chiến tranh của nước mình.

Những bài học này và việc giáo dục lòng yêu nước nói chung vẫn tiếp tục dưới thời Tập, dù có trọng tâm hơi khác là “một đất nước mạnh mẽ” và “tự tin.” Các thuật ngữ này cũng tạo thành cơ sở cho “ngoại giao chiến lang” cứng rắn của Bắc Kinh.

 

Có một sự khác biệt rõ ràng giữa những người Trung Quốc được giáo dục lòng yêu nước với những người Trung Quốc lớn tuổi, tức là ở độ tuổi 50 trở lên, những người đã đi học trong thời kỳ “cải cách và mở cửa” tương đối tự do của Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1980. Nhóm người Trung Quốc lớn tuổi này có trình độ nhất định về thông tin và hiểu biết về phương tiện truyền thông.

 

Việc các video và bài viết nhắm vào các trường học Nhật Bản nhanh chóng lan truyền trên mạng xuất phát từ một lý do hoàn toàn không liên quan, đó là sự chỉ trích dữ dội nhắm vào Nhật Bản sau khi nước này bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị hư hại vào tháng 8/2023.

 

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F4%2F5%2F9%2F5%2F48305954-1-eng-GB%2Fphoto_SXM2024082400000399.jpg?source=nar-cms

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Những người có ảnh hưởng ở Trung Quốc đang lợi dụng việc xả nước đã xử lý từ nhà máy để kích động tình cảm chống Nhật. © Kyodo

 

Trung Quốc ngay lập tức phản ứng bằng cách áp đặt lệnh cấm nhập khẩu toàn diện đối với các sản phẩm hải sản của Nhật Bản, tuy nhiên, đây là một động thái chính trị. Ngay sau đó, các bài đăng trên mạng xã hội kêu gọi hành động chống Nhật tăng lên, với một loạt các cuộc gọi làm phiền các nhà hàng và doanh nghiệp ở tỉnh Fukushima của Nhật Bản, nơi ba lò phản ứng bị tan chảy sau trận động đất và sóng thần lớn năm 2011.

 

Các cuộc gọi đến từ những số điện thoại bắt đầu bằng mã quốc gia của Trung Quốc.

Tiền là một lý do khiến các bài đăng chống Nhật Bản lan tràn trên mạng xã hội. Những người có ảnh hưởng (influencers) có thể kiếm được doanh thu quảng cáo khổng lồ nếu bài đăng của họ tạo ra đủ lượt xem.

 

Động cơ này đã thu hút nhiều người Trung Quốc tham gia vào “cuộc chiến chống Nhật” vì một số bài đăng đã lan truyền thông tin sai lệch, rằng ngay cả hải sản và muối từ vùng biển ven bờ Trung Quốc cũng nguy hiểm cho con người.

 

Một chuyên gia am hiểu xu hướng truyền thông xã hội Trung Quốc cho biết, “Kể từ mùa hè năm ngoái, các video và bài đăng liên quan đến hai chủ đề khác nhau đã tạo ra tương tác và được lan truyền nhanh chóng.” Nguồn tin này ám chỉ đến những bài đăng ác ý đối với các trường học Nhật Bản và những lời chỉ trích Nhật Bản về vấn đề mà chính phủ Trung Quốc gọi là “nguồn nước bị ô nhiễm hạt nhân.”

 

Lo ngại trước diễn biến bất ngờ này, chính phủ Nhật Bản, thông qua đại sứ quán tại Bắc Kinh, đã mạnh mẽ kêu gọi Trung Quốc xóa bỏ nội dung sai sự thật trên mạng xã hội về các trường học Nhật Bản.

 

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã làm ngơ trước kêu gọi này.

 

Trong nhiều trường hợp, các bài đăng chứa thông tin hoàn toàn sai lệch về các trường học Nhật Bản cũng chứa đựng những lời chỉ trích về những hành động trong quá khứ của Quân đội Đế quốc Nhật tại Trung Quốc. Vì vậy, việc xóa bỏ chúng cũng giống như từ bỏ giáo dục lòng yêu nước.

 

Vì lý do tương tự – và do các chiến dịch tuyên truyền về việc xả nước thải từ Fukushima – việc chấp nhận yêu cầu của phía Nhật Bản không phải là một lựa chọn đối với Trung Quốc.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F2%2F2%2F0%2F6%2F48306022-1-eng-GB%2Fphoto_SXM2024092400000839.jpg?source=nar-cms

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa yêu cầu Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho công dân Nhật Bản tại Trung Quốc, tại New York vào ngày 23/09. (Ảnh từ trang web của Bộ Ngoại giao Nhật Bản)

 

Động cơ của các vụ tấn công bằng dao gây chết người ở Tô Châu và Thâm Quyến hiện vẫn chưa được tiết lộ. Nhưng nếu Trung Quốc chịu thực hiện các biện pháp quyết liệt để bảo vệ công dân nước ngoài, thảm kịch có lẽ đã được ngăn chặn.

 

Sau vụ tấn công mới nhất, Kuaishou Technology, công ty điều hành ứng dụng chia sẻ video của Trung Quốc, đã tiết lộ vào ngày 21/09 rằng họ đã khóa các tài khoản phát tán tin đồn sai sự thật và thổi bùng căng thẳng Trung-Nhật. Biện pháp này được cho là để ứng phó với thảm kịch ở Thâm Quyến.

 

Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Trung Quốc vẫn chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nghiêm trọng của tình hình, bằng chứng là khi nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị mô tả vụ tấn công bằng dao mới nhất là một “trường hợp riêng lẻ, ngẫu nhiên.”

 

Vương là thành viên của Bộ Chính trị đầy quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời là ngoại trưởng nước này. Ông đã đưa ra lời nhận xét trên trong các cuộc hội đàm vào thứ Hai ngày 23/09 với người đồng cấp Yoko Kamikawa tại New York, nơi cả hai đang tham dự cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Nhận xét này là nhằm đáp lại yêu cầu của Kamikawa về việc Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho công dân Nhật Bản tại Trung Quốc, đồng thời chia sẻ thông tin chi tiết về vụ tấn công ở Thâm Quyến, và trấn áp các bài đăng chống Nhật trên mạng xã hội.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Fmiddle_300%2F7%2F9%2F1%2F2%2F48312197-3-eng-GB%2FCropped-1727259217AP24181517888628.jpg?source=nar-cms

Tháp Thiên Tân thắp sáng vào ban đêm để tưởng nhớ Hồ Hữu Bình vào ngày 28/06 tại Thiên Tân. (Nguồn ảnh: VCG qua AP)

 

Vương đã nói với Kamikawa rằng Trung Quốc “sẽ luôn đảm bảo an toàn cho mọi công dân nước ngoài sinh sống tại nước này.”

 

Hiện vẫn chưa rõ liệu có biện pháp cụ thể nào được triển khai hay không.

 

Khái niệm “an ninh quốc gia” theo kiểu Trung Quốc đã đe dọa đến sự an toàn của tất cả công dân nước ngoài đang cư trú tại nước này. Nếu Bắc Kinh không cải thiện đáng kể tình hình, công dân nước ngoài sẽ không thể cảm thấy an toàn khi sinh sống tại đây.

 

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể ngăn chặn làn sóng chỉ trích ác ý trên mạng xã hội dẫn đến những vụ việc thương tâm chỉ bằng cách thực hiện một bước nhỏ: Đưa ra cảnh báo rõ ràng về các cuộc tấn công nhắm vào công dân nước ngoài. Việc làm này cũng có thể giúp bảo vệ các công dân Trung Quốc như Hồ Hữu Bình.

 

-----------------------------------

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

 

 

 




View My Stats