Monday, 7 November 2022

LOẠN LUÂN CÓ PHẢI TỘI KHÔNG? (Cát Tường / VNTB)

 



Loạn luân có phải tội không?   

Cát Tường  -  Việt Nam Thời Báo

 01.11.2022 1:53

https://vietnamthoibao.org/vntb-loan-luan-co-phai-toi-khong/

 

(VNTB) – Điều 184 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tội loạn luân là hành vi giao cấu giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa anh chị em cùng cha mẹ, giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.

 

Loạn luân đã được đưa vào luật dưới thời phong kiến. Cụ thể, tại Điều 319 Bộ luật Hồng Đức quy định: “người vô cớ lấy cô, dì, chị, em gái, kế nữ (con gái riêng của vợ), người thân thích đều phỏng theo luật gian dâm mà trị tội”.

 

Tại Điều 334 Hoàng Việt luật lệ quy định về tội thân thuộc tương gian. Đây là hành vi gian dâm của những người thân thuộc phải để tang nhưng danh phận tôn ti hay tình nghĩa còn sâu nặng như con gái của đời vợ trước, chị em cùng mẹ khác cha, …

 

Không chỉ là một quan hệ pháp luật, một quy phạm đạo đức bị xâm hại mà việc giao cấu giữa những người có dòng máu trực hệ mang đến rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Đầu tiên, về mặt y học, những đứa trẻ được sinh ra từ cha mẹ cận huyết thống có nguy cơ bị dị tật, suy giảm sức khỏe.

 

Theo y học, nếu cha mẹ cận huyết, con cái sẽ bị các rối loạn di truyền do quan hệ cận huyết chính là điều kiện thuận lợi cho những gen lặn bệnh lý tương đồng gặp gỡ nhau.

 

Các bệnh thường mắc phải như: tan máu bẩm sinh, bạch tạng, rối loạn chuyển hóa, bệnh hồng cầu liềm, các bệnh dị dạng về xương, bụng phình to, thiểu năng trí tuệ, lùn, ốm yếu mù màu, bạch tạng… Ngoài ra, con cái của những cặp bố mẹ cận huyết có thể mắc phải các khuyết tật về phát triển và thể chất.

 

Khoản 17 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 giải thích những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.

 

Bên cạnh đó, khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba”.

 

Tuy nhiên, để kết luận đó là tội loạn luân cần phải xác định rõ và cần đáp ứng các điều kiện sau: Hành vi giao cấu là thuận tình, không có dấu hiệu dùng vũ lực hoặc cưỡng ép; Hành vi giao cấu được thực hiện với người từ đủ 16 tuổi trở lên. Nếu hành vi giao cấu không phải tự nguyện thì không phải là loạn luân mà có thể là tội hiếp dâm hoặc tội hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm hay cưỡng dâm trẻ em…

 

Còn nếu hành vi giao cấu giữa những người nói trên là thuận tình, nhưng nếu thực hiện đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì tội phạm cấu thành là tội giao cấu với trẻ em (Điều 115 Bộ luật hình sự 2015) …

 

Về mặt chủ quan trong cáo buộc tội danh loạn luân, thì đó là người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp, tức biết rõ, mong muốn và thuận tình giao cấu với người có cùng huyết thống.

 

Còn nếu vô ý mà thực hiện hành vi thì không cấu thành tội loạn luân. Một trong hai người miễn cưỡng, hoặc bị ép buộc thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn của mình, thì người cố ý và mong muốn thực hiện hành vi giao cấu cũng không phạm tội loạn luân, mà phạm vào một trong các tội xâm hại tình dục có tính chất loạn luân.

 

Lưu ý, đối với những người tuy có quan hệ giữa cha, mẹ đối với các con; giữa ông bà với cháu nội, cháu ngoại, nhưng đó không phải là người có dòng máu trực hệ thì cũng không thuộc đối tượng điều chỉnh của tội loạn luân, như: giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa bố chồng với con dâu; giữa mẹ vợ với con rể; giữa bố dượng với con riêng của vợ; giữa mẹ kế với con riêng của chồng.

 

Mặc dù những người này Luật hôn nhân gia đình cấm kết hôn nhưng do không phải là người có dòng máu trực hệ nên việc giao cấu với nhau giữa những người này không phải là hành vi loạn luân, tùy thuộc vào trường hợp cụ thể mà người có hành vi giao cấu có thể bị xử phạt hành chính (nếu có sự thỏa thuận) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm và cưỡng dâm (nếu bị ép buộc hoặc cưỡng bức).

 

Như vậy trong nghi án loạn luân mà báo chí đăng tải với ám chỉ xảy ra tại một nơi ở tỉnh Long An, cho thấy về mặt pháp lý rất cần sự cẩn trọng của các quy chụp, hay phát ngôn dẫn dắt vấn đề theo một định hướng buộc tội nào đó trái ngược với thực tế của luật định.


 

Tin Bài Liên Quan:

 

VNTB – ‘Rò rỉ’ hồ sơ điều tra vụ án “Tịnh thất Bồng Lai”: Nhân quyền ở đâu?

 

VNTB – Hòa thượng Thích Không Tánh lên tiếng về vụ án tịnh thất Bồng Lai

 

VNTB – Điều trần và chất vấn Việt Nam về vi phạm Quyền Trẻ Em tại trụ sở Liên Hợp Quốc

 

VNTB – Người dân “vườn rau Lộc Hưng” tiếp tục “khiếu nại và tố cáo khẩn cấp”

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats