Vì sao phong trào Black Lives Matter lại chia rẽ cộng đồng người
Mỹ gốc Việt ở Houston?
Dan
Q. Dao
08/09/2020
Translated from Why ‘Black Lives Matter’ Is So Divisive for Houston’s
Vietnamese American Community
Dan Q. Dao, ngày 3 tháng
9 năm 2020
***
Hình Houston: Aaron
Kovach/Getty; Hình nắm tay: Andriy Onufriyenko/Getty
Tôi đã chứng kiến một số
người trong thế hệ trước của mình tán ngả theo lòng căm hận người Da Đen. Thay
vì chỉ trích họ, chung ta nên công nhận những tổn thương đã định hình quan điểm
này của họ, và nhìn nhận những hệ thống đã làm chúng ta thất vọng.
Khi Lê Hoàng Nguyên, một
chuyên viên môi giới bảo hiểm 55 tuổi, tự bỏ tiền tiết kiệm của mình ra để dựng
lên tấm bảng quảng cáo chống kỳ thị chủng tộc tại miền tây nam của Houston vào
tháng 7, ông đã không ngờ rằng chuyện đó lại dẫn đến việc nhiều thành viên
trong cùng cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại thành phố lên tiếng đe dọa hành hình treo cổ (theo cách mà bọn phân
biệt chủng tộc ở Mỹ đã dùng với người Da Đen) cũng như tẩy chay việc kinh doanh
của ông. “Treo cổ Lê Hoàng Nguyên”, một người bình luận trên Facebook của
ông. Hàng tá người khác cũng lên án ông là một kẻ cộng sản và để lại nhiều đánh
giá tiêu cực trên trang Facebook của doanh nghiệp ông.
Chính ông Nguyên cũng bất
ngờ khi tấm bảng quảng cáo màu vàng đơn giản lại đột ngột trở thành tâm điểm của
cộng đồng gần 120,000 người Mỹ gốc Việt thuộc một trong những thành phố
đa dạng sắc tộc nhất tại Mỹ. Phải thừa nhận rằng tấm bảng rất khó để bỏ qua: với
một tiêu đề in đậm dòng chữ “Black Lives Matter” (“Nhân quyền cho người Da
Đen”) và “Stop Racism” (“Dừng kỳ thị”) được hiển thị rõ bằng Tiếng Việt lẫn Tiếng
Anh bên dưới. Tấm biển có thể được nhìn thấy dọc Đại lộ Bellaire, trục đường
chính qua khu vực bận rộn Chinatown và Little Saigon. Văn phòng của ông Nguyên
cũng nằm trên con đường này, ngay giữa những tiệm phở của người Việt, những
quán trà sữa, và đài radio gốc Á lớn nhất Houston.
Ông Nguyên, thành viên
tích cực lâu năm của cộng đồng gốc Việt tại thành phố với tư cách một người dẫn
dắt giới trẻ, nói rằng phản ứng dữ dội về tấm bảng quảng cáo của mình làm ông
choáng váng. Vào buổi sáng
sau khi tấm bảng được dựng lên, ông thức dậy và nhìn thấy cả một chiến dịch bôi
nhọ trên mạng đã được khởi động bởi một nhóm người Mỹ gốc Việt nhỏ nhưng to tiếng
ủng hộ Tổng thống Donald Trump. “Nó làm tôi rất kinh ngạc”, ông nói,
“Tôi đã biết sẽ có phản ứng nhất định, nhưng đã không lường trước được những
người ủng hộ Trump. Nhóm này xem tấm bảng như một sự xúc phạm đến tổng thống.
Đây chính là điểm mù của tôi”.
Xem hình trên trang chính
: https://www.the-interpreter.org/post/vi-sao-phong-trao-blm-chia-re-cong-dong-nguoi-my-goc-viet-houston
Cộng đồng người Mỹ gốc Việt hiện đang đứng trước ngã ba đường giữa việc
đối diện trực tiếp với nạn kỳ thị chủng tộc hay vẫn im lặng
đồng lõa với cái hệ thống đang duy trì nạn kỳ thị này. Tuy nhiên, vấn nạn kỳ thị chủng tộc - đặc biệt
là nạn kỳ thị người Da Đen - đặt ra nhiều câu hỏi đặc thù từ trải nghiệm của một
người tị nạn. Là người Mỹ gốc Việt, làm sao để định hình những thảo luận của
chúng ta về chủng tộc giữa 2 nhóm Da Đen và Da Trắng khi chính chúng ta - với lịch
sử, thể xác, cùng những đấu tranh riêng của mình - không hề tồn tại trong lưỡng
cực này?
Giáo trình môn lịch sử của
hệ thống trường công lập tại Texas có chỉ định dạy sơ lược về chiến tranh Việt
Nam - nhưng khi còn là một học sinh, tôi không được dạy nhiều về số phận của
hàng trăm ngàn người Việt tị nạn khi họ đặt chân đến Mỹ sau những cuộc thảm
sát, bom đạn, và chiến tranh hóa học đã tàn phá đất nước họ. Đến Mỹ không nhà,
không tiền, cũng không có vốn Tiếng Anh, thế hệ của ba mẹ tôi đã lao động cực
khổ để xây dựng một cộng đồng người Việt khắng khít tại những nơi như Garden
Grove, California; khu Versailles ở Đông New Orleans; hay vùng Alief ở tây nam
Houston. Họ đã thường phải đương đầu với sự thù hằn từ người Mỹ chủng tộc khác
trong quá trình thiết lập nên những cộng đồng của riêng mình.
“Sự phản đối trong công
luận Mỹ về việc cho người Việt tị nạn vào lúc đó còn cao hơn sự phản đối ngày
nay của công luận, ở Mỹ cũng như hầu hết ở Châu Âu, dành cho những người tị nạn
Syria’, Thu-Huong Ha của trang Quartz cho biết, dẫn chứng từ một cuộc
thăm dò năm 1975 cho thấy chỉ có 37% người Mỹ ủng hộ việc chấp nhận người tị nạn Đông
Dương. Trong những năm 70, nhiều người tị nạn Việt Nam, hành nghề đánh cá,
đã định cư và làm việc dọc Bờ biển vùng Vịnh (Gulf Coast). Tại nhiều nơi như
Seadrift, Texas, họ đã đụng độ bạo lực với nhóm kỳ thị chủng tộc Ku Klux Klan.
Sự đón nhận người tị nạn tại những thành phố lớn cũng không khá hơn bao nhiêu: hàng loạt vụ nổ súng nhắm vào các nhân viên cửa hàng gốc Á
tại Houston đã buộc nhiều cư dân người Việt phải tự vũ trang cho mình - khơi gợi
lại cảnh ngộ của các chủ tiệm người Hàn trong các khu phố của người Da Đen trong những cuộc
bạo loạn tại Los Angeles năm 1992.
Thay vì thúc đẩy sự đoàn
kết, khoảng cách địa lý gần lại dẫn đến sự nghi kỵ lẫn nhau giữa người Mỹ gốc
Việt và người Mỹ gốc Phi. Khi mới 13 tuổi, ông Nguyên đã được cậu mình “chiêu mộ”
và trang bị vũ trang để giúp bảo vệ tiệm tạp hóa của gia đình mình khỏi những kẻ
hôi của sau bão Alicia năm 1983, tại Galena Park - một khu vực đa phần là người
Da Đen ở Houston.
Ông Nguyên giải thích:
“Ba tôi bị sát hại chỉ 14
tháng sau khi ba mẹ tôi đặt chân đến đất nước này, vì thế mẹ tôi đã mua lại một
tiệm tạp hóa để nuôi nấng chúng tôi. Trước khi cơn bão ập đến, một số kẻ cướp
đã đột nhập vào tòa nhà và phá cửa của chúng tôi. Sau khi cơn bão đã tàn phá
Houston, chúng tôi không tìm được ai đến để sửa chữa. Vì vậy, chúng tôi đã phải
ngủ ngay trong tiệm - cậu tôi đã cho tôi một khẩu súng ngắn mà tôi không hề biết
sử dụng. Đó là môi trường mà tôi đã lớn lên, nên tôi hiểu về tội phạm. Tôi hiểu
được cảm giác là nạn nhân của tội phạm Da Đen trên các doanh nghiệp Việt. Tuy
nhiên, chúng ta không thể - và tôi cũng từ chối - đổ lỗi cho toàn bộ cộng đồng
của họ chỉ vì hành động tàn nhẫn với gia đình tôi của một thiểu số”.
Mấy năm gần đây, những ký
ức đau thương - vốn đã chẳng xa lạ gì với nhiều người Mỹ nhập cư gốc Việt -
đang quay trở lại khi khu Hoa Kiều-Tiểu Sài Gòn tại Houston chứng kiến nạn tội phạm tăng vọt. Trong bối cảnh những cuộc biểu tình
đòi Nhân quyền cho người da đen diễn ra mùa hè này, một nhóm tiểu thương người
Việt đăng trên Facebook nhiều video quay lại cảnh trộm cướp và các tệ nạn khác
gây ra bởi người Mỹ gốc Phi, sử dụng chính những sự việc đơn lẻ ấy để biện hộ
cho sự kỳ thị chủng tộc trắng trợn.
Thái độ phân biệt đó thường
phổ biến nhiều hơn ở người Mỹ gốc Việt thế hệ trước, theo lời Hoàng Bảo Hương,
một trong những lãnh đạo Hiệp hội
Văn hóa và Khoa học Việt Nam, một tổ chức cộng đồng hỗ trợ cơ hội học tập
và khuyến khích hoạt động dân sự trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Bà lấy ngay
ví dụ từ cha mình, một cựu phi công Không lực miền Nam Việt Nam tị nạn tại Hoa
Kỳ.
“Tôi yêu cha lắm chứ,
nhưng tôi nhận ra ông rất phân biệt chủng tộc,” bà Hương cho hay. “Chiến tranh
Việt Nam kết thúc, ông bị chứng rối loạn sang chấn tâm lý giày vò, phải sống với
nỗi đau mất mát tất cả những gì mình từng biết. Ông phải chuyển vào sống trong
khu nhà ở thu nhập thấp trong một vùng dân cư san sát và nhiều tệ nạn. Đã có
vài lần bọn cướp có súng, cũng là những người da màu khác trong khu, đe dọa
ông, lấy mất của ông chút của cải ít ỏi còn lại. Nhiều người Mỹ gốc Việt thế hệ
cũ cũng gặp trải nghiệm xấu tương tự… từ đó mà hình thành nên sự thù hận và hiểu
nhầm.”
Bà Hương cũng nói thêm rằng
sự thiếu thốn một nền tảng giáo dục chính thống, sự tự cô lập kéo dài, và sự lệ
thuộc vào những kênh thông tin chính trị đầy thiên kiến đều góp phần ấn sâu
thêm vết thương tâm lý mà thế hệ này từng phải trải qua. Năm 2010, một nghiên cứu từ Đại học Brown cho thấy cộng đồng người Mỹ gốc
Việt cũng bị cách biệt với người da trắng gốc Âu, hệt như tình trạng của cộng đồng
người da đen.
Điều này đồng nghĩa với
việc, theo lời bà Hương, người tị nạn gốc Việt “cảm thấy thoải mái và trở nên lệ
thuộc vào những kênh thông tin báo, đài, truyền hình tiếng Việt ở địa phương
mình, từ đó tự cô lập chính mình và quy tụ lại về khu Sài Gòn Nhỏ trong thành
phố.”
Ngày nay, người Mỹ gốc Việt
đang ngày một đi lên. Dân số đã tăng gấp bốn trong khoảng giữa những năm 1980 và 2000, và
tiếp tục tăng 26% từ những năm 2000 lên đến con số 1.3 triệu người hiện nay.
Năm 2015, mức thu nhập trung vị của hộ gia đình đã vượt lên chút ít so với công dân sinh tại Mỹ. Chúng ta có
những chính trị gia, tiểu thuyết gia giành Giải thưởng Pulitzer, đầu bếp nổi tiếng,
nghệ sĩ Hollywood người Việt. Tuy nhiên, trong số những nhóm người Mỹ gốc Á,
chúng ta lại là nhóm bảo thủ nhất về chính trị. 32% người Mỹ gốc Việt bầu cho Trump, so với 18%
trong cộng đồng Mỹ gốc Á nói chung.
Những lời cáo buộc nhằm
vào ông Nguyên phần nào giúp ta hiểu rõ hơn về hiện tượng này. Trong một buổi phỏng vấn ông Nguyên đầy xúc động trên một kênh truyền hình
tiếng Việt ở địa phương, người dẫn chương trình hỏi nhiều câu khiến Lê phải biện
hộ mình trước nghi ngờ ông là một người cộng sản. Giống như người Mỹ gốc Cuba,
người Mỹ gốc Việt rất không ưa khi bị coi là liên quan tới chế độ cộng sản mà họ
đã phải trải qua với bao đau thương ở quê nhà. Nhiều người thề rằng sẽ không
bao giờ đặt chân lên đất Việt Nam chừng nào lá cờ đỏ của Đảng Cộng sản còn bay
trên tổ quốc của họ. Khắp Houston, tiểu thương Việt vẫn treo lá cờ vàng của chế
độ miền Nam Việt Nam cũ.
Hình tượng Tổng thống Trump càng đào sâu thêm sự khác biệt thế hệ, giáo
dục, và chính trị trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Trên Facebook, nhiều người Mỹ gốc Việt chia sẻ
quan điểm thù địch của vị tổng thống đối với Trung Quốc - thế lực đô hộ Việt
Nam suốt nghìn năm - và đồng tình với việc ông công kích đối thủ chính trị bằng
cách gọi họ là “quân xã hội chủ nghĩa.” Một số người Mỹ gốc Việt cho rằng phong
trào Nhân quyền cho Người Da đen là một tổ chức cộng sản và bêu xấu bất cứ ai tỏ
ra đồng tình với dù chỉ một số mục tiêu của phong trào. Trong một vụ việc gần
đây, một linh mục Công giáo người Việt có tiếng, sau khi viếng thăm đài tưởng
niệm George Floyd ở Houston (cùng chính cảnh sát trưởng Art Acevedo), đã bị đả
kích đến độ phải đưa ra tuyên bố chính thức làm rõ rằng sự xuất hiện của ông
chỉ nhằm phục vụ tín ngưỡng chứ không mang tính chính trị.
Thành viên của các tổ chức
thiên hữu người Mỹ gốc Việt, như Cộng đồng Người Việt tại Houston và các vùng lân cận
(VNCH), tin rằng họ đang đấu tranh với hiểm họa cộng sản mà họ đã chạy trốn khỏi
từ 45 năm trước. Một số hoạt động của tổ chức này mang tinh thần cộng đồng, ví
như lần phân phát khẩu trang và ba lô chứa nhu yếu phẩm cho người cao tuổi ở
Trung tâm Cộng đồng Người Việt. Qua nhiều năm, họ tổ chức các cuộc biểu
tình thường niên kêu gọi thiết lập dân chủ và trách nhiệm của nhà nước Việt Nam
trước những tai tiếng về lạm dụng nhân quyền.
Thế nhưng sau khi tấm bảng
quảng cáo của ông Nguyên được dựng lên, VNCH đã lên kế hoạch (và sau đó hủy bỏ)
một dạng sự kiện mới: một diễn đàn với mục đích “giải quyết vấn đề nhạy cảm” liên
quan đến tấm bảng phản cảm nói trên. Sự kiện còn trong trứng nước này nhanh
chóng bị cư dân mạng lật tẩy như một sự chống đối phong trào Nhân quyền cho Người
Da đen. Chủ tịch tạm quyền VNCH, Trần Quốc-Anh, nhấn mạnh rằng mục đích của diễn
đàn là để xúc tiến đối thoại giữa những người ủng hộ từ “cả hai phía” của vấn đề
và đạt đến một giải pháp hòa hợp, đồng thời nói thêm rằng sự kiện bị hủy do lo
ngại xảy ra bạo lực, sau khi dân biểu tiểu bang Gene Wu và Hubert Võ tổ chức một
cuộc phản biểu tình.
“Rất nhiều người Mỹ gốc
Việt tin rằng tổ chức Black Lives Matter (tạm dịch: Mạng Sống của Người Da Đen
quan trọng) là một tổ chức của cộng sản; và bởi vì có một vài thành phần bất hảo
gây ra hỗn loạn và hôi của, rất nhiều doanh nghiệp sợ những cuộc biểu tình - họ
muốn có pháp luật và trật tự,” thông điệp từ ông Quốc Anh thông qua email, nói
thêm rằng người Mỹ gốc Việt, hơn hết, hiểu rõ giá trị của sự tự do sau khi đã bị
mất một lần. “Những người đi trước đã đánh cược mạng sống của họ để đi tìm sự tự
do ở đây trên đất nước Hoa Kỳ. Liệu chúng ta sẽ đi về đâu nếu Hoa Kỳ rơi vào
tay của bọn cộng sản?”
Dù có đồng ý với ông Quốc
Anh hay không, điều quan trọng cần hiểu rõ đó là sự gian khó của thế hệ ông ấy
đã vượt qua và cái hệ thống đã phụ lòng tất cả chúng ta - bắt đầu từ giáo dục.
Tôi chưa bao giờ được học về Juneteeth khi còn là học sinh tại các trường tư thục
và công lập ở bang Texas là có lý do. Tôi không được nghe về 80 nhà lãnh đạo
người Da Đen của phong trào nhân quyền những người mà đã gỡ bỏ quảng cáo trên tờ
New York Times vào năm 1978 để yêu cầu việc nhập cảnh vào Hoa Kỳ cho người
tị nạn Việt Nam là có lý do - vào thời điểm lúc mà nhiều người Da Trắng đảng
Dân chủ, bao gồm cả Joe Biden, đã phản đối.
Khi ông Nguyên bắt gặp
hình ảnh của bức thư, được lan truyền trong cộng đồng người Mỹ gốc Á trong bối cảnh
của phong trào Black Lives Matter, ông đã nhận ra điều gì đó. “Vào năm 1978,
tôi chỉ là một đứa trẻ 8 tuổi trong trại tị nạn,” ông kể. “Sau khi xem đoạn
ghi hình của George Floyd, tôi nhận ra rằng việc giữ im lặng có nghĩa là đồng
loã.”
Người Mỹ gốc Á thường bị
lợi dụng như cái nêm chia rẽ những sắc dân da màu khác. Những người da trắng
thượng đẳng tung hô những người Mỹ gốc Á nhằm củng cố lập luận của họ chống lại
chính sách ưu tiên dân thiểu số (affirmative action); trong khi đó, họ cổ xuý
việc một tổng thống gọi COVID-19 là “kung flu” và đã cố trục xuất hàng ngàn người nhập cư Việt Nam đã sống ở đây
hơn nhiều thập kỷ. Cũng như việc chúng ta là một con tốt trên bàn cờ của người
Mỹ Da Trắng ở vùng Đông Nam Á, chúng ta cũng bị lợi dụng theo cách đó để hợp thức
hoá thể chế quyền lực người da trắng.
Khó mà phủ nhận rằng các
quyền tự do dân chủ mà những thế hệ đi trước đã liều mạng để có được giờ đang bị
đe dọa ở Hoa Kỳ. Nhưng một liên minh ngày càng đa dạng của những người trẻ -
bao gồm con em thế hệ đầu của những người dân tị nạn và nhập cư - đang đứng lên
chống lại sự bất công và đoàn kết với Black Lives Matter. Trong các cộng đồng của
người Mỹ gốc Việt, liên minh này bao gồm các thế hệ 8x, 9x và 10x, những người
có cả hiểu biết công nghệ số lẫn ngữ cảnh văn hoá để tiếp cận cha mẹ và người
thân của họ.
Trong thế hệ trẻ này, tấm
bảng quảng cáo của ông Nguyên là một dấu hiệu hiếm hoi của sự ủng hộ từ một thế
hệ đi trước không biết gì về ảnh chế và video tiktok. Tin tức về tấm bảng quảng
cáo trên đài phát thanh người Việt khiến cho phụ huynh của bà Hoàng Bảo Hương bất
ngờ hỏi về vấn đề của Black Lives Matter vào bữa trưa. Như thường lệ, bà nói,
bà tránh né bất kỳ cuộc nói chuyện về chính trị và không muốn nhắc đến bao
nhiêu năm hoạt động tình nguyện và tổ chức cộng đồng, sợ rằng sẽ khiến cha mẹ
mình buồn.
Bà Hương bộc bạch, “mẹ
tôi đã chia sẻ rằng càng suy ngẫm nhiều, bà ấy càng tin đó là một thông điệp tốt,”
“Mẹ tôi nói thêm, ‘nếu người Da Đen biết rằng người Việt Nam ủng hộ họ… có thể
họ sẽ giúp đỡ chúng ta và không ăn cắp chúng ta nữa.’ Tất nhiên là lý do có
phần ích kỷ này không chính xác là sự thức tỉnh mà tôi mong đợi. Nhưng thật sự,
đây là một bước tiến triển lớn của mẹ tôi.” Cô Bảo Hương nói tiếp rằng cha của
cô không nói gì cả mà lẳng lặng tiếp tục ăn. Nhưng đó cũng là một bước tiến, “so
với phản ứng thường lệ của ông là đứng dậy, la hét, và đi ra ngoài.”
Những cuộc đối thoại khó
khăn này là một phần trong cuộc đàm thoại cần thiết giữa những người Mỹ gốc Việt.
“Tôi tin rằng thông điệp ‘Black Lives Matter - stop racism’ trên bảng quảng
cáo đem lại cho tất cả chúng ta một cơ hội để ngẫm lại những gì trong tâm tư
chúng ta,” dân biểu Hubert Võ, người Mỹ gốc Việt đầu tiên và duy nhất
ở trong Cơ quan Lập pháp bang Texas, lên tiếng. “Tấm bảng quảng cáo có chủ
đích thể hiện sự ủng hộ cho việc đấu tranh chống lại kỳ thị chủng tộc. Một mục
đích khác nữa là khởi xướng các cuộc đối thoại về phân biệt chủng tộc và sự bất
công. Và có vẻ nó đã thành công.”
Khi tôi có dịp gặp ông
Nguyên đi uống cà phê ở Houston gần đây, ông ấy diện bộ đồ thường ngày: giày
cao bồi, quần jean xanh, và mũ lưỡi trai có hình lá cờ Mỹ. Sự chú ý trong nước
đã gây căng thẳng cho ông và cả gia đình ông - bạn bè đã tạo quỹ trên GoFundMe để giúp ông bù đắp sự thiệt hại trong việc kinh doanh
- cũng như những lời đe dọa và lời đồn, nhưng ông vẫn khẳng định rằng ông không
hề hối hận khi đã đăng bảng quảng cáo.
“Bởi
vì chúng ta yêu [Hoa Kỳ] và bởi vì chúng ta muốn đất nước này được tốt hơn, nên
chúng ta lên tiếng. Điều đó không làm cho chúng ta không yêu nước,” ông ấy nói. “Đó chính là điều ái quốc nhất
chúng ta có thể làm.”
Dịch thuật: Derek Phan, Tom Nguyễn, và Tegan Trần
Biên tập: Khoa Lê
No comments:
Post a Comment