Thursday 27 June 2019

PHẢI CHĂNG CẢ THẾ GIỚI ĐANG MẮC BỆNH TÂM THẦN? (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
June 26, 2019

Tuần qua chúng tôi sang Paris chơi. Tình cờ trong một câu chuyện với mấy anh bạn cũ về đám “áo gi-lê vàng” (gilets jaunes), một anh bạn bỗng nhận xét, có vẻ rằng người ta đã phát điên lên hết cả rồi.

Câu chuyện đến đó là chấm dứt, nhưng tình cờ đọc một báo cáo về số người mắc bệnh tâm thần tại Mỹ, tôi bỗng có cảm giác nhận xét của anh bạn là đúng.

Có quá nhiều thống kê cho thấy đời sống tại Hoa Kỳ đang càng ngày càng tốt hơn. Thất nghiệp xuống đến mức thấp nhất kể từ năm 1969. Các tội ác có bạo hành đã giảm hẳn so với những năm 1990, các thành phố như New York chẳng hạn, đã trở nên an toàn hơn bao giờ hết. Và tuổi thọ trung bình của người Mỹ đã dài thêm 9 năm vào năm 2017 so với năm 1960. Thành ra đời sống tinh thần của dân Mỹ phải tốt đẹp hơn so với trước mới phải.

Thế nhưng sự thực không phải vậy. Trong năm 2017, tại Hoa Kỳ có 47,000 người chết vì tự sát. Theo cơ quan Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Dịch Bệnh (U.S. Centers for Disease Control and Prevention – CDC) trong báo cáo công bố vào ngày 20 Tháng Sáu thì tỷ lệ tự tử tại Hoa Kỳ đã lên đến mức cao nhất kể từ Thế Chiến Thứ Hai. Và nó càng ngày càng trở nên tệ hơn. Tỷ lệ tự tử tại Mỹ đã gia tăng với tốc độ trung bình là 1% từ 2000 đến 2006 và 2% từ 2006 đến 2016.

Mặc dù tự sát là biểu hiện rõ rệt nhất của tình trạng khủng hoảng tinh thần, nhưng cũng có đầy những dấu hiệu khác.

Chết vì ma túy quá liều đã lấy đi 70,000 sinh mạng vào năm 2017, và 17.3 triệu hay 7% người Mỹ trưởng thành cho biết đã bị ít nhất là một cuộc khủng hoảng tâm thần lớn (depression)  trong năm 2018. Và tuy rằng tuổi thọ trung bình so với năm 1960 có tăng, nhưng nó đã đi xuống liên tục trong ba năm qua. Đây là lần đầu tiên có một chuyện giảm sút tuổi thọ như vậy kể từ lần chót trong Thế Chiến Thứ Nhất, từ năm 1915 đến năm 1918.

Tình trạng “suy thoái tâm thần” này có thể có nhiều lý do khác nhau, nhưng điều mà chúng họp lại là một tình trạng có thể là “dịch bệnh tâm thần” trên toàn nước Mỹ.

Nhưng phản ứng của chính phủ đã hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu theo như ý kiến của Paul Gionfriddo, chủ tịch Mental Health America, môt tổ chức vận động cho giải quyết vấn đề này.

Ông nói: “Người ta bỏ tiền vào việc xây các nhà tù hơn là chữa bệnh.”

Nhưng vấn đề này có vẻ không chỉ là vấn đề thuần túy Mỹ.

Theo một tài liệu nghiên cứu trên tập san y khoa The Lancet về tình trạng sức khỏe tâm thần trên thế giới thì Ấn Độ và Trung Quốc (cả hai chiếm đến một phần ba tổng số nhân loại) cũng bị vấn đề bệnh tâm thần trầm trọng. Không như ở Mỹ, trên 80% những người mắc bệnh này ở Ấn Độ và Trung Quốc không dám công khai tìm thầy chạy chữa. Và tài liệu này cũng bác bỏ luận điệu nói rằng sử dụng ma túy có thể giúp giải quyết vấn đề.

Việc sử dụng rộng rãi các loại thuốc chống trầm cảm tại Anh, Mỹ, Úc, Canada và các nước giàu có khác đã không dẫn đến việc giảm sút các trường hợp tâm thần như người ta hy vọng.

Tập san The Lancet cảnh cáo là các bệnh tâm thần có thể làm tổn hại cho kinh tế toàn cầu đến khoảng $16,000 tỷ từ 2010 đến 2030 nếu các chính phủ và doanh nghiệp không tìm cách giải quyết.

Các vấn đề bệnh tâm thần được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau biểu hiện cho nhiều trạng thái khác nhau bao gồm từ lạm dụng ma túy, tâm thần phân liệt, trầm cảm cho đến tự tử. Mỗi người, tùy theo các yếu tố di truyền, xã hội và môi sinh, có thể bị rơi vào các trạng thái khác nhau. Nhưng chúng không phải độc lâp mà gắn liền với nhau cũng như gắn liền với các vấn đề xã hội.

Hoa Kỳ hiện nay đang có một số vấn đề đặc biệt tạo ra căng thẳng ảnh huởng đến tâm thần: thu nhập trì trệ, chi phí y tế gia tăng, các loại thuốc chống đau ma túy opioids lan tràn sau một chiến dịch quảng cáo rầm rộ của các công ty dược phẩm; biến đổi trong cơ cấu công việc với những công việc đều đặn có phúc lợi mất dần để thay thế bằng những công việc loại “gig.” Tính chất phá họai của những kỹ thuật số mới, đi từ việc “bully” trên mạng cho đến sự cô độc của cá nhân trầm mê trong các môi truờng truyền thông xã hội cũng là một yếu tố quan trọng trong việc gia tăng số lượng tự tử của nhóm từ 10 đến 34 tuổi tại Mỹ. Ngoài ra còn có vấn đề, sự dễ dàng mua và sử dụng các loại súng tại Mỹ, vốn là tác nhân được dùng trong hơn một nửa các vụ tự tử tại Hoa Kỳ.

Tại Anh, Tháng Hai vừa qua, Cơ Quan Thống Kê Quốc Gia lần đầu tiên công bố những dữ liệu phối hợp thống kê kinh tế và tình trạng “hạnh phúc” đo lường cái gọi là “hạnh phúc” (happiness) và “hài lòng với cuộc sống” (life satisfaction) bên cạnh các con số truyền thống như thu nhập và tài sản. Những cố gắng đo lường mức sống tinh thần này bắt đầu vào năm 2010 khi Thủ Tuớng David Cameron tuyên bố chính phủ Anh sẽ tìm cách đo lường cả đời sống tinh thần bên cạnh đời sống vật chất. Thế nhưng có lẽ những cố gắng của chính phủ Cameron không giải quyết được tình trạng bất ổn tâm thần của dân Anh thành ra mới xảy ra hiện tượng Brexit. (Lê Mạnh Hùng)







No comments:

Post a Comment

View My Stats