Tuesday 25 June 2019

KÊU CỨU CHO NHỮNG TÙ CHÍNH TRỊ ĐANG TUYỆT THỰC CHỐNG BẠC ĐÃI TẠI TRẠI 6 THANH CHƯƠNG, NGHỆ AN (RFA)




RFA
2019-06-25

Thân nhân của tù nhân chính trị Trương Minh Đức công khai thư kêu cứu về tình trạng của những người đang phải tuyệt thực tại Trại Giam Số 6 Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ tù chính trị Trương Minh Đức và đơn khiếu nại. Photo: RFA

Thư kêu cứu đề ngày 23 tháng 6 do Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ tù nhân chính trị Trương Minh Đức ký tên và gửi đến Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Nghệ An và Bộ trưởng  Công an Tô Lâm.

Nội dung thư nói rõ việc Phân trại K2, Trại Giam Số 6 đang bức hại, đàn áp tù nhân chính trị. Theo đó thì vào ngày 20 tháng 6, bà Nguyễn Thị Kim Thanh đến Trại Số 6 để thăm chồng theo định kỳ. Qua cuộc thăm bị cắt phân nửa thời gian, ông Trương Minh Đức cho bà Nguyễn Thị Kim Thanh biết hiện thời tiết tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đang là mùa hè nóng bức, nhiệt độ trên 40 độc C. Thế nhưng nơi giam giữ các tù chính trị ở Phân trại 2, Trại Giam Số 6 bị tháo quạt điện.

Các tù nhân chính trị đã có đơn khiếu nại nhưng không được giải quyết nên họ đi đến biện pháp tuyệt thực. Việc tuyệt thực đến ngày 20 tháng 6 theo trình bày của bà Nguyễn Thị Kim Thanh đã kéo dài 10 ngày.

Bà Thanh cho biết tình trạng sức khỏe của ông Trương Minh Đức sa sút đến mức kiệt quệ không thể xách nổi những vật phẩm mà bà mang đến gửi cho ông.

Ngoài ông Trương Minh Đức còn các ông gồm Nguyễn Văn Túc, Đào Quang Thực được cho biết sức khỏe suy yếu.

Trong đơn bà Nguyễn Thị Kim Thanh yêu cầu Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Nghệ An kiểm soát việc giam giữ và tuân theo pháp luật của Trại giam Số 6; giải quyết khiếu nại của tù chính trị, chấm dứt ngay việc tước đoạt quyền lợi của tù nhân, bức hại tù chính trị.

Ký giả Trương Minh Đức và nhà hoạt động đồng thời là dân oan khiếu kiện Nguyễn Văn Túc là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ. Ông Trương Minh Đức bị kết án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế tại phiên xử ngày 5 tháng 4 năm 2018 ở Hà Nội cùng với 5 thành viên và cựu thành viên của hội này với cáo buộc theo điều 79 “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”

Hồi năm 2008, ông Trương Minh Đức cũng bị tuyên án 5 năm tù giam vì cáo buộc tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, theo điều 258 Bộ Luật Hình sự năm 1999.

Ông Nguyễn Văn Túc cũng bị án hai lần. Lần đầu vào tháng 9 năm 2008 khi tham gia Khối 8406 và có hoạt động biểu tình chống Trung Quốc, đòi hỏi đa nguyên- đa đảng để thay đổi cuộc sống đói nghèo của người dân. Lúc đó ông bị tuyên án 4 năm tù và 3 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’. Vào tháng 9 năm 2017, ông bị bắt lại rồi bị đưa ra tòa xử với mức án 13 năm tù giam theo cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.’

Ông Đào Quang Thực là một giáo viên tiểu học tại Hòa Bình. Ông bị bắt vì các bài viết đăng trên Facebook phản đối nhà máy thép Formosa xả thải gây nên thảm họa môi trường tại các tỉnh miền Trung. Ông cũng lên tiếng chống Trung Quốc chiếm biển đảo của Việt Nam. Ông bị bắt vào tháng 10 năm 2017 và tại phiên sơ thẩm vào tháng 9 năm 2018, Ông bị tuyên 14 năm tù và 5 năm quản chế với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’. Phiên phúc thẩm vào tháng 1 năm 2019, tòa giảm án cho ông 1 năm.

Tại Trại 6, Thanh Chương, Nghệ An còn có tù chính trị được nhiều người biết đến là ông Trần Huỳnh Duy Thức, hiện đang phải thụ án 16 năm tù cũng với cáo buộc ‘ hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.

*
*
Tin, bài liên quan
·         Vương quốc bóng đêm


----------------------------------------

Diễm Quỳnh
25/06/2019

Có bao giờ bạn tự hỏi, các Tù Nhân Lương Tâm đã chọn sự phản kháng ở trong tù bằng tuyệt thực để làm gì, và vì sao lại có chuyện tuyệt thực?

Tuyệt thực đã có trong lịch sử của loài người từ rất lâu, thậm chí hình thức này đã nằm trong ghi chép của luật pháp Ireland cổ xưa. Nếu ai đó nhận ra điều sai trái của bạn và tự mình nhịn đói đến chết trước cửa nhà bạn, đó là một món nợ danh dự và công lý suốt cuộc đời mà bạn phải gánh.

Tuyệt thực trong việc phản kháng, bất tuân dân sự thường bị các chế độ độc tài hay cộng sản bóp méo là một hình thái như “nằm vạ”, nhưng thực chất các cuộc “nằm vạ” đó cao quý ở chỗ là các yêu cầu của người tuyệt thực thường nhắm đến một quyền lợi chung của cộng đồng, hay công bằng xã hội. Tuyệt thực được giáo sư Sharman Apt Russell, tác giả của Hunger: An Unnatural History (tạm dịch Nhịn đói: Một lịch sử bất thường) dẫn ra với những ví dụ đáng kính trọng, và thành quả của nó đã thúc đẩy nền văn minh và nhân ái của con người.

Một trong những người tuyệt thực đầu tiên được ghi vào sử sách đầu thế kỷ 20, là trường hợp của bà Marion Wallace-Dunlop (1864-1942). Là người đấu tranh cho nữ quyền và yêu cầu cho phái nữ phải được quyền bỏ phiếu bầu như nam giới, bị bắt giam, bà đã từ chối các bữa ăn. Khi bác sĩ trong trại giam đến yêu cầu bà dùng đến các phần ăn, bà đã tuyên bố “Ăn, là một quyền tự quyết của tôi”. Bà đã được trả tự do khỏi nhà tù Holloway sau 91 giờ tuyệt thực.

Hiện nay, lực lượng công an CS đã biến chất, nó không còn bảo vệ an toàn cho nhân dân như ý nghĩa mà nó đã tự nhận lâu nay, mà ngày nay nó sẵn sàng thâu nạp côn đồ gây tội ác thay nó, nó sẵn sàng hóa trang thành côn đồ để trả thù dân, nó sẵn sàng tiếp tay cho buôn lậu, tiếp tay cho bọn buôn ma túy, sẵn sàng giết người nếu nạn nhân không chịu nhận tội nó tự ghép v.v. nghĩa là nó còn làm cho xã hội bất an hơn. Đổi lại, công an phải bảo vệ chế độ bằng mọi giá, dùng những thủ đoạn tàn độc nhất, làm những gì ác nhất để cho Điều 4 được “vững bền”.

Hiện nay nhà tù CS không coi những kẻ giết người ngoài xã hội là thành phần nguy hiểm, mà họ xem những người lên tiếng đòi đảng Cộng Sản từ bỏ độc tài lãnh đạo là thành phần nguy hiểm nhất. Người dân biết đòi lại sự tốt đẹp cho đất nước, biết đòi lại sự giàu có cho thế hệ tương lai, biết đòi CSVN chấm dứt nô lệ Bắc Kinh để đất nước trường tồn lại bị đảng xem là tội phạm nguy hiểm nhất. Trên thế giới, những nước tiến bộ người ta dùng nhà tù để tước bỏ quyền tự do của công dân nhằm răn đe, giáo dục và cách ly tội phạm với xã hội thôi. Nhưng với nhà tù CS thì khác, họ xem đây nơi trả thù người yêu nước.

Thực ra tù nhân lương tâm (tức tù chính trị) là những người yêu nước, dám nói lên sự thật để bảo vệ công lý và họ đã bị nhóm cầm quyền u muội gán ghép những tội trạng với mục tiêu duy nhất là để khủng bố. Phía sau những song sắt, khi không còn ai quan sát, những trò tiểu nhân nhất được áp dụng nhằm khủng bố tinh thần tù nhân. Mục đích là làm suy kiệt thể xác tù nhân để trả thù và để duy trì quyền lực độc tôn của lãnh đạo.

Trong quá khứ, anh Huỳnh Anh Trí bị nhà tù CS làm cho lây nhiễm HIV, và đến giai đoạn cuối họ trả anh về gia đình nhằm phủi bỏ trách nhiệm. Những điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho tù nhân, nhà tù tùy tiện cắt bỏ để tra tấn nạn nhân, và quan trọng hơn nó bào mòn nhanh sức khỏe và cướp dần tuổi thọ của những tù nhân lẽ ra là vô tội này. Nhà báo Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, anh Trần Huỳnh Duy Thức, v.v. đều đã phải dùng đến mạng sống để đòi yêu sách – tức họ phải tuyệt thực. Chuyện này đã làm cho dư luận xã hội lên án bao lâu nay, nhưng nhà tù này vẫn vậy, vẫn giữ nguyên thủ đoạn tước đoạt sức khỏe, tước đoạt tuổi thọ tù nhân như vậy.

Hôm 26 tháng Năm vừa qua có 4 người Tù Nhân Lương Tâm gồm Nguyễn Bắc Truyển, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Thái Bình, Lê Đức Động tuyệt thực từ ngày 13 tháng Năm, để phản đối vụ kỷ luật Nguyễn Văn Hóa không minh bạch và vi phạm pháp luật. Tiếp tục hôm nay ông Trương Minh Đức đang phải tuyệt thực ở Trại giam số 6, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Ông đã tuyệt thực 10 ngày để đòi hỏi nhà tù phải cấp quạt điện cho mình. Không có gì ác bằng dưới cái nóng đến 40 độ C mà không có quạt. Phải nói rằng, đây là hình thức trả thù rất dơ bẩn và rất man rợ trong thời đại văn minh này.

Trong môi trường bị bưng bít như các trại giam ở Việt Nam, mọi thông tin liên lạc từ ngoài vào trong và trong ra ngoài đều bị cán bộ kiểm soát chặt chẽ, những người bị đối xử bất công sau khi làm đơn theo đúng qui định của pháp luật mà không hề được đếm xỉa gì tới đành phải sử dụng phương thế cuối cùng là lấy mạng sống ra để đòi hỏi cho được những quyền lợi căn bản dù rằng họ đang phải ở trong nhà tù.

Ở bên ngoài trại giam, chúng ta có thể có nhiều phương tiện để có thể đấu tranh dưới nhiều hình thức; nhưng ở trong tù, người tù không có vũ khí nào khác ngoài bản thân của mình. Trong đó, ta có thể viết đơn thư khiếu nại… vẫn không có ai giải quyết, và cũng không có thể liên lạc với ai bên ngoài. Cho nên khi đối diện với những bất công trong nhà tù mà người tù muốn đấu tranh thì vũ khí tốt nhất và có thể cao nhất của người tù là chính mạng sống của mình bằng phương pháp tuyệt thực.

Khi bị dồn đến đường cùng trong trại giam, những tù nhân lương tâm phải nghĩ đến biện pháp sử dụng mạng sống của mình để chiến đấu và đòi hỏi những quyền lợi căn bản. Tuy nhiên, có mấy ai thành công như trường hợp của hai ông Cù Huy Hà Vũ và Nguyễn Văn Hải vừa qua. Tự thân người tù phải cương quyết, vững vàng; và rồi sự lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ của người thân và công luận bên ngoài cho thấy là một yếu tố quan trọng giúp họ thành công khi quyết định lấy mạng sống mình để đấu tranh – đó là phương pháp tuyệt thực.

Hầu hết những người đấu tranh bằng tuyệt thực muốn sử dụng mạng sống của mình như một cam kết sẵn sàng trả giá cho đổi thay. Tuyệt thực không có nghĩa là người tranh đấu muốn kết cục là cái chết, nhưng họ sẵn sàng chấp nhận cái chết, như một cột mốc để chính quyền xét lại tư cách cầm quyền của mình, trước sự giám sát và phẫn nộ của nhân dân.
Việc tuyệt thực trong lao tù cũng vẫn hay xảy ra. Bởi trong trại giam, khó có hình thức nào biểu tình được, ngoài tuyệt thực. Trong tù, chính phủ chính xác là nơi phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của tù nhân, nếu tù nhân chết, lời kết án sẽ nhắm vào chính phủ từ người dân cũng như các quốc gia khác đang có thông tin theo dõi về tình trạng trên.

Để xây dựng sự độc tôn, bảo vệ sự phá hoại của các lãnh đạo mà đảng Cộng Sản đã ra thủ đoạn trả thù tù nhân lương tâm. Napoleon đã nói: “thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác cuả những kẻ xấu, mà vì những sự yên lặng cuả những người tốt”. Mong mọi người cùng nhau để lên tiếng cứu lấy một con người. Một tiếng nói rất dễ nhưng có thể cứu được một mạng người. Mong rằng xã hội đừng thờ ơ. Xin mọi người đừng tiếc một tiếng nói để đánh động xã hội nhằm ngăn tội ác mà tập đoàn lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đang thực hiện sau song sắt nhà tù.

Diễm Quỳnh











No comments:

Post a Comment

View My Stats